Phạm Hồng Sơn
chuyển ngữ
Dịch giả gửi tới Dân Luận
30/04/2020
Cuộc tấn công “thần tốc” của quân đội miền
Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn, và kết thúc vào ngày 30 tháng Tư năm
1975, đã kéo theo một thảm họa nhân đạo chưa từng xảy ra đối với nhân
loại kể từ sau Thế Chiến II. Thảm họa này được thế giới gọi tên “Boat People” (thuyền nhân),
cái tên đã trở thành lịch sử. Nhưng thảm họa thuyền
nhân – bỏ nước ra đi - đã diễn ra nhiều ngày trước 30/04/1975
và vẫn còn tiếp diễn cho đến tận hôm nay, dù bằng những hình thức
khác, với những bi kịch khác, như vụ tất cả 39 người Việt đã cùng
chết ngạt trong một xe tải trên đường trốn vào Anh tháng 10/2019. Lịch sử thuyền nhân
Việt Nam chắc chắn vẫn còn kéo dài chừng nào cái chính thể
đã chiến thắng vào ngày 30/04/1975 còn tồn tại.
Cuốn sách L’exode
vietnamien – les réfugiés de Pulau Bidong của Patrice
Franceschi, ấn hành 08/1979, là một nỗ lực quí giá ghi lại đoạn
đầu lịch sử thuyền nhân của người Việt Nam chúng ta.
Đây là một lịch sử không đáng hãnh diện nhưng không thể và không nên
chối bỏ hay quên lãng.
Nhân dịp 30-04, xin mời
quí vị xem một vài thông tin có tính phóng sự, thống kê trong cuốn
sách này về Thuyền Nhân.
Người dịch và tóm lược : Phạm Hồng Sơn,
25/04/2020
* * *
Chắc chắn ngày 15
tháng Sáu năm 1979 sẽ được các sử gia tương lai ghi nhận là một trong
những mốc quan trọng trong lịch sử của những người tỵ nạn Việt Nam.
Bởi vào ngày này toàn thế giới mới bắt đầu thực sự mở to đôi mắt
để nhìn vào những thảm cảnh đã diễn ra trên các vùng biển gần bờ
tại Biển Đông. Trong bốn năm, đã có hàng trăm ngàn người Việt bỏ
nước ra đi trước sự thờ ơ ráo hoảnh của công luận quốc tế. Có mấy
ai biết trước thời điểm này đã có khoảng 100 tới 200 000 người đã
chết đuối giữa biển khơi trên đường trốn chạy khỏi Việt Nam?
Số người tỵ nạn cứ
tiếp tục tăng dần lên, chen chúc trong các trại dựng tạm ở Thái Lan,
Indonésie, Mã Lai, Philippines và ở nhiều nơi không mấy ai biết. Thi
thoảng báo chí cũng có vài dòng cho biết lại xảy ra một thảm cảnh
chìm thuyền nghiêm trọng hơn thảm cảnh mới xảy ra, một cuộc họp
thượng đỉnh ở đâu đó hay một vài quyết định nào đó. Thậm chí một
bài báo còn viết rõ “ở đó đang diễn ra một chuyện không bình
thường”. Nhưng chẳng có mấy ai để ý đến những vụ chết chóc đó.
Thảm cảnh người tỵ nạn Việt Nam bỏ nước ra đi đã chìm nghỉm trong
biển cả thông tin hàng ngày của thế giới với muôn vàn sự kiện.
Mọi sự hẳn sẽ còn
tiếp diễn như thế, với số người tỵ nạn chết đuối cứ chồng lên trên
biển hay sự đau khổ của họ cứ kéo lê trong các trại tỵ nạn, nếu như
không có sự xuất hiện của con tàu Đảo Ánh Sáng (Île de lumière)
[i] và nhất là nếu không có ngày 15 tháng Sáu năm 1979 - đồng loạt
các nước có trại tỵ nạn tạm cư tuyên bố sẽ đẩy tất cả hàng
ngàn thuyền nhân ra biển khơi vì các quốc gia của họ
đang khốn đốn. Lời đe dọa hóa ra lại biến thành tiếng kêu cứu đánh
thức con người. Bỗng nhiên, người ta biết rằng 300 000 thuyền nhân đang
sắp bị giết chết. Đây chẳng còn là vấn đề trục trặc trong việc
giải quyết dòng người di cư nữa, mà là một cuộc thảm sát holocauste mới
đang chuẩn bị thực hiện, công khai và ráo riết ngay trước mắt công
luận.
