Thursday 4 October 2012

CỔNG TRỜI CẮN TỶ - HỒI KÝ của KIỀU DUY VÌNH về NHÀ TÙ CỔNG TRỜI [Kỳ 11 - 12 - 13 - 14 - 15]





Kiều Duy Vĩnh
Wednesday, July 25, 2012 12:48:02 PM

Kỳ 11

Tôi bảo: “Hai phần ba là xương thì có.”
Anh cãi: “Cậu biết đếch gì, này lưỡi này tai, này mồm này má, này óc; xương không bao nhiêu đâu.”
Và anh nói đúng thật.
Anh nói xong nuốt nước bọt làm tôi thèm lây.

Những tháng rét, chúng tôi ăn sắn độn cơm và ăn lá bắp cải già nấu muối. Nói là 12 kg sắn gạo, nhưng có lẽ chỉ còn độ 9, 10 kg thôi. Lĩnh gạo ở mậu dịch về làm gì có cân đủ, về để ở kho chuột bọ lại hao hụt đi, phát đến nhà bếp còn độ 10 kg, nhà bếp lại giữ lại cháy để nuôi lợn nữa.

Lá bắp cải già đen, nấu trong chảo, cho muối vào nước đen sì có vị nồng, người ngoài nhìn không dám ăn nhưng chúng tôi ăn ngon lắm. Giá nhà bếp họ cho đủ mặn thì tốt quá. Nhưng muối cũng bị hạn chế, có li-mít. Chúng tôi thường đổ một bò nước vào canh để cho nó được nhiều hơn. Và húp hết canh rồi mới ăn đến cơm và những lúc đó tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, tại sao ở ngoài đời lại phải ăn cơm với thức ăn nhỉ. Cơm không cũng đã ngon lắm rồi hà tất gì còn phải thức ăn nữa.

Cơm ăn rất ít khi còn nóng. Vì từ nhà bếp lên đến buồng giam phải mất thời gian chừng hai tiếng đồng hồ. Này nhé: cơm ở chảo, xúc ra thùng. Ra thùng rồi, lại phải cân. Cân xong gánh để ở sân trại. Hôm nào mưa thì để ở hè. Trời rét cơm canh nguội rất nhanh. Quản giáo trực mở cửa từng khu một cho ra lấy cơm. Khu C trước, rồi Khu B, rồi mới đến Khu A. Ðến Khu A thì cơm đã nguội lắm rồi. Ðem vào buồng lại phải dằm nát ra để chia cho đều, cho công bằng. Chia bằng cân tiểu ly tự tạo từng xuất một. Thế là nguội lạnh hết cả. Ăn cơm xong coi như không ăn. Vì ăn vào lại thấy rét thêm. Hình như cơ thể phải tỏa ra năng lượng để hâm nóng cơm canh cho bằng với nhiệt độ ở trong người.

Quàng chăn vào mà ăn, ăn xong vẫn thấy rét. Cái đói và cái rét đi song hành với nhau. Cơ hàn thiết thân mà. Và những lúc đói rét đó, chúng tôi mong Tết đến lắm. Dù thế nào đi nữa, Tết ở các trại dưới bao giờ cũng có bánh chưng. còn được phát cả kẹo bánh nữa. Dù ít nhưng cũng gọi là có. Và vì vậy mà tôi mong Tết đến lắm. Tôi thèm một cái kẹo bột dỗ trẻ con quá đi mất thôi.

Tết đến may ra được một bữa no. Lại có thêm tí đường. Những ngày lễ 1-5, 2-9, tù có được ăn thịt trâu, bò, hoặc lợn. Tù hình sự gọi thịt là “mều.” Ðược dăm ba miếng thịt thêm mấy miếng lòng, thế là đời tươi rồi.

Những ngày ấy bụng tôi nó hơi lưng lửng. Chỉ riêng có Tết, cơm + canh + thịt + bánh chưng là tôi được gần no. Tôi luôn nghĩ đến câu: “Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết.” Nên cái bánh chưng phát chiều 30 Tết cùng tất cả kẹo bánh tôi dồn cả vào sáng mồng một. Ăn hết cơm canh thịt thà xong tôi bóc cái bánh chưng ra ăn tiếp. Hết cái bánh chưng tôi tráng miệng nốt chỗ kẹo bánh. Ăn liền một lúc. Vươn vai đứng dậy. Thế là hết Tết.

Ngay ở các trại dưới, Tết chỉ hai ngày, chỉ có hai chứ không có ba. Vì sáng mồng ba Tết đã phải đi làm rồi. Với tù, Tết bắt đầu từ chiều 30. Bữa chiều 30 Tết bao giờ cũng có lòng trâu lòng lợn, thêm tí thịt thủ, tý mỡ vào canh lá bắp cải già. Chả là sáng 30 Tết, trại làm thịt lợn, thịt trâu để cho Ban Giám Thị, Ban Chỉ Huy bộ đội gói bánh chưng.

Bữa sáng mồng một tù được ăn thịt hẳn hoi. Chiều lại ăn cơm rau như thường. Sáng ngày mồng hai lại được ăn một bữa thịt nữa. Chiều mồng hai lại ăn rau có thêm nước luộc thịt. Thế thôi. Thường thì tù vẫn còn đói.

