Sunday, 10 November 2019

TRỊNH HỘI : TÔI MỚI TRỞ LẠI HONGKONG (Đàn Chim Việt)




10/11/2019

Tôi mới trở lại Hồng Kông hôm chủ nhật.

Đối với nhiều người nhắc đến HK lúc này là nhắc đến những cuộc biểu tình, bạo loạn hàng tuần. Là nhắc đến hơi cay, sự tàn ác của cảnh sát, và cái chết đầu tiên của một nam sinh viên vừa tròn 22 tuổi.

HK hiện là biểu tượng của một cuộc tranh đấu không tương xứng giữa một thế hệ trẻ dám nói, dám làm và cả một bộ máy cai trị của nhà cầm quyền lớn nhất thế giới. Với hơn 70 năm kinh nghiệm.

Thật khó biết kết quả sẽ ra sao.

Nhưng đó không phải là lý do tôi đến HK lần này.

Tôi đến lần này bởi hai chữ HK sẽ luôn gắn liền với những kỷ niệm mới lớn của một thời. Của văn phòng luật sư Pam Baker nằm khuất ngay trong khu chợ Yau Ma Tei gần Mong Kok. Của những trại cấm Hei Ling Chau, Nei Kwu Chau, Man Yin, Whitehead Bạc Xẹt khét tiếng.

Của những chuyến phà sáng đi, tối về lại làng Mui Wo trên đảo Lantau. Của người bạn gái ngoại quốc đầu đời.

Và của Cô Tuyết.

Cô Tuyết Nguyệt của Tạp Chí Nghệ Thuật Á Châu – Arts of Asia – được cho ra đời từ hơn 50 năm trước ở HK. Cô Tuyết Nguyệt, một trong những nữ phóng viên chiến trường đầu tiên của Miền Nam Việt Nam, cựu ký giả tạp chí Time, cựu sinh viên, nữ sinh của trường đại học Sorbonne ở Paris và Marie Curie ở Sài Gòn.

Tôi quen cô đã có trên 20 năm. Và hiện nay cô đang bị bệnh, già yếu đi rất nhiều. Nên tôi chỉ muốn ghé sang thăm cô rồi đi. Hình như tuổi càng lớn người ta càng nghĩ nhiều về quá khứ.

Về những khoảnh khắc lẫn những con người đã giúp cho ta trưởng thành. Cô Tuyết Nguyệt là một người như thế đối với tôi. Và có những khoảnh khắc tôi sẽ không bao giờ quên được mỗi khi có ai nhắc về cô.

Tôi vẫn còn nhớ như in hôm bà Pam Baker dắt tôi đi gặp cô ở văn phòng Arts of Asia nằm ngay khu phố sầm uất Tsim Sha Tsui bên Kowloon. Hai bà cứ mỗi tháng thì gặp nhau một lần. Vừa là để thăm hỏi nhau, vừa để cô đưa tiền phụ giúp trả tiền mướn văn phòng luật sư cho Pam.

Tôi không còn nhớ rõ con số là bao. Nhưng lúc ấy tiền mướn nhà cửa ở HK đã đắt lắm rồi. Chắc đâu cũng trên dưới 10 ngàn đô một tháng. Rất ít người Việt tỵ nạn thọ ơn Pam biết đến điều này.

Thế vậy mà cô đã giúp Pam trong suốt thời gian mà tôi quen biết cả hai bà.

Nhưng đấy không phải là điều làm cho tôi ấn tượng nhất lúc gặp cô. Lúc ấy tôi chỉ mới 22 tuổi đầu, vẫn đang đi học nên đầu óc còn mông lung lắm, không thực tế, đã vậy còn dễ phán xét. Nên lúc vừa gặp cô tôi đã bị ấn tượng ngay.

Bởi đi đâu cô cũng mặc áo dài. Áo dài truyền thống chứ không phải kiểu của bà Nhu. Đi họp, đi ăn, cả ngày ở văn phòng cô chỉ mặc áo dài.

Và tóc cô thì lúc nào cũng bới cao, chải mướt, dùng headband ép sát vào đầu.

Cô không cao, giọng nói cũng không lớn, nhưng với tà áo dài ấy, thấp thoáng trên các khu phố đông người qua lại nằm dọc theo đại lộ Nathan Road ở Kowloon, thật khó mà diễn tả cảm xúc của tôi những lúc được cô khoác tay dắt đi ăn trưa.

Nó vừa là một sự thầm cảm ơn mình đã may mắn được cô thương mến, vừa nể phục tính chất của một người đàn bà thành công, xen lẫn một chút kiêu hãnh là cả tôi lẫn cô đều có cùng một nơi xuất phát.

