Ngô Thế Vinh
25/11/2019
Gửi tới 20 triệu cư dân ĐBSCL không được quyền
có tiếng nói
Gửi nhóm Bạn Cửu Long
Hình 1a_ Trái: Bản
đồ vùng đất Đông Nam Á: những vòng xám/ grey chỉ các vùng phân bố tâm chấn động
đất / epicentral distributions; những vòng xanh/ blue ghi dấu các trận động đất
≥ 6.0; những ngôi sao đỏ/ red stars ghi dấu các trận động đất ≥ 7.0. Các đường
gạch đỏ/ red lines là biểu thị đường đứt gãy gây động đất / seismogenic faults.
(Santi Pailoplee et al.2009) (4)
Hình 1b_ Phải: Có
ít nhất 5 trong số 9 dự án thủy điện dòng chính sông Mekong của Lào nằm trong
vùng động đất; kể từ bắc xuống nam: Pak Beng 1320 MW, Luang Prabang
1410 MW, Xayaburi 1260 MW, Pak Lay 1320 MW, Xanakham 1000 MW… Luang
Prabang, là con đập lớn nhất và điều rất nghịch lý: do công ty quốc doanh
PetroVietnam Power Co. là chủ đầu tư. Nguồn: Michael Buckley, cập nhật 2019 do
Ngô Thế Vinh bổ sung.
HAI NGUỒN TIN CHẤN ĐỘNG
29.10.2019: Đập Xayaburi Bắt đầu Vận hành
Lào bắt đầu cho vận hành đập Xayaburi
1260 MW, là con đập thủy điện dòng chính đầu tiên trên sông Mekong của Lào. Đối
với toàn thể cư dân trong lưu vực sông Mekong thì đây là một tin chấn động, giữa
lúc khúc sông Mekong không xa đập Xayaburi gần như cạn kiệt, và câu hỏi đặt ra
sẽ lấy đâu ra đủ nguồn nước để Xayaburi có thể vận hành chạy các turbines và đạt
toàn công suất?
Và rồi, thêm một tin thật sự gây chấn động và
cả sửng sốt khác, đó là trận động đất ở bắc Lào, ngay tỉnh Xayaburi nơi có con
đập thủy điện dòng chính cùng tên mới vận hành chưa đầy 3 tuần lễ trước đó.
21.11.2019: Động Đất ở Tỉnh Xayaburi Bắc
Lào
Bản tin đầu tiên người viết nhận được qua 1
text message từ Paris, sau đó tin được đăng tải trên báo Figaro ngày 20.11.2019
lúc 17 giờ 05: Séisme de magnitude 6,1 au Laos / Trận động đất 6.1 ở
Lào. “Một trận động đất 6.1 xảy ra vào ngày thứ Năm trong vùng tây
bắc Lào, gần biên giới Thái Lan, theo tin từ Viện Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ
USGS, tâm chấn động đất từ một nơi không sâu, xảy ra lúc 6 giờ 50 sáng giờ địa
phương (tức 23 giờ 50 giờ quốc tế ngày thứ Tư 20.11.2019). (6)
Tiếp theo là tin chính thức từ Bộ trưởng Lao
động và Phúc lợi Xã hội Lào Khampheng Saysompheng cho biết trong đêm 20 và sáng
21 tháng 11 tại nước này đã xảy ra nhiều rung chấn động đất, trong đó có 2 trận
động đất có độ lớn hơn 5. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Phúc lợi và Phát triển
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 10 tại thủ đô Vientiane, ông
Khampheng Saysompheng nêu rõ vào khoảng 4 giờ sáng và 7 giờ sáng ngày 21
tháng11 đã xảy ra hai trận động đất độ lớn lần lượt là 5.9 và 6.1 tại huyện
Saysathan, tỉnh Xayaburi, giáp biên giới Thái Lan. Ông Saysompheng nói thêm đây
là trận động đất mạnh hiếm có và rất nhiều năm mới xảy ra tại Lào. Trong khi
đó, theo thông báo của Cục Khí tượng và Thủy văn Lào, trong đêm 20 và rạng sáng
