29/04/2020
Diễn đàn Thế kỷ: Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, dần dà chị có dịp tiếp xúc với đời sống
miền Nam. Xin chị cho biết cảm tưởng chung của mình về đời sống vật chất và
tinh thần của dân chúng trên mảnh đất trước kia gọi là Việt Nam Cộng hòa.
Phạm Thị Hoài: Tôi thuộc thế hệ lớn lên trong "chân lý không bao giờ thay đổi"
rằng "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", chỉ có Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa với thủ đô Hà Nội và Chủ tịch Hồ Chí Minh là quốc gia hợp pháp
duy nhất trên toàn bộ mảnh đất hình chữ S. Chính quyền Sài Gòn là bù nhìn. Rất
lâu sau này tôi mới nghe danh xưng Việt Nam Cộng hòa.
Lần đầu tiên tôi đến Sài
Gòn là năm 1984, đi phiên dịch cho một đoàn khách Đông Đức sang dự hội thảo
khoa học. Điều duy nhất của miền Nam mà tôi còn nhớ là khi xe dừng trước khách
sạn Bến Thành, một bác vận giày da và đồng phục rất đẹp tiến tới mở cửa xe. Tôi
chui ra, ríu rít "Cảm ơn bác ạ", nhưng chưng hửng trước một gương mặt
đóng băng. Tôi tiện tay đóng cửa xe sau lưng. Lớp băng trên gương mặt ấy thoáng
rạn thành hai vệt lông mày nhíu lại, nhưng cặp môi vẫn lịch sự nói "Xin bà
nhẹ tay", rồi lông mày lại giãn ra, lớp băng lại đóng kín. Chiếc xe êm ru ấy
không cần tôi dùng hết sức lực của một cơ thể chưa đầy 40 ký để đóng cửa. Ngoài
Bắc, cửa xe như tôi biết khi ấy thường cần thêm một cú đạp. Ngoài Bắc, gác cổng
cơ quan nào cũng có thể vênh mặt rất chân đất hách dịch, nhưng không băng giá lịch
thiệp. Ngoài Bắc, người đáng tuổi cha chú không gọi một cô gái là bà.
Lần tiếp theo là năm
1989, môi trường tôi tiếp xúc là giới báo chí và xuất bản, toàn bộ nằm trong
tay một đội ngũ cán bộ hoặc từ miền Bắc vào, trong đó có nhiều người miền Nam tập
kết ra Bắc rồi lại từ Bắc phái vào Nam, hoặc là người miền Nam có lý lịch và
thành tích cách mạng, phần lớn từng là những gương mặt nổi bật của phong trào
đô thị. Những người được coi là cấp tiến trong số đó, dù cởi mở thế nào vẫn là
những cán bộ cộng sản tiếp quản một thành phố đã Bắc hóa về nền tảng. Sài Gòn
khi đó khấm khá hơn, sôi động trẻ trung hơn Hà Nội, song phần lớn di sản của Việt
Nam Cộng hòa thì đã di tản, đã thành tro bụi, hoặc đã tàn lụi trong các trại cải
tạo. Trầm tích còn lại thì ẩn sâu. Tôi chỉ thực sự tiếp cận một phần di sản ấy
sau này, từ khi định cư ở Đức.
*
Diễn đàn Thế kỷ: Xin chị cho biết đánh giá của chị về di sản ấy.
Phạm Thị Hoài: Bản thân người trong cuộc, tức các thế hệ từng sống trong những thể
chế khác nhau của Việt Nam Cộng hòa và con cháu họ, cho đến nay vẫn tiếp tục
tranh cãi, thường là rất gay gắt, đầy nghi kị thù hận, đến mức thóa mạ, nguyền
rủa, thậm chí như sẵn sàng làm thịt nhau về cái di sản ấy. Điều đó dễ hiểu. Định
mệnh của Việt Nam Cộng hòa gắn liền với Chiến tranh Việt Nam, một chương sử đau
thương vô hạn và cũng chia rẽ vô hạn của người Việt. Trong khi miền Bắc cùng thời
là một khối duy nhất, đúc bằng ý chí sắt thép máu lửa của chủ nghĩa cộng sản thời
chiến, không có gì để và có thể bàn cãi, thì miền Nam, ở mọi thời điểm của cuộc
chiến, là một tổng thể phức tạp của nhiều phân mảnh đối kháng nhau mạnh mẽ.
