Thursday 30 April 2020

DI SẢN VNCH SAU 45 NĂM QUA (Phạm Đỗ Chí)





Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

(Viết nhân ngày 30/4/2020)

Bài này được dành cho ngày 30 tháng 4 năm nay 2020 để đánh dấu 45 năm sau ngày miền Nam VN bị quân đội Cộng Sản miền Bắc cưỡng chiếm bằng võ lực, sau khi bị Kissinger lập mưu cho Hoa kỳ bỏ rơi để mua chuộc Trung Quốc với thị trường tương lai khổng lồ 1,3 tỷ dân.

Nhưng tác giả muốn viết không chỉ để nhớ về dĩ vãng buồn vào mỗi dịp tháng 4, mà còn nhằm duyệt lại những thành tựu không thể phủ nhận của 21 năm Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975) đã để lại cho Việt Nam bây giờ và tương lai, và gây lại một niềm tin cho Cộng đồng hải ngoại cũng như đại đa số người Việt yêu tự do ở bên kia vòng địa cầu.

Đó là lý do thúc đẩy chúng tôi muốn nhìn lại “Hội Chứng (“Syndrome”) Việt Nam” từ 45 năm qua để xác định tại sao trên 4 triệu người Việt đã phải rời xa xứ sở năm 1975 và các năm tiếp sau, để hóa giải mặc cảm của “Bên Thua Cuộc”.

Đồng thời, nhưng quan trọng hơn, là để tri ân những thành tích của các bậc cha anh đã dựng nước và để lại “Di Sản VNCH” càng ngày càng rõ rệt, mà đồng bào cả nước bây giờ không thể phủ nhận.

Trước tiên, di sản lớn nhất của VNCH đã để lại cho thế hệ sau 1975 phải nói đến là nền văn hóa âm nhạc phong phú, đa dạng và chan chứa tình tự dân tộc. Dù đã có những chỉ thị và chủ trương tiêu diệt tận gốc rễ của chính quyền Cộng Sản từ ngay sau tháng 4/1975, nhưng nét văn hóa bất diệt này vẫn tồn tại ở miền Nam và sau đó lan dần ra miền Bắc. Ban đầu chỉ có một số nhỏ bài hát được phép trình diễn chính thức, nhưng danh sách này lớn dần và đến nay thì hình như không có lệnh cấm nổi nữa. Phong trào ưa nhạc Bolero, hay còn được gọi là “Nhạc vàng” tràn ngập bây giờ, là thí dụ hùng hồn nhất. Tuy nhiên trong giới hạn của bài này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến các di sản chính khác về giáo dục, kinh tế, tổ chức hành chính pháp quyền và xã hội. 

Như sẽ tóm tắt trong phần kết, người viết còn mạo muội nghĩ di sản đó bao gồm sau cùng cả mặt chính trị, đảo lộn vai trò người thắng kẻ thua cuộc sau cùng.

Tự Hào Tuổi Trẻ và Giáo Dục Miền Nam

Đọc xong vài quyển sách gợi chuyện cũ, tưởng như đã được rũ sạch nỗi ấm ức cái “Hội Chứng Việt Nam” (Vietnam syndrome) từ lâu về một đất nước phú cường văn minh như Nam Hàn phải có trong giấc mơ cho xứ mình.

Thật sự từ bao năm nay, sau khi du học ở tuổi 18 rồi ra trường, sống và đi làm nhiều nơi, tôi vẫn chưa tỉnh hay thoát ra khỏi “NÓ”. Tôi chưa giải tỏa được nỗi ấm ức của “giấc mơ xưa” ở tuổi thanh xuân. Tôi từng có những giấc mơ đội đá vá trời và lòng tự tin nhưng suốt đời vẫn chưa tìm thấy chốn “dung thân” để phục vụ lý tưởng tuổi nhỏ.

Đã từng về sống và làm việc ở Sài gòn suốt 12 năm từ 2003 đến 2014 lúc tóc đã hoa râm, nhưng rút cục tôi cũng chỉ tìm thấy nỗi u hoài của một thời đã mất, thay vì cái lý tưởng của một thời nung nấu.

