Quốc
Phương
BBC News Tiếng Việt
27/04/2020
Việt Nam đã rút ra nhận thức rõ ràng về ai là ‘bạn’,
‘bạn thân’, ai ‘đến với chúng ta’ trong lúc khó khăn, ai chỉ là ‘đối tác’, qua
những gì chứng kiến về an ninh trên Biển Đông, trong lúc diễn ra đại dịch
Covid, Thứ trưởng Quốc
phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói với truyền thông quốc
phòng và quân đội nước này.
Thứ trưởng phụ trách đối
ngoại quốc phòng của Việt Nam tại Bộ Quốc phòng nói rằng cần phải ‘lên án’ những
quốc gia đã lợi dụng thời điểm diễn ra Covid-19 để thúc đẩy những hành động mà
ông gọi là ‘phi pháp’, cũng như đẩy mạnh ‘tham vọng’.
Trong một phát biểu gây
chú ý hôm 26/4/2020 trên kênh Quốc phòng Việt Nam, trực thuộc Quân ủy Trung
ương và Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói:
“Những thách thức ở an ninh khu vực thì nói dù có dịch
hay không, thì nó đều tồn tại, nó là thách thức, nhưng nó chưa phải là nguy cơ.
“Điều đáng lên án là những quốc gia nhân cái dịp này
đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ và cái đó tôi cho là
không có lợi cho quốc gia đó. Quốc gia nào làm điều đó không có lợi."
“Trong lúc này, chúng ta không bao giờ quên những
nhiệm vụ khác để mà đối phó với các thách thức an ninh, ví dụ bảo vệ chủ quyền
chúng ta không thể quên, không thể lơi là. Tàu hải quân của chúng ta, cảnh sát
biển của chúng ta không có nghỉ ngày nào cả."
“Bộ đội ở Trường Sa làm sao mà không để dịch bệnh
thôi, chứ không có một đồng chí nào cần phải dừng nhiệm vụ cả.”
Về quan hệ đối ngoại và với
quốc tế qua diễn biến an ninh trên Biển Đông trong lúc diễn ra đại dịch
Covid-19, ông Nguyễn Chí Vịnh, người vừa là Ủy viên BCH Trung ương ĐCSVN và Ủy
viên thường trực Quân ủy Trung ương QĐND Việt Nam, nói:
“Những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn,
ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới
thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta.
“Thì cái này quan trọng lắm và tôi cho rằng bài học
quan trọng nhất đó là dự báo đúng tình hình và hạ quyết tâm sớm.”
‘Nói thế rất đúng’
Cũng hôm 26/4 từ Hà Nội,
một nhà phân tích chính trị và an ninh khu vực, TS. Hà Hoàng Hợp, thuôc
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) đưa ra bình luận với BBC:
“Họ nói thế rất đúng. Khi đang có dịch, cả thế giới
tập trung chống dịch ở từng nước và ở các nước, thì Trung Quốc lại có các hành
động như đang có ở biển Đông, thì ai cũng thấy hành động đó không có lợi cho
Trung Quốc và cho an ninh khu vực."
“Những nước nào lên án các hành động đó, ủng hộ
chính sách và thực hành của Việt Nam, thì có thể coi họ là bạn bè. Nhận diện bạn
bè, đối tác, đối tượng... thì từ lâu đã được nêu trong các chính sách của chính
phủ Việt Nam; lúc này, các vị đó chỉ nhắc lại thôi."
“Tôi có thấy một đoạn truyền
hình quốc phòng phỏng vấn Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn
Chí Vịnh, ông Vịnh đã nói rõ chủ đề này.”
Nhân dịp này, nhà nghiên
cứu cao cấp thỉnh giảng thuộc viện nghiên cứu của Singapore đưa ra một số bình
luận về an ninh Biển Đông và khu vực, đặc biệt liên quan các động thái nhiều mặt
của Trung Quốc.
TS. Hà Hoàng Hợp nói:
“Những động tác công hàm của Trung Quốc, thì được
đáp lại bằng các công hàm, các "giao thiệp" ngoại giao tương ứng và
phù hợp từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam."
“Hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông, cụ thể như hiện
nay Trung Quốc lại cử tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra Biển Đông, cử tàu nghiên cứu
của Đại học Hạ Môn ra vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, quân sự hóa các đảo đắp,
tập trận, trinh sát trên không... thì Bộ quốc phòng và các bộ liên quan của Việt
Nam đã có hoạt động cụ thể."
