Trần
Giao Thủy
Posted on April 29,
2020
“Thank you, America!” là tựa cuốn sách 164 trang khổ 5,5” x 8”
(crown octavo) của tác giả Minh Fullerton do Lee M Vo phát hành giới hạn vào
tháng Ba năm 2015 và giữ bản quyền.
Sách hiện nay do
trang Espresso
Book Machine phát hành và cũng được bán ở một số hiệu sách tại California,
Michigan, Massachusetts, Utah, New York, Philadelphia, v.v..
Hình thức
Cuốn sách chia làm hai phần.
Phần I là 17 truyện ngắn về mười năm (1975-1985), tác giả sống trong nhà tù (nhỏ)
của cộng sản Việt Nam.
Bẩy truyện đầu cuốn sách
– Đêm Thứ Ba mất ngủ năm 1975, Mẻ lớn, Chuyến đi vào bóng tối, Thử thách ngục
tù phần 1, 2; Tận cùng đắy thẳm phần 1, 2 – là tự truyện về thân phận tù nhân của
chính tác giả.
Chín truyện sau đó, tác
giả viết về những mẩu chuyện và nhân vật khác xung quanh 10 năm tù của ông, từ
truyện tù nhân báo cho thế giới bên ngoài biết độ tàn bạo của ngục tù cộng sản
bằng một cách vô cùng sáng tạo, truyện bẻ cái “ăng ten” của cai ngục, rồi những
chuyện cười ra nước mắt trong các cuộc thăm nuôi, và có thể có cả chuyện tình
yêu trong tù cộng sản, truyện mẻ cá nhỏ, truyện chọn lầm lối ra, truyện người bốc
mộ, truyện cây mận trên rừng, đoạn đầu của tình yêu đích thực khi tác giả vừa
bước vào nhà tù lớn, rồi chuyện hai con vịt xấu xí.
Phần II, tác giả kể lại
hành trình đến tự do và tìm lại những tấm chân tinh ở nước Mỹ, phần lớn đã giải
thích cho tựa cuốn sách của ông.
Giữa hai phần là bài
thơ Black April.
Về tác giả
Hoc sinh trường
trung học công lập Hồ Ngọc Cẩn: Võ Minh Lý (bên phải). Nguồn:
Photobucket (archived)
Là một học sinh trung học
xuất sắc của miền Nam Việt Nam, đại diện cho trường Trung học Công lập Hồ Ngọc
Cẩn[1],
tác giả đã dự kỳ thi toàn quốc năm 1966 và đoạt giải nhất về môn Địa lý. Ông học
xong Trung học, được miễn thi Tú Tài II đồng thời được học bổng USAID (United
States Agency for International Development) đi du học tại Hoa Kỳ.
Một điểm phải nói ngay,
tác già là một người khiêm nhường. Ở trang 121, ông viết “Tôi may mắn
được Giải Nhất môn Địa lý.”
Nếu biết rằng người thanh
niên 18 tuổi lúc đó đã ngồi suốt 6 giờ đồng hồ trong phòng thi để viết – bằng
viết mực – một luận văn 10 trang so sánh hai nước Anh và Nhật đồng thời vẽ 5 bản
đồ minh họa bằng bút chì màu thì không ai có thể nói rằng ông “may mắn”.
Nhân tài hay học sinh giỏi
của miền Nam dù không nhiều như anh hùng ở miền Bắc (vì ở ngoài đó “ra ngõ là
thấy anh hùng” rồi). Nhưng nhưng thực sự miền Nam có học sinh giỏi, và không phải
chỉ có ở những trưởng trung học nổi tiếng như Petrus Trương Vĩnh Ký hay Chu Văn
An. Một điểm khác, chắc là tác giả phải giỏi địa lý nhân văn hơn ông Tổng thống
Mỹ thứ 45 vừa chia buồn với Sri Lanka (dân số khoảng 21 triệu người) khi nói ít
nhất “138 triệu người” dân Tích Lan vừa bị khủng bố giết trong ngày Chúa nhật
Phục Sinh vừa qua. Không có dấu hiệu gì cho thấy Tổng thống Mỹ biết Sri Lanka nằm
ở góc nào trên bản đồ thế giới.
Tweet của Trump
. Nguồn: Donald J.Trump
Xuất dương du học từng là
giấc mơ của nhiều thế hệ nam nữ học sinh trong suốt hai nền Cộng hòa ở miền
Nam. Tuy thế không phải ai cũng có thể làm theo lời thầy đã dặn, “Các
anh phải đi, và các anh phải về.”
Nhóm I, Sinh viên học
bổng USAID năm 1967. Nguồn: USAID Groups and Friends
Tác giả là một trong thiểu
số rất nhỏ của 105 sinh viên Việt Nam đã du học Hoa Kỳ với học bổng USAID năm
1967, và năm 1971 đã trở về phục vụ quốc gia sau khi tốt nghiệp Cử nhân Địa
lý. Hồ sơ hành chánh ghi tác giả là “Công chức cao cấp, hạng A, Chuyên
viên Địa lý, Văn phòng Phủ Tổng thống” .
Nhiều du học sinh khác đã
ở lại vì những lý do khác nhau và bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những
sinh viên cũng du học với học bổng USAID, trở về Việt Nam sau tác giả, đã trở
thành một người nổi tiếng trên báo chí vào mùa hè năm 1972. Đó là Nguyễn Thái
Bình[2],
nhân vật khủng bố hàng không quốc tế, người cuớp chuyến máy bay Pan Am 841. Vào
năm 2010, không tặc Nguyễn Thái Bình đã được ông cộng sản Nguyễn Minh Triết
truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với Nguyễn Văn
Lém (Bảy Lớp) cũng nổi tiếng với tấm hình Tết Mậu Thân do Eddie Adams chụp ở đường
Ngô Gia Tự, khu Chợ Lớn.