Như để chứng minh không
phải đe dọa suông, chính quyền Malaisie đã tăng cường các cuộc xua
đuổi và cho đăng tải các con số hàng ngàn thuyền nhân đã
bị xô ra ngoài bể. Chính quyền Thái Lan còn mạnh bạo hơn, họ đẩy
người tỵ nạn Cambodge về lại xứ sở gốc dù biết rõ hậu quả sẽ là
cái chết. Ở châu Âu, công luận hét lên: Ôi, Khủng khiếp!
Ngày 15 tháng Sáu năm
1979, lương tâm của phương Tây, cả chính quyền lẫn dân thường, đã thức
tỉnh trước thảm họa thuyền nhân.
* * *
Tại trại Pulau Bidong
(Malaisie), mười lăm ngày đầu của tháng Sáu vẫn diễn ra mọi sự buồn
khổ giống như gần 300 ngày trước đó. Trong thời gian này đã có
khoảng 30 thuyền tỵ nạn cập đảo đưa tổng số thuyền tỵ nạn tới đảo
lên thành 450 và tổng số thuyền nhân trên đảo lên con
số 42 000 người trên một diện tích 1,2 km2. Có lẽ đây là
nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới.
Trên tàu Đảo Ánh
Sáng, công việc cứu chữa bệnh tật cho thuyền nhân vẫn
tiếp tục. Tới nay, nhóm bác sỹ tình nguyện thứ ba người Pháp đã
tới luân phiên thực hiện công việc nhân đạo này. Ngoài chuyên môn y tế,
những người tình nguyện còn phải đối mặt với những vấn đề đã diễn
ra từ trước: Giới chức Mã Lai ngày càng cay nghiệt với thuyền
nhân. Những con thuyền tỵ nạn mới vẫn cố tiến gần tới Đảo Ánh
Sáng trước sự cảnh giới, xua đuổi của các cảnh sát Mã Lai. Một
lần, trong đêm, một con thuyền mỏng manh đã thoát được sự vây bắt của
giới chức Mã Lai và cập sát vào Đảo Ánh Sáng. Người trên thuyền cho
biết có nhiều thuyền nhân đang bị bệnh hoặc bị thương.
Trước tình cảnh này, thuyền trưởng Herbelin đã quyết định đưa hết
mọi người từ thuyền lên Đảo Ánh Sáng. Nhưng cảnh sát đã lao tới
phản đối các bác sỹ. Viên chỉ huy ra lệnh phải trả lại ngay lập tức
tất cả các thuyền nhân cho họ. Herbelin trả lời rằng
anh là người có toàn quyền quyết định trên Đảo Ánh Sáng và không
thể đẩy những thuyền nhân ốm yếu, thương tật này ra
biển khơi, tất cả sẽ chết mất. Đứng trên Đảo Ánh Sáng, các dây thần
kinh của cô y tá trẻ Guylaine Martin, người Pháp, chạy dần dật. Chứng
kiến cảnh tượng ngang trái ngay từ đầu, Guylaine Martin, giận điên
người, đã khạc và nhổ một bãi nước bọt vào thẳng toán cảnh sát.
Để tránh rắc rối, thuyền trưởng Herbelin đã phải giải thích ngay
rằng người phụ nữ này là một bệnh nhân bị viêm phế quản từ lâu và
rất hay khạc nhổ. Toán cảnh sát dường như đã tin ngay vào lời giải
thích. Nhưng để chắc chắn hơn, để buộc cảnh sát phải chấp nhận để
300 thuyền nhân ở lại Đảo Ánh Sáng, anh thợ máy cùng
vài thủy thủ khác đã nhanh chóng dùng một chiếc rìu đục thủng một
lỗ to vào lòng thuyền của thuyền nhân. Thần chết đã bị
đuổi đi trong gang tấc!
Ngày 15 tháng Sáu đã tới: ông phó Thủ tướng Mã Lai M. Mahathir
tuyên bố thẳng rằng 76 000 “di dân bất hợp pháp” đang tạm trú trên đất
nước của ông sẽ bị đẩy ra ngoài vùng biển quốc tế và chính quyền
sẽ ra luật mới để ngăn tất cả các thuyền nhân mới.