Cả hệ thống quốc gia chống
cộng lẫn Việt cộng và những người được coi là "thành phần thứ ba"
cũng như khối dân chúng chao đảo giằng xé giữa các bên đều thuộc về miền Nam ấy.
Cả ấp chiến lược lẫn “vùng giải phóng” cũng như cả Tổng thống Ngô Đình Diệm lẫn
Hòa thượng Thích Quảng Đức; cả thảm sát ở Huế lẫn thảm sát ở Mỹ Lai; cả Nguyễn
Văn Trỗi đặt mìn lẫn Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom; cả tà áo dài tân
thời của Đệ nhất Phu nhân Trần Lệ Xuân lẫn tấm áo bà ba của Phó Tư lệnh Mặt trận
Nguyễn Thị Định; cả tướng Nguyễn Ngọc Loan lẫn đại úy biệt động Nguyễn Văn Lém;
cả tướng Nguyễn Cao Kỳ, tướng Nguyễn Khoa Nam lẫn tướng Dương Văn Minh, tướng
Phạm Xuân Ẩn; cả linh mục Cao Văn Luận lẫn linh mục Chân Tín; cả luật gia Nguyễn
Văn Bông lẫn luật sư Nguyễn Hữu Thọ; cả thầy Tuệ Sỹ, thiền sư Lê Mạnh Thát lẫn
Phật giáo Hòa Hảo, thiền sư Thích Nhất Hạnh; cả nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam
lẫn nhà hoạt động Trương Như Tảng; cả nhân sĩ Hồ Hữu Tường lẫn nhân sĩ Lý Chánh
Trung; cả học giả Nguyễn Hiến Lê lẫn nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng; cả triết
gia Phạm Công Thiện lẫn giáo sư triết Nguyễn Văn Trung; cả nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn lẫn nhạc sĩ Lưu Hữu Phước; cả thi sĩ Bùi Giáng lẫn nhà thơ Lê Anh Xuân; cả
nhà văn Mai Thảo lẫn cây bút Vũ Hạnh; và cả triệu người từ miền Bắc di cư vào
Nam năm 1954 lẫn triệu người từ miền Nam di tản năm 1975...
Tất cả những nhân vật, sự kiện, hiện tượng, khuynh hướng ấy đều thuộc về
di sản của Việt Nam Cộng hòa, và chỉ riêng điều đó đã là một thành tựu vô tiền
khoáng hậu. Không một quốc gia nào
trên lãnh thổ Việt Nam từng trải qua một lịch sử đa tầng và nén chặt như vậy.
Hai mươi năm là một khoảnh khắc rất ngắn trong lịch sử, chỉ đủ cho người Việt
ngủ rồi thức dậy vẫn trong giường chiếu cũ, vươn vai hít thở không khí cũ, khề
khà xỏ chân dép cũ, ra hiên cũ ngắm mây cũ đọng vuông trời cũ. Phần lớn là như
thế suốt mấy ngàn năm. Nhưng hai thập niên Việt Nam Cộng hòa là một chuyến tốc
hành lao vào những xung đột trung tâm của một thế giới luôn kề cận một cuộc đại
chiến mới. Không phải miền Bắc tuyệt đối một lòng và vì thế phiến diện, mà miền
Nam đa diện bỗng trở thành đấu trường nóng bỏng của những lý tưởng và trào lưu
thời đại nổi bật. Lần đầu tiên, và cho đến nay là lần duy nhất, người Việt có mặt
ở đỉnh cao của tinh thần thời đại, dù đó là một thời đại kinh hoàng. Là người
ngoài cuộc, tôi có thể dễ dàng chọn cách nhìn nhận gia tài "hai mươi năm nội
chiến từng ngày"của miền Nam từ tổng thể ấy. Song với người trong cuộc thì
khó hơn nhiều, họ phải sống với những sự thực khác nhau mà những nỗi đau riêng
vẫn còn nguyên. 45 năm không ngắn nhưng chưa đủ dài.