Ðấy là ở các trại dưới. Trại Ngọc, Yên Bái; trại Da Thịnh, Tuyên Quang; Phong Quang, Lao Kay; Tân Lập, Phú Thọ; Tân Sơn, Lạng Sơn; và Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc...

Còn ở Cổng Trời năm đó, năm Nhâm Dần 1961...
Chiều 30 Tết. Rét cắt ruột, cắt thịt, cắt da. Bầu trời xám xịt ảm đạm đầy mây. Trại tù im ắng quá. Tôi đứng ở cửa sổ, nhìn qua song cửa gỗ lim, thấy anh Nguyễn Hữu Ðang đứng ở sân trại nói với phó giám thị trại quỷ xứ người Ðức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi lắng nghe lỏm bõm.
“Thưa ông, theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam thì đến chiều 30 Tết, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng gia tiên và ở các trại dưới tù cũng đều được cải thiện ăn thêm... Mong rằng ông cũng cho anh em chúng tôi...”

Có tiếng quát cao giọng ngắt đứt lời của anh Nguyễn Hữu Ðang.
“Không có gì cho các anh hết cả. Biết chưa. Cấm không được đòi hỏi, yêu sách lôi thôi gì... Cho thế nào ăn thế...”

Rồi quỷ sứ quay ngoắt người bước ra cổng trại và rồi chiều 30 Tết năm ấy vẫn lá bắp cải già nấu muối đen sì.
Không có gì hơn.

Hai ngày Tết trôi qua. Ðến sáng ngày mồng ba, Cố Hoàng làm một bài thơ vịnh cái Tết đó đọc cho tôi nghe. Thơ rằng:

Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay
Chiều 30 Tết vẫn ăn chay
Bánh chưng mong đợi thời không có
Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay
Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo
Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy
Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn
Khốn nạn thân tôi đến thế này...

Tôi vốn ghét những người làm thơ không hay. Khốn nỗi, những người làm thơ không hay lại rất hay làm thơ. Và đã làm thơ thì thế nào cũng níu kéo một người nào đó để đọc cho nghe. Tôi khổ sở vì phải nghe những bài thơ đó. Hồi nhỏ, tôi thấy thầy tôi ngồi cùng các vị túc nho hay chữ, lúc trà dư tửu hậu đùa cợt có nói câu:
“Ai mà nói dối, thì ăn câu đối cụ Nghè Bản” và các cụ cười ầm lên.
Tôi không rõ cụ Nghè Bản là ai và ở đâu. Nhưng suy luận ra chắc là câu đối của cụ thối lắm nên mới có câu nói cửa miệng đó.
Nó cũng như câu nói của Thánh Quát: “Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An.” Ấy đến bây giờ đây, ở đâu cũng thấy làm thơ, thơ hay đến không ngửi được cũng đăng báo, xuất bản thành tập làm khổ người xem, người đọc.

Hình như ở đất nước này, ai ai cũng thích làm thơ. Ngay thằng tôi đây, một người Việt Nam chân chính, tôi cũng mắc cái tật cũng làm thơ như ai. Nhưng vì tôi là con nhà binh, nên làm thơ chỉ đạt đến trình độ của mấy ông quan võ ngày xưa mà thôi. Nghĩa là:
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đấy