Trong những ngày tiếp
theo, không một thuyền tỵ nạn nào cập đảo Pulau Bidong. Giới chức Mã
Lai đã thực sự xua đuổi thuyền nhân. Họ còn tiến hành sửa
chữa, đóng mới các tàu thuyền cần thiết để đưa thuyền nhân trong
trại ra biển. Để tránh bạo động, họ tung tin để những người sắp
chết tin rằng ở ngoài khơi các tàu Mỹ đang chờ họ.
Tại Pháp, ủy ban “Một
con tàu cho Việt Nam” dưới sự điều hành của bác sỹ Bernard
Kouchner đã cho tổ chức ngay một cuộc họp báo tại khách sạn
Lutetia nhằm báo động công luận và yêu cầu chính phủ phải hành động
ngay. Tham dự cuộc họp báo là đại diện của nhiều tổ chức thiện
nguyện, tôn giáo, thế tục và người ta lại thấy các trí thức danh
tiếng, nhiều người còn là đối thủ của nhau cùng xuất hiện:
Glucksman, Sartre, Aron, Montand, Signoret, v.v. Bernard Kouchner thông báo
sẽ thành lập một ủy ban châu Âu cho người tỵ nạn Đông Dương và yêu
cầu, không cần chờ phải có hội nghị quốc tế, nước Pháp và một số
nước khác phải lập ngay các trại tỵ nạn trung chuyển trên lãnh thổ
của mình để chia sẻ gánh nặng với các nước Đông Nam Á. Ông đề nghị
lập ngay một cầu hàng không. Bernard Kouchner nói rằng dù Pháp đã có
hành động khá lớn, nhận hơn 50 000 thuyền nhân, nhưng với tình trạng
khẩn cấp hiện nay nước Pháp vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa.
Bernard Stasi, phó Chủ tịch Hạ viện, đảm bảo rằng ít nhất quota thuyền
nhân của Pháp sẽ được chu tất và cho biết trong những ngày
tới sẽ triệu tập một cuộc họp nghị viện về vấn đề nhân quyền.
Raymond Aron cho rằng những hành động tự nguyện của xã hội như Đảo Ánh
Sáng là cần thiết nhưng chưa đủ, cần phải có thêm hành động từ
chính phủ.
Jean-Paul Sartre thì khẳng định cần phải giúp đỡ nhiều hơn nữa cho các tỵ
nạn-thuyền nhân cho dù những người này không phải luôn luôn
đứng cùng chính kiến với ông và dù tỷ lệ thất nghiệp của Pháp vẫn
cao.
Nhiều tổ chức, cá
nhân đã đưa ra các sáng kiến, cam kết hành động, từ việc nhận một
gia đình thuyền nhân tới ở nhà mình trong 06 tháng cho tới việc nhận
các trẻ em đã mất cha mẹ làm con nuôi.
Cuộc họp báo kết
thúc bằng một yêu cầu từ cử tọa gửi tới Tổng thống Giscard
d’Estaing về việc mở ngay một trại tỵ nạn đầu tiên và lập một
cầu hàng không để đưa thuyền nhân tới Pháp, bất kể họ
là người Việt Nam, Cambodge hay Lào.
Begin, Thủ tướng Israël gửi thư cho Tổng thống Mỹ Carter nói về các
hạn chế của cuộc họp báo và đề nghị tất cả các quốc gia nên chấp
nhận ngay một số lượng thuyền nhân tương ứng với khả
năng của mình.
Jean-Pau II, Giáo hoàng Vatican, phát ra lời kêu gọi “lương tâm nhân loại”
và đề nghị mỗi con người hãy nhận lấy một phần trách nhiệm.
Ngày 20 tháng Sáu,
Bernard Kouchner cùng bác sỹ gây mê Michel Bonnot lên đường bay tới Pulau
Bidong mang theo một hàng hóa đặc biệt: 75 000 liều vaccin TAB chống
thương hàn. Vài ngày sau 480 Kg các loại vaccin khác (bại liệt, bạch
hầu) tiếp tục được gửi đến để bắt đầu chương trình tiêm chủng
cho thuyền nhân.
