Wednesday 29 April 2020

DỰNG TƯỢNG LÝ THÁI TÔNG LÀM BIỂU TƯỢNG CÔNG LÝ TRONG XÉT XỬ ÁN CÓ LÀM GIẢM ÁN OAN SAI? (Nguyễn Ngọc Chu)




NỘI DUNG :

.
.
.
.
==================================================


DỰNG TƯỢNG LÝ THÁI TÔNG LÀM BIỂU TƯỢNG CÔNG LÝ TRONG XÉT XỬ ÁN CÓ LÀM GIẢM ÁN OAN SAI? CÓ BỚT ĐƯỢC SỢ HÃI QUYỀN LỰC? CÓ KHỎI BỊ MUA CHUỘC BỞI TIỀN BẠC?

Ngày 05/02/2020 Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) đã thống nhất chọn vua Lý Thái Tông (1000-1054) là biểu tượng công lý trong xét xử án. TANDTC đã có văn bản số 141 yêu cầu các tòa án các cấp lựa chọn 3 mẫu tượng vua Lê Thái Tông, và nêu 5 lý do của quyết định.

Ý định của TANDTC xây tượng vua Lý Thái Tông cao 5,3 mét bằng đồng trước tòa nhà TANDTC làm biểu tượng công lý trong xét xử án đã dấy lên một làn sóng phản đối kịch liệt trong toàn xã hội. Làn sóng phản đối sẽ còn tiếp tục mạnh nữa – chừng nào TANDTC chưa từ bỏ ý định sai trái này.

I. NGƯỢC QUY LUẬT TỰ NHIÊN

1. Công lý là vô biên. Công lý là hoàn hảo. Công lý là vĩnh cửu. Công lý là toàn năng… Vì thế, từ ngàn xưa biểu tượng cho công lý cần viện đến thánh thần.

Dù là thần Justilia của La Mã, thần Maat hay Isis của người Ai Cập, thần Themis hay Dike của người Hy Lạp, thì tất cả đều là thần linh – mới đại diện cho sự toàn năng vô biên của công lý.

Chính vì sự toàn năng vô biên mà thần công lý không thể có một thể hiện bề ngoài cố định, cụ thể – dù có đưa ra bao nhiêu đặc trưng.

Cho nên, biểu tượng thần công lý thời thượng cổ khác với trung cổ, lại khác nữa với hiện đại. Cũng bởi vậy, tượng của thần công lý ở Đức hay Nhật Bản, ở Anh Quốc hay Iran, ở Australia hay Brazil… tất cả đều khác nhau.

Nhưng dù khác nhau trên khắp thế giới, thì tất cả đều có chung một thần công lý ngự trị. Bởi vì, dù các vụ án có muôn hình vạn trạng đến đâu thì mục đích cuối cùng cũng phải đi đến công lý. Công lý là thần linh duy nhất tồn tại xuyên suốt trong muôn màu sắc thể hiện của xét xử án.

2. Không bàn cụ thể về cá nhân vua Lý Thái Tông hay bất cứ một ai, dù vĩ đại đến đâu, dù anh minh đến mức độ nào. Bởi vì, cuối cùng đó là một con người cụ thể.

Đã là con người cụ thể, thì có khiếm khuyết. Một con người cụ thể thì không thể là đỉnh cao nhất mọi thời, chắc chắn là có một con người cụ thể khác vượt lên. Một con người cụ thể thì không thể sống mãi. Một con người cụ thể thì không đủ toàn năng để đối phó với cái ác muôn hình vạn trạng mà tìm đến được công lý. Muốn chống với cái ác muôn hình vạn trạng để đến với công lý cần trí tuệ của nhiều người. Ngay cả trí tuệ của nhiều người trong một thời nhiều khi cũng không đối phó được cái ác để đi đến công lý.

Cho nên, để chống lại cái ác cần trí tuệ muôn người, của nhiều đời. Đại diện cho trí tuệ của muôn người và nhiều đời chỉ có thể là thần linh, chứ không thể là một con người cụ thể.

