Thursday, 28 November 2019

BẦU CỬ HỒNG KÔNG LÀM TAN VỠ ẢO TƯỞNG TẠI BẮC KINH (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
November 28, 2019
Khi kết quả cuộc bầu cử địa phương tại Hồng Kông được đưa ra hôm Chủ Nhật vừa qua, những người thuộc phe dân chủ – một liên minh lỏng lẻo của các đảng phái ủng hộ quyền bầu cử cho tất cả mọi người dân và chống lại các chính sách của Bắc Kinh, đã ngạc nhiên đến phát khóc. Tuy rằng họ hy vọng sẽ chiến thắng mặc dầu những e sợ về sự can thiệp của chính quyền và gian lận, nhưng không bao giờ họ ngờ là chiến thắng lại lớn đến như vậy.

Cho đến khi cuộc kiểm phiếu kết thúc, phe dân chủ đã tăng gấp ba số ghế tại các chính quyền địa phương, đánh bại phe thân Bắc Kinh chiếm đến 87% số phiếu bầu so với chỉ có 13% cho các đảng thân chính quyền với tỷ lệ số người đi bầu cao nhất từ trước tới nay.

Cách đây bốn năm, các đảng thân Bắc Kinh được đến 65% tổng số phiếu nhưng lần này các đại biểu của phe chính quyền lần lượt gục ngã, bị cuốn vào sọt rác bằng một làn sóng phẫn nộ nuôi dưỡng bởi hơi cay và những hành động đàn áp càng ngày càng tàn bạo của cảnh sát Hồng Kông.

Trong khi đó, ở các tòa soạn báo chí tại Bắc Kinh, kết quả bầu cử đã tạo ra một sự hoảng hốt với các biên tập viên cuống cuồng tìm cách làm sao xoay kết quả lại để coi như là có lợi cho đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trái ngược với đa số các quan sát viên tại Hồng Kông, các biên tập viên, và các quan chức cộng sản đằng sau họ có vẻ như thật sự tin rằng các đảng thân chính quyền sẽ chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử này. Tuyên truyền quả là một chất ma túy làm người ta say và Bắc Kinh đã say vì chính ma túy của mình.

Theo một phóng viên ngoại quốc tại Bắc Kinh, vốn có quan hệ nhiều với các nhà báo người Hoa thì cả tại hai tờ Global Times (tiếng Anh) và Nhân Dân Nhật báo (tiếng Hoa) các phóng viên đều được lệnh viết bài mừng chiến thắng trước ngày bầu cử hôm 24 Tháng Mười Một (với các con số để trống dành sau khi có kết quả). Và những tiên đóan này bao gồm cả chiến thắng cho những nhân vật như Junius Ho mà những lời tuyên bố mạt sát các người tranh đấu đã bị dân Hong Kông căm ghét, nhưng lại được Bắc Kinh ưa thích và thường xuyên đưa lên mặt báo.

Cuộc bầu cử tại Hồng Kông như vậy đã cho ta thấy một vấn đề đáng quan ngại: ở những tầng lớp cao cấp trong giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa người ta tin vào chính những tuyên truyền của mình. Và đó là một triển vọng đáng sợ cho tương lai Trung Quốc, cho Hồng Kông và cho cả thế giới, đặc biệt là vào lúc hệ thống cai trị này đang phải vật lộn với những vấn đề khó khăn mà chính họ tạo nên.

Có nhiều triển vọng rằng ngay đến cấp lãnh đạo cao nhất, nhóm chung quanh ông Tập Cận Bình cũng tin vào những luận điệu đưa ra bởi chính quyền Hồng Kông và các quan chức của mình, tức là “cái đa số thầm lặng” như bà Carrie Lam, trưởng quan hành chánh Hồng Kông thường xuyên gọi họ, đã chán ngắt việc phản đối, quy trách nhiêm cho phe đối lập và muốn quay trở lại tình trạng bình thường. Thế nhưng đây là một luận điệu có thể được chứng minh là không đúng một cách dễ dàng qua các cuộc thăm dò dư luận vốn liên tục cho thấy người Hồng Kông không cảm thấy là đồng tộc với dân lục địa, không tin tưởng vào cảnh sát và tuy rằng chán ngán với những bạo động nhưng quy trách nhiệm cho chính phủ chứ không phải phe đối lập.

Điều gì đã tạo ra cái sự sai lầm khổng lồ này?

Có lẽ nhân tố chính là chính những người chịu trách nhiệm thao túng dư luận Hồng Kông lại là những người chịu trách nhiệm báo cáo về sự thành công hay thất bại của những gì mình làm.

Cơ quan chính chịu trách nhiệm việc này là Văn phòng Hồng Kông của Trung ương đảng, vốn trên nguyên tắc lo về quan hệ giữa Hồng Kông và đại lục, nhưng trên thực tế đóng vai trò điều hợp cho các họat động Mặt Trận Thống Nhất phối hợp các họat động của các chính trị gia thân Bắc Kinh, báo chí thân Cộng cũng như là cho những ưu đãi cho những doanh nghiệp hoặc cá nhân nào họ nghĩ là cần thiết. Đồng thời cơ quan này cũng chịu trách nhiệm cung cấp những tin tức tình báo cho chính quyền Bắc Kinh.

Các cuộc biểu tình phản đối là một thất bại khổng lồ cho Văn Phòng Hồng Kông. Chủ đề “đa số thầm lặng” là một cách để nhằm biện minh cho mình thành ra những tin tức gì ủng hộ cho chủ đề này được chuyển về Bắc Kinh trong khi những tin tức gì đi ngược lại thì bị ếm nhẹm. Một chuyện tương tự cũng đã xảy ra cách đây bốn năm với Văn Phòng Đài Loan của Bắc Kinh, khi họ tiên đoán là Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn sẽ thua nặng.

Nhưng đây không phải là một vấn đề mới gì đối với các chế độ chuyên chế. Ta có thể thấy nó có ngay từ thời nhà Thanh với các tướng lãnh báo cáo với triều đình về những chiến thắng chống lại quân Anh.

Hồng Kông chưa phải là một vấn đề có tầm quan trọng chính trị sinh tử đối với chế độ. Thế nhưng nếu tình trạng này tiếp tục đối với các vấn đề khác thì sẽ có lúc nó dẫn giới lãnh đạo Bắc Kinh có một quyết định mà có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm hơn nhiều cho chế độ và cho thế giới. (Lê Mạnh Hùng)





No comments:

Post a Comment

View My Stats