Ngày 22 tháng Sáu, hai
thuyền chở 900 thuyền nhân đã bị đẩy ra khơi xa bất
chấp thỉnh cầu của Đại sứ Pháp Travert tại Mã Lai kêu gọi chính
quyền Mã Lai đừng xua đuổi thuyền nhân. Ngày 24 tháng Sáu,
lợi dụng một cơn bão biển, một chiếc thuyền dài 24 m, mang số hiệu
0020, chở 600 người đã lọt được vào đảo. Song phải nhờ có sự can
thiệp của Bernard Kouchner và sự hiện diện của nhiều nhà báo,
những thuyền nhân này mới không bị đẩy ra biển. Cũng
ngày này tại Pháp, có chừng 2 000-3 000 người gốc Đông Dương biểu
tình ở chân tháp Eiffel kêu gọi mở một hội nghị quốc tế về thuyền
nhân.
François Mitterand kêu gọi các thị trưởng trong đảng xã hội
của ông nhận 20 000 thuyền nhân trong 6 tháng hoặc 1 năm.
Ông còn nói rõ rằng đảng của ông “sẽ hợp tác với mọi sáng kiến
của Pháp, bất chấp mọi phản đối chính trị, để cứu giúp thuyền
nhân.”
Jacques Chirac, Thị trưởng Paris, tuyên bố thành phố Paris đã quyết định thuê
một tàu biển để đi đón 1 500 thuyền nhân; Hội đồng Paris
đã thành lập một ủy ban cho thuyền nhân và sẽ gây một
quĩ tín dụng trợ giúp các chi phí phát sinh.
Kênh truyền hình Antenne
2 tổ chức một Soirée de Solidarité nhằm kêu gọi các thị trưởng Pháp
đón nhận các thuyền nhân tới sống ở các địa phương
của họ. France Inter tung ra chiến dịch “S.O.S thuyền nhân Đông
Dương chết đuối” để thu thập các đóng góp về vật chất (quần áo,
nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh) cho thuyền nhân. Giám mục
Etchegarray và Alain Poher, chủ tịch Hiệp hội các Thị trưởng Pháp,
cũng lên TV kêu gọi “nếu mỗi quận hạt của đất nước chúng ta sớm
tiếp nhận ngay một gia đình thuyền nhân… đó sẽ là một
đóng góp quan trọng để giúp bớt khổ đau cho những nạn nhân này.” Michel
Debré đăng một bài viết trên La Croix kêu gọi mỗi
thành phố hãy nhận một hoặc nhiều gia đình thuyền nhân.
Tất cả các tổ chức từ thiện, từ Médecins Sans Frontières cho
tới l’Armée du Salut, đều đưa ra các chương trình huy động
tương tự. Sự đáp ứng, đóng góp vô cùng rộng lớn và tích cực.
Nhưng liệu nước Pháp
có khả năng để thay thế Malaisie và chấp nhận rủi ro để tiếp nhận
mãi mãi 50 000 hay 100 000 thuyền nhân nếu không nước
nào hành động?
Đây không phải là câu
trả lời của Tổng thống Giscard d’Estaing khi ông tiếp một phái đoàn
của ủy ban “Một con tàu cho Việt Nam”. Tuy nhiên, ai cũng hiểu Tổng
thống sẽ phải cân nhắc hiện trạng nội bộ của nước Pháp.
Phái đoàn tới gặp
Tổng thống gồm Claudie Broyelle, Jean-Paul Sartre, André Glucksman, Raymond
Aron, Jean-Claude Sénéchal và Me Miquel đã được ông đảm
bảo sẽ nêu vấn đề thuyền nhân tại hội nghị thượng
đỉnh G7 sắp tới tại Tokio. Tổng thống cũng khẳng định đã cho quyết
định nhận ngay 5 000 thuyền nhân nữa.
Ở phía bên kia của
bán cầu, chính quyền Nam Hàn cho biết sẽ cấp 200 000 đô-la Mỹ
cho chính quyền Indonésie để được đến cứu giúp các thuyền
nhân. Trong khi đó, Đại sứ của Việt Nam tại Malaisie đã tuyên bố
rằng chính quyền Việt Nam sẵn sàng nhận trở lại các thuyền
nhân nếu những người này biết “thừa nhận lỗi lầm”, và lần
đầu tiên người ta thấy trong các trại tỵ nạn ở Hong Kong có cả
các thuyền nhân là người Bắc Việt.
