Saturday, 30 November 2019

BẢN TIN NGÀY 30/11/2019 (Báo Tiếng Dân)




30/11/2019

Thông báo: Đây là bản tin cuối cùng trong năm 2019. Chúng tôi sẽ trở lại với bản tin hàng ngày trong năm mới. Riêng các bản tin quan trọng và bài vở vẫn được cập nhật và đăng tải hàng ngày.

*
*
BÀI MỚI
30/11/2019
30/11/2019
30/11/2019
30/11/2019
30/11/2019
30/11/2019
30/11/2019
30/11/2019
30/11/2019
30/11/2019
29/11/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 30/11/2019

Vụ án Nhật Cường: Bắt cựu PGĐ Sở KH-ĐT Hà Nội và hai người khác

Chiều 29/11, lãnh đạo HĐND TP Hà Nội thông tin về vụ Nhật Cường, theo báo Thanh Tra. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa, xã hội HĐND TP Hà Nội thừa nhận, vụ án Nhật Cường đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo và mở rộng điều tra để làm rõ các vi phạm pháp luật. Lý do, theo nhà báo Trương Châu Hữu Danh: Vi phạm đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Diễn biến mới trong vụ án Nhật Cường: Bắt nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội, báo Người Lao Động đưa tin. Ngày 29/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định bắt và khởi tố bị can đối với ba nhân vật: Nguyễn Tiến Học, cựu PGĐ Sở KH&ĐT TP Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT TP Hà Nội; Lê Duy Tuấn, GĐ kinh doanh Công ty Đông Kinh, đều về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Nguyễn Tiến Học, cựu PGĐ Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Ảnh: Bộ Công an/NLĐ

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi về vụ Nhật Cường: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cung cấp tài liệu gì theo đề nghị Bộ Công an? Bài báo không đưa ra câu trả lời, nhưng lưu ý một số diễn biến xung quanh nhân vật mà nhiều người cho rằng đóng “vai chính” trong vụ Nhật Cường.

Hồi tháng 7/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an gửi văn bản cho Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đề nghị phối hợp, đôn đốc chỉ đạo cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án “buôn lậu” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường, nhưng vẫn không rõ ông Chung đã cung cấp tài liệu gì cho Bộ Công an.


“Của nợ” đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Chưa vận hành nổi nhưng quan chức TP Hà Nội đã quảng cáo về đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn châu Âu, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Phát biểu tại Hội nghị ATGT năm 2019 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức sáng 29/11, ông Vũ Hồng Trường, Tổng GĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khẳng định:
“Việc quản lý vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới đảm bảo rằng tuyến vận hành an toàn ở mức độ rất cao. Do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm rất lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn”. Trăm nghe không bằng mắt thấy, ông Trường và quan chức TP Hà Nội nên chứng minh bằng thực tế: Hãy cho chạy thử nghiệm và vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngay.

Bí thư Hà Nội nhận lỗi về tiến độ đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo Zing. Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân ngày 29/11, cử tri Nguyễn Hồng Thuận nói về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: “Lỡ hẹn đôi lần còn chấp nhận được, chứ lỡ hẹn 8 lần thì ngán ngẩm quá” và đề nghị TP sớm đưa tuyến đường sắt này vào vận hành.

Đáp lại, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải “nhận lỗi với cử tri vì thành phố chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và nhu cầu phát triển của đô thị”, nhưng vẫn cho rằng, không có dự án đường sắt nội đô như Cát Linh – Hà Đông thì “không cách gì giải quyết được giao thông của Hà Nội, kể cả có hạn chế phương tiện giao thông cá nhân”.


Vụ xử CSGT bắn chết người

Infonet đưa tin: Cựu Trung úy CSGT Đồng Nai bắn chết người bị tuyên án 18 năm tù. Trưa ngày 29/11/2019, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử Nguyễn Tấn Phước, cựu CSGT tỉnh Đồng Nai, tội dùng súng bắn chết người. Phước bị tuyên án 15 năm tù về tội “giết người” và 3 năm tù về tội “sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, tổng hình phạt là 18 năm tù. 

Trước tòa, Phước khai do súng cướp cò nên làm chết nạn nhân Bùi Việt Hải chứ “không cố ý bắn chết”. Về khẩu súng quân dụng, Phước khai “không biết đã hết hạn sử dụng”!? Phước khẳng định giữa hắn và nạn nhân Hải không có mâu thuẫn gì cả, hắn gây án vì được người tình nhờ vả. Phước thừa nhận có sử dụng rượu bia vào thời điểm gây án.

Diễn biến đáng lưu ý trong phiên xét xử vụ CSGT bắn chết người: Nhiều cán bộ vắng mặt dù được triệu tập, theo VOV. Sau khi phiên xử bắt đầu, nhiều cán bộ là lãnh đạo, cựu lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai đã vắng mặt dù được tòa triệu tập, trong đó có thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng CSGT, ông Đào Tuấn Anh, cựu Phó trưởng phòng CSGT, đại tá Dương Thanh Hải, cựu Trưởng phòng CSGT. Đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai xác nhận, những người bị triệu tập đã có lời khai và có đơn xin vắng mặt.

