Monday 27 April 2020

TÌM KIẾM HÒA BÌNH TẠI VIỆT NAM - PHỎNG VẤN HENRY KISSINGER (Winston Lord)




Winston Lord
Đỗ Kim Thêm dịch
27/04/2020

Chiến tranh Việt Nam có hai chiến trường: Đông Dương và Mỹ. Bắc Việt cố gắng kéo dài cuộc chiến trên chiến trường Việt Nam, đồng thời làm mệt mỏi công luận trên chiến trường Mỹ.

Đứng trườc chiến lược này và kế thừa một di sản là sức mạnh quân sự, các tình trạng tổn thất và phản chiến đang gia tăng, Tổng thống Nixon cân nhắc mọi khả năng trong chính sách. Nixon quyết định chỉnh đốn các trận địa chiến cho miền Nam Việt Nam trong khi củng cố khả năng chiến đấu cho họ. Sự giảm bớt vai trò của chúng ta sẽ hỗ trợ cho công luận trong nước Mỹ. Trong thời gian này, Nixon cũng để cho Kissinger tổ chức mật đàm càng nhanh càng tốt.

Vấn đề là các tiến bộ chỉ có thể đạt được trong các cuộc mật đàm, nhưng vì nó còn bị giấu kín, nên thái độ mềm dẻo của chúng ta cũng như cứng rằn của Hà Nội không được công luận biết đến. Vì thế, chúng ta phải trả một cái giá quá đắt cho những ủng hộ cho chính sách của chúng ta và làm cho Bắc Việt càng thêm cứng rắn.

                                                          ***

Winston Lord: Chúng ta hãy nói về vấn đề Việt Nam. Trong cuộc thảo luận trước đây, ông đã mô tả tổng quát về tình hình chính trị của Mỹ khi ông nhậm chức vào năm 1969. Bây giờ, chúng ta nói về chiến tranh Việt Nam, vừa tình hình trong nước cũng như các cuộc hoà đàm đang diễn tiến. Chính phủ Johnson đã để lại cho ông di sản nào?

Henry Kissinger: Vào tháng Giêng năm 1969, chúng ta đã có 500.000 binh sĩ tham chiến tại Việt Nam và theo kế hoạch của Johnson, quân số này còn phải tăng lên. Trong hai tháng đầu tiên sau khi Nixon nhậm chức, 34.000 quân sẽ gởi tới Việt Nam, theo một thời biểu được đề ra trong thời kỳ của Johnson. Vào thời điểm này, chúng ta đã có 31.000 người hy sinh. Trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, con số tử vong hàng tuần là khoảng từ 500 cho đến 1.000 người.

*
Winston Lord: Các cuộc thương thuyết vừa mới bắt đầu. Thật ra, một trong các quyết định của Nixon đề ra trong tuần cuối cùng của Johnson còn tại chức là nhằm song hành với sự phá vỡ bế tắc các thủ tục cho tiến hành đàm phán. Nixon có thể trì hoãn việc này một cách dễ dàng cho đến trong nhiệm kỳ của ông.

Henry Kissinger: Các cuộc đàm phán hầu như chỉ lo về các vấn đề thủ tục liên quan đến việc liệu chính phủ Nam Việt Nam có tham dự hoà đàm cùng với Mặt trận Giải phóng miền Nam không. Trong khi thương thuyết bế tắc, phía Mỹ không đề ra một đề nghị cụ thể nào để khai thông. Đề nghị duy nhất của Bắc Việt là Mỹ rút quân và lật đổ chính quyền miền Nam trước khi bất kỳ một cuộc đàm phán nào bắt đầu. Đến cuối các cuộc đàm phán vào tháng 10 năm 1972, Hà Nội không bao giờ thay đổi hai đòi hỏi này.
Chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề này, bởi vì có huyền thoại cho rằng, bằng một cách nào đó đàm phán sẽ tự tiến triển nếu như Nixon không can thiệp. Điều này là vô nghĩa. Bắc Việt đã có quan điểm cơ bản này và không thay đổi ngay trong những ngày đầu khi Johnson thoả thuận ngưng ném bom. Cho đến tháng 10 năm 1972, Bắc Việt không thay đổi các chủ điểm mà chúng tôi quan tâm.