3. Lấy cái khiếm khuyết tượng trưng cho sự hoàn hảo. Lấy cái hữu hạn đại diện cho vô hạn. Lấy một người nâng bằng cả muôn người. Lấy một đời biểu tượng cho muôn đời. Lấy người trần thay thế cho thần linh. Đó là chống lại tự nhiên, ngược với biện chứng, xúc phạm đến thánh thần.

4. Bởi thế, quyết định của TANDTC về chọn một nhân vật cụ thể làm đại diện cho biểu tượng công lý trong xét xử án là đi ngược với tự nhiên, ngược với biện chứng. 5 lý do mà TANDTC nêu ra chẳng có nghĩa lý dì so quy luật tự nhiên.

II. THỤT LÙI VỀ CÔNG LÝ

Vua Lý Thái Tông sống cách đây cả 1000 năm vào thời Phong kiến. Theo Chủ nghĩa Mác –Lenin về Hình thái kinh tế – xã hội, thì Phong kiến là Hình thái thứ 3, sau Cộng sản Nguyên thủy và Chiếm hữu Nô lệ, nhưng trước Tư bản Chủ nghĩa, và Xã hội Chủ nghĩa. Việt Nam tự xác định đang xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, là đang tự nhận mình ở Hình thái thứ 5.

Nay TANDTC lấy một ông vua thời Phong kiến làm biểu tượng công lý trong xét xử án của chế độ Xã hội Chủ nghĩa – là khẳng định công lý của chế độ Xã hội Chủ nghĩa không bằng Phong kiến. Như vậy, TANDTC đã tự nhận thấy xét xử án thời nay còn thua cả thời vua Lý Thái Tông, phải nhìn vào vua Lý Thái Tông mà làm thước đo. Có phải TANDTC đang khẳng định một nền pháp lý thụt lùi?

Thêm một chứng cớ để TANDTC hiểu tại sao lại phải viện vào thần công lý, mà không viện vào một nhân vật lịch sử cụ thể khi chọn biểu tượng cho xét xử án.

III. LÃNG PHÍ TIỀN CỦA

Thống kê đến ngày 28 tháng 4 năm 2020, Việt Nam có 707 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 77 thành phố trực thuộc tỉnh, 52 thị xã, 49 quận và 529 huyện (trong đó có 12 huyện đảo).
Ngoại trừ huyện đảo Hoàng sa, nếu tính cả tòa án ở 63 tỉnh thành, cùng 3 tòa án tối cao 3 vùng thì toàn quốc có 772 đơn vị hành chính có tòa án.

Chỉ riêng bức tượng đồng cao 5,3 mét dự định đặt trong khuôn viên TANDTC cũng tốn kém hàng trăm triệu đồng. Chưa nói có khả năng khai giá lên cả tỷ bạc.

Như vậy, ngoài bức tượng ở TANDTC thì còn phải có thêm 771 biểu tượng công lý nữa đặt ở các đơn vị hành chính có tòa án. Dù kích thước nào đi nữa, thì mỗi biểu tượng cũng ngốn tối thiểu 200 triệu đồng. Nghĩa là cần 154,4 tỷ đồng.

Nhưng làm gì có tượng đồng công lý nào giá 200 triệu đồng khi qua ngân sách nhà nước? Vào thời điểm đại họa virus Vũ Hán đang xảy ra mà máy xét nghiệm được nâng giá từ 1,5 – 2 tỷ đồng lên thành 5-8 tỷ đồng, thì những bức tượng của vua Lý Thái Tông cũng phải được thổi giá lên 3-5 lần. Nếu tính trung bình mỗi bức tượng là 1 tỷ đồng, thì các tượng “công lý” đặt ở các tòa án sẽ ngốn khoản kinh phí lên đến 772 tỷ đồng.