*
Diễn đàn Thế kỷ: Chị đã biết hiện tượng đốt sách và việc bắt giam một số khá lớn các nhà
văn nhà báo miền Nam của phe thắng trận. Chị đánh giá việc này ra sao?
Phạm Thị Hoài: Đó là cách hành xử của nhiều chính quyền độc tài, không riêng gì cộng
sản. Thời Minh thuộc, sách vở văn tự An Nam bị đốt sạch phá sạch để dọn đường
cho văn minh Bắc triều. Hà Nội cũng làm thế với miền Bắc sau 1954 để dọn đường
cho văn minh cộng sản: sách vở báo chí tiền chiến bị bài trừ; bia đình chùa miếu
mạo biến thành đá lót; nông dân đốt sổ sách văn tự trong Cải cách Ruộng đất; và
Hà Nội tiếp tục chính sách thay máu tàn khốc nhưng hiệu quả này với miền Nam
sau 1975. Miền Nam không phải là ngoại lệ, mà chỉ đi sau cả nước trong công cuộc
thay máu đó. Nhiều cây bút miền Bắc thậm chí còn chịu số phận cay đắng hơn. Chế
độ chính trị hiện hành đã vượt qua hai cuộc chiến tranh nóng và kỷ nguyên Chiến
tranh Lạnh với sự sụp đổ của hệ thống; đã trải qua nhiều hình thái, từ giáo điều
đến cải cách, từ khép kín đến mở cửa, từ cộng sản chiến khu đến cộng sản bao cấp,
từ cộng sản ảo mộng đến cộng sản vỡ mộng, từ cộng sản trong tim đến cộng sản
ngoài da, từ cộng sản cần lao đến cộng sản đại gia, từ cộng sản đào mồ chôn tư
bản dân tộc đến cộng sản ôm chân tư bản toàn cầu. Chế độ ấy vững tin ở sự bất
diệt của bản thân, như thể nó sẽ trụ lại ngay cả khi dân tộc này qua đi. Nhưng
lịch sử không có điểm dừng cuối cùng. Một hay nhiều vụ thay máu văn hóa khác,
cũng sẽ dã man và ngu xuẩn không kém, không phải là không thể diễn ra nữa trên
mảnh đất Việt Nam. Chúng ta luôn nhắc nhở rất hoa mỹ về những bài học của lịch
sử, nhưng con người nói chung chỉ lắng nghe quá khứ khi đã muộn.
*
Diễn đàn Thế kỷ: Sau này chị đã làm công việc sưu tầm và số hóa các tác phẩm
văn học của miền Nam và đưa lên Website
có tên talawas để mọi người có thể tiếp cận. Chị có thể cho biết động
lực, cách thức và thời gian để chị thực hiện việc này?
Phạm Thị Hoài: Một trong các trọng tâm của talawas là đối thoại
đa chiều, song điều đó là bất khả nếu cơ hội cho các bên không bình đẳng. Tôi rất
ngạc nhiên vì cộng đồng hải ngoại của "Việt Nam Cộng hòa nối dài" khi
ấy chưa hề có một thư viện online cho sách báo miền Nam trước 1975, mặc dù có
thẩm quyền và nhiều nguồn lực nhất để làm việc đó. Vậy thì chúng tôi, toàn những
người xuất xứ từ "bên thắng cuộc", phải bắt tay vào mà làm thôi,
không có gì phải dài dòng cân nhắc. Chúng tôi giao cho một số cộng tác viên ở
trong nước tìm và chọn tác phẩm, cho đánh máy và sửa bản thảo cũng ở trong nước
rồi gửi bản điện tử đến tòa soạn. Khá thủ công, tốn kém và vất vả, nhưng khi đó
tốc độ internet cũng như các công cụ hỗ trợ cho phép những giải pháp kỹ thuật
khác chưa phát triển như hiện nay.
*
Diễn đàn Thế kỷ: Nhiều thế hệ Việt Nam trong và ngoài nước nhờ talawas mà đã tìm đọc, thưởng
thức và nghiên cứu lại cả một nền văn học có cơ bị xóa bỏ hẳn bởi phe thắng trận.