“Thank You, America!” Nguồn: Espresso Book
Machine
Sinh cùng thời, cùng đi học
ở Mỹ, người thanh niên xứ Cần Giuộc trở thành tên khủng bố quốc tế đồng thời là
anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Cộng sản Việt Nam) trong khi đó người con
trai gốc Bến Tre “thành đồng cách Mạng” lại trở thành người tù của chế độ mới,
của những người thắng cuộc, vì ông đã làm việc với chế độ bị gọi là bù nhìn bị
tình nghi là cộng tác viên của CIA, người của đế quốc để lại nằm vùng kiểu con
ngựa thành Troy như cộng sản đã làm ngay khi ký kết hiệp định Geneva 1954
(trang 31-34). Phải chi ông giỏi toán thay vì xuất sắc môn địa lý, có lẽ tác giả
đã trở thành khoa học gia vệ tinh của Mỹ hay là giáo sư đại học Canada như những
người bạn đồng môn.
Tuy nhiên, tác giả là nguời
tin vào số mệnh (trang 151-7), do đó có lẽ ông không đồng ý với giả thiết của
người viết, vì trong số mệnh con người không có những chữ “nếu” và “phải chi”.
Đến trước ngày 30 tháng
4, 1975 tác giả là Trưởng (Chủ sự) Phòng Nghiên cứu tình báo đặc trách Chinh trị
Bắc Việt (gọi tắt là Phòng Nghiên cứu miền Bắc) thuộc Nha Nghiên cứu (ban R),
Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam.
Nội dung
Sau đây là tóm lược thân
phận người tù và vài mẩu chuyện tác giả ghi lại những điều ông nghe thấy và cảm
nhận được trong những năm tháng tù đầy.
Tháng Tư Đen
Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt
Một lãnh đạo tồi, một lỗi lầm tày mẹt
Saigon chao đảo
Một quân lực ngỡ ngàng, đầu hàng trong thống khổ
Thế giới lộn đầu
Mất tự do
Tài sản cướp lấy đi
Tất cả thuộc về Nhà Nước
Cộng sản muôn năm!
Thức ăn hạn chế
Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt
Một lãnh đạo tồi, một lỗi lầm tày mẹt
Saigon chao đảo
Một quân lực ngỡ ngàng, đầu hàng trong thống khổ
Thế giới lộn đầu
Mất tự do
Tài sản cướp lấy đi
Tất cả thuộc về Nhà Nước
Cộng sản muôn năm!
Thức ăn hạn chế
Mặc quần theo luật
Lệnh của Búa Liềm
Hoan hô xã hội đại đồng!
AK-47 sẵn sàng, đố ai phản kháng?
Đả đảo chủ nghĩa tư bản!
Bọn Miền Nam thua cuộc trờ về thời đồ đá.
30 tháng 4, 1975
(Lược dịch “Black April” của Minh Fullerton, “Thank You, America!”, p.115)
Lệnh của Búa Liềm
Hoan hô xã hội đại đồng!
AK-47 sẵn sàng, đố ai phản kháng?
Đả đảo chủ nghĩa tư bản!
Bọn Miền Nam thua cuộc trờ về thời đồ đá.
30 tháng 4, 1975
(Lược dịch “Black April” của Minh Fullerton, “Thank You, America!”, p.115)
Mười năm ngục tù (1975-1985)
Ngay trang trong của cuốn
sách ký tặng anh bạn, tác giả ghi “…Rất hân hạnh”. Người viết hỏi, “Ông
là cái quái gì mà tác giả đã cho sách còn ghi ‘rất hân hạnh’ là sao’?” và
được trả lời, “Chắc ông ấy ứng xử kiểu sĩ phu Việt Nam; chữ Lễ là trọng.”
Nói chuyện với một người
khác về cuốn sách “Cảm ơn nước Mỹ!” viết bằng tiếng Anh, ông bạn hỏi, “Chắc
tác giả là người thuộc thế hệ trẻ?”
Trẻ gì nữa, ở tù Việt Cộng
cả 10 năm sau khi cả miền Nam mất ăn mất ngủ, thì trẻ thế nào được. Và đó chính
là điểm cần chú ý. Người viết có rất nhiều người quen biết từ sơ đến thân, từ bằng
hữu đến họ hàng, đã là tù nhân của chế độ độc tài độc đảng ở Việt Nam sau 1975
nhưng chưa có một người nào kể lại đời người tù cộng sản như tác giả, và lại kể
bằng tiếng Anh. Do đó, cuốn “Thank You, America!” của Minh
Fullerton tự nó đã là một đóng góp rất tốt cho lịch sử truyền khẩu (oral
history) với thể hệ mai sau, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở ngoài Việt
Nam.
Đúng như người bạn đã giới
thiệu, “Đây là một cuốn sách.phải đọc’.”
Suốt cả cuốn sách người đọc
sẽ khó mà tìm được những đoạn văn cường điệu, cuồng nộ, hằn học, hay thù hận.
Minh Fullerton kể chuyện đời tù của mình bằng tiếng Mỹ nhưng bình tĩnh như Ăng
Lê.
Nụ hôn | The Kiss,
fourth version. Nguồn: Munch, Edvard, born 1863 – died 1944 (artist)
Lassally (printer)
Lassally (printer)
Người đọc sẽ ngạc nhiên,
với một giọng văn bình thản, và giản dị Minh đã tả lại nụ hôn đầu đời với người
yêu bằng một câu nói rất bình thường, “Anh yêu em” (trang 2-3); đoạn văn đó
rung động hơn cả lời đối thoại giữa Cường (Johnny Trí Nguyễn) và Thúy (Ngô
Thanh Vân) trong một đêm chạy trốn, ẩn náu ở một căn nhà hoang, và cảnh họ hôn
nhau và làm tình trong phim “Dòng máu anh hùng” (The Rebel, 2007).
Trong “Thank You,
America!” ông không (cần) kể chuyện làm tình cũng đủ để lên mây.