Còn tiếp

Kiều Duy Vĩnh
Thursday, July 26, 2012 1:35:59 PM

Kỳ 12

Hoặc:
Chẳng phải voi cũng chẳng phải trâu
Ấy là con chó cắn gâu gâu
Rồi tôi đọc cho cố Hoàng nghe. Toàn bộ thơ của tôi cố Hoàng sổ toẹt hết. Nói chẳng ra làm sao cả. Cố Hoàng bảo chỉ có mỗi một câu nghe được thôi. Ðó là câu:
Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư,
Tấm thân chìm nổi đến bao giờ
Cố Hoàng rất hay làm thơ và cũng ngâm lại cho tôi nghe. Giọng cố ngâm rất hay, cố lấy làm thích thú lắm. Ra cái điều tâm đắc. Nhưng cố Hoàng hát còn hay hơn nữa. Cố hay hát bài ca tụng các Thánh tử vì đạo của Cha Vinh (địa phận Hà Nội).
Nếu không có mẹ, ở nơi lưu đày...
Xin Mẹ hãy nghe lời con kêu van, khẩn cầu đau đớn
Và...
Dù gươm chém hay đầu rơi
Lòng vàng đá không hề phai...
Làm cho tôi thuộc đến tận bây giờ.
Và cũng như bài thơ Tết Nhâm Dần ở trên, cố cứ ngâm nga mãi, tuy rằng bài thơ không hay nhưng nó lột tả được toàn bộ sự thật đau xót khốn khổ của cái Tết tù năm đó. Vì không có bài thứ hai, nên tôi xin được phép chép lại, các vị cũng lượng thứ cho. Vì cái Tết của chúng tôi đúng như vậy đó. Chỉ được ăn một bữa, bữa trưa ngày mồng một Tết thôi. Mà đói vàng mắt ra, vì mãi đến tận một giờ chiều mới được ăn.
Mọi ngày chúng tôi ăn khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng. Riêng ngày mồng Một Tết, các quan còn bận ăn Tết nên không xuống mở cửa sớm. Mãi đến tận 10 giờ sáng mới xông đất mở cửa nhà bếp. Thế có nghĩa là ba tiếng đồng hồ sau, một giờ chiều chúng tôi mới được ăn cơm sáng.
Mười giờ sáng, mở cửa, phát cho mỗi người hai cái kẹo. Lại đóng ngay cửa lại. Sau khi tù khênh cứt đái ra ngoài đổ chúng tôi lại vào buồng ngồi chờ cơm. Trong khi chờ đợi thì thưởng thức hai cái kẹo ăn dỗ trẻ con và chịu khó nhịn đói đến một giờ chiều. Ðúng như lời trong thơ tả:
“Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy”
Và ba miếng thịt lớn bằng ba đốt ngón tay, và, của đáng tội, còn được thêm mấy miếng lòng nữa mà cố Hoàng không chép nhét vào trong bài Thơ Ðường đó được.
Bài thơ không được hoàn chỉnh lắm và có thể thất niêm thất luật. Nhưng nó đúng, đúng với sự thật đau xót Tết vẫn ăn cơm độn sắn, đắng ngắt. Nhưng cái kết không có hậu. Khốn nạn thân tôi đến thế này thì thật là mệt quá.
Tôi, tôi vẫn muốn có một happy end, vẫn muốn có Tiên Ðiền Nguyễn Du với nàng Kiều ở sông Tiền Ðường lên cho tái hồi Kim Trọng, tôi vẫn muốn sống và trở về tự do, về nhà cùng mẹ và vợ con tôi, nên tôi xin phép cố Hoàng cho tôi sửa lại câu cuối. Cố bảo thì sửa đi. Tôi sửa thành:
“Ước đến sang năm khác thế này.”
Cố gật đầu bảo: “Thôi cũng được.”
Thế là bài thơ đó như sau:
Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay
Chiều 30 Tết vẫn ăn chay
Bánh chưng mong đợi thời không có
Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay
Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo
Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy
Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn
Ước đến sang năm khác thế này.
Có thể là vì câu thơ cuối, mà cố Hoàng thì nằm lại chôn thân nơi đó, còn tôi may mắn trở về để viết lại câu chuyện này hôm nay chăng.
Xin hết.

1. Ðức Thánh tử vì đạo thứ hai mà tôi được gặp

Ðức thánh thứ nhất là tu sĩ Ðỗ Bá Lung từ Ngọc Ðông, Hưng Yên đã chết ở Cổng Trời còn đức thánh thứ hai này thì bị bức hại tàn ác dã man ở trại Phong Quang, Lao Kay.
Ngài tên là Lâm Ðình Túy người Nam Hà, giáo dân địa phận Bùi Chu. Ðức thánh này quyết liệt hơn, dứt khoát hơn, những điều mà Ngài Lâm Ðình Túy làm thì chỉ có một không có hai, trước không có và sau này cũng không thể có.
Trước ngài, chúng ta ai cũng ngả mũ cúi đầu kính cẩn nghiêng mình.

***

Tháng Năm 1972.

Mỹ bỏ bom tại miền Bắc Việt Nam. Ngày 10 Tháng Năm, cầu Long Biên lại bị đánh sập. Ðến chiều ngày 11 Tháng Năm 1972, tôi lại bị bắt lần thứ hai với tội phản cách mạng. Ðiều này không có gì là bất ngờ đối với tôi cả. Tôi đã chờ đợi nó từ năm 1971. Khi Tổng Thống Mỹ Nixon cho trực thăng đổ bộ xuống trại tù binh Mỹ ở Sơn Tây để hòng cướp lại các phi công bị bắt tôi đã thấy tôi bị theo dõi từng bước. Luôn có một cái đuôi theo tôi.
Và đến năm 1976, khi cầm lệnh tha, tôi đọc thấy quyết định bắt tôi kể từ Tháng Sáu năm 1971 thế mà mãi đến một năm sau tôi mới bị bắt kể cũng hơi muộn. Thiếu tá Công an Cường, thường gọi là Cường cao trực tiếp tới bắt tôi ở quê ngoại tôi: thôn Ðông xã Hội Xá, Gia Lâm nơi gia đình tôi chạy bom sơ tán về đó.
Lúc công an xộc vào nhà, tôi đang sửa soạn đi tắm. Tôi cười, bảo với Cường cao là để tôi tắm xong rồi hãy bắt đi.
Cường cao rất tử tế bảo:
“Thôi, anh Vĩnh vào Hỏa Lò rồi hãy tắm.”
Tôi bảo:
“Vào đó phải đến ngày đầu tháng mới được tắm chứ.”
Cường cao bảo:
“Tôi hứa là sẽ để anh tắm trước khi vào xà lim.”
Mẹ tôi và vợ tôi gào lên:
“Tội tình gì mà lại bắt người ta. Sao mà tàn ác thế. Ðã giết người cướp hết của cải rồi mà vẫn không buông tha.”
Cường cao ôn tồn bảo với vợ tôi:
“Chị bình tĩnh lại, yên tâm. Khi nào Mỹ chấm dứt bỏ bom chúng tôi sẽ cho anh ấy về.”
(Thế mà mãi đến năm 1976 sau khi chiếm được Sài Gòn một năm, họ mới tha cho tôi về).

