Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 26-11-2019
Trên
trang Asia Times ngày 15/11/2019, nhà báo Bertil Lintner nhận định : “Việt Nam và Trung Quốc sẽ không
bao giờ đồng thuận về Biển Đông”. Những lý do được nhà báo Thụy Điển
đưa ra, có thể được tóm lược trong bốn ý chính, nhấn mạnh đến thái độ coi thường
luật pháp quốc tế, thiếu trung thực của Trung Quốc, cũng như hành vi cậy lớn ăn
hiếp các nước nhỏ trong vùng.
UNCLOS
1982 : Trung Quốc ký nhưng từ chối áp dụng
Lý do đầu tiên là bất đồng về việc áp dụng luật
pháp quốc tế, cụ thể là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà cả Việt Nam và
Trung Quốc cùng ký.
Trong hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ
11, với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực”, diễn ra
tại Hà Nội ngày 06-07/11/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho
rằng những xung đột gần đây ở bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt
Nam, cần được giải quyết theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Hà Nội
không loại trừ khả năng đưa vụ việc ra Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye.
Ngay ngày 08/11, Bắc Kinh gia tăng sức ép đối
với Hà Nội, thông qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng
Shuang), khi đe dọa Việt Nam “phải tránh đưa ra những biện pháp làm phức
tạp thêm tình hình hoặc gây hại đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cũng như đến
quan hệ song phương”. Trơ trẽn hơn, ông Cảnh Sảng còn khuyến cáo Việt
Nam “phải đối mặt với thực tế lịch sử”, có nghĩa là phải chấp nhận
chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông, mà Bắc Kinh một mực khẳng định
có từ lâu đời.
Về khả năng Việt Nam đưa vụ việc ra Tòa Trọng
tài La Haye nếu như hai bên không tìm được thỏa thuận bất chấp các cuộc đàm
phán song phương hiện nay, nhà báo Bertil Lintner nhắc lại, Trung Quốc sẽ không
bao giờ chấp nhận phán quyết của Tòa vì đối với Bắc Kinh, phán quyết sẽ đi ngược
lại với lợi ích của Trung Quốc.
Trường hợp điển hình chính là phán quyết của
Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 về đơn kiện của Philippines. Theo
Tòa, những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc được thể hiện trong bản đồ “đường
lưỡi bò” chiếm đến 90% diện tích Biển Đông là không có giá trị xét về
mặt luật quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh bỏ
ngoài tai phán quyết không mang tính ràng buộc, dù Trung Quốc đã ký UNCLOS.
Chính phản ứng ngoan cố của Trung Quốc trước
những biện pháp của Philippines và Việt Nam buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét
lại mức độ uy tín của Bắc Kinh trong việc tuân thủ quy định, luật pháp quốc tế.
Trung
Quốc : Hứa suông và nuốt lời
Điểm thứ hai : Liệu có nên tin vào những lời
hứa của Trung Quốc không ? Bắc Kinh ký UNCLOS, nhưng từ chối áp dụng thông qua
sự kiện phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye. Chủ tịch Tập
Cận Bình trịnh trọng phát biểu với tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 09/2015 tại
Washington rằng “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” ở
Biển Đông.
“Nói một đằng, làm một nẻo”,
trong nhiều năm liên tiếp, Trung Quốc cứ lặng lẽ bồi đắp các bãi cạn, rạn san
hô thành đảo nhân đạo, xây nhà chứa máy bay, đường băng có thể phục vụ máy bay
quân sự, trang bị hệ thống radar, xây cảng cho tầu chiến lưu trú, lắp hệ thống
tên lửa... Hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự này giúp Bắc Kinh chiếm được ưu thế
kiểm soát toàn bộ tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới.
Một ví dụ khác được nhà báo Thụy Điển nêu lên
để xác định xem có nên tin vào lới hứa của Bắc Kinh hay không, đó là trường hợp
Hồng Kông. Vào tháng 06/2017, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng
từng phát biểu : “Hiện giờ Hồng Kông đã quay trở về với mẫu quốc từ 20
năm nay, tuyên bố chung giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc, với tư cách là tài
liệu lịch sử, không có ý nghĩa thực tế... Tôi hy vọng các bên liên quan ghi nhận
thực tế này”.
Theo các nhà quan sát ngoại giao trong khu vực,
phát biểu của ông Lục Khảng đã trắng trợn bác những điều khoản trong Tuyên bố
chung Anh-Trung Quốc được thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Triệu Tử Dương (Zhao
Ziyang) và thủ tướng Anh Margaret Thatcher ký năm 1984. Theo văn kiện này, Hồng
Kông được hưởng quy chế tự trị “một nhà nước, hai chế độ” và sẽ
không có gì thay đổi trong giai đoạn 50 năm, cho đến năm 2047. Thực tế đang diễn
ra ở Hồng Kông cho thấy điều ngược lại.
