Tuesday 28 April 2020

MỘT BÀI VIẾT BÊNH VỰC TỘI ÁC THỦY ĐIỆN TRUNG QUỐC . . . (Nguyễn Tuấn Khoa)




Nguyễn Tuấn Khoa
28/04/2020

Trên trang Báo Sạch ngày 15/03/202 có bài “Tình Cảnh Mekong: Người Việt Nên Tự Trách Mình” của Đăng Khoa [1]. Tác giả cho rằng: Chính thủy điện (TĐ) ở Tây Nguyên, chứ không phải TĐ ở Vân Nam (Trung Quốc – TQ), mới gây ra thảm họa cho ĐBSCL. Nhưng thủ phạm lớn nhất là một nền giáo dục gieo hận thù đã làm cho người Việt “có thành kiến muôn đời với TQ”. Từ đó, người Việt trở nên quá khích, chỉ còn biết cách bày tỏ lòng yêu nước và giải pháp cứu DBSCL là “chửi bới và đổ lỗi cho TQ”.

Người Việt đừng trách ai hết mà hãy tự trách mình vì chính mình tự hại mình, đã vậy còn gieo tiếng ác cho người vô tội TQ.

Toàn cảnh đập trên dòng chính Mekong và trên phụ lưu. Nguồn: Bangkok Post

Bài viết với lối hành văn trịch thượng đã đạt được số like rất lớn và được chia sẻ nhanh chóng. Hãy xem ông Đăng Khoa lập luận ra sao:

SÔNG LAN THƯƠNG LỚN GẤP 10 LẦN SÔNG CỬU LONG VÀ GẤP 4 LẦN SÔNG ĐỒNG NAI:

Ông Đăng Khoa nói sông Lan Thương rất nhỏ, dòng chảy yếu, lưu lượng thua xa sông Đồng Nai. Ông không có số liệu chứng minh.

Thực tế, nếu Lan Thương nhỏ như vậy không thể đủ nước để 11 nhà máy thủy điện với tổng công suất 20,310 MW đang hoạt động với những con đập cao như tháp Eiffel. Tôi muốn thêm vào các yếu tố sau để cho thấy Lan Thương rất lớn:

a) Diện tích lưu vực: Lan Thương 165 ngàn Km2 (21%) lớn hơn Cửu Long là 15 ngàn Km2 (19%) theo Hydrology- Mekong River Commission (MRC) [2]. Và lớn hơn Đồng Nai 38.6 ngàn Km2- theo Wiki [3].

b) Tỷ lệ góp nước trung bình (TLGN): TQ 16% > VN (11%).

c) Tỷ lệ góp nước mùa KHÔ: vào mùa khô hạn, lượng nước chủ yếu là từ tuyết tan. TLGN TQ là 80% (đo tại trạm Vientiane) và 40% (đo tại trạm Kratie), theo MRC [4].

Như vậy, sông Lan Thương lớn hơn sông Cửu Long và sông Đồng Nai rất nhiều.

TỘI ÁC CỦA CHUỖI TĐ VÂN NAM LÀ KHÔNG THỂ CHỐI CÃI:

Ông Đăng Khoa cho rằng TĐ của TQ ở đầu nguồn “xa lắc” nên không thể gây hạn cho DBSCL. “Xa lắc” thay cho số liệu được ông viện dẫn để bảo vệ cho tội ác. Một lập luận rất dể dãi!

Thật vậy, tính từ 1993 đến 2019 TQ đã hoàn tất 11/14 đập. Khi đập đầu tiên Mạn Loan (1.500 MW, 1993) tích nước, mùa mưa năm 1993 mực nước sông Mekong xuống rất thấp, thấp hơn cả mực nước thấp nhất của mùa khô trong lịch sử. Cho đến khi sự xuất hiện đập Mẹ Tiểu Loan (4,250 MW, 2007) với hồ chứa 15 tỷ m3 rồi đập Nọa Trắc Đồ (5,500 MW, 2014) với hồ chứa 22.7 tỷ m3, mực nước sông Mekong đã giảm thấp hơn nữa và gây ra hạn mặn năm 2016 và liên tục cho đến hôm nay [5].

TĐ TÂY NGUYÊN CHỈ BẰNG 1/25 SO VỚI CHUỖI VÂN NAM VỀ DUNG TÍCH HỒ CHỨA:

Với cách hành văn khó hiểu, đặt ra nhiều câu hỏi thách đố thay vì giải thích, ông Đăng Khoa cho rằng:
– 3 con sông ở Tây Nguyên là Sekong, Srepok và Sesan tạo nên dòng chảy lớn nhất đổ vào Mekong với lưu lượng 13 tỷ m3/năm (chưa kiểm tra).

Điều này không đúng! Lưu lượng nước toàn Mekong là 475 tỷ m3/năm thì Tây Nguyên với 13 tỷ m3/năm chỉ đóng góp 0.03% thôi!

