Mai
Vân -
RFI
Đăng
ngày: 30/04/2020 - 09:49
Trong lúc châu Âu, châu Mỹ điên đảo với nạn dịch, tử
vong lên đến hàng chục ngàn người, kinh tế đi vào suy thoái, hầu như một nửa
nhân loại bị phong tỏa, thì cuộc sống lại có vẻ bình thường tại các quốc gia
và vùng lãnh thổ láng giềng của Trung Quốc, ổ dịch ban đầu.
Heike Smidt, từng là
thông tín viên thường trú của RFI tại Bắc Kinh đã tìm hiểu tình hình tại 4
nơi có thể nêu gương chống Covid-19, đã biết đối phó nhanh chóng trước nạn
dịch: Đài Loan, Hàn Quốc,
Singapore và Hồng Kông.
Lược qua tình hình Heike
Smidt ghi nhận một số bí quyết thành công chính: Quản lý tập trung, kiểm
soát biên giới, buộc mang khẩu trang, xét nghiệm nhiều, cách ly nghiêm túc,
theo dõi từng trường hợp với các công cụ kỹ thuật số… Đây là những bí quyết
thành công có thể làm cho cả châu Âu lẫn Bắc Mỹ phải xấu hổ !
Không chỉ có
độc đoán mới chống dịch thành công!
4 quốc gia và vùng
lãnh thổ nói trên có một điểm chung: Họ đều đã biết đi trước, đề phòng
ngay trước khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trên đất họ. Đáng chú ý nữa là họ đều
là những nền dân chủ, cho thấy là không phải chỉ có những chế độ độc đoán mới
chống được dịch bệnh một cách hữu hiệu.
Một báo cáo 150 trang của
Viện Montaigne, Paris, tựa đề “Covid -19 : Đông Á đối mặt với đại
dịch - Covid-19 : L’Asie orientale face à la pandémie” - đã nêu bật
tình hình: "Các quốc gia và lãnh thổ này đã hành động căn cứ vào
giả thuyết là ngay tức khắc con virus mới sẽ truyền nhiễm từ người sang người,
không chờ đợi sự xác nhận chính thức của WHO ngày 22/01, và như thế đã tranh
thủ được một khoảng thời gian quý báu”.
Bài học Đài Loan
Đài Loan đã bất ngờ trở
nên “học trò giỏi nhất lớp” trong việc chống virus lây lan. Là một đối
tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, Đài Loan, với một phó tổng thống
là một nhà dịch tể học đã thấy ngay từ đầu là tình hình nghiêm trọng, trong
khi mà nhiều người xem nạn dịch này chỉ là một hiện tượng báo động giả.
Hòn đảo 24 triệu dân đến
ngày 27/04 đã ghi nhận vỏn vẹn 429 ca nhiễm và 6 ca tử vong, theo số liệu
công bố hàng ngày của đại học Mỹ Johns Hopkins. Nếu Đài Loan đứng đầu bảng
trong việc chống dịch Covid-19, đó là vì họ không quên nạn dịch Sars năm
2003: Sau Trung Quốc và Hồng Kông, Đài Loan có số nạn nhân cao nhất với
84 người chết. Từ khi ấy, Đài Loan vô cùng nghi kỵ Trung Quốc, một nước
vẫn xem đảo là một tỉnh của họ và vào năm 2016 đã ngăn cản không cho Đài
Loan tham dự các buổi họp của đại hội đồng Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
Ngày 31/12, Đài Bắc đã gởi
đến WHO một lá thư điện tử, thông báo có “ít nhất 7 trường hợp viêm phổi khác
thường ở Vũ Hán” dường như đang được “cách ly để chữa trị”. Thế
nhưng WHO đã phớt lờ lời cảnh báo. Trong lúc Bắc Kinh vẫn phủ nhận khả
năng virus lây truyền từ người sang người, Đài Loan bắt đầu đo thân nhiệt các
hành khách đến từ Vũ Hán, nơi mà virus lây lan.
Đài Bắc đã dự
phòng trước
Khi ca nhiễm đầu tiên xuất
hiện ở Đài Loan ngày 21/01, hai ngày trước khi Bắc Kinh cô lập Vũ Hán, chính
quyền Đài Bắc đã khởi động trở lại Trung Tâm Chỉ Huy Chống Dịch Trung Ương
(CECC), phụ trách các vấn đề khủng hoảng y tế, một cơ chế thiết lập từ thời
dịch Sars và rất hữu ích để phối hợp các biện pháp chống Covid-19.
Ngày 6/02, trong lúc thế
giới vẫn không tin là có nguy cơ đại dịch, Đài Bắc quyết định cấm nhập cảnh
hành khách đến từ Trung Quốc. Vào lúc đó, WHO vẫn khuyến cáo không nên
dùng các biện pháp này.