Còn nữa


Kiều Duy Vĩnh
Thursday, July 26, 2012 1:41:25 PM

Kỳ 13

Tôi mặc quần áo đi theo Cường cao, ra đầu làng lên xe vào Hỏa Lò, vào ngục Cửu U vì phải đi qua chín lần cửa mới tới xà lim giam tôi. Với tôi Hỏa Lò quen thuộc quá.
Tôi đã trải qua tất cả các xà lim ở đó lần bị bắt trước. Giữ đúng lời hứa, trước khi tống tôi vào xà lim, Cường cao bảo quản giáo cho tôi đi tắm cẩn thận không giục giã gì. Tôi vốn con nhà binh, nên rất bình tĩnh trước mọi hiểm nguy, lần trước cũng như lần này. Tắm xong tôi ung dung tự tại ngồi thở Yoga chờ cơm.
Vì đã được nghe kể và đã rút kinh nghiệm từ lần trước, ngay ngày hôm sau, vợ tôi thăm nuôi tiếp tế cho tôi, muối vừng rất mặn, kẹo bột và chè lam. Mấy ngày đầu tôi không đến nỗi đói, và đã có chiều dài 10 năm tù trước, đã từng ở Cổng Trời, sức chịu đựng của tôi đã được tôi luyện nên tôi cứ ngồi thở Yoga. Ba bốn ngày trôi qua, chả có ma nào hỏi cung mình cả. Cường cao nghe nói hắc xì dầu lắm, mà sao lại lịch sự tử tế với mình thế.
Trước lúc vào xà lim, Cường cao bảo tôi:
“Anh chắc phải hiểu chứ, Mỹ lại bỏ bom. Vậy nên bắt lại anh là điều tất nhiên thôi. Chúng tôi buộc phải tháo cái ngòi nổ. Thôi, cứ đi trại ít lâu dừng ném bom là về.”
Anh ta lại còn nói tiếng Pháp với tôi nữa:
“Chắc anh lại mỉa chúng tôi: La raison du plus fort est toujours le meilleur chứ gì.”
Tôi im lặng vào xà lim không trả lời.
Một tuần trôi qua, rồi hai tuần. Cũng không ai hỏi han gì. Mà thực tình ra, còn gì nữa mà hỏi. Lần tù 10 năm trước khai báo ở ty Niết hết rồi. Lần này mới về được ít lâu thì lại bị bắt lại. Có gì để khai mà hỏi. Cũng mong đi trại cho nó yên một bề thế mà bỗng một hôm, được gọi lên hỏi cung. Mừng quá. Có dịp đi lại ra ngoài thở không khí.
Một cán bộ còn trẻ, ăn mặc chỉnh tề lịch sự. Hỏi toàn những chuyện đâu đâu: Bên Tây, bên Mỹ, bên Thái Lan và miền Nam. Tôi trả lời ấm ớ lửng lơ con cá vàng. và rồi đột ngột, tôi bảo là quên hết tất cả rồi. Anh ta vẫn rất từ tốn, bảo tôi cố nhớ lại, giúp cho anh ta có thể đánh giá chính xác đúng những con người ở xa xôi đó.
Tôi bảo:
“Tôi đang đói đây, đang ho lao đây, đang mệt rũ ra đây. Bây giờ là gần 11 giờ trưa rồi, tôi chưa được một hớp nước, chưa được một miếng gì cho vào bụng nên tôi đói lắm, mà dạ dầy đói thì không có tai để nghe. Xin để cho đến chiều hoặc mai. Ðưa tôi về xà lim nghỉ thôi.”
Tôi tưởng anh ta sẽ nổi cáu.
Nhưng không:
“Thôi được, anh về, mai tôi sẽ gặp lại.”
Sáng mai, tôi được gọi lên. Sau khi ngồi vào ghế, anh ta rút trong cặp ra hai cái bánh mì Badega kẹp thịt, một gói thuốc ho Rimifon, một bánh xà phòng thơm đưa cho tôi:
“Anh ăn đi. Còn các thứ này để dùng khi đi trại.”
Giọng nói, ánh mắt đầy sự tử tế. Tôi ung dung ngồi ăn hết hai cái bánh mì và chờ đợi những câu hỏi hắc búa. Nhưng không, thấy tôi ăn xong, anh hỏi:
“Tôi đã đọc kỹ hồ sơ lý lịch của anh rồi. Ðọc kỹ, nhưng chưa đầy đủ bằng gặp chính con người của anh. Hôm qua gặp, thấy anh nói bị đói và bị ho nên hôm nay tôi đem đến cho anh ít thuốc. Thế thôi nhé. Anh có thể về được rồi.”
