Đỗ
Thành Nhân
28/04/2020
Ngày 30/4/1975
không thể quên được trong lịch sử, nhưng phải gọi là ngày gì để không gợi lại
những đau thương, chia rẽ của dân tộc
Từ sau năm 1975, cứ đến
ngày 30 tháng 4 là chính quyền cả nước tổ chức làm lễ kỷ niệm “ngày giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, tùy năm tròn, chẳn lẻ mà quy mô lớn
nhỏ khác nhau.
Sau khi câu nói của Cố Thủ
tướng Võ Văn Kiệt năm 2004 “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người
vui mà cũng có hàng triệu người buồn”, được báo chí đăng tải, thì nhiều
người nhìn nhận lại ngày 30 tháng Tư.
Rõ ràng ngày 30/4/1975
không thể quên được trong lịch sử, nhưng phải gọi là ngày gì để không gợi lại
những đau thương, chia rẽ của dân tộc đã từng đoàn kết giữ nước suốt chiều dài
với hơn 4000 năm lịch sử.
30
tháng 4: là ngày gì?
Khi mạng xã hội phát triển,
có nhiều người còn đặt vấn đề và tranh luận công khai nên gọi “ngày 30 tháng 4”
là ngày gì cho phù hợp. Tổng hợp một số ý kiến trên mạng xã hội vào bài viết
này:
1. Ngày GIẢI PHÓNG
Khái niệm “giải phóng”
thì hơi bị mơ hồ. Giải phóng cái gì, ai giải phóng ai; chẳng lẽ nói miền Bắc giải
phóng miền Nam?
Từ khi Mỹ rút quân khỏi
miền Nam 1973 đến trước 11 giờ ngày 30/4/1975, miền Nam là một chính thể độc lập,
có bị nô lệ ai đâu mà phải cần giải phóng.
Còn sau ngày “giải phóng”
đến nay: các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục … hai miền Nam – Bắc,
miền nào thay đổi (theo bên kia) nhiều hơn: để xác định chủ thể và đối tượng
“giải phóng” đúng với ý nghĩa ngôn ngữ.
2. Ngày THỐNG NHẤT
Gọi là ngày “thống nhất”
thì cũng rất khiên cưỡng, bởi lẽ:
– Về địa lý: non sông Việt
Nam chưa thật sự thuộc về cho dân tộc Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa vẫn còn bị
Trung Quốc chiếm giữ.
– Về chính trị: miền Nam
là của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lật đổ Chính phủ đương nhiệm
Việt Nam cộng hòa. Còn miền Bắc thuộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đến
ngày 25/4/1976, họp Quốc hội sáp nhập và đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam như ngày nay.
– Về con người: bắt đầu
cho một thời kỳ ly tán, di dân lớn nhất trong lịch sử dân tộc; hàng triệu người
từ Nam ra Bắc tìm cách rời bỏ đất nước. Và thế giới có thêm từ “thuyền nhân –
boat people” xuất phát từ Việt Nam.
3. Ngày HÒA BÌNH
Ngày 30/4/1975 chỉ chấm dứt
bắn giết nhau giữa người Việt với người Việt.
Đất nước lại tiếp tục cuộc
chiến trường kỳ với người láng giềng bành trướng phương Bắc. Mở đầu là “chiến
tranh biên giới Tây Nam 1975” (Google), tiếp đến là “chiến tranh biên giới Việt-Trung
1979”.
Hòa bình sao được, khi
ngày 5/3/1979 Chủ tịch nước kêu gọi tổng động viên. Sinh viên học quân sự để sẵn
sàng cầm súng. Sau lũy tre làng bình yên là những người mẹ vật vã khóc khi nhận
tin báo tử của con trai yêu quý. Thậm chí, đến ngày 14/3/1988 Trung Quốc đánh
chiếm đảo Gạc Ma làm 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh.
Đến nay đất nước chấm dứt
chiến tranh, nhưng vẫn chưa thật sự có hòa bình!
4. Ngày HỮU NGHỊ
Có một số người đề nghị lấy
ngày 30 tháng 4 là ngày “hữu nghị”, vì hết chiến tranh Việt Nam mở ra một thời
kỳ mới, làm bạn với tất cả các nước: cũng không đúng.
Sau ngày 30/4/1975 “đồng
chí em” Pol Pot láng giềng đánh hướng Tây Nam, rồi tiếp đến bị đồng chí anh Đặng
Tiểu Bình mang 60 vạn quân “dạy cho một bài học” suốt dọc biên giới phía Bắc.
Ngay cả các nước trong khu vực Asean cũng không quan hệ ngoại giao; bị Mỹ và
các nước phương tây cấm vận.
Thì làm sao gọi là “hữu
nghị” được.
6. Ngày ĐỘC LẬP
Có ý kiến cho rằng:
30/4/1975 đã sạch bóng “quân xâm lược” nên gọi là ngày độc lập là không ổn. Đến
năm 1975 có quân xâm lược nào đâu, mà chỉ có người Việt đánh với nhau.
Nếu vậy thì lấy ngày ký
hiệp định Paris 27/01/1973 hoặc ngày chính thức quân đội Mỹ chính thức rút hết
khỏi Việt Nam 29/3/1973 làm ngày độc lập.
Tuy nhiên đã có ngày độc
lập là ngày 2/9/1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập chính phủ Việt
Nam dân chủ cộng hòa rồi. Ngoài ra còn thêm một chọn lựa nữa là ngày 11/3/1945:
Thủ tướng Trần Trọng Kim tuyên cáo thành lập Chính phủ Đế quốc Việt Nam của nước
Việt Nam độc lập.