Thế nhưng Đài Loan kiên
quyết không muốn bị một chứng bệnh mà mình chưa hiểu thấu phá hoại, cho nên
đã tăng gia mức sản xuất khẩu trang từ 4 triệu lên 13 triệu mỗi ngày, và cấm
xuất khẩu, đồng thời cho xét nghiệm những người có triệu chứng nhiễm virus, bắt
buộc những khách đến đảo phải khai báo tình trạng sức khỏe để hạn chế tình trạng
mang virus từ ngoài vào. Chính quyền còn kiểm tra việc đi lại của những người
này trong thời gian 30 ngày trước khi đến đảo.
Ngoài ra, những người bị
cách ly được trang bị một điện thoại di động cho phép kiểm tra được sự di chuyển
của họ. Những người vi phạm quy định sẽ bị một khoản tiền phạt có thể lên đến
30 ngàn euro và danh tánh cùng dữ liệu cá nhân bị công bố, một hình phạt
gọi theo tiếng Anh là bêu xấu danh tính – “name and shame”.
Đây là những biện pháp rất
cứng rắn và có tính chất soi mói, bới móc đời tư, nhưng điều đó đã cho phép
Đài Loan tránh được biện pháp phong tỏa, các doanh nghiệp và cửa hàng
thương mại, nhà hàng, trường học vẫn tiếp tục được mở cửa.
Xét nghiệm “đại
trà” tại Hàn Quốc
Một tấm gương thành
công khác là Hàn Quốc, nơi mà những quy định về giãn cách xã hội khá được
tôn trọng và không phải vì đó là lệnh của chính phủ.
Tại Hàn Quốc, chính
chủ trương xét nghiệm đại trà dân chúng, với khả năng thực hiện 20.000 xét
nghiệm mỗi ngày, đã cho phép giảm mức độ lây lan. Tổng cộng đã có 500.000 xét
nghiệm được thực hiện. Và đến ngày 27/04, Seoul “chỉ” ghi nhận 10.738 ca nhiễm
và 243 ca tử vong.
Diễn tiến của dịch
bệnh nêu bật thành công của biện pháp xét nghiệm và theo dõi mà
chính quyền Hàn Quốc đề ra.
Vào cuối tháng Hai, dịch
bệnh bùng nổ ở Daegu, trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo Tân Thiên Địa. Chính quyền
ngay sau đó đã tự đặt ra một thách thức: Truy tìm, kiểm tra và cô lập 210.000
thành viên của giáo phái này cũng như người thân và những người có tiếp
xúc với những người đó. Chính quyền đã dựa vào cả một đội ngũ
các nhà điều tra dịch tễ học được các ứng dụng truy tìm kỹ thuật số hỗ
trợ.
Từ ngày 26/02, các trung
tâm di động đã xét nghiệm được rất nhiều người nhờ phương pháp xét nghiệm
ngay trên xe hơi (người được xét nghiệm vẫn ngồi trên xe), một sáng kiến đã
hết sức thu hút báo chí quốc tế. Ngày nay, các đơn đặt mua bộ xét nghiệm
Hàn Quốc đang đổ về từ khắp nơi trên thế giới.
Vào ngày 03/03, tổng thống
Moon Jae In tuyên chiến chống bệnh Covid-19, và quân đội được tung ra khử
trùng các đường phố và những khu vực bị nhiễm virus corona ở Daegu.
Hàn Quốc lúc đó vẫn
mở cửa biên giới, nhưng tăng cường các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ.
Mọi du khách đều phải đo thân nhiệt ngay từ giữa tháng Ba, họ phải ký một
tờ khai sức khỏe và thông báo cho chính quyền về các chuyến đi gần đây của họ.
Hành khách đến từ châu Âu được sàng lọc chặt chẽ ngay tại sân bay. Những người
bị xét nghiệm dương tính được chuyển ngay lập tức đến bệnh viện, còn các
trường hợp âm tính đều được đưa vào cách ly.
Seoul cũng sử dụng các
công cụ kỹ thuật số tinh vi để theo dõi các ca nhiễm đã được xác nhận và những
người đã tiếp xúc với người mang virus. Ngay cả các tờ tổng kết dịch vụ
ngân hàng, chính xác hơn dữ liệu điện thoại, cũng được sử dụng để kiểm tra
người nhiễm virus đã đến các cửa hàng nào.
Một ứng dụng di động cho
phép xác định vị trí của bất kỳ người bị cách ly nào, đồng thời cho
phép họ tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan y tế để theo dõi sự phát triển bệnh
tình của họ. Quyền truy cập các dữ liệu cá nhân này hầu như không bị tranh
cãi vì người Hàn Quốc biết đó là cái giá phải trả để có thể duy trì
được quyền tự do di chuyển mà không bị ràng buộc.