Và anh ta gọi quản giáo dẫn tôi về xà lim. Tôi hơi ngạc nhiên trước sự việc đó. Lúc ấy là Tháng Năm 1972. Năm 1976 tôi được tha, đến năm 1979 tôi đang đạp xe đạp ở phố Lò Ðúc thì thấy có người gọi:
“Anh Vĩnh, anh Vĩnh.”
Tôi quay lại không nhận ra ai. Anh ta cười bỏ mắt kính ra, tôi liền nhận ra anh: người cán bộ hỏi cung đã cho mình bánh mì và thuốc.
Tôi mời anh đi uống bia, anh từ chối và bảo:
“Tôi rất mừng là thấy anh trở về mạnh khỏe thôi, tôi xin lỗi vì có việc bận không đi uống bia với anh được. Chúc anh khỏe và gặp nhiều điều tốt lành.”
Tôi cố nài mời anh, anh nhất quyết chối từ, bắt tay xin lỗi và đi. Tôi có hỏi tên anh, anh vờ như không nghe thấy và không trả lời. Cảm ơn anh.
Sau câu chuyện hỏi cung trên, tôi đi trại Vinh Quang (thuộc tỉnh Vĩnh Phú). Gặp lại một số người quen cũ, tay bắt mặt mừng, cứ như là đi phép trở lại đồn vậy. Kể cũng nực cười. Và chính ở trại này, tôi gặp một vị thánh tử vì đạo nữa: Lâm Ðình Tuy, người Nam Hà, giáo dân địa phận Bùi Chu.
Khi tôi lên trại Vinh Quang được ít lâu thì có một tu sĩ tên là Hiếu ở địa phận Thái Bình được thả về tự do. Nhưng chỉ độ ba tháng sau, lại thấy tu sĩ Hiếu bị bắt đem lên trại. Mọi người đều mừng mừng tủi tủi, và cũng coi như tu sĩ được đi phép về. Riêng giáo dân thì hồ hởi lắm. Hỏi ra thì mới biết là khi được tự do, Giáo Hội đã phong tu sĩ Hiếu làm linh mục và khi bị bắt lại Linh Mục Hiếu đã đem theo được “Mình Thánh” vào trại tù. Các tín đồ Thiên Chúa Giáo một mực rất kính trọng Linh Mục Hiếu, săn sóc, chăm nom cực kỳ chu đáo, có quà gì cũng đem biếu: một ấm chè ngon, một củ sắn luộc, vài cái bánh ngọt mới được tiếp tế.
Linh Mục Hiếu có dáng vẻ một trí thức nho nhã, trắng trẻo, đẹp trai, thông minh, trạc 35 tuổi. Một con người không có gì để chê trách, phàn nàn về mọi phương diện. Ăn ở, ứng xử với mọi người lúc nào cũng khiêm tốn, nhã nhặn tươi cười, hòa đồng với mọi lớp người trong tù không phân biệt chính trị hay hình sự.
Linh Mục Hiếu lên trại Vinh Quang lần thứ hai thì được Phó Giám Thị Cự công bố với toàn trại tù là ông cha đạo Hiếu này chính là một tên lưu manh chuyên nghiệp. Mọi người cứ há mồm, ngớ ra không hiểu.
Cự giải thích như sau:
“Hiếu là một tên vốn lười biếng, thích ăn ngon mà không thích lao động, một tên ăn bám xã hội, trông mẻ người anh ta thì thấy ngay là loại ăn trắng mặc trơn, ăn ngon mặc đẹp nên đi tu, làm nghề tôn giáo, lừa bịp các giáo dân để kiếm ăn. Thử hỏi, dưới chế độ XHCN của chúng ta, những người yêu lao động có thể nào chấp nhận phần tử ăn bám đó. Trí thức như Hiếu, thì giá trị không bằng cục cứt (trích Mao Trạch Ðông), mà trí thức gì cái anh ta: Học được mấy chữ “la tanh tưởi” đến nhà thờ rao giảng, lẽ thường ra khấn khứa thì cứ theo lối Việt Nam ta: gần bay là xa bay bổng mời các cụ về hưởng lộc cho con cháu. Nhưng y lại không khấn khứa như thế, y nói: 'Ca tê riom, ca thế dran,' ra cái điều cao siêu bí hiểm, nó có cái quái gì là bí hiểm đâu, nó là: cá trê rán, cá trê om nói trệch đi, thế thôi. Ðấy y lừa bịp các giáo dân như vậy đấy. Chỉ để kiếm miếng ăn như mấy lão thầy cúng chập chững ấy mà.