Minh không dùng những từ
ngữ cao siêu, thời thượng, hay triết lý sâu thẳm. Câu chuyện là tập hợp những
câu văn ngắn gọn. Đọc “Thank You, America!” người viết cảm thấy
nó là đối cực của một tuyển tập đã đọc từ lâu, “Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất” của
Mai Ninh do Thời Mới, Toronto phát hành năm 2000.
Minh Fullerton còn có những
nhận xét rất tinh tế. Ông ghi lại chuyện nghe thấy ngày đến trường trung học
Chu Văn An để trình diện đi “học tập” 30 ngày ở Bà Rịa (trang 11). Dù cổ họng
đang nghẹn ông vẫn nhớ và ghi lại,
“Chúng ta bắt đầu làm lại cuộc đời như học trò, còn
gì hợp hơn khi đến trình diện ở ngôi trường trung học này.”
(Trang 11)
Và Minh phải ngậm ngùi
khi xe chở “trại viên” học tập cải tạo đến Làng cô nhi Long Thành lúc đó đã đổi
tên là Trại Cải tạo Long Thành, “Mỉa mai thật, mình mất quê cha nên trở
thành kẻ mồ côi.” (trang 13).
Và đó mới chỉ là đoạn đầu
của 10 năm gian lao trong ngục tù cộng sản. Chuyến đi vào bóng tối của Minh bắt
đầu từ tháng Mười năm 1976; sau hơn một năm bị giam giữ ở Long Thành ông và 39
bạn đồng tù được đưa về tạm giam ở Thủ Đức với một số sĩ quan cấp Tá trước khi
đưa ra miền Bắc bằng chiếc C-130 từ phi cảng Saigon Tân Sơn Nhứt đến sân bay
Gia Lâm ở quận Long Biên, ngoại ô Hà Nội. Từ đó ông là tù nhân chính trị (hay cải
tạo?) số CT 853 ở trại Hà Tây, Khu số 1, Láng A.
Ở trại tù Hà Tây Minh có
thêm biệt danh mới. Bạn đồng tù gọi ông là “chàng trẻ tuổi tài cao” vì
lúc đó ông mới 28 tuổi, là một trong hai người tù trẻ nhất trại tù này. Vì là một
nhân viên tình báo cao cấp của chính phủ Việt Nam Cộng hòa nên bạn tù với Minh
có những nhân vật từng giữ vai trò quan trọng trong chính quyền Việt Nam Công
hòa. Một là ông Quốc vụ khanh (trang 23) đặc trách hòa đàm, phó trưởng phái
đoàn Việt Nam Cộng hòa tại hòa đàm Paris, rồi trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng
hòa trong hội nghị ở La Celle Saint-Cloud với Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Người
thứ hai là Chuẩn tướng Nhu, vị tư lệnh Cảnh sát Quốc gia sau cùng của nền Đệ nhị
Cộng hòa, bạn tù trong ngục tối với Minh ở láng F, nơi trước đây cộng sản đã
giam giữ những tù binh chiến tranh người Mỹ (trang 25-6).
Ghi chú ở cuối sách, tác
giả cho biết ông chỉ dùng tên thật cho những nhân vật chính trị và đã đổi tên
những người trong cuộc đời thường như một cách tôn trọng đời tư của họ. Tuy vậy,
Minh Fullerton, ở vài chỗ, đã không nêu danh tính rõ ràng một vài nhân vật
chính trị được đề cập đến trong sách.
Vị Quốc vụ khanh cùng tù
vói Minh là ông Nguyễn Xuân Phong, cũng có thể xem là một “chàng tuổi trẻ
tài cao” vì ông, một sinh viên, gia đình gốc Bến Tre, đi học ở Paris và London
(London School of Foreign Trade, và đại học Oxford) trong những năm cuối thập
niên 1940 và những năm 1950, tham gia vào nội các chính phủ Việt Nam Cộng hòa
khi mới 29 tuổi, là Bộ trưởng Bộ Lao động từ những năm 1965-66. QVK Nguyễn Xuân
Phong ra khỏi trại tù Hà Tây[3] (Láng
A15) vào tháng Một, 1980, qua đời ngày 29 tháng 7 năm 2017 tại Orlando, Florida
U.S.A. sau một thời gian dài làm việc nghiên cứu ở Trung tâm và Thư khố Việt
Nam (Vietnam Center and Archive) ở Đại học Texas Tech.
Vị Tư lệnh phó Cảnh sát
Quốc gia sau cùng là Chuẩn tướng Bùi Văn Nhu, một người được Minh quý trọng
vì đã giữ được phẩm cách con người dù bị kẻ thắng cuộc làm nhục trong ngục tối.
Chuẩn tướng Nhu lâm bệnh và mất trong tù vào ngày 15 tháng 3, 1984 ở trại tù
Nam Hà[4].
Những nhân vật chính trị
khác không được nêu rõ danh tính trong “Thank You America!” là
viên chức chỉ huy sau cùng của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo (PĐUTƯTB) sau khi
ông thiếu tướng Đặc ủy trưởng kiêm tư lệnh Cảnh sát Quốc gia bỏ trốn ngày 24
tháng 4, 1975, chỉ một ngày sau khi người bà con thân tín của ông là Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu chạy khỏi Việt Nam ngày 23 tháng 4, 1975 (trang 4-5).
Sáu giờ chiều ngày 30
tháng 4, ông Nguyễn Phát Lộc nói với toàn thề nhân viên thuộc cấp đang tụ
họp chờ được Mỹ di tản như đã dự định:
“Tôi không còn hy vọng gì về cuộc di tản. Người Mỹ
đã bỏ rơi chúng ta. Anh chị em có thể tự di tản. Tôi xin lỗi đã không làm tròn
lời hứa. Tôi ở lại với con tàu vì chúng ta còn chính phủ. Anh chị em cứ đi theo
ý của mình. Chúc anh chị em may mắn. Tạm biệt.”
