Nguyễn
Quang Duy
Viết từ Melbourne
Ngày 30/4/1975, miền Bắc và miền Nam có 2 cách tính
giờ khác nhau, giờ Sài Gòn đi trước giờ Hà Nội 1 tiếng đồng hồ.
Đọc các bài viết về ngày
30/4/1975 có người dùng giờ Sài Gòn có người dùng giờ Hà Nội, có bài viết chỗ
dùng giờ Hà Nội chỗ dùng giờ Sài Gòn, bài này tôi cố gắng chuyển sang giờ Sài
Gòn cho bạn đọc dễ theo dõi.
Hai chiếc xe tăng
9 giờ 30 sáng 30/4/1975,
quân Bắc Việt vượt cầu Sài Gòn, binh sĩ miền Nam kháng cự dữ dội, có ít nhất 4
xe tăng và hằng trăm bộ đội chết trong trận này.
Khoảng 10 giờ 30 sáng,
máy phát thanh liên tục phát lời Đại Tướng Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ ngừng
bắn sửa soạn bàn giao cho phía bên kia.
Cầu Sài Gòn là mũi tiến
chính của quân Bắc Việt, trước hỏa lực quá hùng hậu của đối phương, súng hết đạn
binh sĩ miền Nam rút dần.
Ba xe tăng Bắc Việt vượt
cầu Sài Gòn, tìm đường đến dinh Độc Lập, một chiếc bị bắn cháy ở cầu Thị Nghè,
hai chiếc còn lại chạy lạc đường phải nhờ người hướng dẫn.
Chừng 11 giờ 45 chiếc xe
tăng mang số 843 chạy tới Dinh Độc Lập húc vào cổng phụ bị đứt bánh xích nên kẹt
không vào được.
Chiếc tăng số 390 đến sau
ít phút húc đổ cổng chính chạy vào trước tiên, nhưng vì là T59 sản xuất tại
Trung Quốc, nên trong một thời gian dài phải nhường công chạy vào Dinh trước
cho chiếc T54 mang số 843 sản xuất tại Liên Xô.
Chuyện hai lá cờ…
Lá cờ xanh đỏ sao vàng của
Mặt trận Giải Phóng Miền Nam đầu tiên được cắm trên nóc dinh Độc Lập là lá cờ
treo trước mũi xe tăng mang số 843 do Trung Úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận lấy
xuống và mang lên nóc Dinh treo.
Số phận lá cờ vàng ba sọc
đỏ của Việt Nam Cộng Hòa một thời gian dài được Hà Nội đưa tin là từ nóc Dinh
được ném xuống đất, sau này mới biết được Trung Úy Bùi Quang Thận cẩn thận giữ
riêng làm kỷ niệm.
Trong bộ phim tài liệu về
ngày 30/4/1975, đóng vào đầu tháng 5/1975, ông Bùi Quang Thận mang một lá cờ
xanh đỏ sao vàng rất to, không phải là lá cờ cắm trên chiếc xe tăng mang số
843.
Số phận lá cờ xanh đỏ sao
vàng được ông Thận đầu tiên cắm trên nóc Dinh Độc Lập không rõ ra sao, vì nó vừa
cũ vừa nhỏ nên ngay trưa hôm đó được thay thế bằng một lá cờ mới và lớn hơn...
Xém đụng trận ngay
trước Dinh
Phóng viên Boric Gallasch
chứng kiến một số binh sĩ miền Nam rời khỏi Dinh Độc Lập, có thể ông không biết
các binh sĩ này do 1 thiếu tá Tiểu Đoàn trưởng Lôi Hổ phụ trách phòng thủ sân
bay Tân Sơn Nhứt đến Dinh để hỏi rõ về lời kêu gọi ngừng bắn và bàn giao của Đại
Tướng Dương văn Minh.
Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh
cho biết cánh quân này không chấp nhận đầu hàng, họ chỉ rời đi ít phút trước
khi hai xe tăng 843 và 390 ủi sập cổng Dinh Độc Lập.
Tại Tân Sơn Nhất cánh
quân này vừa bắn cháy 3 xe tăng Bắc Việt, nếu hai xe tăng 843 và 390 biết đường
chạy thẳng đến Dinh đã đụng độ với cánh quân nói trên và lịch sử có thể đã khác
đi.