Còn nữa


Kiều Duy Vĩnh
Saturday, July 28, 2012 1:45:36 PM

Kỳ 14

Lần thứ nhất đã bị bắt tưởng vào tù đã cải tạo được, nên tha cho về làm người lương thiện. Nhưng vẫn chứng nào tật ấy, ngựa theo đường cũ, lại tiếp tục hành nghề nên phải bắt lại lần thứ hai.
Như thế là y đã tái phạm nhiều lần. Vậy thì y đích là tên lưu manh chuyên nghiệp rồi còn phải thắc mắc gì nữa.”
Phó giám thị Cự nói trơn tru láo liên như vậy với bộ mặt xám và lạnh, tù nghe không một ai dám cười cả. Còn tôi, tôi cứ ngớ cả người ra. Ðến ngay cả ở trại Cổng Trời cũng chưa thấy giám thị, quản giáo nào dám giải thích như vậy cả.
Hắn nói gì thì mặc hắn, chúng tôi để ngoài tai. Nhưng với ông Lâm Ðình Túy, thì những điều mà phó giám thị Cự nói làm cho ông khó chịu. Và ông lại tỏ vẻ khó chịu hơn khi thấy các giáo dân cứ quây quần quanh Linh mục Hiếu để ăn uống, chè chén, quá chu đáo.
Thế rồi một ngày Chủ Nhật nghỉ, nhân lúc các tín đồ và Linh mục Hiếu đang ngồi ăn uống chuyện trò vui vẻ thì bác Lâm Ðình Túy xuất hiện. Bác đứng trước mặt Linh mục Hiếu, chỉ tay nói với giọng giận dữ, Bác đọc một loạt những câu tiếng La Tinh ở trong Évangile cốt để cho Linh mục Hiếu nghe. Tôi không hiểu những lời đó có ý nghĩa mạnh mẽ ra sao, nhưng tôi thấy Linh mục Hiếu tái mặt đứng dậy bảo các con chiên giải tán, và từ đấy không thấy tập hợp nhau nấu nướng ăn uống gì nữa.
Sau chuyện này, cuộc sống ở trại Vinh Quang cứ lặng lẽ trôi. Có điều đối với riêng tôi, một đối tượng cần phải chuyên chính đàn áp thì mũi dùi của phó giám thị Cự luôn chĩa vào tôi. Vợ tôi lên thăm nuôi tiếp tế bị đuổi về không cho gặp và nhận.
Thỉnh thoảng tôi lại bị gọi lên lục vấn, chấn chỉnh đe dọa, và những buổi nói chuyện ở Hội trường đều bóng gió nói đến tôi: liệu hồn mà chịu phép cải tạo. Tôi được phân công vào toán già đan lát cùng với bác Lâm Ðình Túy.
Bác Túy gầy yếu xanh xao. Rất ít nói. Nhìn bác, tôi lại nhớ đến Tu sĩ Ðinh Hiền Lương, dòng tu ép xác Châu Sơn, tù ở Cổng Trời với tôi và đã chết. Ðầu cũng cắt ngắn gần như trọc, cả ngày chả nói một câu chuyện, cứ ngồi yên lặng lẽ nhìn, nhìn đấy mà chả nhìn thấy gì cả.
Nhưng có một điều rất khác. Rất khác là khi làm việc thiêng liêng, bất cứ vào thời điểm nào, ngay cả trong lúc đang làm việc ở ngoài đồng, ngoài trại, bao giờ bác cũng quỳ xuống, kính cẩn cúi đầu như ở trong nhà thờ làm lễ. Bác để hết tâm trí vào việc cầu nguyện, lúc đó coi như không còn ai ở chung quanh, kể cả giám thị trại, quản giáo, lính coi tù, bác vẫn quỳ xuống mà nguyện cầu, ngang nhiên làm như thường. Mà có cái lạ nữa là những giám thị và quản giáo không làm gì để ngăn cấm bác cả.