“Các hoạt động cụ thể gồm việc quan sát, theo dõi, nắm
tình hình, dự báo, sẵn sàng ứng phó trên thực địa (Trường Sa...)"
“Đang lúc có COVID-19, mà Trung Quốc có các hành động
như thế, tức là họ lợi dụng tình hình để đẩy mạnh các hoạt động phi pháp ở biển
Đông, thì đó là những hành động không có lợi cho Trung Quốc.”
Về động thái của Trung Quốc
công bố ra Liên Hiệp Quốc mới đây, hôm 17/04/2020, theo đó đưa Công hàm Phạm
Văn Đồng năm 1958 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra viện dẫn và bảo vệ các tuyên
bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông, đặc biệt trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa, TS Hà Hoàng Hợp nói:
“Về công hàm 1958 ký bởi Thủ tướng VNDCCH ông Phạm
Văn Đồng, thì chính phủ Việt Nam, các chuyên gia pháp lý của Việt nam, các
chuyên gia luật quốc tế... đã phân tích kỹ rồi."
“Về pháp lý và chính trị, công hàm đó không có giá
trị khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông, vì rất nhiều
lý do, mà tôi không nhắc lại ở đây."
“Về chính trị, Trung Quốc nêu lại Công hàm 1958, một
lần nữa cho thấy Trung Quốc cố ý giải thích sai luật quốc tế về biển. Đây là một
điểm rất bất lợi cho Trung Quốc trong việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền và lãnh
thổ ở Biển Đông.”
Liên minh hay
không?
Có ý kiến từ giới học giả
nói với BBC gần đây cho rằng Việt Nam không nên liên minh với cường quốc nào để
đối trọng với Trung Quốc.
Các ý kiến này cho rằng ý
tưởng liên minh là lạc hậu và không thực tế, mặt khác cũng không có ai chịu hay
muốn liên minh với Việt Nam ở quốc tế và khu vực liên quan an ninh và chủ quyền
biển, đảo của Việt Nam.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm:
“Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nhắc lại luận
điểm không liên minh quân sự. Luận điểm này, như tôi đã nói trước đây, được
tuyên bố nhằm thúc đẩy chính sách hòa bình của Việt Nam, và chiến lược quốc
phòng trong thời bình."
“Nhưng một khi Việt Nam bị đe dọa tấn công, hoặc tấn
công xâm lược, khi đó, tùy tình hình cụ thể Việt Nam sẽ có các quyết định cụ thể
nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ. Không có chính sách hay chiến lược
nào là cứng nhắc. Lợi ích của đất nước quyết định mọi thay đổi chính sách, chiến
lược."
“Một số chuyên gia nói rằng không nên liên minh, chắc
là họ có lý do của họ. Tôi chỉ lưu ý rằng, Biển Đông không chỉ là nơi Việt Nam
có lợi ích quốc gia, mà các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, phương
Tây... có lợi ích quốc gia của mình, vì đây là con đường chuyển vận hơn 5.000
nghìn tỷ USD hàng hóa của thế giới."
“Một khi Biển Đông bị ai đó đe dọa độc chiếm hay
hành động để tiến tới độc chiếm, thì các nước đều xem sẽ hợp tác với nhau thế
nào để chống lại. Từ đó, có thể hình thành liên minh nào đó.”
Hành động ưu tiên
gì?
Từ Hà Nội, một nhà nghiên
cứu luật học và chính sách của Việt Nam từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát
triển bình luận với BBC về điều mà ông cho rằng Việt Nam cần ưu tiên làm gì
trong bối cảnh hiện nay.
“Việc ưu tiên đầu tiên hiện nay là ngay lập tức Việt
Nam cũng phải có công hàm phản đối công hàm ngày 17/4 của Trung Quốc,” Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói.
“Thứ hai là lập tức Việt Nam cần phải có một động
thái tức là nêu vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đề nghị với tư
cách thành viên không thường trực, nêu vấn đề nhóm họp khẩn cấp về tình hình ở
Biển Đông trước những hành động mà không chỉ bằng những lời tuyên bố, mà còn bằng
những hành động trên thực địa, đang đe dọa dùng vũ lực đối với Việt Nam."
“Và việc này không chỉ đe dọa riêng với Việt Nam mà
còn đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực. Điều này về nội dung hoàn toàn phù hợp
cho việc Việt Nam đề nghị đưa vào Chương trình nghị sự của phiên họp của Hội đồng
Bảo an ngay lập tức, càng sớm càng tốt."