Trong những năm tháng trở lại đó, nhìn lại hàng ngày thấy rõ sự phồn thịnh hơn của xã hội về vật chất so với những ngày tuổi trẻ miền Nam của tôi, nhưng tôi vẫn tò mò tìm hiểu nơi đám người tuổi trẻ hiện nay, xem họ có chia sẻ cái “phần hồn ngày xưa” của đám anh em chúng tôi đã lớn lên trong cùng thành phố này.

Những ý nghĩ bên tách cà phê làm sống lại hình ảnh những con đường phố cũ – thuở tôi còn cắp sách đi học cấp 2 và 3 (trung học đệ nhất và đệ nhị cấp ngày trước), gò lưng mỗi ngày trên chiếc mobylette vàng của một thằng học trò lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ) phóng từ ngôi nhà đường Duy Tân, đến ngôi trường Trung Học Chu Văn An thân yêu, học hành chăm chỉ mong chuẩn bị sự nghiệp tương lai.

Chúng tôi lớn lên trong khung cảnh của một đất nước loạn ly, nhưng may mắn còn được hấp thụ một nền giáo dục, tuy mang tiếng “từ chương” lý thuyết nhưng vẫn có một giá trị tối thiểu nào đó được chứng minh sau này khi đàn chim non miền Nam chúng tôi tốt nghiệp trung học, bay ra khắp các chân trời thế giới đã ghi lại nhiều thành tích trong các trường đại học Âu Mỹ.

Chúng tôi còn may mắn lớn lên trong một nền lễ giáo cổ truyền Việt Nam còn sót lại, tôn trọng các giá trị gia đình cao đẹp từ ngàn xưa, những tin yêu vào tình đời tình người vẫn còn mạnh mẽ.

Nhất là thời kỳ “vàng son” 1955-63 của nền Đệ Nhất Cộng Hòa trong thanh bình thịnh vượng của một VNCH dân chủ tương đối.

Đáng nói nhất là đám thiếu niên tuổi 15-16 thuở chúng tôi đã manh nha một lòng yêu nước mãnh liệt, muốn góp tay xây dựng một đất nước phú cường bằng sự chăm chỉ học hành trau dồi kiến thức, mơ tưởng đến một nền kinh tế hùng mạnh, một xã hội ấm no công bằng. Chúng tôi chỉ có ý nghĩ đơn giản như đại đa số thanh thiếu niên trong các nước Á Châu khác lúc ấy, là sẽ cố gắng học hành hay làm việc để xây dựng đất nước bằng một nền kinh tế vững chắc. Đó là lưu dấu kỷ niệm đậm đà nhất của tuổi thanh niên mới lớn ở miền Nam.

Sau này khi có dịp về sống và làm việc ở Sài Gòn rồi ngồi trầm ngâm hàng giờ bên ly cà phê ở quán Continental, tôi ngỡ ngàng xem từng đoàn xe máy phóng như đua chung quanh Nhà Hát Thành Phố (Trụ sở Hạ Nghị Viện VNCH trước 1975) của những người trẻ tuổi bây giờ.

Họ đang diễn hành, la hét ầm ĩ, ngay cả vài cô ăn mặc thiếu vải nhún nhảy tự nhiên trên băng sau của những chiếc xe máy Honda đắt tiền kiểu mới nhất, ăn mừng trận bóng tròn vừa thắng các hội Thái Lan hay Mã Lai. Họ hét to “Việt Nam vô địch” như thể hiện ý chí chiến thắng đó giống các nhóm khán giả đông đảo thường la to mỗi lần có mặt trên những sân vận động.

Nhóm đua xe đông quá và dường như tạo thành sức sống mãnh liệt cho cái thành phố quá tải của đất nước được mệnh danh là “non trẻ” này, khi các nhóm trẻ từ 20 đến 40 tuổi được ước tính chiếm 40% dân số, vẫn là một ẩn số lớn về xã hội và chính trị.