21 tháng 11, Lào đã ghi nhận 18 đợt rung chấn, trong đó có 2 trận động đất mạnh
với độ lớn lần lượt là 5.9 và 6.4. Tâm chấn nằm ở độ sâu khoảng 10 km tại huyện
Saysathan, thuộc tỉnh Xayaburi. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại do trận động
đất gây ra…
ĐỘNG ĐẤT KHÔNG PHẢI LÀ NGẪU NHIÊN
Hai sự kiện trên xảy ra chỉ cách nhau 24 ngày
không phải là một ngẫu nhiên – hazard. Người viết đã đề cập tới nguy cơ động đất
từ các con đập thủy điện lần đầu từ tháng 6 năm 2002 trên tạp chí Thế Kỷ
21 số 158, rồi cập nhật lần thứ hai tháng 9 năm 2009 trên diễn đàn
Viet Ecology Foundation / Hội Sinh Thái Việt.(1)
HAI YẾU TỐ CỦA THẢM HỌA
— Bắc Lào là một vùng động đất:
Các chuyên gia về địa chất đã từng nêu lên mối
lo ngại về mối hiểm họa động đất nơi xây con đập dòng chính Xayaburi vì bắc Lào
vốn là vùng điạ chất không ổn định.
Tiến sĩ Punya Charusiri thuộc Đại học
Chulalongkorn, Bangkok đã nhận định: “Đập Xayaburi là mối hiểm nguy vì
xây gần nơi đường đứt gãy đang hoạt động / active faults.” TS Punya tiếp: “Trong
3 thập niên tới có 30% khả năng xảy ra động đất trung bình và 10% khả năng xảy
ra động đất lớn tới 7 độ Richter trên vùng này. Nếu đường đứt gãy nơi
xây đập hoạt động trở lại thì rất khó đối phó.” (2)
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Không bao
giờ nên khởi công xây đập trên một vùng động đất như vậy nếu chưa có những nghiên
cứu sâu rộng thêm nữa về mối nguy cơ động đất; cho dù các nhà xây đập thì luôn
nói rằng họ đã tuân thủ tất cả các nguyên tắc về an toàn động đất.”
TS Punya cảnh báo: đã có một chuỗi những trận
động đất gần nơi xây đập Xayaburi trong những năm gần đây. Năm 2011, đã có 2 trận
động đất 5.4 và 4.6 cách đập Xayaburi chỉ có 48 km. Một tháng sau, thêm một trận
động đất nữa 3.9 cách Xayaburi 60 km. Trước đó, năm 2007 đã có một trận động đất
6.3 ngay nơi vùng Xayaburi.
Trong khi đó, nhóm tham vấn Poyry có trụ sở ở
Thụy sĩ và công ty xây đập Thái Lan CH. Karnchang thì cả quyết rằng đập
Xayaburi được thiết kế an toàn về động đất theo đúng các tiêu chuẩn của ICOLD(2) (International
Commission on Large Dam). Nhưng mà ai cũng biết rằng Poyry chỉ là một nhóm tham
vấn làm thuê cho các công ty xây đập và bấy lâu đã không có một hồ sơ theo dõi
tốt / no good track record.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học
Chulalongkorn, Bangkok đã ứng dụng những kỹ thuật cảm ứng từ xa / remote
sensing techniques xác định được 2 đường đứt gãy hoạt động / active
faults cách nơi xây con đập Xayaburi lần lượt là 60 km và 20-40 km.
TS Punya phát biểu: “Công ty đập
không bao giờ nên khởi công xây con đập trên một đường đứt gãy trước khi họ
hoàn tất các cuộc nghiên cứu thấu đáo về mối nguy cơ động đất.” (3)
Chính quyền Phnom Penh từ năm 2011 cũng bày tỏ
mối quan ngại với chính phủ Lào về sự an toàn của con đập Xayaburi.