(Trang 6)
Vị Đặc ủy trưởng sau cùng
của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo do Tổng thống Trần Văn Hương bổ nhiệm là ông
Nguyễn Phát Lộc và người chỉ huy bỏ trốn và không bàn giao nhiệm sở cho thuộc cấp
mà Minh Fullerton không nêu tên là thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình.
Minh Fullerton ghi rõ là
ông không trách người Mỹ đã bỏ Việt Nam. Minh hỏi, “Tại sao người Mỹ không bỏ
Nam Hàn và Tây Đức” và nghĩ rằng “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Minh đặt trách
nhiệm đánh mất miền Nam vào sự bất tài và tham nhũng của Tổng thống Thiệu và nhân
viên chính phủ của ông, trong đó có cả chính tác giả (trang 32).
Trở lại láng F, ngục tối ở trại
tù Hà Tây.
Trại tù Sơn Tây ngoại
ô thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây cuối thập niên 1960 và thập niên 1970, nơi đã
giam giữ khoảng 65 tù binh chiến tranh Mỹ.
Trước khi lên chiếc C-130
ra Bắc, Minh đã phải viết tay bản tự khai lý lịch và việc làm đến cả 10 lần. Vẫn
chưa đủ, yêu cầu sau cùng của quản giáo ở trại tù Long Thành với Minh là hãy viết “làm
thế nào anh có thể giúp củng cố thành công của Cách mạng?” Minh hớn hở
và ngây thơ viết lại tất cả kiến thức của mình về địa lý, về những kinh nghiệm
trong đời du học sinh. Ông nghĩ rằng phần giáo dục ở Mỹ của mình sẽ có ích cho
chế độ mới, ông sẽ có việc làm sau khi “cải tạo” xong.
Ngục tối Hà Tây đã cho
Minh thấy thực tế phũ phàng. Cai ngục ở Hà Tây đã trì triết:
“Anh giám đùa với Cách mạng à? Chúng tôi bảo anh viết
‘ làm thế nào để có thể giúp củng cố thành công của Cách mạng’ mà anh lại viết
tòan thứ rác rưởi. Tại sao anh không viết về chiến lược hậu chiến của các anh?
Anh đã ra lệnh cho bao nhiêu mật vụ ở lại nằm vùng? Họ là ai? Họ ở đâu? Cố vấn
Mỹ của anh đã nói gì với anh về chương trình hậu chiến của người Mỹ?”
(Trang 31)
Trời ạ! Minh nào có giấu
diếm điều gì với quản giáo. Ngay cả khi Ông Tổng thống ba ngày ra lệnh đầu
hàng, Minh đã được lệnh không thiêu hủy bất cứ tài liệu nào của sở vì người ta
vẫn dại khờ tin rằng cộng quân sẽ ngừng cuộc tấn công và sẽ có thỏa hiệp hòa
bình, có chính phủ ba thành phần.
Dù không bị tra tấn thể
xác nhưng bên cạnh những câu hỏi đay nghiến về hoạt động gián điệp, về quan hệ
với CIA và ngay cả về Đại học California ở Fullerton nơi Minh theo học ngành Địa
lý là những bữa ăn bị cắt giảm lại. Minh bị bỏ đói, dằn vặt, tra khảo như vậy
suốt mười tháng trong lúc bị biệt giam ở láng F.
Bốn tháng sau đó Minh thư
thả hơn, có đủ giấy, bút, mực để viết lại đời mình tử thuở bé cho đến ngày cuối
cùng làm việc trên… ba trăm trang giấy. Và đây là cơ hội để Minh thú tội. Như một
nhân chứng, Minh thành khẩn miêu tả sự bóc lột tồi tệ của bọn tư bản Mỹ.
“Tôi đã bị đế quốc Mỹ lừa ngay khi vừa đặt chân lên
chiếc Boeing 707 của hãng hàng không Pan Am. Nó không phải làm bằng giấy như
các cán bộ đã tuyên bố! Nó là một phi cơ chắc chắn với đủ loại kỹ thuật quỷ
quái đã lừa tôi ngày càng lún sâu…”
“Tôi đã chứng kiến sự dơ bẩn của chủ nghĩa tư bản ở
mức tồi tệ nhất của nó khi đi thăm xưởng chế tạo xi măng ở Fontana, California.
Dĩ nhiên, đó không phải là một nhà máy của nhân dân; vì thế, công nhân ỏ đó
không thể xung phong xin làm thêm giờ mà không nhận thù lao. Bọn ma vương chủ nhân
ông đã ngụy trang sự bóc lột của chúng bằng cách trả lương cao cho sức lao động
của những nhân công ở đó. Công nhân viên của xưởng xi măng này đều lái xe hơi
(ô tô) đến sở làm việc chứ không đi bộ hay đi xe đạp. Năng lực của họ để dành
cho bọn tư bản bóc lột…”
(Trang 35-36)
Trở lại láng A
Sau mười bốn tháng bị thẩm
vấn ở láng F, Minh được đưa trở lại láng A vào tháng Hai, 1978 và được xếp vào
nhóm làm gạch. Tận cùng đáy thằm đang đợi người tù khổ sai.
Láng A hay Láng F ở trại
giam Hà Tây vẫn là những nhà tù không ai biết ở nơi nào vì tù nhân chỉ được
phép dùng hộp thư số mã số 15 NV để thư từ với người thân. Trong những ngày
tháng tuyệt vọng trong tù đó Minh đã viết thư nhắn với vợ chưa cưới đừng đợi
ông về. Giữa năm 1978, lần
đầu tiên Minh nhận được gói quà đầu tiên mẹ ông gởi. Trong thư, qua nét
bút của người em, mẹ Minh dặn ông giữ gìn sức khỏe để còn về thăm mẹ; một cách
khác, mẹ ông cho hay ông không còn vợ chưa cưới nữa.
Họa vô đơn chí. Vài ngày
sau khi nhận gói quà đầu tiên của mẹ, Minh được một cán bộ cộng sản cao cấp từ
Hà Nội đến thẩm vấn và đưa cho Minh một đề nghị và không muốn ông từ chối. Sau
đây là mẩu đối thoại giữa hai người (trang 38-40)
– Chúng tôi sẽ thả anh và
thu xếp cho anh trốn sang Mỹ, với một điều kiện, … anh phải làm việc cho chúng
tôi.