Những người trẻ bay lượn trong phố đêm trên những “mô tô bay” như biểu hiện của tự do, của văn minh còn được tìm thấy cho tuổi trẻ của mình trong đất nước đó. Tôi chợt hiểu tại sao họ thường “đi bão, xuống đường” tràn ngập với những rừng cờ đỏ, băng rôn hay tô son vẽ mặt đậm màu quốc kỳ để chào mừng một trận bóng tròn vừa thắng “kẻ địch”.

Bên trên những chiếc xe máy tốc độ giúp cái hừng khí ngắn ngủi chợt tìm thấy, lòng yêu nước được dịp tỏ rõ qua những sự kiện thể thao. Đam mê còn lại đó cùng những ly bia đầy giúp họ xóa đi cái vô cảm hàng ngày với những vấn đề lớn hơn của xã hội, và bớt đi cái mặc cảm thiếu trách nhiệm với một đất nước tụt hậu thua kém láng giềng. Họ có vẻ ít nghĩ xa như vậy.

Những người lớn tuổi xưa cũ của thành phố này thường tỏ lộ u hoài, nói với tôi là họ nhớ lại các thế hệ cùng tuổi như chúng tôi dạo 1960-1970. Ngay chính Bà Chủ tịch Quốc hội đương thời, Nguyễn Thị Kim Ngân, vốn gốc tỉnh Bến tre thời VNCH, cũng phải tâm sự lên tiếng khen nền giáo dục cũ của miền Nam.

Những ý nghĩ vụn này đã tạo dịp cho tôi được sống lại những tự hào của một thời tuổi trẻ trong thành phố Sài gòn, được hưởng nền giáo dục VNCH, với lý tưởng mộng mị cho một Việt Nam hùng mạnh tương lai. Ra đi du học mong trau dồi kiến thức với tâm huyết hừng hực của một thanh niên tuổi 20, và sau này lúc ra đời làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn mang trái tim phục vụ tuổi 30 dù mái tóc đã điểm sương.

Và cùng với người Sài Gòn bây giờ, tôi vẫn thấy bừng lên sức sống với giấc mơ xưa: Biết đâu sẽ có một ngày?

Di Sản Cộng Hòa Cho VN Bây Giờ là gì?

Yếu tố nổi bật nhất cho nền kinh tế của VN thống nhất bây giờ là số tiền khổng lồ của người Việt từ khắp thế giới gửi về hàng năm, từ vài chục triệu đô la những năm đầu 1975-76 lúc mới lập nghiệp còn khốn khó nơi xứ người đến trên chục tỷ mỗi năm sau này cả để trợ giúp người thân và đầu tư cá nhân, con số tổng cộng có thể lên tới ước chừng 200 tỷ đô la. Con số đó vượt qua bất cứ viện trợ kinh tế nào mà VN nhận được, và nhất là đã đóng vai trò xương sống cho kinh tế miền Nam những năm đầu sau thống nhất, tránh sụp đổ ngay sau thập niên đầu sau 1975 lúc bên bờ vực thẳm của sự thiếu cả lương thực và thuốc men! Từ đó miền Nam đã phát triển dần và trở thành đầu tầu tầu kéo theo phát triển của cả nước.

Ngoài nền tảng đóng góp tài chính khổng lồ như trên, so sánh thời kỳ 21 năm dưới VNCH với thời gian ít hơn một nửa trong 45 năm của nước VN thống nhất, hai di sản kinh tế nổi bật truyền lại của VNCH là:

A.- VNCH thành công trong việc phát triển nền kinh tế thị trường thực sự

Dù chưa được quen thuộc nhiều với các định chế kinh tế và tài chính quốc tế hay các nền kinh tế tư bản lớn, VNCH đã biết sớm theo các qui luật của nền kinh tế thị trường và nhất là nhấn mạnh vai trò khu vực tư nhân.