Vì áp lực dư luận, nên TANDTC chưa hé lộ các dự án cho cấp tỉnh cấp huyện, mà mới chỉ đề cập đến ý định đặt tượng vua Lý Thái Tông ở TANDTC. Nhưng không ai không thấy đường đi nước bước của ván bài.

Nếu không ngăn cản được “chuỗi phi vụ” này, thì hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của dân sẽ bị hoang phí. Và sẽ còn làm liên lụy đến cả vua Lý Thái Tông, khi sự anh minh và liêm khiết của ngài lại bị mang ra làm tấm nàn che cho mù quáng và tham nhũng.

IV. THÊM NHỮNG CÂU HỎI PHẢN BIỆN

4.1. Thực ra, muốn phản biện quyết định đặt tượng vua Lý Thái Tông của TANDTC thì chỉ cần đặt ra một loạt các câu hỏi bản lề, mà từ câu trả lời sẽ dễ dàng suy ra sự đúng sai của quyết định. Chẳng hạn như các câu hỏi sau.

1. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có làm giảm án oan sai không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.

2. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có làm giảm bớt sai sót trong xét xử án không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.

3. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có làm giảm bớt tiêu cực trong xét xử án không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.

4. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có làm giảm bớt ảnh hưởng của quyền lực lên quyết định của tòa án không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.

5. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có làm giảm bớt ảnh hưởng của tiền bạc lên xét xử án không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.

6. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có làm giảm bớt nạn chạy án không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.
7. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có làm quan tòa liêm khiết hơn không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG

8. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có làm quan tòa bớt sợ quyền lực không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG

9. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có làm tăng uy tín của Tòa án Việt Nam trên trường quốc tế không? Câu trả lời chắc chắn cũng là KHÔNG.

Cũng có thể đặt một loạt các câu hỏi dạng khẳng định khác về lợi hại. Chẳng hạn như dưới đây.

10. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có lợi gì?

11. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án ai được lợi?

12. Đặt tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý xét xử án có tổn thất gì về kinh tế không?

Nghĩa là, có thể kéo dài thêm hàng chục câu hỏi tương tự, mà câu trả lời sẽ cho ta thấy sự sai trái của quyết định TANDTC trong việc chọn biểu tượng công lý cho xét xử án.

4.2. Cần phải lưu ý rằng, tính công bằng của chuỗi câu hỏi bản lề nằm ở chỗ nó cũng là công cụ hữu hiệu cho những ai muốn bảo vệ quyết định của TANDTC. Nghĩa là những người “ủng hộ” có thể đặt những câu hỏi có lợi cho quyết định của TANDTC. Xin mời những ai ủng hộ quyết định của TANDTC hãy đưa ra những câu hỏi bản lề để mọi người có thể tự do bày tỏ chính kiến.

4.3. TANDTC tổ chức Hội thảo “Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam” chứ không phải là Hội thảo “Biểu tượng công lý cho hoạt động xét xử của Việt Nam”. Việc 75% người được hỏi đã chọn vua Lý Thái Tông (trong số 15 nhân vật đưa ra để hỏi), làm nhân vật tiêu biểu, không thể xem đó là kết quả tự động cho việc bình chọn “Biểu tượng công lý trong xét xử tòa án”, mà Nữ thần Công lý đã ngàn năm ngự trị. Nếu đặt vấn đề “Chọn ai làm biểu tượng công lý trong xét xử án ở Việt Nam” thì kết quả đã hoàn toàn khác, không phải là vua Lý Thái Tông. Đừng treo đầu dê bán thịt chó.

V. ĐỪNG LÀM LIÊN LỤY ĐẾN TIỀN NHÂN

Vào cái thời mọi thứ xuống cấp ở mức băng hoại như hiện nay, thì đừng viện vào tiền nhân mà làm liên lụy đến thanh danh của họ.