– Thưa cán bộ, tôi đã tự hứa sẽ không bao giờ dính
dáng đến tình báo nữa… từ nay tôi chỉ muốn làm người dân thường.
– Anh dám khước từ ân huệ
của Cách mạng à?
– Xin lỗi cán bộ tôi không xứng đáng với danh dự đó
[…]
– Hãy vẽ cho tôi sơ đồ bí
mật tổ chức của Nha Nghiên cứu Tình báo của anh.
– Thưa cán bộ, tôi không biết gì về nó. Tôi đã nói với
những cán bộ khác là chúng tôi không có cơ cấu quyền lực như kiểu của đảng Cộng
sản.
– Nói láo! Thiệu có đảng
của hắn. Anh phải có chân trong đó. Anh được việc làm ngay sau khi mới ở Mỹ về.
Đừng giả ngây thơ với tôi!
– Thưa cán bộ, tôi không biết nói gì hơn. Không ai rủ
tôi vào đảng của ông Thiệu hết. Tôi không biết ai là đảng viên trong Nha của
tôi.
– Tôi cho anh một cơ hội
cuối cùng làm việc cho Cách Mạng: theo dõi, dò xét sếp của anh, NKT, cho chúng
tôi. Tôi sẽ thu xếp cho anh ra nhà tù Hỏa Lò với NKT.
– Không, cảm ơn cán bộ. Tôi không làm được chuyện đó
với ai hết; tôi không thể nào phản lại thượng cấp của mình.
Minh bình tĩnh, cười mỉm,
khước từ cám dỗ của viên cán bộ cộng sản và đọc cho y nghe hai câu thơ thế kỷ
thứ 18:
“Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”
(Nguyễn Du, Đoạn trường Tân thanh)
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”
(Nguyễn Du, Đoạn trường Tân thanh)
Mất kiên nhẫn trước lòng
dạ sắt son của Minh, người cán bộ cộng sản Hà Nội xô ghế đứng dậy chỉ vào mặt
ông, nói :
– Anh đúng là một điệp
viên CIA. Tôi đã lột mặt nạ anh. Hãy đợi mà xem!
Trong sách, Minh
Fullerton chỉ ghi tên thượng cấp của ông là NKT. Người đó chính là Giám đốc ban
R (Nha Nghiên cứu Tình báo) Nguyễn Kim Thúy. Bốn năm sau khi cộng sản
không chiêu dụ được Minh phản bội, ông Thúy đã chết tại nhà tù Hỏa Lò[5] ngày
7 tháng 6 năm 1982. Vị Đặc ủy trưởng sau cùng của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình
báo, ông Nguyễn Phát Lộc đã chết ở trại tù Nam Hà[6].
Bị đàn áp, khủng bố tinh
thần trong những ngày tù biệt giam, buồn vì cha mất, và đòn chí tử của người
cán bộ cộng sản Hà Nội đã đưa Minh đến quyết định viết lá thư sau cùng gởi cho
mẹ, tuy đau buồn vì sẽ ra đi nhưng Minh cũng nói với mẹ, ông vui vì sẽ gặp lại
cha mình. Minh viết, “Vĩnh biệt trần gian khốn khổ và đảo lộn này…”
Chàng “tuổi trẻ
tài cao”, Chủ sự Phòng Nghiên cứu Tình báo về Chính trị Bắc Việt, đầy hiểu
biết về địa lý nhưng không đủ kiến thức về hoá chất thuốc tây nên đã thất bại
trong cuộc quyên sinh. Hai mươi viên trụ sinh, hai mươi viên thuốc cầm tiêu chẩy,
bốn mươi viên aspirin và một mớ thuốc vitamin chỉ đủ làm Minh bất tình rồi ói mửa
đầy màn chiếu, và phải cầu cứu với anh bạn tù bên cạnh vào buổi sáng hôm sau.
Anh bạn tù vỗ vai Minh, cười nói, “Chú mày đâu lớn con gì, lần tới muốn chết
thì chỉ cần mười viên ký ninh là xong.” (trang 44).
Người ta đồn đãi Minh tự
tử vì tình. Ông chẳng đính chính với ai trừ viên thiếu úy Nhi, công an phụ
trách liên lạc giữa trại giam và Hà Nội, người đã đưa cán bộ cộng sản Hà Nội về
thẩm vấn Minh trước đó. Nhi nói sẽ đề nghị kỷ luật người cán bộ ở Hà Nội vì đã
dặn y trước là không nên làm áp lực quá đáng với Minh. Nhi đưa giấy viết để
Minh viết lời tự phê và buộc phải có lời hứa sẽ không quyên sinh nữa.
Từ đó Minh được cán bộ
nhà giam đối xử một cách thân thiện hơn. Nhi bắt đầu đưa cho Minh sách tiếng
Anh để dịch. Điều đó khiến một số bạn tù nghi ngại ông dã cộng tác với kẻ thù,
dịch thuật để trốn khỏi đi làm lao động. Nhưng với Minh, đó là cơ hội trời cho
để ông chứng minh Mỹ tốt đẹp hơn Nga Tầu. Sau khi chiến tranh biên giới Việt-Trung
bùng nổ năm 1979, Minh lại tiếp tục dịch những cuốn sách viết về Chiến lược của
Trung Cộng do các nhóm chuyên gia cố vấn của Mỹ nghiên cứu. Thật mỉa mai, Minh
lại trở về lãnh vực nghiên cứu tình báo dù vẫn ở trong tù.