Do đó, ngày 30/4/1975
không thể là ngày “độc lập”.
7. Ngày TỰ DO
Có người đề xuất chọn
ngày 30 tháng 4 làm ngày tự do.
Có tự do không, khi hàng
trăm ngàn người sau đó phải tập trung “cải tạo” để tẩy não. Con người sống
trong xã hội cái gì cũng phải làm “đơn xin …”: xin đi học, xin việc làm, xin
lương thực, xin tạm trú / tạm vắng, … Có “cái xin” còn thua cả thú vật, đó là
quyền hôn phối để duy trì nòi giống rất tự nhiên nhưng cũng phải làm “đơn xin
đăng ký kết hôn”, cán bộ nhà nước phải làm “đơn xin cưới vợ / xin tìm hiểu …”
(đến sau 1990)!
Ngày 30/4/1975, đã có thật
sự “tự do” chưa, khi mãi đến năm 2013 Hiến pháp mới dè dặt bổ sung phần riêng về
“quyền con người, quyền công dân”.
8. Ngày HÒA GIẢI
Gần đây, có người muốn lấy
30 tháng 4 làm ngày “hòa giải”, cũng “lợn cợn” những hạt sạn. Khởi điểm của nó
là ngày 30/4/1975 – hai bên đánh nhau một mất, một còn. Ngày mà bắt đầu bên thắng
thì trả thù, hạ nhục bên thua; bên thua mất tất cả, mang danh xưng “ngụy”, uất
hận đến thế hệ sau.
Ngày 30 tháng 4 mà làm
ngày hòa giải, chẳng khác nào bắt người ta phải nhở lại nguyên nhân gây ra sự bất
hòa; ngày mà bắt đầu của sự phân ly, chia cách lòng người.
Điều lẽ ra phải quên đi
thì lại khơi dậy!
9. Những tên ngày khác
Ngoài đặt tên ngày 30
tháng 4 những từ nói trên, còn nhiều đề xuất khác như: ngày hòa hợp, ngày nô lệ,
ngày quốc hận, ngày đen tối, … Nói chung đều không chuẩn, phân tích dưới nhiều
góc độ thì người này, người kia không thể chấp nhận được.
Đề
xuất: 30 tháng 4 – Ngày nói thật
Thế giới có ngày 1 tháng
4 là ngày nói dối (cá tháng Tư), mọi người được quyền bốc phét, nói dối để gây
cười, để xả strees; thậm chí có đài phát thanh còn tuyên bố chiến tranh: dù nói
dối, có khi bị lừa nhưng mọi người vẫn vui vẻ và được tha thứ.
Xã hội đang dối trá, nghi
ngờ nhau quá nhiều, sự dối trá len lỏi vào cả trong nhà trường để đào tạo ra thế
hệ nối tiếp thế hệ dối trá. Đề xuất có một ngày nói thật với quy ước: hoặc
không nói, hoặc nói phải là sự thật và người nói thật không bị mang tội.
Tại sao nói dối được tha
thứ mà nói thật lại mang tội? Đầu tháng 4 là ngày nói dối, chọn ngày cuối tháng
4 là ngày nói thật.
Nếu ngày 30 tháng 4 là
“ngày nói thật” sẽ kết thúc chuỗi ngày nói dối bắt đầu tư ngày 1. Đến ngày đó mọi
người được quyền nói lên sự thật, những oan trái uất ức, những bất công cường
quyền.
Người dân được quyền nói
ra sai phạm của lãnh đạo, con cái được quyền góp ý với cha mẹ, học trò được quyền
chỉ ra lỗi sai của thầy cô, v.v… tất cả mọi sự thật đều được tôn trọng và không
bị trừng phạt, như là bị gọi là: mất dạy, hỗn hào, nói xấu lãnh đạo.
Dân tộc nào muốn: thống nhất, hòa bình, hữu nghị,
hòa giải, … với nhau được, thì trước hết phải thật tâm, thật lòng, phải được
nói thật với nhau trước.
Vì vậy, nên chọn ngày 30 tháng 4 là “ngày nói thật“.
– Khi đã được nói thật,
có nghĩa là được tự do (dù mới chỉ có 1 ngày).
– Khi nói thật với nhận
thức của mình, thì có nghĩa là được độc lập tư duy.
– Khi nói thật, không còn
dối trá mới nhau thì mới mong có hòa bình ổn định, hòa giải những vướng mắc để
rút ngắn khoảng cách và hướng đến sự thống nhất….
Nếu ngày 30 tháng 4 được
là “ngày nói thật”
Thì ngày 30 tháng 4 năm
nay người miền Nam sẽ tự hào đã từng là công dân của một quốc gia độc lập mang
tên Việt Nam cộng hòa; không còn tự ti là “ngụy” hay có ông, cha từng là “ngụy”.
Nhiều người dân hai miền Nam Bắc không muốn thấy cảnh ảnh em bắn giết nhau nữa;
mà sẽ cùng nắm tay nhau hát bài “nối vòng tay lớn” (*) để thống nhất
lòng người rồi thống nhất giang sơn, “Biển xanh sông gấm nối liền một vòng
Việt Nam” (*)
Mong lắm: ngày 30 tháng 4
được là “ngày nói thật không bị trừng phạt”.
Khi đó nhắc tới ngày 30
tháng 4 sẽ có hàng triệu người vui và không còn hàng triệu người buồn như nỗi
niềm của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
______
(*) Bản nhạc “Nối vòng tay
lớn” của Trịnh Công Sơn.
PS: Tác giả người miền Nam, trong gia đình 3 thế hệ nội ngoài đều có người
tham gia Cộng sản và Cộng hòa.
No comments:
Post a Comment