Cáo trạng của VKSND lưu ý về nguồn gốc khẩu súng Phước dùng để gây án. Trước khi công tác tại Phòng CSGT, Phước làm ở Phòng hậu cần và làm lái xe cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, khi đó là GĐ Công an tỉnh Đồng Nai. Để “bảo vệ tướng Khánh”, tháng 3/2010, Phước được Phòng hậu cần cấp cho khẩu súng rulo P38 cùng 50 viên đạn.

Tin môi trường

Báo Tài Nguyên và Môi Trường đưa tin: Sạt lở bờ biển Bến Tre ngày càng nghiêm trọng. Một người dân sống ở Cồn Lợi, ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, Thạnh Phú, Bến Tre cho biết: “Trước đây, tôi có hơn 02 ha đất làm vuông nuôi tôm. Hiện giờ đã sạt mất hơn 01 ha. Tôi đã cất 2 căn nhà hơn 700 triệu đồng cũng bị lở trôi xuống biển, giờ phải dựng cái chòi ở tạm canh giữ phần đất còn lại. Hôm rồi, vuông tôm hơn 100 triệu đồng sắp đến ngày thu hoạch cũng bị nước cuốn trôi, mất trắng”.

Một người dân địa phương lớn tuổi khác kể, “từ nhiều năm nay sóng biển đã ăn sâu vào đất liền khu vực ven biển này lên đến hàng trăm mét”. Gia đình ông có 9 công đất (tương đương 9000m2) thì đã bị cuốn trôi hơn 3 công. “Mỗi lần bị sạt lở, ông phải huy động lực lượng đắp bờ đê tạm ngăn sóng, bảo vệ phần đất còn lại để mưu sinh”.

Biển xâm thực làm mất đất, mất rừng ở Bến Tre. Nguồn: TNMT

Thủ tướng gửi thư động viên đồng bào miền Trung bị thiên tai 20 năm trước, theo báo Dân Trí. Không rõ Thủ tướng “ma-dze in Việt Nam” có ý gì khi gửi thư cho dân về trận lũ lịch sử ở Thừa Thiên – Huế năm 1999? Vì sao ông phải chờ tới 20 năm sau mới lên tiếng chia buồn với dân miền Trung?

Thông tin này là đáng khích lệ, tuy hiếm xảy ra ở Việt Nam: Hà Nội sẽ xây cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, theo VnExpress. Vấn đề quan trọng là ngăn ngừa nước thải không cho chảy vào sông, hồ, phát tán toàn lưu vực, sẽ không thể nào thu hồi lượng nước thải này nổi. Thu gom về nhà máy và xử lý nước thải theo bản tin này là phương án ít tốn kém và hiệu quả nhất.

***

Ngày 29/11/2019, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch tố Mỹ, Trung Quốc và Nga làm gia tăng căng thẳng ở Bắc Cực, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Báo cáo đánh giá về các nguy cơ thường niên của cơ quan này chỉ ra: “Một cuộc chơi quyền lực lớn đang hình thành giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc, làm gia tăng mức độ căng thẳng tại khu vực (Bắc Cực)”. Còn Đại sứ phụ trách hợp tác quốc tế ở Bắc Cực, thuộc Bộ Ngoại giao Nga Nikolai Korchunov cho rằng, Mỹ có tham vọng đạt kiểm soát tài nguyên và các tuyến đường vận tải ở Bắc Cực.

Bắc Cực, cùng với Nam Cực, hình thành nên hai “điểm huyệt” quan trọng của hệ thống khí hậu toàn cầu. Bắc Cực lẽ ra nên được con người quan tâm và giữ nguyên hiện trạng. Nhưng lòng tham của những kẻ như Vladimir Putin, Tập Cận Bình và Donald Trump, khiến họ chỉ nhìn thấy các mỏ khí và nhiên liệu giàu “tiềm năng” ở Bắc Cực, phớt lờ các hiện tượng khí hậu dị thường đang diễn ra, như Bắc Cực càng ngày càng ấm lên và lượng băng tiếp tục suy giảm.

Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực. Ảnh: AP/TTXVN

Trang Hành tinh Titanic cho biết: Ngày 28/11/2019, “Nghị viện Liên minh Châu Âu đã bỏ phiếu đồng thuận về việc công bố tình trạng Khẩn cấp Khí hậu trên toàn châu lục này. Đây là một trong những biện pháp nhằm bắt buộc các quốc gia thành viên phải cắt giảm khí thải công nghiệp gây hiệu ứng nhà kính xuống 55% vào năm 2030. Dù đã quá trễ, nhưng đó là một vài cố gắng của loài người nhằm cứu vãn tình hình”.