Minh đã tuần tự dịch sách
tiếng Anh và đưa cho một cán bộ phóng viên làm cho tờ báo Quân đội Nhân Dân đổi
lấy bánh, trà, thuốc lá mỗi hai tuần. Sau này Minh thấy bài của mình dịch đăng
trên báo Quân đội Nhân dân nhưng tên dịch giả là một ông Đại tá từng giữ chuyên
mục “Sổ tay chiến sự” trong thời chiến tranh. Ông Đại tá từng tuyên bố:
“Thời đó tôi có học Cụ Hồ câu này: ‘Ta nhất định thắng,
địch nhất định thua’. Bác dặn tuyên huấn các chú không được giết thêm một thằng
địch nào, bắn rơi 1000 máy bay phải nói 1000 chứ không được nói 1001… Vì thế,
trong tin của tôi có hai yếu tố, một yếu tố xác định và một yếu tố không xác định.
Nếu ta thắng thì nói số địch bị diệt còn không nói số quân ta thương vong,
thương vong 10 mà nói bốn hay nói một, như thế mới là nói dối, còn như ta chỉ
là không nói thôi. Nói thế là không dối bà con mà là tôi đang nói dối thằng địch
đấy chứ. Đó là nghiệp vụ của làm tin thời chiến.”
.
Mai Anh, “Làm tin chiến tranh
là chiến đấu về chính trị”, Vietnam+
Nhưng thời bình thì ông Đại
tá cộng sản vẫn thản nhiên ký tên trên bài dịch của một thằng địch đang ở trong
tù?
Minh vẫn còn nhớ rõ đã dịch
một cuốn sách nói về Thuyền nhân năm 1982 nhưng vẫn không hiểu tại sao cộng sản
lại đưa cho ông dịch một cuốn sách đầy những câu chuyện khủng khiếp về chế độ.
Với ông đó là cơ hội để tấn công cộng sản mà không sợ bị trả đũa.
Đó một vài điểm nổi bật
trong bẩy truyện đầu cuốn sách nói về mười năm Minh đi tù cộng sản.
Vài mẩu chuyện
quanh đời tù nhân
Bài ca mật mã (Trang 47-53)
Trong “Thank You,
America!” Minh cũng thuật lại một số những mẩu chuyện ông đã nghe thấy
trong nhà tù khắc nghiệt của cộng sản. Năm 1976 cộng sản bí mật đưa nhiều chục
ngàn sĩ quan và công chức cao cấp Việt Nam Cộng hòa ra giam giữ ở những trại tù
miền Bắc. Mãi năm năm sau, trước áp lực của thế giới vì làn sóng Thuyền nhân tị
nạn, chính quyền cộng sản mới cho phép một số phái đoàn quốc tế, đã được gạn lọc,
đến viếng những trại tù bí mật ở đây. Họ muốn chứng tỏ với thế giới đó là những
trại cải tạo chứ không không phải là nhà tù, trại viên (tù nhân) không biết Anh
ngữ; họ được đối xử tử tế, và không bị bắt buộc lao động khổ sai. Những buổi diễn
kịch như vậy là lúc nhà tù được thu dọn sạch sẽ, tù nhân được ăn cơm và khách
viếng thăm còn được xem những màn văn nghệ do trại viên trình diễn (vì đây là
những sinh hoạt bình thường của họ ở trại cải tạo!)
Trong những buổi trình diễn
như thế, những bản nhạc ngoại quốc của The Shadows, The Ventures, như Apache,
Hawaii 5 O, v.v. là những lựa họn thích hợp và cũng là những bản nhạc mà cán bộ
nhà giam thích hơn là những bài ca cộng sản mà họ đã nghe đến nhàm chán.
Trước khi trở thành tù
nhân cộng sản, Minh đã nghe người Mỹ phát thanh suốt cả ngày bản “White
Christmas” vào cuối tháng Tư, 1975 làm mật hiệu tập họp di tản. Tàn cuộc chiến
tranh, Minh với tất cả thượng cấp và thuộc cấp đồng sở đã bị đồng minh bỏ rơi.
Bài hát đó hẳn vẫn đậm nét trong ký ức của ông. Nhưng còn một bài hát khác mà
Minh cũng không thể quên được khi ở trại tù Hà Tây. Bạn đồng tù với ông đã mượn
cơ hội trình diễn văn nghệ để báo cho thế giới bên ngoài biết sự thật người tù
trong chế độ cộng sản bị đối xử tàn tệ đến mức nào. Đó là bản nhạc trong phim Cầu
sông Kwai, nổi tiếng từ đầu thập niên 1950. Bản nhạc chấm dứt và cả hội trường
đều nghe rõ tiếng “Cảm ơn” thật lớn. Một vài nhạc sĩ liếc mắt nhìn đoàn khán giả
quốc tế ra về và nhận được những cái gật đầu cho biết họ đã hiểu được bản mật
mã: những người tù ở đây bị đối xử tàn nhẫn không khác gì những tù nhân của
quân phát xít Nhật ở Miến Điện trong những năm 1942-43, trong truyên phim
Bridge on the River Kwai, một trong những phim hay nhất của nước Anh trong thế
kỷ thứ 20.
VIDEO : Bridge on
the River Kwai Theme
Cầu sông Kwai. Nguồn: YouTube
Thăm nuôi (Trang 60-67)
Bốn năm đầu sau ngày 30
tháng 4, 1975, thân nhân gia đình không được phép đi thăm những tù nhân cộng sản
ở miền Bắc. Mãi đến cuối năm 1979, cộng sản Việt Nam vì áp lực nhân quyền của
thế giới, vì thành công rực rỡ của Cách mạng đã cho dân cả nước ăn bo bo, khoai
mì, khoai mỡ thay cơm mới phải mở của lao tù cho vợ con và gia đình được đi
thăm những người tù chính trị. Trong những chuyến đi thăm tù như vậy, những người
thiếu phụ, những bà mẹ già miền Nam đã phải ngồi trên xe lửa vài ngày, vượt
hàng ngàn cây số, rồi đi xe đò và vài giờ lội bộ trên những đọan đường đất gập
ghềnh, tay xách nách mang để rồi chỉ được gặp chồng, con, anh, em 15 phút ở trại
tù ở miền Bắc. Những cuộc thăm nuôi ngắn ngủi đó đã phải tăng dần lên đến vài
ngày mỗi lần một phần vì sự phản đối mãnh liệt của những người vợ người mẹ miền
Nam; mặt khác vì những món hàng mãi lộ mà cán bộ cai tù nhận được trong những
cuộc thăm nuôi – từ rượu mạnh đến xô cô la, từ bơ đến thuốc gội đầu, toàn hàng
của bọn đế quốc tư bản mà người miền Nam đã nhận được từ người thân đã vượt biển
vượt biên tị nạn cộng sản.
