I. CHÁY NHÀ MỚI RA
MỌI NHẼ VÀ PHÉP “MUỐN ĂN GẮP BỎ CHO NGƯỜI”
Thế là rõ. Cháy nhà mới
ra… mọi nhẽ. Phía sau của mục đích đặt tượng Lý Thái Tông là đặt tượng
các chánh án của Tòa án Nhân dân Tỗi cao (TANDTC).
“Văn phòng TAND Tối cao
cho biết, đa số các ý kiến góp ý nhất trí với phương án xây dựng tượng các
chánh án TAND Tối cao là tượng bán thân dáng đứng, có chân đế.
Dự kiến tượng và khối phụ trợ được đúc bằng chất liệu đồng đỏ (nguyên
khối), chân đế tượng được làm bằng đá tự nhiên. Kích thước tượng dự kiến cao
2,2m (bao gồm cả tượng, khối phụ trợ và chân đế; trong đó phần chân đế dự kiến
cao 1,2m”.
Tượng vua Lý Thái Tông chỉ
là cái cớ. Đây là phép “Muốn ăn gắp bỏ cho người”.
II. ĐÃ LÀ TÒA ÁN
THÌ PHẢI QUANG MINH CHÍNH ĐẠI
1. Trong công văn
141/TANDTC-VP ngày 23/4/2020 đã ghi rõ là tượng vua Lý Thái Tông sẽ được “đặt tại
trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, và Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp”.
2. Kinh phí dựng tượng
vua Lý Thái Tông cũng đã được Nhà nước phê duyệt trong kế hoạch xây dựng trụ sở
TANDTC như ông Nguyễn Quang Ngọc thừa nhận:
“Được biết, thiết kế xây
dựng tượng nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử Việt Nam nằm trong kế hoạch
xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt”. Ông Nguyễn Quang Ngọc là Phó chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam, một
“quân cờ chính” trong ván bài “Chọn nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử
Việt Nam”.
3. Nhưng sau khi tiếp thu
ý kiến, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết:
– Chỉ đặt tượng vua Lý
Thái Tông duy nhất ở TANDTC.
– “Việc xây dựng tượng
vua Lý Thái Tông sẽ được tiến hành vào thời điểm thích hợp”.
– “ Và không sử dụng ngân
sách Nhà nước. Nếu xây dựng tượng thì cán bộ, công chức ngành toà án sẽ đóng
góp kinh phí”.
Lương của cán bộ, công chức
ngành tòa án, theo mức lương hiện hành, thì rất eo hẹp. Vậy mà phải quyên góp để
xây dựng tượng vua Lý Thái Tông thì có làm thêm khó khăn cho đời sống cán bộ
công chức nghành tòa án không? Hay rồi vẫn biến báo sử dụng ngân sách đã được
duyệt?
4. Muốn trở thành quan
tòa để ngồi trên công đường xử án thì phải quang minh chính đại. Quang minh
chính đại phải trở thành thuộc tính của các quan tòa. Ở ngôi vị của TANDTC lại
càng phải quang minh chính đại.
5. Tại sao Chánh án
TANDTC mới chỉ tiếp thu ý kiến của nhân dân chỉ một phần? Vẫn kiên trì đặt cho bằng
được tượng vua Lý Thái Tông tại TANDTC? Hứa không dùng tiền từ ngân sách nhưng
sẽ quyên góp?
6. Cho nên, không đặt tượng
của vua Lý Thái Tông tại TANDTC. Để không tiêu tiền từ ngân sách. Để không phải
quyên góp từ tiền lương của cán bộ công chức ngành tòa án. Để khỏi phải đối phó
với xã hội đến mức dối lời, làm mất tính quang minh chính đại của tòa án.
III. KHÔNG TẠC TƯỢNG
CÁC CHÁNH ÁN
1. Ngành tòa án Việt Nam
từ năm 1945 đến nay, chưa làm được gì xuất sắc cho nhân dân, nếu không nói là
còn rất nhiều khiếm khuyết. Vì đã để cho tình trạng án oan ngày một gia tăng. Số
lượng án không giải quyết kéo dài nhiều năm. Đưa đến nhiều oan trái cho nhiều
người dân trong nhiều năm. Đã có quá nhiều dẫn chứng mà không cần phải liệt kê
ra ở đây.