Khăng
khăng đòi chủ quyền ở Biển Đông... dựa theo truyền thuyết
Trở lại với lời khuyến cáo Việt Nam “phải
đối mặt với thực tế lịch sử” của ông Cảnh Sảng, nhà báo Bertil Lintner
nhắc lại là những yêu sách đòi chủ quyền trong đường 9 đoạn của Bắc Kinh đã bị
Tòa án Trọng tài Thường trực bác bỏ. Các tấm bản đồ cổ của Trung Quốc không biết
đến sự tồn tại của những hòn đảo, đá ngầm hiện đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Bắc Kinh nêu những chuyến hải trình của Trịnh
Hòa (Zhang He, 1371-1433), nhà thám hiểm và thương nhân Trung Quốc ở thế kỷ XV,
để biện minh cho đòi hỏi chủ quyền, nhưng Trịnh Hòa chưa đi qua, thậm chí là
còn không nhắc đến những hòn đảo đó. Những tài liệu và bản đồ được Trịnh Hòa và
Mã Hoan (Ma Huan) sưu tầm ghi danh mục 700 địa điểm ở Đông Nam Á và Ấn Độ
Dương, trong đó có nhiều đảo và cảng biển rất xa như quần đảo Andaman và
Nicobar, Maldives và Lakshadweep, nhưng không nêu một điểm nào ở Biển Đông.
Nguyên nhân rất đơn giản, vì trên thực tế, đó
không phải là những hòn đảo, mà chỉ là những bãi cạn, rạn san hô ngầm rất nguy
hiểm, mà các đoàn thuyền vào thời kỳ đó, kể cả tầu của Trịnh Hòa, cũng phải đi
vòng để tránh va chạm có nguy cơ làm vỡ tầu. Nhưng dưới tay chính quyền Bắc
Kinh hiện nay, những bãi ngầm nửa chìm nửa nổi đó biến thành những hòn đảo nhân
tạo.
Cấm quốc
tế can thiệp "chuyện nội bộ" - Ỷ mạnh ép các nước Đông Nam Á
Trung Quốc luôn khẳng định, Biển Đông là vấn
đề giữa Bắc Kinh và các nước có tranh chấp, là chuyện giữa Trung Quốc với các
nước ASEAN và luôn cảnh báo, lên án mọi can thiệp vào "chuyện nội
bộ".
Việc Trung Quốc coi thường các công ước, luật
pháp quốc tế sẽ không được cộng đồng quốc tế tha thứ. Nhưng, theo nhiều nhà
phân tích, cho đến giờ Trung Quốc luôn ỷ mạnh gây sức ép với các nước nhỏ trong
vùng.
Phát biểu hôm 09/11 trước các nhà báo
Philippines, Dereck Grossman, chuyên gia phân tích của Rand Corporation cho rằng
quyết định gần đây của tổng thống Rodrigo Duterte về việc tham gia khai thác dầu
khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông có thể được diễn giải như là một “phần
thưởng” cho việc tạm gác sang một bên phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng
tài La Haye. Dĩ nhiên, việc thăm dò khai thác sẽ được tiến hành “theo
quy định của Bắc Kinh” và “dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc”.
Một dấu hiệu khác cho thấy Philippines cúi
mình trước Bắc Kinh, đó là vào tháng 11/2019, Manila đã cho đóng dấu vào hộ chiếu
in hình bản đồ “đường lưỡi bò”, có nghĩa là công nhận bản đồ chính
thức của Trung Quốc.
Trong bốn nước Đông Nam Á có chủ quyền chồng
chéo với Trung Quốc (Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei, cùng với Đài
Loan), Việt Nam là nước duy nhất mạnh mẽ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc
ở trong vùng, thông qua việc phản đối, theo dõi sát sao hoạt động của tầu Hải
Dương Địa Chất 8 quần thảo trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vậy mà
khi đáp trả những lời phản đối, kêu gọi tôn trọng chủ quyền từ phía Việt Nam,
phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng, chuyển sang vu cáo Việt Nam và các nước
có tranh chấp chủ quyền “xâm phạm và chiếm các đảo của Trung Quốc”.
Tác giả Bertil Lintner kết luận, với thái độ
coi thường trắng trợn các định chế quốc tế, như Tòa Trọng tài Thường trực La
Haye, cùng với những lập luận nặng tính dân tộc về các hiệp ước dựa trên luật
pháp, quan điểm của Trung Quốc về lịch sử hàng hải ở trong vùng sẽ tiếp tục gây
nhiều sóng gió trong tương lai.
No comments:
Post a Comment