Khi mà hàng ngàn án oan sai nối tiếp nhau không dứt, từ năm này qua năm khác, kéo dài cả hàng chục năm, thì không một nhân vật lịch sử cụ thể nào trong quá khứ có thể cứu chữa nổi.

Nay đưa vua Lý Thái Tông ra làm biểu tượng công lý đặt nơi công đường, mà án oan vẫn tiếp tục kéo dài, án bỏ túi từng hàng, án ăn tiền hàng chuỗi, thì chỉ làm liên lụy đến thanh danh của Ngài. Hãy để cho Ngài yên.

VI. ĐÔI LỜI VỀ BIỂU TƯỢNG

1. Việc lấy vua Lý Thái Tông làm biểu tượng thần công lý trong xét xử án là hoàn toàn không đúng. Không mấy ai ủng hộ ý tưởng này, ngoại trừ một số quan chức trong TANDTC. Nhưng sẽ gạt vấn đề này sang một bên để có đôi lời về 3 mẫu phác thảo biểu tượng mà TANDTC đưa ra cho các cấp dưới lựa chọn.

2. Phải nói thẳng, cả 3 mẫu phác thảo biểu tượng đều không toát lên được tinh thần công lý. Cuốn sách trong mẫu phác thảo số 01 không toát lên được tinh thần xử án, càng không thể nói đến công lý. Thanh gươm và cuốn sách trong mẫu phác thảo số 02 cũng không toát lên được tinh thần xử án, cũng không thể hiện được tinh thần công lý.

Mẫu phác thảo biểu tượng số 03 có chiếc cân và thanh gươm liên tưởng đến tinh thần công lý và thực thi công lý. Nhưng tiếc thay đó là một sự phối hợp kịch cỡm. Vì không có tay nào tuốt gươmra để thực thi công lý. Vì khi lấy tay rút gươm thì phải ném cán cân công lý xuống.

3. Tại sao lại có sự kết hợp kịch cỡm? Là vì muốn sáng tạo nhưng lại phải sao chép.
Nếu chỉ có chiếc cân và thanh gươm thì hệt như Thần Công lý của thế giới. Chỉ thay nữ thần bằng ông vua. Cho nên phải thêm cuốn sách cho khác biệt. Mà thêm cuốn sách thì không đủ tay mà cầm, nên thanh gươm phải đeo! Cuốn sách đã không toát lên việc xử án đã đành, lại còn làm xuất hiện nhiều liên tưởng không mấy tích cực trong xét xử án.

Vậy nên đừng sáng tạo. Nữ thần Công lý là biểu tượng đã ngàn năm được lựa chọn. Đừng một mình một đường. Điều bất hạnh là một mình một đường.

Đề nghị TANDTC thức tỉnh. Đừng để Nhân dân phải kêu đến Chính phủ.


----------------------------------------------------------------------------------------------
.

Mạng XH nóng rực cuối mùa Covid khi 3 phác thảo tượng vua Lý Thái Tông được công khai để dự kiến sẽ trở thành biểu tượng công lý của ngành tòa án.

Thời phong kiến, vua là biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối, một thứ quyền lực không được giám sát. Vua là người nên có vua đúng, có vua sai, có vua minh quân và có vua quỉ dữ ngồi xổm trên pháp luật.

Nếu để cho lịch sử phán xét một cách công bằng thì khó có vị vua nào trong quá khứ được chọn làm biểu tượng cho công lý trong thế kỷ 21.

Nhân loại qua bao đời đã thừa nhận một logo Nữ thần Công lý (tiếng Latin: Justitia). Đây là một nhân vật nữ được cách điệu hóa để trở thành một biểu tượng của hệ thống Tư pháp

1. Cầm một thanh gươm biểu tượng cho quyền lực cưỡng chế, quyền uy của toà án;

2. Một chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị;

3. Một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý “mù loà”, đề kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Nữ thần Công lý được nhiều quốc gia chọn làm logo cho ngành Tư pháp với những cách điệu khác nhau. Trong thể chế “Tam quyền phân lập – Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp” thì tòa án phải luôn độc lập, và công bằng.