Ở một số địa điểm như Tân
Sơn Nhất, trại Hoàng Hoa Thám, Bộ Tổng Tham Mưu,… một số binh sĩ miền Nam vẫn
kháng cự cho đến khi Đại Tướng Dương văn Minh đọc Tuyên Bố Đầu Hàng.
Còn ở các nơi khác vì lực
lượng cộng sản quá hùng hậu, binh lính miền Nam rút về phía trung tâm Sài Gòn,
đến khi nghe tướng Minh kêu gọi ngừng bắn thì tự động buông súng tan hàng hay
buông súng khi thấy sự xuất hiện của quân miền Bắc.
Không máy ghi âm…
Phóng viên cho tờ báo Đức,
Der Spiegel kể lại Đại tướng Dương văn Minh định thu băng lời Tuyên Bố Đầu Hàng
nhưng vì không tìm thấy chiếc máy ghi âm nên mới phải sang Đài Phát Thanh.
Ông TizianoTerzani viết:
“nhân viên (Dinh Độc Lập) bỏ trốn mang đi tất cả những gì họ có thể cuỗm”.
Sang Đài Phát Thanh cũng
không tìm thấy máy ghi âm nào, ông viết: “Toà nhà cũng vừa trải qua những
trận hôi của.” nên cuối cùng phải dùng chiếc máy ghi âm nhỏ của ông để thu
lời Tuyên Bố đầu hàng.
Nhận xét của ông thiếu
công bình cho những người miền Nam, vì đa số các nhân viên Dinh Độc Lập hay Đài
Phát Thành khi ấy đều muốn bỏ của cải họ gầy dựng bao năm để chạy thoát cộng sản.
Những chiếc máy ghi âm vừa
gọn, vừa nhỏ, vừa lạ, vừa quý, là kỷ niệm tiếp thu Sài Gòn, người bộ đội có thể
mang về miền Bắc khoe với gia đình.
Xin đừng nghĩ xấu cho họ,
đó là việc làm bình thường của những người chiến thắng cần có chút gì làm kỷ niệm,
nhờ thế Trung úy Bùi Quang Thận mới giữ lá cờ vàng ba sọc đỏ trong suốt 20 năm.
Đạn lạc…
Xe tăng, xe thiết giáp,
quân xa chở lính miền Bắc đổ về dinh Độc Lập mỗi lúc một đông, những tràng súng
chỉ thiên mừng chiến thắng nổ vang trời, khói súng mịt mù.
Người lính Bắc Việt thuộc
tiểu đoàn 7 bộ binh tên Tô Văn Thành đang ngồi trên thành xe tăng bị trúng đạn
rớt xuống đường, chết ngay trước dinh Độc Lập.
Báo chí đưa tin ông Thành
bị Biệt kích dù 81 từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao bắn chết, nhưng đạn lạc thì
đúng là nguyên nhân dẫn đến cái chết kết thúc trận chiến kéo dài trên 20 năm.
Vị quốc vong thân…
Nhắc đến 30/4/1975, không
nhắc đến năm vị tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú,
và Lê Nguyên Vỹ và các binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà tuẫn tiết quả là điều thiếu
sót.
Tại thành phố Melbourne,
nơi gia đình tôi đang sống, những anh hùng vị quốc vong thân được thờ trong Đền
Thờ Quốc Tổ và có Tượng Đài để ghi nhận ân đức những người đã chiến đấu bảo vệ
miền Nam tự do trong hơn 20 năm.
Đoàn quân cuối
cùng…
Nhà tôi ở Bàn Cờ chỉ cách
Dinh Độc lập chừng 4 cây số, khoảng 12 giờ trưa những tiếng súng mừng chiến thắng
làm mọi người tưởng lầm là cộng sản đang đánh chiếm Dinh.
Đến 1 giờ trưa, Đại Tướng
Dương Văn Minh lên Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng, bà con lối xóm đều vui vì
chiến tranh chấm dứt, nhưng lại lo âu khi nghĩ đến tương lai.
Chừng 1 giờ 30, chính mắt
tôi chứng kiến một đội lính Việt Nam Cộng Hòa chừng 20 người đủ mọi binh chủng
đi đầu là một sĩ quan Dù rất trẻ mang súng lục, những người đi sau súng ống đầy
đủ, hàng ngũ chỉnh tề, tiếp tục bảo vệ người dân khu phố.