Thế nhưng, công việc đẹp đẽ này bỗng dưng phải ngừng lại. Chị có thể cho biết
lý do?
Phạm Thị Hoài: "Sách xuất
bản tại miền Nam trước 1975" chỉ là một trong nhiều nội dung của
talawas. Chúng tôi hoạt động ở giai đoạn bước đệm, khi internet vừa mở ra cơ hội
cho một môi trường truyền thông độc lập của người Việt, song trước thời điểm mạng
xã hội bùng nổ. Chúng tôi quyết định dừng lại khi nhận thấy talawas đã đi hết
giới hạn cuối cùng khả dĩ ở quy mô và chất lượng mà nó đã đạt được. Mô hình làm
việc tự nguyện, tay trái, ngoài giờ, không lương, của ban biên tập và sự đóng
góp bài vở cũng tự nguyện, không thù lao, của các tác giả, tuy đẹp và thậm chí
lãng mạn nhưng rốt cuộc chỉ là giải pháp tạm thời của tình huống bất đắc dĩ. Nếu
hình dung trước là sự tạm thời đó kéo dài đến 9 năm, có lẽ tôi đã không đủ can
đảm để bắt đầu.
Một mô hình chuyên nghiệp,
với một tòa soạn chuyên nghiệp và một đội ngũ cộng tác viên chuyên nghiệp đòi hỏi
một nguồn tài chính và nhân lực lâu dài, ổn định. Chúng tôi không thể có điều
đó, dù được cảm tình của một lượng độc giả khá đông đảo. Ngoài ra, cuối thập
niên 2000 các blog cá nhân trên nền tảng Yahoo, rồi WordPress, Google nở rộ và
không lâu sau đó, đầu thập niên 2010, mạng xã hội Việt Nam hình thành và bùng nổ
với Facebook. Nếu tiếp tục với mô hình cũ, talawas sẽ chỉ là cái bóng lay lắt của
chính nó cho đến khi tắt hẳn. Chúng tôi muốn tiết kiệm cho mình và độc giả cái
kết cục đó. Một mạng lưới truyền thông độc lập, có uy tín, chất lượng và độ lan
tỏa lớn; có khả năng xây dựng một công luận tự do và có trách nhiệm; có thể thực
sự làm đối trọng với truyền thông "lề phải" do chính quyền Việt Nam
quản lý; hình thành từ ý chí và nguồn lực của chính cộng đồng Việt chứ không phải
là một chi nhánh của những hãng truyền thông nước ngoài như BBC, RFA, VOA,
RFI... cho đến nay vẫn chỉ là một trong những ước mơ miễn phí của chúng ta, còn
thực tế thì chúng ta phó thác hết cho vị cứu tinh đáng ngờ là Facebook.
Tôi không phủ nhận vai
trò khai phóng của Facebook đối với những xã hội chuyên chế như Việt Nam, song
nó là con dao hai lưỡi, có thể thúc đẩy nhưng cũng có thể đe dọa hay đầu độc tiến
trình dân chủ và văn minh hóa một quốc gia độc tài chậm tiến. Mọi con vật đều
bình đẳng trên mạng xã hội, song sự phát triển ở Nga, Trung Quốc và các nước độc
tài Trung Đông cho thấy một số con vật rõ ràng bình đẳng hơn những con khác. Tự
do trên Facebook được định nghĩa bởi chính Facebook và nhà cầm quyền. Hai thế lực
này, dù khác biệt đến đâu và sau một thời gian dè chừng lẫn nhau, cuối cùng sẽ
phải câu kết để duy trì lợi nhuận cho bên này và quyền lực cho bên kia hay thậm
chí cả hai lợi ích gộp lại cho đôi bên; vụ Facebook
chấp nhận kiểm duyệt ở Việt Nam mới đây chỉ là một trong chuỗi những mở
đầu mà chúng ta ghi nhận để rồi bỏ qua như chưa hề xảy ra. Chúng ta là những
con ếch trong bình nước đang nóng dần. Khi chính quyền học được cách sử dụng và
chế ngự mạng xã hội cho chính sách tuyên truyền của mình - trấn áp, lung lạc,
chia rẽ, mị dân – thì tiếng nói riêng lẻ của các nhà báo công dân sẽ chỉ còn hồi
thanh trong những phòng cách âm rải rác trên không gian ảo. Mạng xã hội lại
hình thành trong bối cảnh người Việt tuy bập rất nhanh vào công nghệ hiện đại,
ào ào lướt mạng, thoăn thoắt bấm phím, hội chứng Facebook thành chứng chỉ chất
lượng sống, nhưng phần lớn đều kém cả kiến thức lẫn nhận thức về môi trường mới
này, vì vậy vừa dễ làm mồi ngon cho tin giả, đủ thứ trào lưu mù quáng và những
cạm bẫy đổi đời – lấy đời ảo thay đời thực, vừa hăng hái kết nối lan tỏa những
căn bệnh khủng khiếp của mạng xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà năm nay Việt
Nam lọt top 5 cộng đồng mạng kém văn minh nhất theo đánh giá của
Microsoft. Thú thật, tôi thấy may mắn cho talawas là đã đình bản đêm trước, khi
sáng hôm sau Facebook tiến vào và chiếm lĩnh không khói súng cả trái tim, khối
óc lẫn tâm hồn người Việt.