Te Navuth, Tổng thư ký của Ủy ban Mekong
Cambodia đã yêu cầu chính phủ Lào:“Phải có một nhóm nghiên cứu độc lập và
chuyên nghiệp về mối nguy cơ động đất và an toàn của con đập.” (3)
Nhưng nhà nước Lào thì cứ ngang nhiên lấn tới
và vẫn cho khởi công xây con đập Xayaburi cho dù có những tiếng nói chống đối từ
2 quốc gia hạ lưu là Cambodia, Việt Nam, cùng với các nhà khoa học và nhiều tổ
chức bảo vệ môi sinh.
Ủy hội Sông Mekong / MRC như một cơ quan tư vấn
của 4 nước thành viên Lào Thái Cambodia Việt Nam, đã cùng đặt bút ký kết Hiệp định
Phát triển Bền vững Lưu vực Sông Mekong 1995, MRC đã nhiều lần yêu cầu là cần
có thêm những thông tin về an toàn của con đập Xayaburi nhưng cuối cùng, rất muộn
màng chính phủ Lào chỉ đưa ra được “một lượng giá phỏng đoán /
probabilistic seismic hazard assessment về mối nguy cơ động đất” và tới
thời điểm đó thì Lào cũng đã tiến hành xây được 30% công trình toàn con đập.(3)
Với số vốn đầu tư là 3.5 tỷ USD, Xayaburi
cũng vẫn cứ được hoàn tất và bắt đầu họat động phát điện từ tháng 10, 2019 và
nguồn điện chủ yếu bán cho Thái Lan.
— Động đất do các hồ chứa đập thủy điện:
Theo giáo sư Shunzo
Okamoto, Đại học Tokyo thì sức nước hãm ép trong các hồ chứa có thể gây động đất,
nhất là nơi mà “thế năng động đất” (potential earthquake energy) đã
tích lũy ở mức cao.(7)
Kinh nghiệm từ Nhật Bản, vốn nằm trên vùng địa
chất không ổn định, thường xảy ra các trận động đất, nên mỗi dự án xây đập đều
được khảo sát rất chu đáo trên mọi khía cạnh, nhất là địa chất, với những hồ sơ
theo dõi các trận động đất lớn nhỏ và hoạt động của núi lửa, cả việc xác định
xem có đường đứt gãy dưới các lớp địa tầng hay không. Nhật Bản đã có một số
công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh liên quan tới đề tài “xây đập gây hậu
quả động đất.”
Đã có nhiều ghi nhận về các trận động đất do
xây đập thủy điện gây ra. Các chuyên gia địa chất khi khảo sát những con đập
lớn nhận thấy: sức nặng thường trực của khối nước khổng lồ trong hồ chứa đã gây
ra tình trạng mất cân bằng địa chấn, gây đứt đoạn lớp địa tầng dưới đáy và làm
vỡ cấu trúc toàn con đập – người ta gọi đó là “Động Đất Do Hồ Chứa” (reservoir
triggerred seismicity)”.