Điều này tương phản hoàn toàn với nền kinh tế VN bây giờ, sau 45 năm thống nhất, vẫn loay hoay với lý thuyết “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà không ai chứng minh được. Các thay đổi lớn sau hơn ba thập niên Đổi Mới từ những năm 1986-1989 đã giúp VN có một bộ mặt tương đối phồn thịnh ở các thành thị, nhưng đi dần vào bế tắc nếu không có các cải cách thể chế chính trị song hành với cải cách kinh tế ở giai đoạn tới. 

CÁCH MẠNG “XANH”

Đặc biệt là chính sách “Cải Cách Điền Địa” dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa được tiếp nối bởi “Người Cày Có Ruộng” dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhằm lấy lại các mảnh ruộng bao la nằm tập trung trong tay một số nhỏ đại điền chủ từ thời Pháp thuộc, phát đất rộng rãi cho các tầng lớp nông dân và khuyến khích tự do trồng trọt, nhất là lúa gạo, để miền Nam tự cường. Ngoài ra, và quan trọng nhất, là những năm về sau Chính phủ VNCH đã cho áp dụng một chính sách qui mô cho gieo hạt lúa mới “Thần Nông” trên toàn vùng đồng bằng Cửu Long, làm tăng gia đột biến năng suất trồng lúa và mức sản xuất gạo của đất nước, đưa đến cả khả năng xuất cảng gạo bắt đầu vào năm 1974. Đây là thành tích kinh tế đáng kể của VNCH khi cuộc chiến tương tàn cũng đi vào giai đoạn ác liệt nhất.

Nước VN thống nhất sau tháng 4, 1975 mới chỉ nhận ra tầm quan trọng của chính sách sản xuất lúa gạo tự do với Đổi Mới từ năm 1986 khi đến bờ vực của nạn đói, lúc không sản xuất đủ gạo ăn và dân chúng bắt đầu phải trộn cơm với bo bo từ những năm 1980. Từ khi chính phủ trung ương ở Hà Nội thay đổi chính sách bằng “ngòi bút” từ nghị quyết năm 1986 cho phép dùng giá cả và sản xuất tự do, di chuyển gạo từ vùng thừa sang vùng thiếu, đã làm lại cuộc “cách mạng xanh” nói trên của VNCH, khởi đầu toàn chiến lược đổi mới nông nghiệp và tiếp đó “lột xác” toàn nền kinh tế trong ba thập niên theo sau. Điều đáng lưu ý là cuộc cách mạng này đã được thừa hưởng di sản có sẵn của chính sách tự do trồng trọt ở đồng bằng Cửu Long, diện tích trồng đã được phân phối rộng và công bằng ở miền Nam, và nhất là kiến thức nông gia trong việc canh tác lúa “Thần Nông” đã có sẵn. Đáng kể hơn là việc có thể đem kỹ thuật và giống lúa này ra đồng bằng sông Hồng ngoài Bắc, khiến mức sản xuất lúa gạo của cả nước tăng kỷ lục, và không ngạc nhiên khi chỉ chục năm sau VN đang từ thiếu gạo ăn trong nước, trở thành xứ xuất cảng gạo hạng ba thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ.

DẦU NGOÀI KHƠI

Ngoài ra VNCH còn khuyến khích tìm ra vài “túi” dầu hỏa đầu tiên vào các năm 1973-74 ở thềm duyên hải Vũng Tàu, chỉ tiếc là chưa kịp thì giờ và vốn đầu tư khai thác để tìm ra dung lượng lớn đáng kể đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tình trạng thiếu an ninh do cuộc chiến tiếp diễn hàng ngày đã là yếu tố quyết định khiến các nhà đầu tư ngần ngại. Nhiều quan sát viên quốc tế và nhà bình luận chính trị sau này đã tiếc cho VNCH là chưa đủ thời gian để khai thác các mỏ dầu và khí ngoài khơi khổng lồ, nhất là đủ để hấp dẫn các hãng dầu Hoa kỳ. Nếu có, và nếu các hãng này ký kết khai thác với chính phủ miền Nam dạo đó, chưa chắc gì có cảnh Henry Kissinger ký kết bán đứng VNCH vào năm 1972, sửa soạn cho hiệp định ngừng bắn Paris 1973 và ngày nhân dân miền Nam phải bỏ cuộc tháng 4/75.

