Tuesday, 26 November 2019

TRUMP & BẠCH CUNG ĐƯỢC MỜI THAM GIA ĐIỀU TRẦN LUẬN TỘI CÔNG KHAI SẮP TỚI (Cali Today)




Cali Today  (Theo New York Times) 
November 26, 2019

WASHINGTON (New York Times) — Uỷ ban Tư pháp Hạ viện vào thứ Ba mời ban cố vấn pháp lý của ông Donald Trump tham gia vào phiên điều trần công khai đầu tiên vào tuần sau, giữa lúc các nhà lập pháp dự tính triệu tập một uỷ ban các học giả về hiến pháp để xem liệu những hành động của Tổng thống có nên bị phế truất hay không. 

Uỷ ban Tư pháp Hạ viện thông báo phiên điều trần dự tính có tên “Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald J. Trump: Căn cứ Hiến pháp để Luận tội Tổng thống” diễn ra vào ngày 4 tháng 12 nhưng không nêu cụ thể nhân chứng. Theo viên chức Dân chủ, phiên điều trần sẽ có những chuyên viên pháp lý nổi tiếng ra làm chứng về tiền lệ hiến pháp và lịch sử luận tội. 

Chủ tịch Jerrold Nadler (Dân chủ – New York) vào chiều thứ Ba gởi thư cho Tổng thống, thông báo phiên điều trần và cho các luật sư của ông Trump cơ hội thẩm vấn các nhân chứng. Bước đi này cho thấy dấu hiệu Dân chủ đang bước nhanh sang giai đoạn điều tra luận tội mới, chuyển cuộc điều tra phức tạp về hành động của ông Trump sang tranh luận liệu chúng có bảo đảm Hạ viện có thể sử dụng quyền lực truất phế đương kim tổng thống hay không. 

Tiến trình sẽ phần lớn được dựa vào hồ sơ thực tế về chiến dịch gây áp lực Ukraine của ông Trump và đồng minh mà lâu nay các uỷ ban Hạ viện do Dân chủ kiểm soát điều tra, và Uỷ ban Tình  báo Hạ viện đang tổng hợp thành báo cáo để chuyển sang cho Uỷ ban của ông Nadler vào tuần sau. Các phiên điều trần sắp tới sẽ diễn ra trong bối cảnh phân cực chính trị căng thẳng và mâu thuẫn đảng phái cay đắng, chưa đầy một năm trước khi ông Trump bước vào kỳ tái tranh cử. 

Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện yêu cầu Toà Bạch Ốc hồi đáp ông vào Chủ nhật nếu Tổng thống và các luật sư của ông ta muốn tham gia phiên điều trần đầu tiên. Ông Nadler cũng nhắc nhở ông Trump rằng, quy định của Hạ viện trao cho ông quyền làm chủ tịch để hạn chế sự tham gia nếu “ông tiếp tục từ chối giao nộp tài liệu hoặc cho nhân chứng ra khai” liên quan đến cuộc điều tra. 

“Tôi vẫn cam kết và bảo đảm thủ tục công bằng và đầy đủ thông tin,” ông Nadler ghi trong thư. “Vì lý do đó, tôi muốn nhắc ông rằng, sự tham gia của tổng thống và luật sư đã được uỷ ban miêu tả trong các cuộc điều tra trước đây ‘không phải là quyền lợi mà là đặc quyền hoặc phép lịch sự được gởi đến cho luật sư của tổng thống.’ Tôi hy vọng, ông và luật sư của mình quyết định sẽ tham gia vào phiên điều trần của uỷ ban, phù hợp với các quy tắc đúng mực, và với sự nghiêm túc của công công việc trước chúng tôi.” 

Toà Bạch Ốc hiện chưa hồi đáp thư hay đưa ra lời bình luận. Các đồng minh của ông Trump trong nhiều tuần qua cay đắng phàn nàn rằng, ban cố vấn pháp lý của Tổng thống không được tham gia vào các phiên điều trần của Uỷ ban Tình báo Hạ viện, nhưng họ cũng tìm cách tránh hành động có thể đẩy chuyện này diễn ra. 

Phiên điều trần đầu tiên của Uỷ ban Tư pháp Hạ viện chắc chắn sẽ diễn ra ngay khi Uỷ ban Tình báo Hạ viện gởi văn bản báo cáo sang, trong đó tóm tắt lại kết luận cuộc điều tra kéo dài 2 tháng vào những nỗ lực của ông Trump buộc Kiev điều tra đối thủ chính trị trong nước. Trong những ngày tới, Dân chủ có thể lên kế hoạch một phiên điều trần khác để Uỷ ban Tình báo Hạ viện chính thức trình bày công tác của mình cho Uỷ ban Tư pháp. 

Uỷ ban  của ông Nadler dự tính sẽ sử dụng báo cáo đó, và có thể từ những chứng cớ về hành vi sai trái của tổng thống được ghi cụ thể trong kết luận điều tra của cựu Công tố viên đặc biệt Robert Mueller để dự thảo những điều khoản luận tội trong những tuần tới. 
Lịch trình như vậy có thể giúp Hạ viện theo đúng hướng bỏ phiếu luận tội trước khi các nhà lập pháp rời Washington nghỉ lễ Giáng sinh, và lập toà xét luận tội ở Thượng viện vào sang năm. 

Uỷ ban Tư pháp vào năm 1998 cũng triệu tập một uỷ ban tương tự gồm các nhân chứng chuyên viên khi bắt đầu tranh luận liệu có luận tội Tổng thống Bill Clinton hay không. Nhưng lá thư của ông Nadler cho thấy có vẻ như sẽ có tranh chấp lớn về chính trị và pháp lý giữa hai bên về quyền lợi nào mà tổng thống và đội ngũ pháp lý cần phải có. 

Hương Giang (Theo New York Times) 





No comments:

Post a Comment

View My Stats