Singapore dùng
công nghệ Bluetooth tìm người nhiễm virus
Cũng như Seoul, Singapore
đặt cược trên các Đại Cơ Sở Dữ Liệu Big Data để ngăn chận nạn dịch và
đã thành công trong giai đoạn đầu. Nhưng ngày nay thì Singapore lại chịu một đợt
lây nhiễm thứ hai, buộc phải đóng cửa trường học, công ty không cần thiết kể từ
03/04 và trong vòng một tháng. Đến 27/04, Singapore ghi nhận 14.423 ca nhiễm và
12 tử vong.
Ngay 21 ngày trước khi
phát hiện ca nhiễm đầu tiên trên đất mình, chính quyền Singapore với kinh nghiệm
dịch Sars, đã đưa ra những biện pháp khắt khe. Tất cả những người đến từ Vũ Hán
phải chịu đo thân nhiệt và các chức sắc y tế yêu cầu bác sĩ nhận diện những
người có triệu chứng viêm phổi. Sau khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm virus ngày
23/01, chính quyền giới hạn nhập cảnh đối với những người từng qua Trung Quốc.
Cùng ngày 23/01 khi Trung
Quốc quyết định cô lập số 56 triệu dân Hồ Bắc. Singapore không muốn đi theo con
đường này mà chọn phân phát khẩu trang: 4 khẩu trang mỗi tuần cho mỗi hộ gia
đình, lấy từ kho Nhà nước.
Và cũng từ lúc ấy
Singapore bắt đầu theo dấu người nhiễm virus qua ứng dụng “TraceTogether”, bất
chấp vấn đề xâm phạm đời tư. Nhờ công nghệ Bluetooth, ứng dụng này nhận dạng
được tất cả những người sử dụng điện thoại thông minh đã có tiếp xúc với một
người được xác nhận bị nhiễm virus, và họ được thông báo qua tin nhắn SMS.
Hệ thống đă chứng minh kết quả hữu hiệu và giờ đây nhiều nước châu Âu,
trong đó có Pháp, đang nhòm ngó.
Lá bài minh bạch của
Hồng Kông
Tại Hồng Kông, 7 triệu
dân của đặc khu hành chánh đã được cảnh báo ngay từ khi có những thông tin đầu
tiên về một bệnh cúm bí ẩn xuất hiện ở Trung Quốc. Họ cũng đã kinh qua dịch
Sars làm 298 người chết tại đây, và dân Hồng Kông đã mang khẩu trang ngay lập
tức cũng như giữ khoảng cách an toàn.
Trong thời gian đầu,
tháng Giêng và tháng Hai, chính quyền Hông Kông đã khống chế được việc lây lan,
nhưng từ trung tuần tháng Ba, số người bị nhiễm tăng lên. Không có lệnh phong
tỏa ở nhà, nhưng đến giờ thì quán bar, karaoké hay nơi đánh mạt chược đều phải
đóng cửa, tụ tập nơi công cộng không được quá 4 người và kể từ 25/03,
Hồng Kông đóng cửa hẳn biên giới. Cho đến nay, đã có 1.037 ca nhiễm được xác
nhận và 4 người chết theo số liệu đại học Hopkins.
Nhưng Hồng Kông đã không
chậm trễ trong việc đáp trả dịch bệnh. Từ khi xuất hiện ca đầu tiên
“nhập” từ Vũ Hán ngày 22/01, chính quyền Hồng Kông theo dõi kỹ càng từng ca được
xác nhận hay nghi nhiễm virus. Những ca này bị cô lập ngay, tất cả các người tiếp
xúc với họ được truy tìm và bị giám sát y tế.
Kể từ ngày 27/01/2020,
người dân tỉnh Hồ Bắc bị cấm vào Hồng Kông và số chuyến bay giữa Hồng Kông và
Hoa Lục giảm một nửa. Ngày 08/02, tất cả những người đến từ Trung Quốc đều phải
chịu cách ly 14 ngày, biện pháp được mở rông ra ngày 19/03 cho tất cả những
người đến từ các nước khác. Khi vừa đặt chân đến sân bay thì họ dược trao một
vòng điện tử và bị cách ly. Ứng dụng “StayHomeSafe” cho phép cảnh sát và
cơ quan y tế theo dõi từng bước đi của họ.
Cũng như ở Đài Loan, Hàn
Quốc hay Singapore, những biện pháp này đã cho phép Hồng Kông tránh được
tình trạng lây nhiễm nghiêm trọng, bệnh viện bão hòa, và phải phong tỏa
hoàn toàn như 4 tỷ người trên trái đất hiện nay.
No comments:
Post a Comment