Sau 1975, nước VN thống nhất thừa hưởng trọn vẹn và dầu khí từ miền Nam trở thành tài nguyên chủ lực của nền kinh tế VN bây giờ. Ngoài việc đem lại số xuất cảng đáng kể hàng năm cho dân chúng và nguồn lực phát triển, đáng tiếc là một phần tài nguyên đó cũng bị mất mát do tham nhũng và đầu tư phung phí như các tài liệu điều tra mới đây về đầu tư ở Venezuela chỉ ra. Không cần nhìn đâu xa phức tạp hơn, phải chăng phần di sản khác cả vài trăm tỷ của VNCH cho VN bây giờ là đây? Trong khúc hát chính trị về "Khúc Ruột Ngàn Dặm", liệu giới hữu trách và đồng bào nơi quê nhà có nhận thực điều này?

B.- Nền dân chủ pháp quyền của VNCH

– Nền dân chủ phôi thai của Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963) trong khung cảnh mới dành lại độc lập và nền dân chủ được củng cố thêm của Đệ Nhị Cộng Hoà (1967-1975) tuy khiêm nhượng và tương đối, do bị đe dọa hàng ngày bởi cuộc chiến, vẫn cho phép nhân dân miền Nam sống hạnh phúc trong khuôn khổ nhân quyền được tôn trọng theo hiến chương Liên Hiệp Quốc và các quyền tự do căn bản nhất như bầu cử, ngôn luận, hội họp, biểu tình v.v… vẫn được thực thi.

– Chủ trương pháp trị, hay thượng tôn pháp luật (“rule of law”) của cả hai nền Cộng hòa với bầu cử Quốc hội và Tổng Thống tương đối tự do; nền hành chánh trung ương và địa phương được điều khiển bởi các chuyên viên kỹ trị được đào tạo bài bản trong các trường chuyên môn (thí dụ nổi bật là trường Quốc gia Hành chánh của miền Nam). Ở mỗi tỉnh, người tỉnh trưởng là nhân vật chính trị hay quân sự do Chính phủ trung ương bổ nhiệm, nhưng Phó Tỉnh trường thường là chuyên viên kỹ trị.

Trái lại, VN thống nhất bây giờ trong chế độ Cộng sản mới chỉ cổ võ cho bầu cử tự do nhưng chưa bao giờ thực hiện trong thực tế qua các cuộc ứng cử và bầu cử các Hội Đồng Nhân Dân và Đại Biểu Quốc Hội.

Tương tự, VN bây giờ mới bắt đầu học hỏi kinh nghiệm về cải cách hành chánh như dưới thời VNCH và cử chuyên viên kỹ trị ở cấp trung ương và địa phương. Quốc Hội VN bây giờ mới sửa soạn các dự thảo luật đề nghị bổ sung thẩm quyền của thủ tướng trong việc áp dụng những mô hình mới về tổ chức bộ máy từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc chính phủ trung ương, và chính quyền địa phương cấp Tỉnh và cấp Huyện. Theo đó, thủ tướng cũng có thêm quyền thành lập, sát nhập, hay giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc cấp Tỉnh và cấp Huyện.

C.- Các tổ chức Xã Hội Dân Sự

Các tổ chức này dưới thời VNCH được tự do thành lập và hoạt động với qui chế tự trị về cả hành chính và tài chính. Thí dụ như Tổng liên đoàn Lao công hay các tổ chức chính trị, xã hội và hiệp hội.

Ngược lại nhà nước CSVN thống nhất bây giờ đã tìm mọi cách để trì hoãn không trình ra quốc hội hai dự luật lập hội và biểu tình, mặc dù hai quyền này của dân đã quy định trong Hiến Pháp 2013.

Người dân cũng không được quyền ra báo, như đã quy định trong “quyền tự do ngôn luận” ở Điều 25 Hiến pháp 2013 (Điều 25 viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”)

LỜI KẾT 1/

Như nói ở trên, những dòng viết ngắn của người viết nhân dịp 45 năm từ biến động lịch sử 30/04/75 không phải là để thêm nước mắt cho một đau buồn còn ghi đậm dấu trong tâm hồn tôi, một con dân Việt Nam Cộng Hòa cũ.