2. Các cựu chánh án TANDTC,
cũng từ năm1945 đến nay, chưa có ai ghi được những thành tựu xuất sắc để trở
thành huyền thoại. Đó là không nói đến phần khuyết điểm, để cho ngành tòa án xuống
cấp nghiêm trọng như ở mức hiện nay.
Vì ở dưới quyền điều hành
của chánh án mà đã để lọt nhiều quan tòa có trình độ yếu, đạo đức kém mà vẫn ngồi
xử ở công đường. Hậu quả là nạn ăn tiền trong xét xử trở thành quốc nạn, mang đến
oan ức cho nhiều gia đình.
Mức độ yếu kém của quan
tòa đã xuống đến đáy, đến mức như ông chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã xác nhận
“viết một đằng tuyên một nẻo”, phải mời người đến “dạy viết chính tả, từng lỗi chấm phẩy”, thì nói chi
đến trình độ để xử các vụ án phức tạp:
“Đặc biệt, Chánh án tòa tối
cao cũng chỉ ra nhiều trường hợp viết bản án cũng có lỗi về chính tả thậm chí
viết một đằng tuyên một nẻo. Hoặc có trường hợp 2 bản án cùng số, cùng ngày
nhưng khác nội dung khiến dư luận đặt câu hỏi về thẩm phán: “Ok thì nhẹ, không
ok thì nặng”. Đây là thách thức lớn khi sắp tới ngành tòa án sẽ công khai bản
án lên cổng thông tin.
Cũng theo Chánh án Nguyễn
Hòa Bình, trong năm 2017, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu
định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ
pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy…”.
3. Không có ông chánh án
nào của TANDTC trở thành huyền thoại cả. Bởi thế, không ông chánh án nào xứng
đáng được tạc tượng cả.
Tượng đài ở các nước là hậu
thế tôn vinh những huyền thoại. Dừng học theo, vì ngành tòa án Việt Nam hiện đại
chưa có huyền thoại. Đừng làm tốn thêm tiền thuế của dân.
IV. ĐỪNG BIẾN VIỆT
NAM THÀNH ĐẤT NƯỚC CỦA TƯỢNG ĐÀI VÀ LĂNG MỘ
1. Dựng tượng tiêu biểu
nghành, tạc tượng lưu danh các chánh án, có phải TANDTC đang muốn tiên phong mở
đường cho một xu thế làm suy yếu đất nước?
Nếu bộ nào cũng dựng tượng
các bộ trưởng, nghành nào cũng dựng tượng đầu nghành, thì đất Hà Nội đâu đủ chỗ
cho các tượng đây?
Những năm gần đây, hình
thành phong trào xây tượng đài. Cả nước xây tượng đài. Tốn kém vô kể về tiền bạc
và đất đai.
Những năm gần đây, hình
thành phong trào xây lăng mộ. Các quan càng to lăng mộ càng lớn. Có người lăng
mộ còn chiếm nhiều đất hơn cả vua.
Chế độ nào cũng dựng tượng
xây mộ như hiện nay thì Việt Nam không còn đất để cày cấy mà sống sót.
2. Không thể lưu danh cho
hậu thế bởi tượng đài và lăng mộ do mình tự dựng lên. Hậu thế sẽ dỡ bỏ nếu hậu
thế không tự nguyện tôn vinh.
3. Đề nghị TANDTC bỏ hẳn
việc dựng tượng Lý Thái Tổ và các chánh án tại Tòa án Nhân dân Tối cao.
Điều mà
TANDTC cần làm – là chấm dứt các án oan sai, chấm dứt hối lộ trong xử án, chấm
dứt án bỏ túi, chấm dứt chạy án, và loại bỏ các quan tòa dốt nát về trình độ,
băng hoại về đạo đức ra khỏi nghành tòa án. Lúc đó nhân dân sẽ tự động tôn vinh
ngành tòa án.
Đừng biến Việt Nam thành
đất nước của tượng đài và lăng mộ.
No comments:
Post a Comment