Đã có những trận động đất do hồ chứa gây ra
làm chấn động dư luận thế giới. Như hồ chứa đập Aswan High (Ai Cập) khi lấy đầy
nước, thì sau đó các trận động đất M4.7 (3/1982), M4.3 (2/1983) đã xảy ra trên
vùng đất mà trước năm 1980 chưa hề có ghi nhận một cơn địa chấn nào. Tại Trung
Quốc, gần tỉnh Quảng Đông, có con đập Tân Phong Giang (Xinfengjian) cấu trúc giống
đập Aswan đã bị một cơn địa chấn M6.1 vào năm 1961. Các trận động đất khác do hồ
chứa cũng đã xảy ra với con đập Koina (Ấn Độ): M5.5 (9/1967), M6.3 (12/1967)
làm nứt thành đập và khiến hơn 180 người chết.(7)
Sức nước hãm nén trong hồ chứa trên vùng động
đất làm gia tăng những cơn địa chấn do áp suất thay đổi theo mực nước và dung
lượng nước trong hồ khi con đập hoạt động. Động đất vẫn xảy ra khi hồ
chứa được xây trên vùng chưa có động đất trước đó. (7)
Theo Tiến sĩ T. Vladut thuộc nhóm Nghiên Cứu
Môi Trường Thủy Học Canada (Hydro Environmental Research Group) [1993] sau khi
đã khảo duyệt hơn 2000 bài viết về động đất gây ra do các con đập và hồ chứa,
Vladut đã đi tới kết luận:
1. Từ thập niên 1930 [1932] người ta bắt đầu
biết tới mối liên hệ động đất với con đập Qued Fodda ở Algeria. Sang thập niên
1940 [1945] người ta đã lại quan tâm hơn tới mối liên hệ giữa độ sâu của hồ chứa
con đập Hoover ở Mỹ với các trận động đất xảy ra sau đó.
2. Từ năm 1932, trong số hơn 120 con đập trên
thế giới, người ta ghi nhận được những trận động đất xảy ra hoặc do nước hãm
nén trong hồ chứa (water impoundment), hoặc khi hồ chứa hoạt động (reservoir
operation).
3. Có nhiều khả năng động đất xảy ra nơi con
đập cao hơn 100 mét hoặc khi dung lượng hồ chứa lớn hơn 1 x 109 m3.
Khi mà động đất do hồ chứa xảy ra tại các quốc
gia kém phát triển – nơi mà nhà cửa không đạt tiêu chuẩn chống động đất, mức
thiệt hại sẽ lớn hơn gấp bội. Điều này đã được thấy rõ qua những tổn thất rất nặng
nề từ mấy trận động đất cho dù chưa phải là quá lớn ở hai tỉnh Vân Nam và Tứ
Xuyên vùng Tây Nam Trung Quốc.
Do đó việc nghiên cứu theo dõi, phát hiện và
phòng tránh động đất do hồ chứa phải là mối quan tâm ưu tiên hàng đầu của các kỹ
sư xây đập. Trong ngân sách xây đập phải bao gồm cả ngân khoản để trang bị mạng
lưới các trạm theo dõi động đất (network of seismological stations). Việc theo
dõi phải liên tục trong suốt quá trình xây đập và cũng phải tiến hành trước khi
bắt đầu lấy nước vào hồ chứa. (7)
Nhưng dù có thiết lập thêm các trạm theo dõi
động đất sau khi đã xây đập thì cũng không có cách nào giúp tránh động đất, và
khi động đất xảy ra, rất khó mà phản ứng kịp cho việc di tản cư dân và cũng
không có đủ thời gian xả nước an toàn, nếu không muốn nói còn làm gia tăng tổn
thất. (1)
NGUY
CƠ TỪ CHUỖI ĐẬP SÔNG MEKONG
Những đập thủy điện khổng lồ bậc thềm Vân Nam
/ Mekong Cascades và chuỗi đập dòng chính sông Mekong bắc Lào nằm trong vùng động
đất. Liệu đã có những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh nào của các
công ty xây đập về tình trạng địa chất trong lưu vực sông Mekong?
Không chỉ với Trung Quốc, ngay cả với nhà nước
Lào, có rất nhiều lý do để tin rằng do bị thúc đẩy bởi lợi nhuận nên các công
ty xây đập đều vội vã muốn đạt kế hoạch khai thác thủy điện chiến lược của họ;
nên đa phần họ đã không quan tâm bỏ ra rất nhiều thời gian và cả tổn
phí lên tới nhiều triệu USD cho những cuộc khảo sát tốn kém nhưng rất cần
thiết như thế. Hoặc giả nếu có cái gọi là công trình nghiên cứu địa chất trên
giấy tờ thì chúng ta cũng có thể biết trước rằng cho dù có “những dữ kiện
địa chất biết trước là bất lợi cũng sẽ bị làm ngơ hay bỏ qua.”