*
Diễn đàn Thế kỷ: Theo chị, gia tài văn hóa nghệ thuật 20 năm đó của miền Nam có đóng vai
trò gì trong lịch sử tinh thần của dân tộc Việt Nam?
Phạm Thị Hoài: 451 độ F là câu chuyện nổi tiếng nhất về đốt
sách, xóa sạch dấu vết của tư tưởng và nghệ thuật, những thứ nguy hiểm hoặc vô
dụng đối với một xã hội không cần động não vì tất cả đã có chính quyền lo hết,
dân chúng chỉ việc sinh sống và xem TV. Trớ trêu là tác phẩm này chính thức được
xuất bản bằng tiếng Việt từ mấy năm trước, không hề bị truy bức như trường hợp
Chuyện ở nông trại (Animal Farm), song rơi tõm vào sự thờ ơ của độc giả Việt
Nam, tức cũng ít nhiều chung số phận của những cuốn sách bị đốt mà nó miêu tả.
Tác giả Ray Bradbury lập ngôn bằng viễn kiến, nhưng chắc chắn không tính đến viễn
cảnh về ngày mình bị ra rìa trong một xã hội như Việt Nam hiện tại, không phải
vì bị ngăn cấm mà đơn giản bị đào thải. Bây giờ chính quyền có thể vững tin rằng dân chúng chẳng
buồn quan tâm đến những thứ rách việc và vô bổ như văn chương nghệ thuật, kiểm
duyệt làm gì cho mệt mà có thể còn gây hiệu ứng ngược. Tôi e rằng, ngay
cả hiệu ứng ngược cũng đã tắt ngóm. Những năm gần đây, một số tác phẩm của các
tác giả miền Nam trước 1975 đã được xuất bản trở lại, song trong môi trường văn
hóa hiện tại, với cuốn sách vĩ đại duy nhất là Facebook của 60 triệu tác giả đồng
độc giả tiếng Việt, mọi thành tựu văn học bất kể miền Bắc, miền Nam hay thế giới
đều vô nghĩa. Dĩ nhiên đó là trên bề mặt rộng. Ở sâu bên dưới, các chuyển động
tinh thần như nước ngầm, thấm vào những tầng và tụ về những phương mà mắt thường
không xuyên tới. Trong văn giới, trước hết ở các tác giả ngoài luồng, hai mươi năm văn học miền Nam ít
nhất đã để lại cảm hứng tự do và những phong cách đa dạng. Đời sau sẽ khai quật
những báu vật ấy để bảo tàng hay chỉ bận đi tìm những mỏ vàng; lịch sử tinh thần
của dân tộc này sẽ thăng trầm hay sẽ phẳng lì; và chúng ta sẽ làm gì với gia
tài văn hóa của mình, tôi hoàn toàn không biết. Nhưng tôi dự cảm, rằng
với công cuộc phây hóa ngày càng thắng lợi như hiện nay, người Việt sẽ quẳng mọi
gánh nặng văn học nghệ thuật đi để vui sống.
Diễn đàn Thế kỷ: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
No comments:
Post a Comment