Thảo Nguyên
November 28, 2019
Gần đây trên chương trình “Đối Diện” vào “giờ
vàng” của VTV1 (Đài Truyền Hình Việt Nam, trực thuộc sự chỉ đạo của chính phủ
CSVN), các dư luận viên công khai đánh cả vào tướng lĩnh công an và anh hùng
quân đội. Sau khi tấn công nhân sỹ trí thức từ đầu hè, giờ đây chính quyền “xuống
tay” không chỉ với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cùng năm sáu anh em blogger
khác, mà bất cứ những ai không hợp “gu” với đảng, nhà nước đều có thể bị bắt bớ,
hoặc cô lập.
“Chống
suy thoái, chống tự diễn biến và tự chuyển hoá” là những đề
tài gần đây được các dư luận viên đề cập tới nhiều nhất. Trước đấy họ la lối và
lên án “những thủ đoạn gây bất ổn chính trị”, rồi “mặt trái của truyền thông xã
hội’… Thậm chí, các phong trào bảo vệ môi trường, phong trào bảo vệ cây xanh giữa
lòng thủ đô Hà Nội cũng bị “đánh hội đồng”. Bởi vì, theo quan điểm của đảng,
nhà nước, đã có nhiều thế lực thù địch đứng đằng sau các chuyển động ấy của xã
hội dân sự.
Tuy không nêu đích danh, nhưng gần đây, trên
mạng xã hội có một số bài ám chỉ về vai trò của “một tướng công an, một tướng
quân đội” đằng sau toàn bộ cuộc chiến chống lại Trung Quốc ở Bãi Tư Chính. Ai
cũng hiểu, các dư luận viên đang hướng mục tiêu về đâu. Mặc dầu trên thực tế,
nhiều người biết rằng, Thiếu tướng Lê
Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an và Anh
hùng các lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu
tướng Lê Mã Lương là những tấm gương nổi bật một thời của chế độ hiện nay.
Tướng Lê Văn Cương thuộc số ít nhà nghiên cứu
được hai lần tham gia vào việc khởi thảo Nghị quyết của Đảng về chiến lược an
ninh từ cách đây hơn chục năm có lẻ. Năm 2003 và sau đó đến năm 2013, ông tướng
họ Lê vẫn là một trong những người chấp bút cho các Nghị quyết tuyệt mật thời ấy.
Ông cũng là tác giả của triết lý “đối tác trong đối tượng và đối tượng trong đối
tác” để thay thế khái niệm “bạn và thù” của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi.
Đó thời kỳ từ “đấu tranh giai cấp” trên quy mô thế giới chuyển sang “hội nhập
kinh tế,” sau đó là “hội nhập toàn diện,” coi đấy là động lực phát triển cả xã
hội, quốc nội lẫn quốc tế.
Còn Thiếu tướng Lê Mã Lương, người đựợc phong
anh hùng năm 21 tuổi, nhờ các chiến công qua 14 trận đánh lớn từ các chiến dịch
ác liệt ở Đường Chín Nam Lào, Lao Bảo, Cửa Việt, Quảng Nam, Đà Nẵng… Từ ngày về
hưu, ông đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp thương binh và người khuyết tật ở Việt
Nam, với hàng vạn thành viên. Trong thời chiến, ông Lê Mã Lương từng nổi tiếng
với phát ngôn: “Cuộc đời đẹp nhất là ở trận tuyến đánh quân thù…”
Trớ trêu thay, giờ đây, không phải là quân
thù mà chính các đồng đội, thậm chí là đàn em của ông, đang chuẩn bị những đòn
chí mạng để khủng bố ông. Hẳn nhiên, trên VTV1, họ chưa dám công khai nêu đích
danh họ tên ông, cái video clip dùng để bôi nhọ và vu cáo cũng chỉ chiếu một đoạn
phim bị tẩy mờ để không ai nhận ra vị Thiếu tướng đang phát biểu trước một Toạ
đàm giữa thanh thiên bạch nhật. Theo thông lệ truyền hình, chỉ có hai đối tượng:
gái mại dâm và dân nghiền ma tuý mới bị xử lý theo kiểu “bôi nhoè hình ảnh” như
vậy. Không nhẽ các đồng đội của ông lại muốn xếp ông vào một trong hai nhóm tội
danh ấy (?)
Có thể do chưa nắm vững các luật định, hoặc
“trên” chỉ đạo quá gấp gáp, họ đành lên mạng youtube, xài luôn đoạn ghi hình ấy.
Nhưng lời bình của dư luận viên thì không thể nhầm lẫn.
Tướng Lương phát biểu ở hội thảo về trách nhiệm
của Bộ Ngoại giao và Ban Tuyên giáo trong việc chậm cập nhật thông tin về tình
hình Bãi Tư Chính cho nhân dân. Ông nói, nếu để mất Tư Chính, ông sẽ dẫn đầu một
số anh em trong quân ngũ đến thăm Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, dư luận viên đã
“nâng quan điểm” lên thành “đến hỏi tội Bộ Ngoại giao.” Nâng quan điểm kiểu ấy
thì rõ ràng là “giết người không dao.” Họ vu cáo ông là công thần, nhưng thực tế
hình như ông tướng này chẳng bao giờ đòi hỏi gì cho bản thân từ ngày về hưu.
Những tuần liên tiếp sau đó, từ hai ông tướng
họ Lê, VTV1 mở rộng “phạm vi chiến trường”, tấn công vào các tổ chức dân sự.