Với thời gian hơn 60 năm từ tuổi thiếu niên rời trường, ra nước ngoài du học, rồi bôn ba theo vận nước nổi trôi làm việc bên ngoài, tôi lại tìm cách “chim quay về tổ” trong 12 năm để tò mò xem xứ mình ra sao. Nhưng cuối cùng, sau những trải nghiệm với thực tế và con người “mới”, tôi lại phải ra đi tìm về một nơi qui ẩn để nghĩ lại đời mình và quê hương cũ một cách bình tĩnh hơn.

Theo tôi, chúng ta trên nguyên tắc là người thua 3/ với hai cơ hội bỏ lỡ từ thời 1963 của Đệ Nhất Cộng Hòa và 1975 của thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Nhưng không phải hoàn toàn do lỗi chúng ta, mà quan trọng hơn là do sự phản bội của nước bạn “đồng minh” Hoa Kỳ không giữ lời cam kết ngăn chặn cuộc tấn công miền Nam của lực lượng Cộng Sản. Lời hứa bằng giấy trắng mực đen của tổng thống đảng Cộng Hòa Richard Nixon lúc bấy giờ đã hứa bằng văn thư với Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu 2/, sau khi ông Thiệu bằng lòng ký Hiệp Định Paris 1973. Nhiều tài liệu lịch sử đã chỉ ra việc này do tham vọng cá nhân và phản bội đồng minh của ông Henry Kissinger, mà tác giả không muốn khơi lại làm đào sâu thêm nỗi đau 30/4.

Do đó mà chúng ta đành chấp nhận kiếp tha hương hiện tại do số mệnh đi từ vận nước không khá kéo dài suốt từ bao năm nay. 

Theo cách nhìn và cách dùng chữ "Bên Thua và Thắng Cuộc" của một nhà văn nổi tiếng ở VN 3/, chúng ta VNCH bị gọi là "Bên Thua Cuộc". Tuy nhiên, hôm nay sau 45 năm nhìn lại, chúng ta có thật sự là kẻ thua hay không?

Nhìn lại thời VNCH lấy thuyết "nhân vị" (do TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhất Cộng Hòa) và lấy dân chủ tự do và văn hóa nhân bản (Đệ Nhị Cộng Hòa) đối đầu với VNDCCH của đảng CS. Chúng ta không mất nước vì cách hành xử của chúng ta dựa trên căn bản tự do và đạo đức này, mà mất nước vì Kissinger và TT Nixon quyết định đánh đổi miền Nam VN lấy thị trường 1,3 tỷ người của Trung Hoa. Thân phận của một nước nhược tiểu. Nhưng rồi, bên nào chiến thắng cuối cùng ? Xin thưa: Đó là VNCH ! 

Về mặt chính trị của VNCH (tự do, dân chủ, pháp quyền), kinh tế (phồn thịnh, khoảng cách cực giầu hay cực nghèo không có, mọi người không ai đói, cải cách ruộng đất, rồi người cày có ruộng, bác đạp xích lô mỗi chiều đủ ăn nghỉ đạp nằm đọc báo), văn hóa và nghệ thuật (đầy sáng tạo, nội dung phong phú, người dân miền Bắc bây giờ say mê nhạc cũ VNCH và nhạc Vàng, hay nhạc trữ tình lãng mạn Bolero từ Nam tới Bắc). Đó là những gì mà chúng ta hải ngoại và người Việt trong nước ca ngợi là tài sản vô giá, đáng tự hào, về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa của VNCH để lại. Nhân bản, đạo đức, cuối cùng bao giờ cũng sẽ thắng độc ác, cường bạo.