Về phía đảng cộng
sản Pháp, đáp lại không khí khẩn trương, đoàn kết cứu giúp thuyền
nhân, đảng này đã ra tuyên bố tố cáo đang có một chiến dịch
chống cộng. Montdargent, một hạ nghị sỹ của đảng này cũng
tuyên bố: “Chúng tôi tố cáo chính quyền đang lợi dụng thảm kịch này
để che đậy các hậu quả trong chính sách điều hành đất nước vào lúc
cần phải có các sửa đổi về hành chính và ra luật để tống xuất
hàng ngàn dân nhập cư đang gây tổn hại cho sự phát triển của đất
nước.” Pierre Juquin, người mới nắm chức trưởng bộ phận thông
tin của đảng cộng sản, còn nói rõ thế này: “Các thành phố do thị
trưởng cộng sản điều hành đang phải chịu đựng việc tiếp nhận các
nhân công nhập cư sẽ không tiếp nhận các thuyền nhân Việt
Nam để tránh gánh nặng cho dân chúng.”
Tại Thượng đỉnh G7 ở Tokio, Tổng thống Mỹ
Carter cho biết Hoa Kỳ đã quyết định tăng gấp đôi quota hàng tháng lên
14 000 thuyền nhân. Cùng lúc tại Mỹ, một chiến dịch lớn được huy động nhằm
thúc đẩy chính quyền liên bang phải hành động nhiều hơn nữa.
Khắp nơi, mọi người
đều bàn luận về các giải pháp để giải quyết bi kịch thuyền
nhân. Nhiều người đề xuất huy động tất cả các tàu thuyền thương
mại hay hải quân trong vùng để cứu vớt những thuyền nhân đang
lên đênh trên biển. Nhưng vấn đề chính vẫn còn nguyên: thuyền
nhân sẽ đi đâu sau đó?
Chính quyền Việt Nam
cũng tỏ ra nhượng bộ chút ít. Theo thỏa ước với Cao Ủy Tỵ Nạn, có
khoảng 100 người đã được rời Việt Nam bằng máy bay sang Trung Cộng.
Ngày 28 tháng Sáu,
ASEAN (Indonésie, Mailaisie, Philippines, Singapour, Thaïlande) nhóm họp
tại Bali với mục tiêu thúc Hà Nội đồng ý lập một trung tâm trung
chuyển thuyền nhân ngay tại lãnh thổ Việt Nam dưới sự
điều hành của Cao Ủy Tỵ Nạn thuộc Liên Hợp Quốc. Hội nghị cũng kêu
gọi cộng đồng quốc tế tác động Việt Nam để sớm chấm dứt cuộc di
tản thuyền nhân. Michaël O’Kennedy, đại diện cho CEE (Cộng
đồng kinh tế châu Âu) trong hội nghị này đã tuyên bố CEE có thể sẽ
cắt viện trợ lương thực cho Việt Nam nếu chính quyền này không có
hành động để chấm dứt cuộc chạy trốn; các viện trợ này sẽ chuyển
cho những nước ASEAN tiếp nhận thuyền nhân. Thủ tướng Anh
Thatcher đang có chuyến thăm tới Canberra cũng đồng ý với giải
pháp này sau khi đã lên án sự “ác độc” của chính quyền Hà Nội.
Tại Genève, sau phiên
họp của ủy ban điều hành của Cao Ủy Tỵ Nạn, các quốc gia Argentine,
Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Israël, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sỹ
đã cam kết nhận nhiều hơn các thuyền nhân. Riêng Mỹ cho
biết có khả năng nhận 20 000 thuyền nhân. Trong khi đó các
nước mới mạnh lên nhờ dầu lửa vẫn tỏ ra điếc đặc trước các lời kêu
gọi.
Nghị viện của Hội
đồng châu Âu, nhóm họp tại Stockholm đã kêu gọi mọi thành viên của
mình ủng hộ đề xuất về một hội nghị quốc tế.