*
Winston Lord: Khi nhận nhiệm vụ, ông có biết là được ủy nhiệm để chấm dứt chiến tranh Việt Nam không? Nói như vậy có thể là công bình không?

Henry Kissinger: Trong một cách nào đó thì đúng như vậy, nhưng không trong ý nghĩa là làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc bảo vệ hoặc hủy diệt tự do của Đồng Minh. Chúng ta phải nhớ lại là trong chiến tranh Việt Nam, hình thức tôn sùng bạo lực đã nảy sinh trong các cuộc tranh luận về nội chính. Dĩ nhiên, trước đó, đã có bất đồng trầm trọng trong quan điểm giữa đảng Dân chủ và Cộng hoà, nhưng khi cho rằng chính quyền chỉ bao gồm những kẻ nói dối đáng tội hình, họ vi phạm tội ác chiến tranh, vấn đề chỉ xuất hiện vào thời điểm khốc liệt đó. Do đó, việc biểu tình của đông đảo quần chúng và tẩy chay chính quyền làm cho Wahsington tê liệt. Tình trạng này phát triển trong chiến tranh Việt Nam.

*
Winston Lord: tôn vinh kẻ thủ là có ưu thế hơn về mặt đạo đức?

Henry Kissinger: Và tôn vinh kẻ thù. Bất kể chúng ta theo đuổi động thái nào, chúng ta bị cáo buộc là hành động có gian ý để âm thầm kéo dài chiến tranh, vì một số lý do mơ hồ. Tôi yêu cầu một cộng sự viên nghiên cứu xem chúng ta nhận được New York Times hỗ trợ trong bao lâu, nếu như chúng ta tuân theo các đề xuất của Ban Biên tập của họ. Vào đầu thời kỳ của chính quyền Nixon, họ sẽ ủng hộ khoảng sáu tuần, vào lúc cuối chỉ trong một vài ngày.

*
Winston Lord: Chúng tôi muốn nói về vấn đề này. Chúng ta phải trả một giá cho các cuộc mật đàm. Trong các cuộc thảo luận công khai, vấn đề trao đổi luôn là về tuyên truyền, chúng ta cho rằng chỉ trong bí mật mới tạo được các chuyển biến. Khi không biết về các cuộc mật đàm, giới phản chiến cho chúng ta là không muốn thương thuyết nghiêm chỉnh. Chúng ta phải trả giá cho việc này cho đến tháng Giêng năm 1972. Cuối cùng, chúng ta công khai cho biết các cuộc mật đàm. Nhưng bây giờ, chúng ta phải trở lại vấn đề là thoạt đầu chọn lựa của ông là gì? Ông bắt đầu nhậm chức, mục tiêu đầu tiên của ông là nhận diện và đánh giá các việc chọn lựa?

Henry Kissinger: Chúng tôi gởi đi một danh sách với 130 câu hỏi cho các Bộ quan trọng, tôi không còn nhớ, bởi vì chúng tôi muốn tạo ra một bảng lượng giá chung về tình hình. Tôi đã ba lần đến Việt Nam trước khi được trao cho nhiệm vụ này. Tôi biết là ngay trong chính quyền Mỹ đã có dị biệt quan điểm sâu xa về việc đánh giá tình hình. Tôi muốn làm rõ vần đề, nhận định về các dị biệt là gì và đâu là tình hình thực tế và đúc kết. Đó là bước đầu tiên.
Chúng tôi xét duyệt một cách rất có hệ thống về các chọn lựa mà chúng tôi nhận ra. Về tổng thể, có ba lựa chọn, một trong ba lựa chọn này là không đúng đắn. Giải pháp đầu tiên là tất cả mọi lực lượng phải tức khắc rút lui. Đó là chuyện đáng buồn cười. Chúng ta đã chiến đấu bốn năm và đang trong tình trạng huy động trong quy mô lớn. Bộ Tư lệnh Liên quân giải thích cho chúng tôi là việc rút quân sẽ kéo dài trong hai năm, kể cả trong mọi trường hợp là không có một phản kháng nào. Việc rút quân như vậy của một vị Tổng thống Đảng Cộng hoà là phản bội những gì ông theo đuổi và ngay cả đối với các vị Tổng thống tiền nhiệm theo Đảng Dân chủ cũng không bao giờ cân nhắc như vậy.
Khi bắt đầu công việc, chúng tôi cho rằng kế hoạch hiện nay cho việc triệt thoái các lực lượng giảm xuống còn mức độ là 250.000 quân. Chúng tôi sẽ đạt được mức độ này trong chín tháng sau khi Nixon nhậm chức. Nếu nói về mặt lý thuyết, đây là việc triệt thoái toàn bộ và ngay tức khác.