– TĐ Srepok 4, Srepok 4A đã bức tử sông Srepok.
Lại sai nữa! Sông Srepok hiện vẫn đủ nước cho 7 turbine đang hoạt động với tổng công suất 737 MW. Nếu bị bức tử thì không phát điện, đó là vấn đề rất lớn của an ninh năng lượng quốc gia. Thực tế, để tận dụng nguồn nước xả của Srepok 4 người ta làm thêm Srepok 4A (64 MW) nối với nhau bởi kênh dẫn dòng. Kênh dẫn này đã đoạt nước của sông Srepok một đoạn 10 Km (khu vực Bản Đôn bị ảnh hưởng) nhưng lại trả về dòng chính Srepok tại cửa xả của Srepok 4A, sau Bản Đôn [6].

– TĐ Srepok 1 và Srepok 2 góp phần bức tử sông Srepok.
Tôi muốn hỏi: 2 TĐ này ở đâu? Nó có hình dáng như thế nào? Ông Khoa không bao giờ trả lời được câu này vì trên bậc thang Srepok không có TĐ nào tên là Srepok 1 và Srepok 2 cả! [7].

– TĐ ở Tây Nguyên lớn hơn chuỗi Vân Nam và là tác nhân chính gây hạn ở ĐBSCL.
Đây là điều sai lớn nhất của bài viết. Tôi xin đưa số liệu dẫn chứng:

Góp nước của TQ là 16%, của VN là 11%; Tây Nguyên là một phần của VN sẽ ít hơn 11%, khoảng 6%-7%; câu hỏi khó dành cho ông Khoa: 7% và 16% số nào lớn hơn? Tại sao chuỗi Vân Nam 16% vô tội mà Tây Nguyên 7% có tội?

Ngoài ra, tôi đưa ra một so sánh để thấy rõ hơn: Srepok 4 (40 MW) giống như nhà sàn trên kênh rạch, A Lưới (170 MW) giống nhà 1 tầng trong khi đó đập Nọa Trác Đồ (5,850 MW) như tháp Eiffel với hồ chứa khổng lồ 23 tỷ m3.

– 10/11 đập Chuỗi Vân Nam có công suất 20,310 MW, dung tích hồ chứa 40 tỷ m3 [8].

– 10 đập Tây Nguyên có công suất 2,500 MW, dung tích hồ dưới 1.6 tỷ m3 [8].

Như vậy, TĐ Tây Nguyên bé nhỏ và sức phá hoại cũng không đáng kể so với Vân Nam.

BÊNH VỰC TỘI ÁC CỦA TRUNG QUỐC, LÊN ÁN NỀN GIÁO DỤC VÀ NGƯỜI VN

Ông Đăng Khoa lên án giáo dục VN:

– Không dạy rằng các con sông ở Tây Nguyên và Quảng Trị là phụ lưu của sông Mekong.
Thực tế, các phụ lưu của sông Mekong quá sức phức tạp ngay cả đối với kỹ sư Thủy Văn, họ chỉ tìm hiểu khi cần. Do vậy, đòi hỏi đưa kiến thức này vào chương trình phổ thông là không thực tế.

– Không dạy có bao nhiêu đập trên sông Srepok.

Đòi hỏi của ông Đăng Khoa là không thực tế! Biết để làm gì? Cứ khoảng 3-4 năm có 2 TĐ mới, không lẽ cứ sửa sách giáo khoa hoài?

– Đổ lỗi cho giáo dục Việt Nam đã đưa kiến thức sai trong môn Địa Lý rằng ĐBSCL khô hạn là do thủy điện TQ ở đầu nguồn.

Ông nói không đúng! Chương trình phổ thông không dạy điều này! Và nếu có có dạy như thế thì điều đó là quá đúng?

Không dừng ở đó, tôi thấy ông nói nặng nhắm vào những người phản đối bài viết của ông trên FB Nguyễn Đăng Khoa, [9]. Thậm chí ông ta lên án luôn cả Đại Sứ Quán Mỹ là người đã chỉ trích TQ trong Thông Báo ngày 16/04/2020 [10] vì gây ra cạn dòng Mekong. Ông cho rằng “Mỹ muốn lôi kéo người Việt Nam theo ý họ trong cuộc đối đầu Trung Cộng” [11].

                                                       ***
Đây là bài viết nhiều sai sót nhưng sai lớn nhất là ông Đăng Khoa đã bênh vực cho kẻ thù của dân tộc và lên án những người Việt yêu nước. Tại sao nó được cộng đồng mạng chia sẻ và tin cậy? Tôi viết bài này với mong muốn các bạn nào đã đọc và đã tin bài viết của ông Đăng Khoa nay có cơ hội đọc một bài viết với góc nhìn khác nhằm nhận rõ thủ phạm gây hạn-mặn của ĐBSCL.

---------------------

Tham khảo:


2. Hydrology (Mekong River Commission)

3. Sông Đồng Nai (Wikipedia)

4. Overview of the Hydrology of the Mekong Basin (Mekong River Mekong River Commission)














No comments:

Post a Comment

View My Stats