Đám sinh viên thân cộng ở
nước ngoài, sau ngày 30 tháng Tư, 1975, đã gọi người tị nạn là bọn bám theo
chân đế quốc để dược ăn bơ thừa sữa cặn. Trong đám sinh viên thân cộng đó, ở
Pháp, ở Mỹ, ở Canada, đã có ai dám cầm viết ghi lại sự thực như Minh Fulllerton
hay vẫn ngậm miệng làm thinh dù mắt chưa mờ và tai vẫn còn nghe?
Như đã viết, Minh là
thanh niên Saigon, gốc Bến Tre, lời văn ông bình dị. Ông không có những đoạn
văn thều thào triết lý như “đá ngây ngô”, “đá buồn”. Minh Fullerton viết bốn
năm đầu đói khổ nhục nhằn khiến những người tù cộng sản kiệt sức đến nỗi không
còn chào cờ được vào mỗi sáng. Và nếu không đã chào cờ nổi thì dù giỏi địa lý
nhất miền Nam năm 1966, Minh cũng không đủ sức vẽ bản đồ dù ông là thanh niên ở
tuổi mới ba mươi, nói gì những bạn tù lớn tuổi hơn ông. Nhưng sau những cuộc
thăm nuôi dài ngày, Minh được bạn tù kể lại chuyện vợ đi thăm nuôi mình, ngoài
chuyện bị mất quà, vợ anh còn bị cướp lột áo quần làm tình tại chỗ, nhưng không
hề khai báo. Minh tỏ vẻ ngạc nhiên thì anh bạn hớn hở, cười to nói rằng “Thằng
cướp đó là tôi!”
Đọc “Thanh You,
America!” người viết không thể không so sánh ông Chủ sự Phòng Nghiên cứu
Tình báo Việt Nam với điệp viên James Bond MI6 của Ian Fleming. Cùng là chuyên
viên tình báo, nhưng quanh Bond lúc nào cũng có những cô gái tóc vàng, tóc nâu,
mắt xanh hay màu hạt dẻ và những pha làm tình nóng bỏng; còn Minh Fullerton,
ông vẫn chỉ là một trai tân. Bạn đồng tù gọi ông là “chàng trẻ tuổi tài
cao” nhưng lắc đầu tội nghiệp trước những câu hỏi ngô nghê của một anh
chàng chưa vợ vì Minh không hiểu tại sao anh bạn giường bên, mỗi tối lại xoa
lòng bàn tay của mình trên những sợi lông mềm mại của cái bàn chải đánh giầy lật
ngửa,
“Ngu thiệt, chú mày sẽ hiểu khi có vợ. Qua không nói
bây giờ. Đó là chuyện của đàn ông.”
Và Minh thú thật là ông
chỉ hiểu chuyện cái bàn chải đánh giầy lật ngửa khi có vợ lúc đã gần 40 tuổi.
Mèo. Nguồn:
Madeline’s Portfolio
Người bốc mộ (Trang 88-93)
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, câu cuối của bài thất ngôn tứ tuyệt Lương
Châu Từ của Vương Hàn nói lên thực tế của chiến tranh ở mọi thời đại. Có chiến
tranh là có tử sĩ bỏ mình ở mặt trận, có người đi không trở lại. Nhưng dường
như văn học sử không đề cập nhiều đến những nạn nhân trực tiếp khác của cuộc
chiến, những người chinh phụ trở thành góa phụ. Cuộc nội chiến sau cùng của Việt
Nam đã tạo ra rất nhiều góa phụ. Ngay cả khi tiếng súng đã ngừng, nhưng cuộc
chiến chưa chấm dứt. Vì thế vẫn còn rất nhiều người phụ nữ miền Nam đã trở
thành góa phụ, khóc chồng bỏ xác ở những trại tù miền Bắc. “Người bốc mộ” là một
câu chuyện Minh Fullerton đã ghi lại về một người như thế trong cuốn sách của
ông.
Tù nhân chết là chuyện
hàng tuần ở trại tù cộng sản. Minh Fullerton đã thấy nhiều thiếu phụ đi thăm chồng
trong những tháng năm ông ở trại tù Hà Tây. Một trong những thiếu phụ đó là bà
T., vợ một Trung tá Lực lượng Đặc biệt. Khoảng giữa năm 1979, lần đầu tiên Minh
thấy bà T. nhễ nhại mồ hôi trên trán lăn dài xuống má, với một vết chàm bên dưới
tai trái. tay xách nách mang. Bà T. tất tả đến thăm chồng ở trại tù. Đó cũng là
lần cuối bà gặp mặt chồng. Quà và thuốc men bà mang theo không kịp để cứu Trung
tá T. Ông qua đời vì cơn bệnh trầm trọng đã vướng mắc từ lâu.
Ba năm sau, 1982, tình cờ
Minh gặp lại bà T. trên đường đến trại tù. Lần này bà đi với một một cộng quân
trẻ mà bà vội vã giới thiệu là con. Con trai một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam
Cộng hòa trở thành lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Minh ngờ dường như có
điều gì không thật. Hai mẹ con bà T. đi viếng mộ chồng và cha lần này cũng có
thể là lễ mãn đại tang của họ. Sau khi trình diện với cán bộ ở trạm gác, hai mẹ
con bà T., dường như đã quen đường biết lối, đi thẳng ra khu mộ tù binh. Đến 3
giờ chiều, Minh vẫn thấy hai mẹ con bà T. ở bên mộ và thường thì người thân
thăm tù cũng phải rời trại từ lúc 2 giờ để kịp đón xe về Hà Nội. Với Minh, chuyện
hai mẹ con bà T. ngồi nhiều giờ bên mộ tưởng chừng sẽ là bí mật muôn đời.