Những người lính cộng hòa
chỉ tan hàng khi thấy bóng dáng của bộ đội cộng sản, chính nhờ họ Sài Gòn mới
được chuyển giao một cách bình yên cho Quân đội miền Bắc.
Những người cộng sản
đầu tiên
Chừng 2 giờ trưa, tôi đi
bộ ra đường Phan Đình Phùng, súng ống và quần áo quân nhân rải rác hai bên đường,
dân chúng đã bắt đầu đổ ra đường, vẫn chưa thấy bóng dáng của những người cộng
sản vào tiếp thu khu vực.
Tôi chuyển sang đường Hồng
Thập Tự, hướng về Dinh Độc Lập, đã thấy một số bộ đội cộng sản trên những xe
Jeep với lá cờ xanh đỏ sao vàng.
Một số biệt thự chủ nhân
đã di tản bị hôi của, bộ đội bắn chỉ thiên giải tán, nhưng không dám đến gần
đám đông để tịch thu đồ vật.
Tôi đến Dinh Độc Lập sau
3 giờ chiều, bộ đội miền Bắc đã đóng quân trong và ngoài Dinh, dân Sài Gòn đến
xem bộ đội miền Bắc khá đông.
Những bộ đội với nón cối
và dép râu những thứ mà tôi chưa hề gặp, họ đều rất trẻ, vui vẻ trả lời những
câu hỏi với cùng một giọng điệu, cùng một bài bản được học tập trước ngày tiếp
thu Sài Gòn.
Tôi đi thẳng ra Chợ Sài
Gòn chứng kiến cảnh sinh hoạt bắt đầu trở lại, quanh Dinh Độc Lập và Chợ Sài
Gòn đã bắt đầu có những trao đổi bằng tiền Hồ Chí Minh, Sài Gòn là vậy, vừa
thoát chết là có người nghĩ ngay đến bán buôn.
Tôi nghe những tiếng nổ lớn,
như đạn súng cối, từ phía Dinh Độc Lập, tiếp theo là những tiếng súng đủ loại.
Sau này nghe kể thì có người nói là hai cánh quân cộng sản bắn vào nhau mà
không rõ lý do gì (?).
Tôi vội quay về nhà, trên
đường về tôi chứng kiến những xe tăng và quân xa bộ đội, có thể, đang trên đường
chuyển quân về miền Tây.
Ngay cuối đường Hồng Thập
Tự gần ngã sáu Cộng Hòa, một chiếc xe tăng bị bắn cháy, tôi không nhớ xe tăng
phía bên nào.
Tối xem truyền hình, người
xướng ngôn viên nói tiếng Nam khuôn mặt đằng đằng sát khí, hùng hổ đưa tin về
Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng.
Ngày hôm sau, xướng ngôn
viên khác xuất hiện trên truyền hình với khuôn mặt và giọng nói ít cộng sản
hơn, nhưng tin tức thì cũng vẫn một giọng tuyên truyền, khác hẳn với tin tức thời
Việt Nam Cộng Hòa.
45 năm nhìn lại…
Chỉ sau hai ngày Sài Gòn
thất thủ, chỉ sau hai tháng miền Bắc tiếp thu miền Nam, Việt Nam bước sang một
trang sử mới.
Cả nước tiến nhanh, tiến
mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa, một xã hội chưa ai hình dung được
hình dáng của nó, không tiến được thì lùi, cộng sản đã lùi về cách quản lý kinh
tế thời Việt Nam Cộng Hòa.
Giá trị vật chất có thể
phục hồi, nhưng giá trị tinh thần như niềm tin, giáo dục, văn hóa, thể chế, tự
do, dân chủ và nhân quyền của người miền Nam đã mất khó có thể phục hồi.
Ngày 30/4/1975, các cán
bộ của Quân đội Nhân dân VN không muốn nói chuyện bàn giao với 'ngụy quyền'
mà bắt Đại tướng Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện.
Người cộng sản
ngày nay phải công nhận phần nào thế chính danh của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng vì
từ chối không để VNCH bàn giao nên mất đi sự nối tiếp, sự thừa kế Hoàng Sa, Trường
Sa, Biển Đông theo công pháp quốc tế.
Từ góc nhìn đó, ngày
30/4/1975 cũng đã không để lại dư âm tốt về thống nhất quốc gia và lòng người
trên cả nước Việt Nam.
------------------------------------
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang
Duy ở Melbourne, Australia.
Tin liên quan
No comments:
Post a Comment