Theo một nghiên cứu năm 1990 của Ngân Hàng Thế
Giới (World Bank) thì trong số 49 dự án xây đập thủy điện, có hơn 3/4 số đập gặp
phải những “vấn đề về địa chất không tiên liệu được / unexpected geological
problems”. Và cuộc khảo sát ấy đã đưa tới kết luận khá bi quan rằng đối với
các con đập thủy điện “nếu không gặp các vấn đề trở ngại về địa chất thì phải
được coi đó như một ngoại lệ chứ không phải là sự kiện bình thường.” (8)
THỦY ĐIỆN LUANG PRABANG SẼ LÀ MỘT THẢM HỌA
Hiroshi Hori là một chuyên gia uy tín về sông
Mekong, từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc trong Ủy Ban Sông Mekong / Mekong River
Committee có trụ sở ở Bangkok trong những năm 60 của thế kỷ trước (1964-1969),
đặc trách Kế Hoạch Lưu Vực Sông Mekong (Indicative Mekong River Basin Plan).
Sau đó ông giữ chức vụ tham vấn cho Ngân hàng Phát Triển Á Châu (ADB), đại diện
cho Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở New York. Đồng thời ông
cũng là Chủ tịch Ủy Ban Nghiên Cứu Sông Mekong của Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật
bản (JICA). Ông cũng là tác giả của nhiều bài nghiên cứu kinh điển và các cuốn
sách như “Conflicts and Opportunities Concerning Development and the
Environment in the Mekong Basin, IWRA 1998”. Riêng trong cuốn sách “The
Mekong: Environment and Development” [United Nations University Press, Tokyo
2000], Hiroshi Hiro đã đưa ra nhận xét:
“Thượng lưu sông Mekong là vùng động đất, với
những chuyển động địa chấn đáng kể nên người ta có lý do để sợ rằng động đất sẽ
xảy ra khi xây những con đập ở thượng nguồn sông Mekong.” (7)
Không chỉ tỉnh Vân Nam Trung Quốc, mà bắc Lào
cũng là vùng động đất, và mới đây được xác định bởi các nhà địa chất uy tín từ
Đại học Chulalongkorn, Bangkok. (2) Và bằng chứng rõ ràng
nhất là trận động đất 6.1 mới xảy ra ngày 21 tháng 11, 2019 vừa qua nơi tỉnh
Xayaburi, với rung chấn đã lan xa tới những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội.
Vậy mà trên vùng được coi như có nguy cơ động
ấy, đã có ít nhất 5 dự án đập thủy điện lớn trên dòng chính sông Mekong của Lào
như: Pak Beng 1320 MW, Luang Prabang 1410 MW, Xayaburi 1260 MW, Pak Lay 1320
MW, Xanakham 1000 MW…
Điều trớ trêu, chính Việt Nam lại là chủ đầu
tư con đập Luang Prabang nằm ngay bắc Lào, một vùng động đất đang hoạt động.
Luang Prabang cũng là con đập lớn nhất trong chuỗi 9 con đập thủy điện dòng
chính của Lào. Đây là một chọn lựa quá liều lĩnh – và đã đẩy Việt Nam
vào một vị trí thất thế: vừa là nạn nhân vừa là tòng phạm –
và ai cũng hiểu rằng trong bất cứ tình huống nào thì Việt Nam cũng chỉ có thua
thiệt hoặc tệ hại hơn nữa là có thể bị hoàn toàn trắng tay nếu xảy ra một vụ vỡ
đập.