Dù tạm xa miền Nam thân yêu, nhưng chúng ta những người miền Nam đã để lại di sản VNCH đáng kể cho cả đất nước và dân tộc hôm nay và tương lai. Các kênh truyền thông và các cuộc tiếp xúc với người trong nước đều cho thấy đại đa số đồng bào ta đều hướng về di sản đó với lòng thán phục và thiện cảm, cũng như lòng ngưỡng mộ của họ với các nền dân chủ tiến bộ phương Tây. Nhất là các thế hệ trẻ 25-45, lớp người quyết định vận mệnh của đất nước Việt Nam trong 5-10 năm nữa, hy vọng sẽ nối tiếp bó đuốc lãnh đạo và, cùng với thế hệ trẻ gốc Việt lớn lên ở hải ngoại quay về, họ sẽ có thể hướng đất nước về một tương lai tốt đẹp hơn.

Khi tuổi đời chồng chất, và biết thêm chút ít về Kinh Dịch của các bậc cha anh ngày trước, tôi tin vào lẽ tuần hoàn của Trời Đất sẽ phải áp dụng cho quê hương cũ: “Cùng tắc biến, biến tắc thông…”

Trong hàng ngũ di cư tị nạn, nhiều người ở tuổi 35-50 là lãnh đạo cũ năm 1975, đã xa rời chúng ta. Bên kia trời quê hương cũ, những người lãnh đạo tuổi 60-80 bây giờ dù không muốn tạo vận hội mới cho đất nước vì tham vọng bám giữ quyền hành, liệu có thắng nổi dòng thời gian với sức khỏe và tuổi già của họ trong 5-10 năm nữa?

Đất nước không thể “tắc” mãi như thế này, và sắp đến lúc phải có chữ “THÔNG” mà thôi! 

Chúng ta hoài niệm 30/4 năm nay trong niềm tự hào và mong mỏi phục hồi tinh thần VNCH đó!

PHẠM ĐỖ CHÍ
(Trích từ:”Một Đời Người: Nổi Trôi Theo Vận Nước” sẽ xuất bản)

1/ Tác giả cám ơn các góp ý của KS Dương Chí Thành (Tennessee) trong phần này.

2/ Xem tài liệu chi tiết được dẫn trong nhiều quyển sách đã xuất bản tại Mỹ của GS. Nguyễn Tiến Hưng, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch VNCH thời 1973-75.

3/ Xem Huy Đức "Bên Thắng Cuộc", sách nổi tiếng xuất bản tại Hoa Kỳ.

----------------------------------------------

Người Việt Online
April 9, 2020

ORANGE COUNTY, California (NV) – Trong tuần lễ Tháng Tư Đen, Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua một nghị quyết do Dân Biểu Lou Correa đề xướng, thông cáo báo chí của văn phòng vị dân cử đại diện Địa Hạt 46 của California ở Hạ Viện Hoa Kỳ cho biết.

Nghị quyết này tưởng niệm sự hy sinh và can đảm của người tị nạn gốc Việt phải rời Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, Cộng Sản Bắc Việt xua quân chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

Sài Gòn, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa, bị thất thủ. Sự kiện này còn được gọi là Tháng Tư Đen, và 30 Tháng Tư trở thành ngày lễ Tưởng Niệm của người tị nạn gốc Việt khắp nơi trên thế giới. Họ là những người phải rời bỏ Việt Nam bị chiến tranh tàn phá và để trốn tránh chế độ Cộng Sản độc tài.

Nghị quyết H. Res. 941 đã được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua, công nhận ý nghĩa lịch sử của các cuộc tranh đấu và hy sinh anh dũng của nhân dân miền Nam Việt Nam trong cuộc di tản lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử bằng thuyền và các phương tiện khác để tìm kiếm tự do và dân chủ bắt đầu từ 45 năm trước, kể từ ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Nghị quyết cũng nhằm hoan nghênh những thành tựu và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt kể từ khi được chính phủ Hoa Kỳ tiếp nhận và tái định cư tại quê hương thứ hai.

Nghị quyết được các dân biểu Alan Lowenthal (CA-47), Zoe Lofgren (CA-19), và Barbara Lee (CA-13) đồng bảo trợ. (ĐG) [qd]






No comments:

Post a Comment

View My Stats