Tại Hạ viện, Raymond
Aron cho biết rằng các tàu của Pháp đã nhận được lệnh cứu vớt tất
cả các thuyền nhân khi gặp trên biển. Thủ tướng Pháp
cũng cho biết từ ngày 15/05/1975 đến 31/12/1978 các gói tín dụng trong
ngân sách sức khỏe dành cho thuyền nhân đã tăng lên 440
triệu quan, không kể các chi phí giáo dục và y tế.
Oilivier Stirn, Quốc vụ
khanh tại bộ Ngoại giao đã tới thị sát vùng Nam Thái Bình Dương và
tới Kualumpur để đảm bảo việc triển khai các biện pháp hỗ trợ do
chính phủ Pháp bảo trợ, nhưng ông chỉ nhận được lời đảm bảo của
chính quyền Mailaisie sẽ không đẩy thuyền nhân ra biển
khi nào hội nghị quốc tế được tổ chức.
Các thuyền
nhân trên đảo ngày càng lo lắng trong ngóng đợi cho tới
ngày 01/07/1979 khi Kurt Waldheim, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, thông cáo
một hội nghị quốc tế về thuyền nhân sẽ tổ chức tại
Genève trong hai ngày 20 và 21. Từ nay, các thuyền nhân chỉ
còn cần phải kiên nhẫn hơn và hy vọng rằng, giống như nhiều quốc gia,
hội nghị sẽ không trở thành một phiên tòa kết án Hà Nội – điều sẽ
làm cho tình trạng của họ trở nên bấp bênh hơn. Đối với ban quản lý
trại, vận may còn mỉm cười hơn khi Simone Veil tới thăm trại và đã
hứa sẽ đưa 450 trẻ mất gia đình tới Pháp, ngoài quota chính thức.
Lúc này, có người mới chợt nhớ ra năm 1979 là năm được gọi: “Năm
của Trẻ Thơ”.
Hội nghị tại Genève đã qui tụ sự hiện diện
của 65 quốc gia, bàn thảo trong 48 giờ về thảm họa thuyền
nhân. Kết thúc Hội
nghị, Kurt Waldheim, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: “Mục tiêu của
chúng tôi là nhằm giải quyết hoàn toàn thảm trạng đang diễn ra và
chúng tôi đã gần như đạt được tất cả.” Số lượng thuyền nhân dự kiến được
tái định cư đã chuyển từ 125 000 lên 260 000. Cao Ủy Tỵ Nạn có
một ngân sách bổ sung 190 triệu đô-la Mỹ, cùng với lời hứa của Bộ
trưởng Ngoại giao Nhật Bản Sonoda sẽ chịu 50% tổng chi phí cần thiết
cho các hoạt động cứu trợ thuyền nhân tại Đông Nam Á.
Philippines đề xuất
thiết lập một trung tâm tạm cư trên lãnh thổ của họ giống ở đảo
Galand (Indonésie). Trung Cộng sẽ nhận 10 000 thuyền nhân “với
điều kiện những người này thực sự muốn làm lại cuộc đời mới ở
Trung Cộng”. Hoa Kỳ thông báo các chiến hạm Hoa Kỳ sẽ tuần tiễu quanh
Việt Nam để tìm kiếm, cứu vớt thuyền nhân. Tuy nhiên, đại
diện của Hoa Kỳ tại Hội nghị, phó Tổng thống Mondale đòi hỏi
phải có một thời hạn cho việc chấm dứt thảm trạng thuyền
nhân, không để Việt Nam tiếp tục “tống xuất” công dân của họ nữa.
Con tàu Đảo Ánh Sáng,
cái tên như một định mệnh, đã chấm dứt sứ mệnh tại Pulau Bidong.
Nhưng Đảo Ánh Sáng vẫn tiếp tục sứ mệnh nhân đạo ở những nơi khác.
Trên đường trở lại Singapore, Đảo Ánh Sáng đã cố tìm và cứu vớt
được nhiều thuyền nhân.
Đối với trại Pulau
Bidong, một trang đời mới đã mở ra phía trước.
Bảng thống kê số thuyền nhân ra đi
định cư tại nước thứ ba từ Pulau Bidong trong L’exode vietnamien –
les réfugiés de Pulau Bidong
[i] Về Đảo Ánh Sáng,
xin xem: Đảo
Chết gặp Đảo Ánh Sáng.
[*] Nhan đề này là
của người dịch.
No comments:
Post a Comment