— Thua thiệt trực tiếp là 20
triệu cư dân sống nơi ĐBSCL bấy lâu không được quyền có tiếng nói. Nay chính
nhà nước Việt Nam góp phần đầu tư xây thêm một con đập, có thể ví như hành vi“cầm
súng tự bắn vào chân mình / shoot oneself in the foot”, sẽ khiến cho nạn hạn
hán nơi ĐBSCL trầm trọng hơn, cùng kéo theo một chuỗi những hệ lụy khác: mất
nguồn phù sa, tăng thêm sạt lở, nạn nhiễm mặn càng lấn sâu hơn vào vùng châu thổ…
mà ĐBSCL vốn là một vựa lúa, nguồn an ninh lương thực không phải chỉ của Việt
Nam mà là của thế giới.
— Có thể bị trắng tay khi có
một trận động đất gây vỡ đập, không chỉ riêng với con đập Luang Prabang mà với
bất cứ một con đập thượng nguồn nào cũng sẽ là một “thảm họa vỡ đập
dây chuyền.” Điều mà hơn một lần người viết (2002, 2009) và các
chuyên gia độc lập như Tom Fawthrop (2014), Nguyễn Hữu Thiện (2018) đã lần lượt
cùng lên tiếng. (1,3,5)
Hình 2: Ngày
29.10.2019 Lào bắt đầu cho vận hành đập Xayaburi 1260 MW, con đập thủy điện
dòng chính đầu tiên trên sông Mekong của Lào. Đối với toàn thể cư dân trong lưu
vực sông Mekong thì đây là một tin chấn động, giữa lúc khúc sông Mekong gần như
cạn kiệt. Và rồi, ngày 21.11.2019 thêm một tin chấn động khác cùng với nỗi
hoang mang lo sợ, đó là trận động đất 6.1 ở bắc Lào, tỉnh Xayaburi nơi có con đập
thủy điện cùng tên mới vận hành chưa đầy 3 tuần lễ trước đó. Nguồn: RFA/ CK
Power / AFP
CẦN MỘT DỨT KHOÁT TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN
Biến cố vỡ đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy
nơi tỉnh Attapeu, vùng đông nam Lào vào tối ngày 23 tháng 7, 2018, tuy chỉ là
con đập tương đối nhỏ 410 MW mà đã có 5 tỷ mét khối nước đổ xuống phá hủy nhiều
ngôi làng với nhiều người chết và mất tích, đã cho thấy an toàn các con đập
trên lưu vực Mekong là vấn đề thực sự đáng quan tâm và lo ngại.
Và rồi
mới đây 21.11.2019, trận động đất 6.1 ở bắc Lào, mà tâm
chấn không xa con đập Xayaburi. Phải coi đây là “hồi chuông cảnh báo
/ wake-up call” cho giấc mơ cuồng thủy điện không chỉ của riêng
Lào – mà cả các quốc gia trong lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam.
Trong khi mà Lào đã sở hữu hàng trăm đập thủy
điện lớn nhỏ, nơi các phụ lưu sông Mekong, và trên các dòng sông nhỏ thiên
nhiên khác trong lãnh thổ Lào; khi mà lợi tức trung bình hàng năm của hơn 7 triệu
người dân Lào nay cũng đã cao hơn Việt Nam 3 bậc, đã đến lúc chính nhà nước Lào
và giới lãnh đạo các quốc gia trong lưu vực sông Mekong phải cùng ý thức được rằng “lợi
ích của thủy điện sông Mekong là quá nhỏ, không tương xứng so với rủi ro đối với
con người và môi trường trong toàn vùng.” (4)
Do sự kiêu căng, tham lam và thiển cận của
con người không còn làm chủ được khoa học kỹ thuật của mình, sẽ không hoàn toàn
là hư cấu khi nghĩ tới tình huống Động Đất gây Vỡ đập Dây Chuyền.