Lần thứ ba, cũng một sự
tình cờ, năm 1996, Minh gặp lại bà T. – với vết chàm không thể quên ở bên tai
trái – tại văn phòng cấp giấy phép lái xe, nha lộ vận tại California, nơi Minh
đang làm việc. Sau khi giúp bà T làm xong giấy tờ Minh xin phép gặp lại bà T một
dịp khác ngoài giờ hành chánh. Và dưới đây là chuyện của người góa phụ tên T..
Gia đinh Trung tá T. tan
nát khi ông bị bắt giam rồi chết trong tù; 1982 con trai ông bị bắt nhập ngũ vì
chính quyền cộng sản lúc đó đang thiếu thí quân cho chiến trường K. Thí quân là
đoàn quân đi đầu làm bia trước khi lính chính quy của cộng sản tiến vào Nam
Vang. Bà T. lập kế hoạch nhất định trốn thoát khỏi Việt Nam nhưng bà cũng quyết
tâm không để chồng ở lại, dù lúc đó Trung tá T. chỉ còn là đống xương tàn.
Bằng cách nào và nghĩ gì
mà bà T. đã dám đi bốc mộ chồng ở trại tù Hà Tây mà không sợ bị bắt? Bộ quần áo
tân binh cộng sản của người con trai đã là tấm bình phong che mắt cán bộ trại
tù. Bà T. đã cho Cán bộ trưởng trại tù xem giấy gọi nhập ngũ của người con và
nói dối rằng con trai bà nóng lóng mặc bộ quân phục của đoàn quân tinh nhuệ nhất
thế giới, và hôm nay đến đây để tạ lỗi với cha, xin ông tha thứ vì đã gia nhập
đoàn quân đã đánh bại cha mình.
Hai mẹ con bà T. bốc mộ,
lau rửa bộ xương bằng rượu đế trộn lẫn mồ hôi và nước mắt dưới ánh nắng gay gắt
ngày hè năm 1982. Tối hôm đó bà T. ở lại quán trọ gần trại tù, và bí mật rửa lại
xương chồng một lần nữa. Bà không muốn ai biết việc bà đi bốc mộ từ Hà Tây đi
xe lửa về lại miền Nam, hỏa táng, trước khi mang tro cốt của Trung tá T. cùng
lên đường vượt biển.
Đời sống tâm linh, dù có
khác, nhưng nhất định đó là một giá trị nhân văn thiêng liêng ở mỗi con người.
Tình yêu là sức mạnh vô biên. Hai yếu tố đó đã giúp gia đình bà T. vượt biển,
thoát khỏi chế độ cộng sản bất nhân, phi nghĩa tìm đến một chân trời mới ở đó mới
thực sự là một xã hội công bằng dân chủ văn minh và nhân bản.
Mộ tử sĩ Việt Nam Cọng
Hòa. Nguồn: Pinterest.
Bài viết này hẳn sẽ không
có nhiều độc giả thế hệ Y hay thuộc thiên niên thế đại (millennials) trong cũng
như ngoài nước Việt Nam. Đã 44 năm chiến tranh chấm dứt, địa lý nối liền, nhưng
lòng người Việt Nam chưa thống nhất. Và làm gì đã có nối vòng tay lớn. Người viết
mong bạn đọc sẽ tìm đọc và giới thiệu cuốn “Thanh You, America!” đến
thế hệ con em, nhất là những người trẻ tuổi ở Việt Nam và gốc Việt Nam ở những
nơi khác để họ có thể dễ thông cảm hơn với người miền Nam những thế hệ trước và
có thêm kiến thức về sự thật cuộc nội chiến Việt Nam đẫm máu và nước mắt với những
hệ lụy của nó.
Để tưởng nhớ và tri ân những người tù Cộng sản Việt
Nam, những người chiến sĩ miền Nam, còn sống hay đã qua đời, cũng như những
chinh phụ và góa phụ của quân cán chính Việt Nam Cộng hòa.
© 2019-2020
DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn
và đọc “Thể lệ trích
đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa. Đăng lần đầu April 29, 2019.
[1] Công
sở tọa lạc tại số 1A đường Lê Quang Định thuộc tỉnh lỵ Gia Định, ngang chợ Bà
Chiểu và xế lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau ngày 30/4/1975, trường đổi tên là
trường Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu. Chế độ mới chủ trương xóa tên Hồ Ngọc Cẩn vì
đó là tên của Giám mục Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn, người Việt tiên khởi của
Hạt Đại diện Tông Tòa Bùi Chu và cũng là Giám mục người Việt thứ hai của Giáo hội
Thiên Chúa giáo Việt Nam.
[2] Trần
Giao Thủy, “Khủng
bố hay anh hùng?”, DCVOnline, Feb. 26, 2015.
[3] The
Vietnam Archive, Oral History Project, Interview with Nguyen Xuan Phong,
Conducted by Richard Burks Verrone, Ph.D.,
[4] Wikipedia.org,
“Bùi Văn Nhu”
[5] Anonymous
March 4, 2019 at 4:50 AM: “Nguyễn Kim Thúy, giám đốc ban R. Sau khi bị bắt và bị
luân chuyển qua nhiều nhà tù ở Bắc Việt, cuối cùng đã chết trong nhà tù Hỏa Lò
tại Hà Nội ngày 07 tháng 6 năm 1982. Vợ con của ông ấy bị kẹt lại SG cho tới
ngày nay.”
[6] Huy
đức, “Bên thắng cuộc I”, Giải Phóng, OSINBOOK 2012, Danh mục sách tham khảo
(#32); chú thích số 49.
No comments:
Post a Comment