Người dân nằm la liệt giả xác chết ở bên ngoài trụ sở Nghị viện Châu Âu ở Brussels (Bỉ), phản đối việc xả thải khí nhà kính và yêu cầu giới chính trị công bố tình trạng khẩn cấp khí hậu. Nguồn ảnh: Olivier Hoslet/EPA/FB Hành tinh Titanic


VIDEO :

Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt Ân viết“Sáng hôm nay, Thứ Sáu ngày 29/11/2019, hàng nghìn học sinh sinh viên trên toàn Australia đã xuống đường tuần hành để yêu cầu chính phủ nước này phải hành động nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng khí hậu. Australia đã đang chiến đấu với các đám cháy rừng khổng lồ trong nhiều tuần lễ liên tục. Ít nhất 4 người chết, khoảng 2,5 triệu mẫu đất hoang và nông trại bị cháy, hơn 500 căn nhà bị thiêu rụi”.

Ông Nguyễn Đạt Ân lưu ý: “Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison bị cáo buộc không làm đủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, dù Australia đã cam kết cắt giảm phát thải carbon khoảng 26% vào năm 2030 từ mức thải năm 2005. Các dữ kiện công bố gần đây cho thấy phát thải của quốc gia này hoàn toàn không thay đổi”.

Người biểu tình vì biến đổi khí hậu ở Australia. Nguồn: FB Nguyễn Đạt Ân

Zimbabwe đối mặt với nạn đói nghiêm trọng do chính con người tạo ra, theo Thông Tấn Xã VN. Bài báo thống kê, “ước tính 5,5 triệu người Zimbabwe đang gặp khó khăn trong vấn đề an ninh lương thực do hạn hán làm giảm thu hoạch vụ mùa”. Không chỉ hạn hán, tình hình an ninh lương thực ở Zimbabwe càng nghiêm trọng hơn do siêu lạm phát ở nước này lên tới 490%.

Vụ tàu Thái Lan chìm trên biển Hà Tĩnh: 180 tấn dầu bắt đầu tràn, VTC đưa tin. Ngày 29/11, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh xác nhận, dầu nhiên liệu trong tàu Nordana Sophie, quốc tịch Thái Lan bị chìm hôm trước, đã bắt đầu tràn ra biển. Cơ quan này “đang theo dõi sát sao diễn biến dầu tràn và phối hợp với chủ tàu thuê công ty chuyên xử lý sự cố tràn dầu ở Hải Phòng vào triển khai các biện pháp xử lý”.



Tin giáo dục

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về ba ứng viên đạt chuẩn PGS có bằng 2 tiếng Anh ĐH Đông Đô: Thực lực ra sao? Vụ bê bối cấp văn bằng 2 tiếng Anh “thần tốc” tại ĐH Đông Đô vừa tạm thời hết “nóng”, lại xuất hiện 1 ứng viên đạt chuẩn PGS ngành Thủy Lợi, 1 ứng viên đạt chuẩn PGS ngành Vật lý, và 1 ứng viên đạt chuẩn PGS ngành Y, được ĐH Đông Đô cấp bằng tốt nghiệp văn bằng 2 tiếng Anh. Không biết thi sát hạch thế nào mà “3 ứng viên đều đạt yêu cầu đề ra về trình độ ngoại ngữ”.

Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của cựu thủ tướng Hàn Quốc Un Chan Chung trong buổi nói chuyện với giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM và các doanh nhân trẻ VN: Đại học là nơi tạo ra kiến thức, không phải truyền kiến thức từ giảng viên sang sinh viên. Ông Un nói đúng, một số ĐH ở VN hội tụ nhiều nhà khoa học có thể tạo ra kiến thức, nhưng thực tế thì các trường ĐH ở VN không có quyền tự chủ. Lý do nằm ngay trong câu hỏi của báo Giáo Dục VN: Tự chủ đại học thế nào khi quyết định của “cơ quan chủ quản” đè lên Luật? 

Năm 2005, Chính phủ đã ban hành nghị quyết xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Đến nay đã gần hết năm 2019, không những các ĐH chưa thật sự tự chủ được, mà Tổng LĐLĐ VN còn ban hành luật GD chồng chéo với Chính phủ. ĐH không tự chủ được, các vấn đề khác đều bị áp đặt, sinh viên không có tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, nên đành chấp nhận “được” truyền thụ kiến thức.

Chuyện ở Trường Tiểu học số 1 Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định: Hiệu trưởng nghỉ việc 3 tháng vẫn… nhận lương đủ, theo báo Dân Trí. Từ tháng 8 đến tháng 11/2019, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bảo Ngọc đã tự ý nghỉ việc vào TP HCM, “không có mặt tại trường trong 3 tháng liên tục cho đến khi Phòng GD&ĐT thị xã An Nhơn ra quyết định chính thức cho thôi việc. Thế nhưng, bà Ngọc vẫn nhận lương đầy đủ, đồng thời thực hiện luôn việc ký các khoản chi, thanh quyết toán lương cho các thầy, cô giáo đang công tác tại trường”.

Đơn tố cáo cựu Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Nhơn Hòa nghỉ việc 3 tháng không lý do vẫn nhận lương đủ. Nguồn: DT


***

***





No comments:

Post a Comment

View My Stats