Bởi vì với các con đập dòng chính bậc thềm
trên suốt dọc con sông Mekong có chiều dài hơn 4800 km ấy, nếu vỡ đập – không
chỉ đơn giản với tình huống vỡ một con đập mà đáng lo ngại nhất và cũng là cơn
ác mộng: đó là vỡ đập dây chuyền, tạo ra một cơn hồng thủy
của thiên niên kỷ – không phải do Mẹ Thiên nhiên / Mother
Nature mà do chính con người gây ra, sẽ rất khủng khiếp với sức tàn
phá của những trái bom nước Megaton có khả năng cuốn băng đi hàng triệu sinh
linh, các thành phố, trong đó có cả hai vùng châu thổ Tonle Sap và ĐBSCL nơi với
ngót 20 triệu cư dân đang cố bám sống trên vùng đất định mệnh có lịch sử với
hơn 300 năm ấy.
Đây phải là tiếng nói của lương
tri, một thách đố và cũng là cơ hội có tính cách lịch sử: điều mà Hà Nội
phải làm và cần làm: không những rút ngay phần đầu tư của công ty quốc
doanh PVPC / PetroVietnam Power Corporation ra khỏi dự án thủy điện Luang
Prabang, đồng thời vận dụng tất cả sức mạnh của quyền lực mềm / soft power về
chính trị, ngoại giao và kinh tế đối với nhà với nhà nước Lào, để cùng hướng tới
quyết định hủy dự án Luang Prabang (dự trù khởi công xây vào tháng 7, 2020) và
đồng thời hoãn thêm 10 năm tới 2030, tất cả các dự án đập dòng chính trên sông
Mekong của Lào.
Trong khoảng 10 năm đó, là cơ hội mở ra những
cánh cửa mới, với giải pháp Năng Lượng Tái Tạo / NLTT, từ mặt trời và
gió là thứ năng lượng sạch có khả năng từng bước thay thế thủy điện, một
xu thế đang có thể coi là toàn cầu / global trend.
Hoặc nếu không đi nữa, các nhà xây đập trên
lãnh thổ Lào và cả Cambodia, Việt Nam có một khoảng thời gian cho những cuộc
nghiên cứu khoa học sâu rộng thêm nữa về mối nguy cơ động đất; trước khi tiến
hành xây thêm bất cứ một con đập nào với bài toán Được & Mất / Pros &
Cons.
Nhưng nhìn chung, với bối cảnh trong nước như
hiện nay, là một không khí bi quan. Sự kiện Việt Nam là chủ đầu tư cho dự án thủy
điện Luang Prabang có thể được nhiều người xem như một sự kiện đã rồi – fait
accompli. Bởi vì, giới lãnh đạo Việt Nam hiện bị thao túng bởi các nhóm lợi
ích, với xung lực / momentum quá lớn, thêm vào đó còn bị bao vây quanh bởi một
đám cố vấn khoa bảng, nếu không bị mua chuộc thủ lợi thì do không có tầm nhìn
chiến lược. Như một điệp khúc họ cho rằng: khi không thể ngăn được Lào xây các
đập thủy điện thì Việt Nam buộc phải đầu tư xây dựng đập Luang Prabang, bởi nếu
không thì Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào. Và khi Việt Nam xây đập Luang Prabang sẽ
chủ động được phần thiết kế, quy trình vận hành, kể cả khả năng mua điện của
Lào [sic] thay vì tiếp tục boycott / tẩy chay cuối cùng để Trung Quốc hoàn toàn
thao túng thủy điện Lào.
