Monday 27 April 2020

ĐIỂM TIN : WHO LO NGẠI CÁC NƯỚC SAO NHÃNG TIÊM CHỦNG CHO TRẺ EM VÌ TẬP TRUNG VÀO COVID-19 (Luật Khoa Tạp Chí)






Các phiên cập nhật: 8:00 – 18:00 (giờ Việt Nam)

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

ĐIỂM TIN 8:00

WHO lo ngại các nước sao nhãng tiêm chủng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ em
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng giám đốc WHO REUTERS/Denis Balibouse. Ảnh: REUTERS/Denis Balibouse.

Tại một buổi họp trực tuyến tại Geneva ngày 27/4, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc cung cấp dịch vụ y tế, đặc biệt là cho trẻ em, ở những nước nghèo nhất trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng mạnh, theo những cách tồi tệ nhất.

Ông quan ngại rằng các nước sẽ sao nhãng chương trình tiêm chủng cho trẻ em khi hầu hết nguồn lực hiện nay đang dành cho việc chống dịch COVID-19. Theo ông, trẻ em vốn không bị lây bệnh COVID-19 nhiều, nhưng luôn là nạn nhân của những bệnh khác và cần phải có chủng ngừa. 

.
Toàn thế giới đã có hơn 3 triệu người nhiễm bệnh COVID-19
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Theo Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ) và hãng thông tấn Reuters, toàn thế giới đã có hơn 3 triệu người nhiễm bệnh COVID-19. Theo thống kê của Reuters, dịch bệnh bắt đầu khi Trung Quốc báo cáo 41 người nhiễm coronavirus vào ngày 10/1/2020 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Cho đến nay, với con số là có hơn 3 triệu người bệnh trong vòng bốn tháng qua thì bệnh COVID-19 đã lây lan mạnh hơn dịch cúm thường hằng năm rất nhiều. Theo WHO, mỗi năm thế giới chỉ có 3 đến 5 triệu người nhiễm bệnh nặng trong dịch cúm mùa. 

Còn trong tuần vừa qua, đã có 82.000 ca bệnh được báo cáo trên toàn cầu. ¼ trong số đó là đến từ Hoa Kỳ và 43% là từ châu Âu. Ngoài ra, thống kê cũng cho biết 1 trong 7 người nhiễm bệnh sẽ tử vong. Và con số người chết vì COVID-19 có thể là còn cao hơn con số được báo cáo, vì có những người chết mà có ít hoặc không có triệu chứng của bệnh này. 

Con số người mới nhiễm bệnh trên toàn cầu đã giảm xuống vào cuối tuần vừa qua và tháng Tư cũng đã giảm số người bệnh mới so với tháng 3/2020. Tại châu Âu, các nước Italy, Pháp, và Tây Ban Nha đều báo cáo con số người bệnh đã giảm xuống trong những tuần vừa qua. Nhưng các nước này đều báo cáo tới 2.000 – 5.000 ca bệnh mới mỗi ngày.
Hoa Kỳ báo cáo mỗi ngày có 30.000 ca bệnh COVID-19 mới trong tuần vừa qua và có 1/3 ca bệnh mới trên toàn cầu là ở Mỹ. Tuy vậy, các tiểu bang của Mỹ đang tìm cách mở cửa trở lại nền kinh tế khi có dự đoán cho mức thất nghiệp toàn quốc trong tháng Tư là 16%. 

Nhật Bản đã phải phong tỏa toàn bộ đất nước. Ảnh: Getty Images.

Còn tại châu Á, khi số người bệnh COVID-19 là dưới 7% trong tổng số toàn cầu, có nhiều nước đang chống đỡ với việc nhiễm lại bệnh. Ví dụ như tại Nhật Bản và Singapore, con số người nhiễm bệnh đã tăng trong tháng Tư so với những tháng trước. Thế nhưng, tại Nam Hàn thì con số người nhiễm COVID-19 đã giảm hẳn với 10 ca trong tuần qua. Trung Quốc vốn là nơi bắt đầu ổ dịch cũng đã tuyên bố không còn người bệnh COVID-19 tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc.

Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo mọi người rằng bệnh COVID-19 vẫn chưa chấm dứt. Con số người nhiễm bệnh tại Nam Mỹ và châu Phi vẫn đang tăng cao. Con số người bị bệnh tại Mexico tăng đến 7-10% mỗi ngày trong tuần qua và tổng số ca bệnh tại nước này là 13.800. Brazil cũng đã có hơn 60.000 người bệnh.

Tại châu Phi, 40% tổng số người bệnh tại châu lục này là ở những quốc gia Bắc Phi, trong đó có Morocco, Ai Cập, và Algeria. Ba nước này có thể là những nước sẽ có mức lây lan mạnh trong những ngày sắp tới.

.
Ủy ban Hạ viện Mỹ điều tra vụ Tổng thống Trump cắt tài trợ cho WHO
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: geo.tv.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã bắt đầu một cuộc điều tra vào ngày thứ Hai, 27/4/2020 (giờ Mỹ) về việc Tổng thống Donald Trump cắt tài trợ cho WHO. Ủy ban này đã cho Bộ Ngoại giao một tuần để cung cấp các tài liệu liên quan.

Chủ tịch của ủy ban này, ông Eliot Engel (Đảng Dân chủ) cho biết ông đồng ý rằng WHO có vấn đề và phải được cải tổ, tuy nhiên, việc “cắt tài trợ cho WHO khi thế giới đang chống trả thảm họa COVID-19 không hẳn là cách giải quyết”. Ông Engel đã viết trong một lá thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mike Pompeo.

Tổng thống Trump đưa ra quyết định hoãn tài trợ cho WHO vào ngày 14/4/2020. Lãnh đạo các quốc gia khác và Đảng Dân chủ đã chỉ trích quyết định này. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ Trump. Họ cho rằng WHO cần phải cải tổ vì đã quá “thân Trung Quốc” và phải bắt đầu bằng việc ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức.

.
Dịch bệnh COVID-19 làm chậm phiên tòa dẫn độ Julian Assange, sáng lập viên của Wikileaks
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange. Ảnh: AP.

Vào thứ Hai, 27/4/2020 (giờ Anh), thẩm phán Vanessa Baraitser tuyên bố vụ án dẫn độ người sáng lập trang Wikileaks, Julian Assange, về Mỹ sẽ phải hoãn lại. Trước đó, trong một phiên xử vào tháng Hai, các bên đã đồng ý sẽ ra tòa vào ngày 18/5 để tranh biện về việc có thể dẫn độ Assange về Mỹ hay không, với thời gian xử án là ba tuần. 

Tuy nhiên, vì dịch bệnh COVID-19 nên tại Anh hiện nay không có một phiên tòa nào cho phép các luật sư xuất hiện tại tòa án, mà chỉ được dùng điện thoại để có những buổi xử án trực tuyến. Thẩm phán Baraitser cho rằng một vụ án lớn như vụ việc này phải được đưa ra xét xử với các luật sư có mặt trực tiếp tại tòa. Phiên tòa cho việc dẫn độ Assange có lẽ sẽ diễn ra vào khoảng tháng 11.

Phiên tòa vào ngày thứ Hai vừa qua đã phải dùng phương pháp trực tuyến và những ký giả có mặt đã không thể nghe phiên xử vì những lý do kỹ thuật. Đó là một lý do khiến việc xử vụ dẫn độ không thể dùng phương pháp trực tuyến và thẩm phán phải yêu cầu luật sư có mặt tài tòa. 

Luật sư của Julian Assange cũng cho biết thêm là họ không gặp được ông trong suốt một tháng vừa qua mà chỉ có thể dùng điện thoại để trao đổi vì bệnh dịch COVID-19. 

Năm ngoái, Đại sứ quán Ecuador đã giao nộp Julian Assange cho nhà chức trách Anh quốc sau khi ông này tị nạn ở sứ quán đến bảy năm. Assange cho rằng việc nước Mỹ muốn xét xử ông là trái nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận. Hoa Kỳ cho biết họ không xét xử ông vì hành vi ngôn luận mà vì những thông tin ông nêu ra đã gây nguy hiểm, thậm chí là chết người, đối với những điệp viên hoạt động bí mật.