*
Winston Lord: Có lẽ ông phải làm cho chính quyền Sài gòn sụp đổ trong cùng lúc đó.

Henry Kissinger: Đúng thế. Đó là quan điểm thương thuyết của Bắc Việt muốn. Rút quân ngay và chính quyền miền Nam sụp đổ. Dĩ nhiên, chính quyền sụp đổ. Về mặt định nghĩa, chúng ta sẽ làm như vậy.

*
Winston Lord: Tôi không thể nghĩ ra về một nhân vật chính trị quan trọng của Mỹ, từ trong cánh Tả hay Hữu, đã có đề xuất như thế vào thời điểm đó.

Henry Kissinger: Việc chọn lựa đó không là điểm khởi động. Chúng tôi còn lại hai lựa chọn cơ bản. Chúng ta có thể khởi đầu việc Việt Nam hoá chiến tranh, tuần tự rút quân và tăng cường quân lực cho miền Nam, cho đến điểm mà Bắc Việt sẽ suy yếu và chấp nhận đàm phán.
Một giải pháp tương ứng, mà thật sự đó là giải pháp ưu tiên của tôi, là một giải pháp toàn bộ cho hoà bình. Nhiệm vụ này được thể hiện trong sứ mệnh của Vances. Khi giải pháp này bị từ chối, chúng ta sẽ đánh trả mạnh về quân sự, như đã xảy ra vào năm 1972. Chúng tôi không bao giờ thực hiện kế hoạch này. Về đề tài này, chúng tôi đã có tài liệu nghiên cứu khác mang tên “Duck Hook”. Tôi cũng không nhớ rõ vì sao lại có tên này. Nhưng chúng ta có thể biết việc này khi đọc các bản tường trình của các phóng viên điều tra. Đó là các việc theo dõi sau việc từ chối các đề nghị hoà đàm.
Cuối cùng, Nixon quyết định việc theo con đường Việt Nam hoá chiến tranh và tôi thuận theo ông ta, mặc dù trực giác của tôi nói cho tôi biết là việc này sẽ tạo ra các nguy hiểm, bởi vì khi chúng ta càng rút quân nhiều, chúng ta càng bị công luận áp lực phải rút nhiều hơn. Khi làm cho khả năng chiến đấu của miền Nam đồng bộ được với tốc độ của các cuộc đàm phán của chúng tôi là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Winston và tôi biết rằng, Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn đàm phán của Hà nôi, sẽ luôn đặt ra những vấn đề đau đầu: “Khi qúy vị không thể đánh bại chúng tôi với 500.000 quân, từ đâu mà qúy vị có ý nghĩ rằng, khi thay bằng 500.000 quân lính miền Nam đang chiến đấu, qúy vị lại có thể đánh bại chúng tôi?“ Chúng tôi không có câu trả lời mãi cho đến cuộc tấn công trong năm 1972, khi chứng minh cho họ thấy là miền Nam có thể làm được với vai trò yễm trợ của Hoa Kỳ.1

*
Winston Lord: Ông thật sự có cảm thấy rằng qua thời gian lực lương bộ binh của miền Nam tự họ sẽ mạnh hơn không, dù nhiều hay ít hơn. Trong khi đó, dân chúng Mỹ nhìn ra các tiến bộ đã đạt được và do đó chúng ta có thể duy trì sự ủng hộ trong nước Mỹ về mặt chinh sách.
Như ông vừa nói, Bắc Việt không bao giờ từ bỏ các đòi hỏi của họ về việc Mỹ rút quân tức khắc và toàn diện và chính phủ Thiệu ở Sài Gòn sụp đổ. Đó có phải là lý do tại sao mà tiến trình đàm phán là vô bổ? Bởi vì ông đàm phám thật sự trong ba năm mà không có kết quả.