Cô là người Nam cũng như tôi nên có lẽ nhờ vậy mà cô cảm thấy gần gũi với tôi hơn một số thiện nguyện viên khác. Cứ mỗi khi tôi sang HK làm việc trong 3 tháng hè với Pam là cô lại đưa cho tôi tiền để mua quà cho mấy đứa nhỏ bị nhốt trong trại. Khi thì vài ngàn đô. Còn nhớ Giáng Sinh 1993 hay 1994 gì đó ở Chi Ma Wan, cô đưa cho tôi đến hơn 10 ngàn đô Mỹ là khoảng 100,000 đô tiền Hồng Kông để tôi ‘mua cái gì cũng được cho tụi nhỏ nó vui nha con’.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình là triệu phú. Vì vào tiệm Toys R Us ở HK, cái gì tôi cũng mua. Và hoàn toàn không cần phải xem giá cả!

Sau mẹ tôi, cô Tuyết Nguyệt là người phụ nữ Việt Nam thứ hai dạy cho tôi biết cần phải sống và hành xử như thế nào để mình luôn hãnh diện trả lời rằng:

‘I am from Vietnam’ mỗi khi có ai hỏi ‘Where are you from?’.

Rất tiếc là trong những năm gần đây, cô đã không còn được khỏe và minh mẫn như xưa. Nhất là từ khi chồng cô, ông Markbreiter người Anh, qua đời. Gặp cô tôi chỉ sợ là cô sẽ không còn nhớ bất kỳ kỷ niệm gì vì cô đang bị cơn bệnh quái ác của người già dementia hoành hành.

Và rõ là như vậy. Sinh, lão, bệnh, tử. Không một ai có thể trốn khỏi nó. Bước vào phòng khách nhà cô, nhìn cô đang nằm nghĩ trên sa lông, tôi chợt cảm thấy chạnh lòng.

Chạnh lòng bởi thời gian sẽ xoá đi tất cả. Nó sẽ xoá đi những gì đau đớn nhất và cả những gì đẹp nhất.

Thật khó tưởng tượng được rằng đó là cô Tuyết Nguyệt của một thời và của tôi. Với chiếc áo dài truyền thống và tóc bới cao. Với nụ cười sảng khoái và sự tươm tất từ lời nói đến cách trang diện.

Tác giả nắm tay cô Tuyết Nguyệt

Tôi bước đến gần nắm tay chào cô. Cô nhìn tôi không nói gì. Nhưng đôi mắt cô cho tôi biết cô không còn nhớ tôi là ai.

‘Con nè cô. Hội nè. Làm ở văn phòng của Pam hồi đó, cô nhớ không?’

Mọi người, con trai cô, hai người giúp việc sau bao năm dài, ai cũng nhìn vào mắt cô chờ cô trả lời.

Cô chỉ lắc đầu. Hoàn toàn không nhớ.

Tôi đến gần cô hơn, ngồi bệt xuống đất, tay tôi nắm chặt tay cô, mắt tôi nhìn thẳng vào mắt cô, miệng cố cười và nhắc lại kỷ niệm mà chỉ có tôi biết và sẽ luôn nhớ mãi:

‘Cô nhớ mà. Hôm con lên văn phòng của cô cho cô biết là con được nhận vô Oxford học, cô mừng cho con, đãi con ăn, sau đó còn dúi vô tay con 1000 tiền bảng Anh cô vừa đổi, bảo để qua Anh xài vì bên đó mắc lắm. Cô phải nhớ chứ cô’.

Hình như từ đâu đó trong tận sâu thẩm của tiềm thức, những điều tôi vừa nhắc lại đã làm cho cô chợt nhớ ra, vì mắt cô bỗng vụt sáng, tay cô nắm lấy tay tôi hỏi nhỏ:

‘Hội đó hả con. Con khỏe không, đang làm cái gì sống?’.

Không hiểu sao lúc ấy mắt tôi bỗng nhạt nhoà. Viết lại những dòng chữ này tôi cũng phải cố đừng để nó trào ra. Bởi cô Tuyết là thế. Lúc nào cũng lo cho tôi, lo cho thiên hạ. Kể cả những lúc cô không còn nhớ đến chính mình.

Trịnh Hội (facebook)

--------------------------------------

VIDEO :
3 thg 10, 2018

Luật sư Trịnh Hội nói về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, sức mạnh của cộng đồng người Việt hải ngoại và chuyến đi vận động và gây quỹ cho nhân quyền Việt Nam tại châu Âu.

Ông Trịnh Hội nêu quan điểm ủng hộ việc các nước ký hiệp định thương mại với Việt Nam, nhưng phải đi đôi với các quyền cơ bản chẳng hạn như quyền lập hội đoàn độc lập.

"Sẽ không có quốc gia nào quan tâm về cái việc nhân quyền hơn là mỗi người dân Việt Nam. Nếu thật sự chúng ta quan tâm về nhân quyền, về đất nước, tương lai, chỉ chính chúng ta mới làm được việc, dân tộc ta mới làm được việc. Đừng mong mỏi nhiều, đặc biệt là vào nước Mỹ," ông Hội nhận định về tình hình vận động nhân quyền cho Việt Nam.




No comments:

Post a Comment

View My Stats