Khi tôi lên trại tù Vinh Quang thì mọi việc đã diễn ra như vậy rồi, và vẫn tiếp tục diễn ra như vậy, mọi người đều cho đó là một chuyện bình thường làm tôi rất ngạc nhiên khi tôi đem so sánh với những chuyện đã xẩy ra ở trại Cổng Trời lần tù trước (1960-1970). Tôi có tò mò hỏi một giaó dân cùng quê cùng xứ đạo với bác Túy thì giáo dân đã cho tôi biết là từ khi bị bắt lên đến trại giam Nam Ðịnh bác đã làm như thế rồi. Giam mãi ở xà lim, cùm mãi rồi lại phải thả ra, bác vẫn cứ thế. Cuối cùng, các ban giám thị ở trại dưới đành chịu thua bác, đành để bác như vậy, cho đi cùm ở xà lim thì chính ban giám thị lại mắc mưu của ông ta, ông ấy chỉ thích nằm xà lim thôi. Không bị ai quấy rầy, lại cơm bưng nước rót, cùm thì chân ông ấy chỉ bằng cái que tăm ấy, có cùm thì cũng như không. Thế là ban giám thị lại lôi ra bắt đi làm. Ông đi ra, nhưng không làm gì cả. Ðến chỗ làm là ông ngồi vào một góc rồi quỳ xuống cầu kinh. Xong thì lại ngồi im lặng nhìn. Rồi đi về trại. Thế thôi. Chắc là họ đã họp lên, họp xuống nhiều lần lắm rồi, để tìm một đối sách trị ông. Kết quả: là cứ đành để mặc ông ta như vậy. Nếu không chỉ còn một cách là giết ông ta đi mà thôi. Thời điểm giết ông thì chưa đến. nên mặc nhiên ông là người độc nhất trong trại được hưởng quyền ưu tiên như vậy.
Năm 1972 tôi lên trại Vinh Quang gặp ông, đã thấy ông như vậy. Cũng như tu sĩ Ðinh Hiền Lương, ông rất ít nói, ông hay ngồi tĩnh lặng để nghe và nhìn, và chắc ông nhìn và nghe được nhiều điều lắm, nên ánh mắt ông nhìn tôi có rất nhiều thiện cảm. Chắc hẳn ông biết tôi đã đi tù nhiều năm, đã từng ở Cổng Trời, nên đôi lúc có trao đổi với tôi một vài điều, chứ không phải là một vài câu chuyện, tỷ như:
“Trước ông Vĩnh có ở Bùi Chu à?”
“Vâng, năm 1951-1952 tôi có đóng quân ở Hành Thiện ở cùng với Tiểu đoàn Công Giáo số 16. Tôi đã có hân hạnh được gặp đức giám mục coi sóc địa phận Bùi Chu, Ðức Cha Phạm Ngọc Chi.”
Lần sau ông hỏi tôi:
“Ông có ở tù cùng với cha Hân không?”
“Có, tôi có được gặp cha Hân và được chứng kiến cái chết của cha Hân ở trong tù.”
Lần sau nữa:
“Ông cũng có biết tu sĩ Ðinh Hiền Lương dòng ép xác Châu Sơn à?”
“Vâng, tôi có ở trong tù cùng với tu sĩ Ðinh Hiền Lương và tu sĩ Lương đã chết ở Cổng Trời rồi.”
Ông hỏi ngắn gọn có thế, và chỉ cần tôi trả lời có thế, và thế là đủ.
Ðã là tù thì phần lớn đều phải thấy rằng:
Thứ nhất được tha, Thứ nhì tiếp tế, Thứ ba “ăn mềm” (thịt). Ðược gọi ra tiếp tế, mừng ra mặt. Bồn chồn mong cho chóng đến lượt mình để được gặp người thân và được ăn no. thế mà có lần tù ở phòng tiếp tế thăm nuôi vào gọi đích danh Lâm Ðình Túy ra gặp người nhà. Ông ngước mắt nhìn lên không đáp lại. Người gọi là một tù hình sự nên anh ta văng ngay ra:
“Ð.m, còn chần chờ gì nữa. Nhiều lắm, thấy một gánh nặng cật lực. Nhanh lên đi.”