Chưa thấy quốc gia nào chọn vua cầm cán cân công lý, lại còn bịt mắt, dù vua Lý Thái Tông được cho rằng, đã ban hành Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam, là minh quân đặt chuông ở Long Trì cho phép người dân kêu oan. Nhưng đó là dã sử kể cả về vị vua này. Bộ Hình thư hiện ở đâu, chuông Long Trì còn không?

Logo đóng vai trò dùng để nhận diện (identity) và không bao giờ thay đổi cho dù nhân loại sang thiên niên kỷ sau. Logo cần được suy nghĩ kỹ về môi trường nhận diện. Khi đến tòa án chỉ cần nhìn vào thanh gươm, cái cân và khăn bịt mắt, người ta nghĩ đến những giá trị cốt lõi của nơi mà công lý sẽ được thực thi.

Nhiều người nghĩ rằng logo đưa cho hoạ sỹ là xong. Sai. Logo không phải là tác phẩm hội hoạ mà là biểu tượng của tầm nhìn. Đương nhiên logo phải đẹp nhưng đó là tiêu chí thứ 2 sau vai nhận diện.

Khi hiểu rõ về logo, về giá trị cốt lõi của tư pháp, có hiểu biết về sự thật lịch sử, có tầm nhìn xa… thì không nên chọn một vị vua cụ thể nào cho ngành tòa án, trừ phi có nhiều tiền để dựng tượng một vị vua mà nhìn vào trang phục lại nghĩ là tòa án nước ta xử giống Trung Quốc thời phong kiến.


--------------------------------------------
.

 “Công lý” luôn là sự mong ước của loài người. Nó có tính chất của một lý tưởng cao siêu rất khó đạt tới, nhưng lại có những tiêu chuẩn hướng dẫn cụ thể về lối đi tới đó mà cần phải được giải thích cho những trường hợp cụ thể.

Nữ thần công lý thường được đắp nặn hay tô vẽ khác nhau bởi con người, nhưng thường phải thể hiện được bốn tiêu chuẩn:

(1) Cái đẹp (mà biểu tưởng là phụ nữ);
(2) Quyền uy (mà biểu tượng là thanh kiếm);
(3) Công bằng (mà biểu tượng là cán cân); và
(4) Sự khách quan (mà biểu tượng là sự bịt mắt).

Thế nhưng, có những nơi người ta đắp nặn hay tô vẽ thêm cho nữ thần công lý một số tiêu chuẩn khác, như:

(5) Sự thật (mà biểu tượng là sự khỏa thân); và
(6) Trí tuệ (mà biểu tượng là quyển sách cắp nách).

Và tất nhiên gọi là khỏa thân nhưng nhiều khi xiêm áo của nữ thần hững hờ đôi chút để lộ những đường cong chứ chẳng ai lại để cho nữ thần trong tình trạng không y phục đứng trước cửa toà.

Tôi nhớ có một lần báo chí lên tiếng về việc một nhà xuất bản nào đó in trên bìa của Bộ luật Dân sự hình ảnh một người đàn ông khỏa thân, cơ bắp tay cầm kiếm, tay cầm cân thay cho hình nữ thần công lý. Người ta cảm thấy ngay một nền công lý tục tĩu và thô bạo.

Nên nhớ, pháp luật không bao giờ là chân lý hay công lý mà nó chỉ có thể tiếp cận tới công lý qua cầu nối tư pháp. Có nghĩa là trong mối quan hệ giữa các định chế chính trị với pháp luật, thì lập pháp làm ra luật; hành pháp thi hành luật; còn tư pháp giải thích luật. Pháp luật có các công thức. Nhưng các công thức đó không giống với các công thức trong toán, lý, hoá mà phải được giải thích để rút ra giải pháp cho các trường hợp tranh chấp cụ thể.