Nhưng lần này, họ lại xếp các nhà hoạt động dân sự cùng loại với các quan chức
cao cấp nhưng mắc tội tham nhũng hiện đang ngồi “bóc lịch” trong các nhà lao.
Khổ nỗi, những Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… thì có liên
quan gì đến Lê Mã Lương, Lê Văn Cương hay giáo sư Chu Hảo đâu. Thế mà tất cả, họ
đã đập nhập lại một cục, như người ta “nhồi bột” làm bánh, rồi rủ nhau “đánh hội
đồng”, giống như cảnh tố khổ trong “Cải cách ruộng đất” thời nảo thời nao của
thế kỷ trước.
Để hạn chế tối đa sức lan toả của cuộc Tọa
đàm khoa học do Viện PLD (Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển) và Viện BIM
(Viện Quản trị Doanh nghiệp) đồng tổ chức hôm 6 Tháng Mười, chính quyền đã rải
quân đi “thu mua” hầu như tất cả những tờ Thanh niên, Pháp Luật TP. HCM và một
số báo khác đã đăng tin hoặc bình luận về kết quả cuộc Toạ đàm. Khi Ban Tổ chức
cho người ra sạp báo mua để lưu trữ vào hồ sơ thì các sạp báo cho biết đã được
một số nhóm cờ đỏ “mua sỉ” ngay từ ngày hôm trước. May mà trên mạng chưa có lệnh
“bóc dỡ” các bài báo liên quan, nên mọi người vẫn “follow-up” được.
Ai từng đọc bài “Quân hồi vô phèng” của nhà
nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (xem Tiếng Dân ngày 8/10/2019) thì thấy sự bế tắc và
hỗn loạn diễn ra ngay trong các lực lượng an ninh.
Hôm Toạ đàm 6 Tháng Mười đã xảy ra một
hành vi có thể nói là vô chính phủ. Vào buổi trưa, mọi người đi ăn
để chiều làm việc tiếp, thì mấy anh em làm truyền thông (được Ban Tổ
chức mời đến dự để lấy tin) đã bị một nhóm Công an Hà Nội bắt về đồn
lục vấn, tịch thu cả dụng cụ hành nghề mà đến nay vẫn chưa chịu trả lại
cho anh em. Họ tra hỏi anh em tên những người tham gia họp buổi sáng, nội dung
Toạ đàm bàn gì… Cuộc Tọa đàm khoa học, chính thức, công khai, có mời cả
đại diện an ninh tới dự, sao có ai đó lại muốn làm cho hình ảnh của nó lem luốc
đi? Cớ gì nội bộ lực lượng an ninh giữa trung ương và địa phương lại đấu
nhau, dẫn đến tình trạng “ông chẳng bà chuộc” như vậy? Làm như thế, người
ta có thể nghĩ ngay rằng đã “có kẻ nước lạ”, hay “nước liên quan” xúi giục
chăng?
Một giáo sư Đại học (xin phép không thể nêu
tên ở đây) kể lại câu chuyện “cười ra nước mắt”… Tại nơi ông giảng dạy, thầy
trò tập dượt lập một nhóm think-tank để nghiên cứu về Trung Quốc, về những
chính sách của họ đối với Việt Nam và “được phép đề xuất” lên một số cơ quan “hữu
quan” về các biện pháp phòng ngừa và đối phó. Như vậy, có thể hiểu là thầy trò
đã được các cấp “có thẩm quyền”, trong đó có cả lực lượng an ninh, bật đèn
xanh. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt, mỗi khi triển khai lịch sinh hoạt của
think-tank ấy thì lập tức xuất hiện hai ba nhóm khác, cũng tự xưng là người bên
An ninh, từ Cục này, Cục nọ. Và đương nhiên, nhiệm vụ của họ là “khuyên” vị
giáo sư “đừng động binh” trong thời điểm “nhậy cảm” hiện nay…
Tóm lại,
theo những người am hiểu tình hình, tới đây mức độ khủng bố thậm chí sẽ tiến đến
ở cấp độ cao hơn. Nghĩa là chính quyền sẽ đàn áp công khai kiểu như trường hợp
đối với Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng và các anh em blogger khác.
Ngoài ra, chính quyền có thể sẽ tổ chức các
cuộc đấu tố tất cả những ai có biểu hiện bất đồng với hệ tư tưởng chính thống.
Làn sóng đe doạ tinh thần hay đàn áp về tư tưởng sẽ tỷ lệ thuận với tốc độ suy
sụp của hệ thống toàn trị.
Một số nhân sỹ trí thức có thể sẽ được chọn
làm “vật tế thần”. Sẽ có những Lê Văn Cương, Lê Mã Lương mới, và không loại trừ
là họ sẽ “được” tố cáo tiếp tục là “ăn phải bả” của các thế lực cơ hội chính trị…
Thậm chí đến như nguyên “Trợ lý Thủ tướng” Nguyễn Trung còn bị an ninh “thăm” tận
nhà, cảnh báo không được viết tiếp các kiến nghị hay đề xuất các vấn đề liên
quan đến xây dựng đảng và phát triển đất nước. “Viết như vậy là phạm pháp!” – Một
viên chức An ninh đã thẳng thừng như thế. Khi Nguyễn Trung chất vấn trở lại xem
phạm pháp chỗ nào thì chính anh chàng An ninh nọ cũng ngẩn tò te, chẳng biết trả
lời ra sao cả? (Thảo Nguyên)
No comments:
Post a Comment