.
Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

·         Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:00 ngày 28/4/2020, trên thế giới đã có hơn 3 triệu người nhiễm coronavirus. Tổng số người bệnh là 3.036.770 và với 210.804 ca tử vong
·         Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 270 người, và không có trường hợp tử vong nào. 
.
Arab Saudi sẽ xóa án tử hình cho tội phạm vị thành niên
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Người biểu tình chống án tử hình diễn một cảnh xử tử hình ở Arab Saudi. Ảnh: Rex.

Theo báo Guardian, chỉ sau hai ngày công bố xóa án phạt bằng roi (flogging) thì Arab Saudi đã xóa án tử hình cho những phạm nhân vị thành niên. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Arab Saudi, ông Awwad Alawwad, thì việc xóa án tử hình cho trẻ vị thành niên được ban ra bằng một sắc lệnh hoàng gia. 

Theo đó, người phạm tội vị thành niên sẽ bị tuyên án không hơn 10 năm trong những trại cải huấn cho trẻ em (juvenile detention facility). 

Arab Saudi là một trong những quốc gia xử tử hình nhiều người nhất trên toàn thế giới, và những người đối lập tham gia biểu tình cũng có thể bị kết án tử hình. Trong năm 2019, quốc gia Hồi giáo này đã tử hình 187 người, theo một báo cáo chính thức.

Năm 2018, Arab Saudi đã bị rất nhiều quốc gia và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án mạnh mẽ vụ phóng viên Jamal Khashoggi bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người lên án về vụ việc cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman là người chủ mưu của vụ án. Thế nên, một số cải cách về hình phạt – như đánh roi và tử hình người vị thành niên – được đưa ra nhằm cải thiện hình ảnh của Thái tử Salman. 

------------------------------------------

Người Việt Online    -   April 27, 2020

NEW YORK, New York (NV) – Công ty Tyson Foods hôm Chủ Nhật, 26 Tháng Tư, lên tiếng báo động là “hàng triệu tấn thịt” sẽ phải biến mất khỏi nguồn cung cấp cho người dân Mỹ vì đại dịch COVID-19 đang xâm nhập vào các xưởng thịt khiến phải bị đóng cửa, dẫn tới tình trạng thiếu thịt  tại các chợ thực phẩm khắp nước Mỹ.

Theo bản tin của CNN hôm Chủ Nhật, chủ tịch hội đồng quản trị công ty, ông John Tyson, viết trong lá thư ngỏ đăng tải hôm Chủ Nhật trên các tờ báo The New York Times, Washington Post và Arkansas Democrat-Gazette lời cảnh cáo rằng “Nguồn cung cấp thực phẩm đang bị gián đoạn”.

Theo ông Tyson, do nông gia Mỹ nay không còn có nơi nào để bán gia súc của họ, nên “hàng triệu súc vật– gồm gà, heo và bò- sẽ bị tiêu hủy vì các cơ xưởng chế biến thịt của chúng tôi phải đóng cửa.”

Ông Tyson nói thêm rằng: “Sẽ xảy ra tình trạng sản phẩm của chúng tôi cung cấp cho các chợ thực phẩm bị giới hạn, cho tới khi chúng tôi có thể mở lại các cơ xưởng hiện đang bị đóng của mình.”

Công ty Tyson Foods, vốn có khoảng 100,000 công nhân, đã phải đóng cửa các xưởng chế biến thịt heo ở thành phố Waterloo, tiểu bang Iowa và Logansport ở Indiana hồi tuần qua, để các công nhân nơi này có thể được thử nghiệm COVID-19.

Việc đóng cửa cơ xưởng ở Waterloo diễn ra sau mấy tuần lễ có áp lực của công chúng. Mức sản xuất ở nơi này đã giảm trước đó vì nhiều người trong số 2,800 công nhân nơi đây gọi cho biết bị bệnh, phải nghỉ ở nhà.