Vì vậy chức năng của tư pháp, trong mối quan hệ với các định chế chính trị khác phân chia dựa trên mối quan hệ của chúng đối với pháp luật, là giải thích luật. Pháp luật theo nghiên cứu chung của các nước trên thế giới, trừ Việt Nam (trong môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật theo Sovietique Law), có bốn chức năng, bao gồm:

(1) Gìn giữ hoà bình;
(2) Thiết lập hoặc cho thi hành các tiêu chuẩn xử sự;
(3) Biến các dự định hay kế hoạch trở thành hiện thực; và
(4) Bảo đảm sự công bằng.

Tư pháp luôn gánh trọn chức năng thứ tư này. Biểu tượng công lý gắn với toà án là thế.

Tôi luôn thờ phụng tổ tiên theo truyền thống của người Việt. Song tôi không thể lý giải nổi việc lấy một đức vua cụ thể trong lịch sử ra để làm biểu tượng của công lý!



-------------------------------------------------------------------------
.
28/04/2020

Xung quanh vụ dựng tượng vua Lý Thái Tông, thẩm phán, chánh văn phòng TAND Tối cao Ngô Tiến Hùng lên báo nói: “Tượng chỉ đặt ở trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mới (số 43 Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Một số Tòa án địa phương có đề xuất xây dựng tượng tại trụ sở các Tòa án. Nội dung này Tòa án nhân dân tối cao không có chủ trương”.

Trong khi đó, văn bản số 14/TANDTC-VP do Phó Chánh án TAND tối cao do Phó Chánh án Lê Hồng Quang ký ngày 23/4 thể hiện: “Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý của TAND. Để chuẩn bị việc dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở TAND Tối cao và TAND, Toà án quân sự các cấp…”.

Như vậy, hiểu rằng chủ trương dựng tượng là do TAND Tối cao chủ xướng. Để chuẩn bị việc này, họ đã tổ chức hội thảo từ 2 năm trước. Chọn ra 15 vị vua và lấy ý kiến cả ngành toà án để chọn ra vua Lý Thái Tông làm biểu tượng.

Văn bản của VP TANDTC. Ảnh: internet

Và nếu sóng yên bể lặng, trong ngày 28/4, một trong 3 biểu tượng do “hội đồng nghệ thuật” phác thảo đã được khảo sát chọn xong để đúc tượng.

Có lẽ không cần phải nói sâu về lỗ hổng nhận thức khi chọn một vị vua để làm biểu tượng công lý, cũng không cần thiết phải nhắc nhiều đến “hội đồng nghệ thuật” đã phối ra hình tượng ông vua cầm chiếc cân lai căng và phản cảm; thái độ tiền hậu bất nhất của các vị thẩm phán là không thể chấp nhận được.

Trước đó, chính ông Hùng khẳng định 82% nhân sự TAND các cấp chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý. Nghĩa là chủ trương từ trên ấn xuống, họ chỉ được lựa chọn nhân vật chứ không được ý kiến khác. Đến nay khi bể chuyện, ông lại nói răng các toà cấp dưới xin dựng tượng, khác nào đổ vấy cho thuộc cấp!

Ngay trong môi trường công lý, đã găm nặng quan hệ quân-thần, vua sai tô chịu, trên làm đổ thừa cho dưới; những người cầm cân nảy mực cấp thượng toà mà tiền hậu bất, đánh bùn sang ao, nói dối không chớp mắt thì biểu tượng để làm gì cho thêm trái khoáy.
Người cầm cân nảy mực công lý mà sai không dám nhận thì khó tránh án oan sai, truy bức pháp lý. Thánh nhân cũng có lúc sai lầm, nhưng lấp liếm sai lầm là hành vi thuộc về nhân cách.

Hỏng nhận thức là điều hoàn toàn có thể cảm thông nhưng hỏng nhân cách thì không nên cầm cân công lý!






No comments:

Post a Comment

View My Stats