Đây là một hình thức ngụy biện nguy hiểm, rất
sai về nguyên tắc, mâu thuẫn về đường lối chính sách, nếu không muốn nói là cả sai
lầm chiến lược vì đi ngược với quyền lợi lâu dài của ngót 70 triệu cư dân
sống trong lưu vực sông Mekong, trong đó có sự sống còn của hơn 10 triệu dân
Cambodia sống quanh Biển Hồ và 20 triệu cư dân Việt Nam sống nơi ĐBSCL. Bởi vì,
với các điều khoản trong Hiệp Định Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong
1995, dù rằng Việt Nam và các quốc gia thành viên không còn quyền phủ quyết /
veto power nhưng Lào vẫn phải tuân thủ tiến trình PNPCA ba giai đoạn: (1)
Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, (2) Tham vấn trước
/ Prior Consultation, (3) Chuẩn thuận / Agreement đã cùng ký kết, để bảo vệ
con sông Mekong như một mạch sống cho toàn lưu vực.
THAY CHO MỘT KẾT LUẬN
Thêm ít dòng cuối cho bài viết nhưng không
kém quan trọng – last but not least, với một định chế chính trị như
hiện nay ở Việt Nam, để có một quyết định mang tính đột phá chiến lược, sẽ
không phải là từ lãnh đạo một công ty quốc doanh như PetroVietnam, không phải
là Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam, cũng không phải là từ một Bộ trong chính phủ,
mà là trách nhiệm của Bộ Chính Trị Hà Nội, với quyết tâm không phải
chỉ để cứu nguy ĐBSCL mà là với tầm nhìn chiến lược lãnh đạo vùng, bằng mọi giá
nỗ lực vận động các quốc gia thành viên đã ký kết Hiệp Định Phát Triển Bền Vững
Lưu Vực Sông Mekong 1995 qua tổ chức MRC / Mekong River Commission cùng thể hiện
nghĩa vụ quốc tế đúng theo tinh thần của Hiệp Định 1995, đó là bảo vệ con Sông
Mekong như mạch sống cho 70 triệu cư dân trong toàn lưu vực, và cũng là bảo vệ
an ninh lương thực của thế giới.
NGÔ
THẾ VINH
29.10.2019 Ngày khởi động đập Xayaburi
21.11.2019 Ngày động đất 6.1 ở bắc Lào
--------------------------
Tham Khảo:
1/ Nguy Cơ Động đất từ những con Đập Vân Nam.
Ngô Thế Vinh. Tạp chí Thế kỷ 21, Số 158, Tháng 6, 2002. Những Con Đập Lan
Thương Trên Vùng Động Đất Vân Nam. Ngô Thế Vinh, Việt Ecology Foundation,
09.2009 http://vietecology.org/Article/Article/44#
2/ Thai geologists warn Xayaburi dam is an
earthquake risk. AsiaNews.IT, 04.18.2014 http://www.asianews.it/news-en/Thai-geologists-warn-Xayaburi-dam-is-an-earthquake-risk%2030867.html
3/ Experts renew quake fears over Xayaburi
dam on Mekong River in Laos. Tom Fawthrop. South China Morning Post 8 April
2014.
4/ Analyses of seismic activities and Hazards
in Laos: A seismicity approach. Santi Palloplee, Punya Charusiri. Chulolongkorn
University. Terrestrial Atmospheric and Oceanic Sciences, December 2017. https://www.researchgate.net/publication/321828355_Analyses_of_seismic_activities_and_hazards_in_Laos_A_seismicity_approach
5/ ÐBSCL, lo ngại nhất là vỡ đập dây
chuyền. Nguyễn Hữu Thiện. Tiền Phong 03.08.2018 https://www.tienphong.vn/cong-nghe/ðbscl-lo-ngai-nhat-la-vo-dap-day-chuyen-1308677.tpo
6/ Séisme de magnitude 6,1 au Laos. Le Figaro
Figaro 2019.11.21
Laos earthquake hits northern province. Local
frightened as buildings sway. Bangkok Post, 22 Nov 2019. https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1799299/laos-earthquake-hits-northern-province
7/ Hiroshi Hori. The Mekong: Environment
and Development. United Nations University Press, Tokyo 2000. 8/ Patrick
McCully. Silenced Rivers: The Ecology and Politics of Large Dams. Zed Books,
Ltd. London 1996.
No comments:
Post a Comment