“Và việc tiếp theo nữa, theo tôi, Việt Nam cần chủ động
có một sáng kiến tổ chức một Hội nghị về Biển Đông mà không nhất thiết với tư
cách Chủ tịch của Asean, mà với tư cách là một trong những nước là nạn nhân của
hành vi áp chế, đe dọa dùng vũ lực của phía Trung Quốc."
“Cụ thể Việt Nam có thể qua hoạt động vận động ngoại
giao với Philippines, Malaysia, Indonesia v.v… để nêu ra sáng kiến họp khẩn cấp
về tình hình mất an ninh, ổn định ở Biển Đông và đồng thời tham dự hội nghị như
vậy, cần phải có sự có mặt của các nước có thể bị phương hại, hay chịu ảnh hưởng
trực tiếp về tự do hàng hải bị đe dọa."
“Ở đây có thể nói đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, đó là
Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ, những nước đó có thể vận động được để mà dự và có thể có
được một hội nghị để bàn về vấn đề đảm bảo hòa bình và an ninh ở Biển Đông trước
những hành vi rất là ngang ngược như vậy của Trung Quốc, theo tôi đây là những
biện pháp khẩn cấp, cần làm ngay.”
‘Quan trọng và mới’
Cũng liên quan tình hình
Biển Đông và an ninh khu vực, mới đây, một nhà nghiên cứu
chính trị và bang giao quốc
tế từ Đại học George Mason nhấn mạnh với BBC về điều mà ông cho là điểm quan trọng
và mới, có tính chất thời sự nên được lưu ý từ góc nhìn liên quan tới chính
sách của Hoa Kỳ.
“Đó là Mỹ ủng hộ sự tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển và ủng hộ các quốc gia khai thác dầu hỏa trong phạm vi chủ quyền của
họ bằng cách tăng cường tuần tra, đặc biệt cử các tàu của Mỹ theo sát các tàu
của Trung Quốc “khảo sát”, “nghiên cứu” ở Biển Đông,“ Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói.
“Mỹ nên phối hợp với các nước liên hệ cùng làm việc
đó, và trong đạo luật cứu nguy các công ty dầu hỏa của mình, Mỹ nên giành ưu
tiên cho những công ty khai thác dầu ở Biển Đông trong phạm vi chủ quyền của
các nước trong khu vực căn cứ trên công ước về luật biển (Unclos 1982)."
Trong một diễn biến gần
đây, hôm 17/4 năm 2020, theo giới quan sát, Trung Quốc đã đệ trình một công hàm
lên Liên Hiệp Quốc phản đối Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển
Đông, cáo buộc Việt Nam đã xâm chiếm trái phép biển đảo của Trung Quốc, đặc biệt
ở Quần đảo Trường Sa.
Đặc biệt, đi kèm công văn
này, Trung Quốc đã công bố và viện dẫn căn cứ để ủng hộ các tuyên bố chủ quyền
cũng như cáo buộc, phản đối Việt Nam xâm phạm, xâm chiếm biển đảo khi gửi Liên
Hiệp Quốc tham khảo công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn
Đồng vào năm 1958 gửi người đồng cấp, Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Chu Ân
Lai.
Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến
hành mọi hành động kể cả các biện pháp mạnh mẽ cần thiết để bảo vệ và bảo đảm
các quyền lợi chính đáng, cũng như chủ quyền của nước này tại Biển Đông.
Trước đó, vẫn theo giới
quan sát, Trung Quốc đã nhiều lần lên án, cảnh báo và chỉ trích Mỹ, cho rằng
Hoa Kỳ đã có những hành động can thiệp, gây phức tạp về an ninh trên biển Đông
và khu vực, Trung Quốc cũng đề nghị các quốc gia trong khu vực có tranh chấp bất
đồng với Trung Quốc về biển đảo nên tiến hành các đàm phán, đối thoại song
phương, cũng như chủ động đề nghị từng quốc gia riêng rẽ tiến hành khai thác
chung các nguồn lợi trên biển với Trung Quốc ở những nơi có tranh chấp, hoặc đã
đang trở thành tranh chấp.
--------------------
Mời quý vị bấm vào đường
dẫn này để theo dõi ý kiến của học giả từ Hoa Kỳ bình luận về an
ninh Biển Đông và khu vực qua một chương
trình bình luận hôm 23/4/2020.
No comments:
Post a Comment