Còn nữa


Kiều Duy Vĩnh
Sunday, July 29, 2012 1:44:12 PM

Kỳ 15

Ông lại ngước mắt nhìn, không nói năng gì. Và rồi ông không ra gặp người thân để nhận đồ tiếp tế. Ở đôi mắt hiền từ của ông, tôi thấy ánh lên một điều quyết định gì đấy, nó giống như ánh mắt tu sĩ Ðỗ Bá Lung ở Cổng Trời nhìn anh em trước khi đi xà lim và chết!
Thế rồi Tháng Mười Hai năm 1972, Mỹ bỏ bom B52. Tôi và một số phần tử nguy hiểm, trong đó có ông được lọc ra dẫn vào trại C sâu ở trong núi. Chúng tôi bị lùa tuốt vào một hầm ngầm đào sâu dưới lòng núi. Nếu bom Mỹ mà bỏ gần đấy, hầm sập là chết hết khỏi phải chôn. (Cái hầm này gần chỗ xà lim, giam phi công Mỹ, anh Phan Hữu Văn biết rõ vị trí này).
Ðược vài ngày, thấy tình hình quá căng thẳng, họ vội vã chuyển chúng tôi lên Lao Kay ở trại Phong Quang. Hết Vinh Quang rồi lại Phong Quang. Sao mà họ khéo đặt tên hay đến thế cho các nhà tù ở miền Bắc này. Nào là” Thanh Cầm Thanh Hóa: Ðàn xanh, nào Ba Sao Nam Hà: Ba vì sao sáng, nào Hồng Ca Yên Bái: Bài ca mầu hồng. Trại Ngọc: Ngọc ngà châu báu. Yên Hòa Phú Thọ: Yên vui hòa thuận. An Thịnh Tuyên Quang: An ổn và thịnh vượng.
Ði tù mà Vinh Quang, và ở chỗ Phong Quang thoáng mát, thì nhất rồi còn phải kêu ca phàn nàn gì nữa.
Nhưng thật ra cái nhà tù Phong Quang này ở tít trong cùng tận của rừng xanh, núi đỏ, sát biên giới Việt-Trung nơi tận cùng của đất nước mà lại là Phong Quang thì cái tài dùng chữ “mỹ từ pháp,” tài lừa bịp đã đạt tới mức siêu đẳng rồi.
Chúng tôi được chuyển từ trại Vinh Quang, lên Phong Quang, Lao Kay. Lên đến trại vào quãng nửa đêm. Trại ở sâu trong rừng và cũng phân ra A, B, C. Vì trại Cổng Trời được phong “Anh Hùng” nên các trại dưới đều phải học tập rút kinh nghiệm để noi theo.
Và nếu ta cho điểm Cổng Trời là 10 thì Phong Quang cũng được 7 hoặc là 8. Ở đây cũng ghê lắm. Có một quản giáo ác ôn tên là Tằng, người Thái Bình, mặt da tai tái, mắt ti hí mắt lươn lại hơi toét, to béo, khỏe mạnh, vũ phu, tướng của một tên côn đồ đứng bến xe, cười cười nói nói, chuyên gọi tù bằng thằng. Khi cần, môi mím lại, mặt tái dại hẳn đi, lúc ấy là có chuyện giết người đấy.
Chúng tôi đến trại được quản giáo Tằng tiếp đón chu đáo: đèn pin dọi vào mặt từng người, tay thọc ngay vào hạ bộ chộp lấy sờ nắn, khám xét.
“Thôi được, vào ngủ đi. Sáng mai sẽ hay.” Hắn bảo thế.
Và sáng hôm sau, tôi được chứng kiến một điều mà hai lần tù gần 15 năm tôi chưa thấy bao giờ, trước không có và sau này cũng khó có.
Một chuyện động trời.
***
Quản giáo ác ôn Tằng, cầm bản danh sách tù đi đầu, theo sau lưng là một tiểu đội súng ống và một lũ tù hình sự tay sai làm trật tự viên trong đó có một tên hung ác nhất tên là Nhạn, người Hải Phòng.
Theo thường lệ, tù được gọi đến tên, ôm đồ đạc ra trước mặt quản giáo, rồi để những tù hình sự trật tự viên lục lọi khám xét. Lần lượt như vậy. Cho đến lúc gọi tên Lâm Ðình Túy. Không thấy trả lời. Ác ôn Tằng cao giọng đến lần thứ ba rồi cáu quát:
“Nó đâu? Thằng Túy đâu. Câm hả.”
Trong lúc khám xét ai cũng lo lấy thân mình trông lấy đồ đạc của mình. Cũng chẳng biết ông Túy ở đâu để mà giúp đỡ cả. Lúc đó ông Túy đang quỳ ở một góc để làm việc thiêng liêng. Cũng như ở các trại dưới, như ở trong nhà thờ, ông quỳ xuống cúi đầu nghiêm chỉnh, đàng hoàng, đĩnh đạc cầu nguyện thành kính. Với ông lúc ấy không có ai ở chung quanh, không có chuyện gì xảy ra cả. Vì mới đến hồi đêm, nên chưa kịp bàn giao những gì chi tiết, và cũng chưa có thì giờ để đọc hồ sơ lý lịch từng người, nên hắn, quản giáo ác ôn Tằng, cực kỳ giận dữ trước sự việc dám coi thường hắn đến như thế.
Hắn đã gọi, gọi đến ba lần mà thằng tù không thèm đáp lại. Lâu nay có thế này bao giờ đâu: hắn nói mọi người phải răm rắp tuân theo, bây giờ lại có một thằng tù chính trị dám coi thường hắn. Ác ôn Tằng lừ lừ đi đến. Sau này tôi mới được biết là tù ở đây sợ hắn như cọp, hắn đánh tù không tiếc tay, tự tay hắn đánh, mệt, hắn sai tù tay sai đánh tiếp cho hắn xem cho hả lòng ác độc và đánh cho đến chết. Có một tù hình sự còn trẻ, không biết lúc hắn đi qua, đùa với bạn, giơ tay giả làm súng bắn, miệng kêu: tằng, tằng, tằng. Thế là phạm húy, bỏ mẹ rồi. Hắn gọi ra cho ăn đòn và ít lâu sau ngấm đòn chết. Thành ra ai cũng sợ. Nhìn thấy hắn là sợ rồi. Con người hắn toát ra tử khí. Thế mà Lâm Ðình Túy lại không biết điều đó.
Hắn lừ lừ đi đến.
Hắn nắm gáy ông lôi đứng dậy, ông vốn nhẹ cân và gầy yếu.
“Mày là thằng Túy. Sao tao gọi mày không trả lời hả?”
Ông nhìn hắn, từ từ quay người đứng thẳng dậy trước mặt hắn. Và thật bất ngờ đối với tất cả, ông giơ tay tát thật mạnh vào tên ác ôn Tằng, rồi ông lại từ từ quay người quỳ xuống tiếp tục làm công việc thiêng liêng của mình.
Chắc chắn là đối với tất cả những người đi tù ở miền Bắc này, từ xưa cho tới lúc ấy chưa có ai, chưa có bao giờ một người tù dám tát vào mặt quản giáo hay một người lính coi tù cả. Ðiều này xảy ra ngoài sức tưởng tượng của ác ôn Tằng nên hắn phản ứng rất là chậm chạp. Hắn đứng yên, hai tay thõng xuống mặt nghệt ra. Chúng tôi ngơ ngác bàng hoàng và chờ đợi. Ðây là chuyện động trời ở trong trại tù. Tù đánh quản giáo. Không phải là chuyện khi bị đánh thì chống lại, đánh lại mà lại ngang nhiên đánh tát vào mặt. 15 năm tù tôi chưa bao giờ thấy có chuyện ấy xẩy ra: Tù tát vào mặt quản giáo ác ôn và quản giáo đứng yên chịu trận.

Còn nữa











No comments:

Post a Comment

View My Stats