Giới chức y tế địa phương nói có 182 trường hợp nhiễm COVID-19 ở xưởng của Tyson tại Waterloo, chiếm khoảng một nửa số ca bệnh tại quận hạt nơi này.

Đài CNN mới đây đã nói chuyện với ba nhân viên làm việc ở xưởng này. Họ bày tỏ sự lo lắng vì ban giám đốc xưởng không có các biện pháp để bảo vệ công nhân trước đe dọa của COVID-19. Một công nhân nói rằng việc giữ khoảng cách bên trong cơ xưởng là điều hầu như không thể làm được.

Khi được CNN hỏi về điều này, công ty Tyson Foods nói họ tẩy trùng các cơ xưởng mỗi ngày. Ông Tyson, chủ tịch hội đồng quản trị, cũng nói rằng công ty đang có biện pháp để bảo vệ công nhân, như đo thân nhiệt của họ và yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang.
Ông Tyson cũng nói thêm là công ty cũng trả tiền thưởng cho các công nhân trực tiếp liên hệ đến công việc sản xuất cùng các tài xế xe vận tải, và tặng thực phẩm cho các cộng đồng địa phương quanh nơi đặt cơ xưởng.

Một số xưởng thịt hay lò mổ lớn nhất của Mỹ hiện đang tạm thời phải đóng cửa sau khi hàng ngàn nhân viên thử dương tính với COVID-19.

Các xưởng thịt heo đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nhất, với ba nơi ở Mỹ hiện phải ngưng hoạt động vô hạn định là Smithfield Foods ở Sioux Falls, South Dakota; JBS Pork ở  Worthington, Minnesota; và Tyson ở Waterloo, Iowa.

Cả ba nơi này cung cấp tổng cộng khoảng 15% lượng thịt heo ở Mỹ. (V.Giang) (kn)

------------------------------------

Người Việt Online   -   Apr 27, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Hai, 27 Tháng Tư, nói ông có thể đòi chính quyền Bắc Kinh bồi thường thiệt hại do đại dịch COVID-19, vốn bùng ra ở thành phố Vũ Hán tại Trung Quốc rồi sau đó lan ra khắp thế giới.

Theo hãng thông tấn AFP, Tổng Thống Trump nói trong cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc rằng: “Chúng ta không hài lòng với phía Trung Quốc. Chúng ta không hài lòng về tình hình hiện nay vì chúng ta tin rằng sự việc đã có thế ngăn chặn ngay từ nơi phát xuất.”

Ông Trump nói thêm: “Dịch bệnh đã có thể nhanh chóng bị ngăn chặn và không lan ra khắp thế giới. Có nhiều cách chúng ta có thể khiến họ có trách nhiệm. Chúng ta đang tiến hành một số cuộc điều tra, như tất cả quý vị cũng biết.”

Tổng Thống Trump được hỏi về bài bình luận đăng tải trên một tờ báo ở Đức, theo đó kêu gọi Trung Quốc bồi thường cho quốc gia này số tiền $165 tỷ do các thiệt hại kinh tế vì đại dịch COVID-19.

Trả lời câu hỏi là liệu Mỹ có định sẽ có biện pháp tương tự, Tổng Thống Trump nói: “Chúng ta có thể làm điều dễ dàng hơn vậy rất nhiều. Đức đang xét tới một số biện pháp. Chúng ta đang xét tới một số biện pháp. Về phương diện tài chánh, chúng ta nói tới số tiền cao hơn ở Đức rất nhiều.”

Ông Trump nói thêm: “Chúng ta chưa xác định con số cuối cùng về phí tổn. Con số này rất lớn. Đây là thiệt hại của toàn thế giới chứ không riêng gì với Mỹ.”

Hiện có gần 1 triệu người nhiễm và hơn 55,000 người thiệt mạng ở Mỹ vì COVID-19, đại dịch cũng khiến nhiều cơ sở thương mại đóng cửa, làm hàng chục triệu người thất nghiệp. (V.Giang) (kn)





No comments:

Post a Comment

View My Stats