Henry Kissinger: Bắc Việt cực kỳ khôn khéo khi biết thay đổi các đề nghị không quan trọng và tận dụng các biến chuyển tình thế trong nội chính của nước Mỹ. Thí dụ như có một giai đoạn, trong cuộc đàm phán chính thức, Bắc Việt đề nghị cho chúng tôi bảy điểm và trong mật đàm đề nghị là chín điểm. Chúng tôi hỏi: “Quý vị muốn đàm phán về vấn đề bảy điểm hay chín điểm?”.”Chúng tôi muốn thảo luận về chín điểm”. Trong công luận, họ cứ luôn nói là: “Tại sao phía Mỹ không trả lời các vấn đề bày điểm của chúng tôi?” trong khi chúng tôi đang đàm phán về chín điểm.
Chúng tôi mất nhiều thời giờ đàm phán về các vấn đề này và khi đến chủ điểm của chúng tôi: “Quý vị có sẳn sàng ngưng chiến, công nhận chính phủ hiệu hữu hoạt động, tổ chức bầu cử trong một khoảng thời gian ngắn không?“, họ luôn từ chối các đề nghị này.
Chúng tôi nghĩ rằng cần thương thuyết không chỉ nỗ lực kết thúc cuộc chiến, mà phải thuyết phục cho dân chúng Mỹ biết là chúng ta thật sự nghiêm chỉnh xây dựng hoà bình. Chúng tôi có trở ngại là bao lâu mà các cuộc đàm phán còn trong vòng bí mật, chúng ta không thể chứng minh về những gì mà chúng ta hành động. Khi chúng ta đưa ra công khai các cuộc đàm phán, chúng ta bị áp lực ngay của các người biểu tình, họ sẽ cho là chúng ta quá cứng rắn. Họ tin rằng điểm quan trọng nhất là chúng ta phải rút quân, không quan tâm đến các điều kiện rút quân là gì.

*
Winston Lord: Có lẽ ông có thể giải thích lúc tháng Năm năm 1971, chúng ta đề xuất kế hoạch bảy điểm làm nền tảng cho hoà ước.

Henry Kissinger: Dĩ nhiên, dĩ nhiên.

*
Winston Lord: Kế hoạch này cho thấy chúng ta không thể đạt đến chung quyết cho hoà uớc sớm hơn. Nó đơn giản là không thể như vậy.

Henry Kissinger: Tháng năm 1971, chúng tôi đưa ra một đề xuất mà về sau trở thành cơ sở cho hoà ước.

*
Winston Lord: Tại sao Bắc Việt không chấp nhận hoà ước trong thời thời điểm đó?

Henry Kissinger: Vì họ nghĩ rằng có thể đánh bại chúng ta hoặc làm cho chúng ta mệt mỏi. Để hiểu các cuộc hoà đàm về chiến tranh Việt Nam, người ta không cần phải biết tất cả từng chi tiết mà chỉ nên biết hai vấn đề. Mỹ sẳn sàng triệt thoái toàn diện, nếu Bắc Việt đồng ý một tiến trình chính trị mà cho miền Nam một sự chọn lựa về tương lai của mình. Ngay từ đầu, Bắc Việt đòi hỏi rằng Mỹ phải đơn phương rút quân ngay lúc bắt đầu tiến trình và Mỹ phải đưa ra một thời biểu cuối cùng mà không gây ảnh hưởng cho bất cứ vấn đề gì xảy ra. Thứ hai, chính phủ hiện hữu tại miền Nam phải bị sụp đổ ngay tức khắc và được thay thế bằng một loại Chính phủ Liên hiệp mà Cộng sản có quyền phủ quyết.
Trong lúc đàm phán, chúng tôi phát hiện ra rằng một chính quyền như vậy có thể hình thành như thế nào, chúng tôi không bao giờ tìm ra một chính khách người Việt nào đang hoạt động ngoải chính phủ mà các nhà thương thuyết của Hà Hội có thể xem là chấp nhận được. Do đó, họ đòi hỏi chúng tôi là chấm dứt các nỗ lực quân sự và triệt thoát, thay đổi chính phủ mà chúng tôi ủng hộ. Sau đó, một cuộc thương thuyết thật sự sẽ bắt đầu. Đó là điều kiện duy nhất mà chúng tôi cực lực phản đối. Còn về các điều kiện khác chúng tôi tìm các cách để thích nghi.
Đề nghị chủ yếu của chúng tôi là đưa ra một giải pháp quân sự và đàm phàn về chính trị. Giải pháp chính trị là công nhận quyền sinh tồn của chính quyền Nam Việt Nam và cho phép Mặt trận Giải phóng miền Nam tham gia sinh hoạt chính trị. Cho đến tháng 10 năm 1972, Bắc Việt từ chối đề nghị này. Tháng Giêng năm 1972, Nixon công bố đề xuất từ tháng Năm năm 1971. Cuối cùng, vào tháng 10 năm 1972, Lê Đức Thọ đọc một đề nghị chính thức mà ông dẫn nhập trước tiên là: “Đây chính là nhưng gì mà quý vị đã từng đề nghị.” Thực ra, trong các điểm chính hàm chứa những gì mà chúng tôi đã đề nghị.
Lúc cuối cuộc họp, tôi bắt tay Winston và còn nhớ là đã nói: “Chúng ta đã đạt đuợc”. Đối với tôi, đó là một ý nghĩa lớn lao đầy biểu tượng, vì Winston muốn bỏ việc ngay trong giai đoạn đầu tiên trong cuộc tiến quân vào Cambodia năm 1970 và chúng tôi có một cuộc thảo luận “Chúng ta có thể nói là việc này sẽ không có ý nghĩa quan trọng cho cuộc đời anh, khi anh đóng góp cho hoà ước thay vì phải biểu tình cho hoà bình.“
Về phía chúng tôi, đó là các cuộc đàm phán hết sức nghiêm chỉnh. Nhưng cũng cực kỳ nghiêm chỉnh không kém khi chúng tôi không phản bội những người tin vào lời hứa của chúng tôi và họ hy sinh vô bờ bến để bảo vệ tự do cho họ. Điều này thuộc về một phần trong chiến tranh Việt Nam, trước việc này không có cách nào tránh được. Tất cả những lời cáo buộc đó, đã khởi đầu từ thời Johnson và tiếp tục chống Nixon. Kể từ đó, chúng ta không bao giờ hồi phục.

*
Winston Lord: Là nhà ngoại giao nỗ lực trong đàm phán, ông gặp khó khăn gì khi một mặt ông phải đối đầu trước các áp lực của công luận Mỹ, nơi mà giới cánh Tả nói rằng “Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến bằng mọi giá, rút quân ngay”, và mặt khác, Bắc Việt và Lê Đức Thọ tận dụng tình thế này?

Henry Kissinger: Có nhiều bài báo luôn lập lại các lời cáo buộc chúng tôi là phải làm thêm một việc nhỏ mà phần lớn thời gian chúng tôi đã phải làm xong việc ấy từ trước. Trong mọi trường hợp, chỉ có một vần đề chủ yếu là: Liệu chúng ta có muốn làm sụp đổ một chính phủ mà các chính quyền tiền nhiệm của chúng ta đã bảo vệ không?, để cho xã hội Việt Nam được tự do hay ít nhất là tự do đến mức mà chúng ta có thể giúp được, và để thay thế chính phủ này bằng cách áp đặt một chính quyền Cộng sản không? Đó là một sự vi phạm đối với tất cả mọi thứ, những gì mà nước Mỹ cam kết trong những năm sau Đệ nhị Thế chiến. Điều này là sự đạo đức giả toàn bộ.

***

Nguyên tác: Searching for Peace in Vietnam, Chapter VI, pp. 65-74 in: Kissinger on Kissinger.

Winston Lord là Trợ lý đặc biệt cho Cố vấn An ninh Quốc gia (1970-1973), Giám đốc Nhân viên Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao (1973-1977), Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (1977-1985), Đại sứ tại Trung Quốc (1985-1989), và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao (1993-1997).

Lord đã cộng tác với New York Times, Washington Post, Wall Street Journal, Newsweek và Foreign Affairs. Sách mới nhất là Kissinger on Kissinger, Refections on Diplomacy, Grand Strategy, and Leadership. All Points Book New York, 2019.






No comments:

Post a Comment

View My Stats