Chính trị Trung Quốc, từ thời phong kiến đến
thời Mao hay ngày nay đều luôn tồn tại hai lực mâu thuẫn đối kháng có tính triệt
tiêu nhau.
Không ai thuộc sử Trung Hoa hơn Mao Trạch
Đông. Trong thời gian ở Diên An, Mao đã khai triển những mâu thuẫn xã hội thành
một học thuyết sau này được gọi là Mâu Thuẫn Luận của Mao.
Như Mao kể lại trong một bữa cơm với Bác sĩ
Lý Chí Thỏa và được Bác sĩ Lý ghi lại trong hồi ký được xuất bản ở Mỹ: “Trong
chiến tranh chống Nhật, các đồng chí đề nghị tôi giảng về triết học tại Ðại Học
Kháng Nhật ở Diên An, tôi nghĩ cần thiết phải phối hợp lý thuyết chủ nghĩa Mác
và thực tiễn của Trung Hoa, thế là tôi viết hai bài đó. Tôi dành hai tuần để viết
bài ‘Bàn về mâu thuẫn’ nhưng chỉ tốn hai giờ để trình bày“.
Điều đó cho thấy, Mao dành nhiều thời gian để
suy nghĩ và vận dụng các mâu thuẫn xã hội để duy trì quyền cai trị độc tài tuyệt
đối của mình. Một trong những hệ quả của việc vận dụng các mâu thuẫn là cuộc
“Cánh mạng văn hóa” đẫm máu với khoảng 2 triệu người bị giết.
Thời kỳ Đặng Tiểu Bình cũng thế.
Trong biên khảo “Chuyến Nam Du của Đặng Tiểu
Bình, thành phần chính trị ưu tú Trung Quốc hậu Thiên An Môn (Deng Xiaoping’s
Southern Tour: Elite Politics in Post-Tiananmen China) của Suisheng Zhao cho thấy
cuộc đấu tranh giữa các thành phần nắm giữ quyền lực trong nội bộ đảng CS sau
Thiên An Môn.
Đại diện hai thành phần này là Đặng Tiểu Bình
và Trần Vân (Chen Yun), một lãnh đạo kỳ cựu và có khuynh hướng bảo thủ trong đảng
CSTQ. Nếu Đặng thua, Trung Cộng có thể trở lại thời Mao. Trần Vân có ảnh hưởng
lớn ở Bắc Kinh trong khi Đặng được hầu hết các thành phố lớn và khu kinh tế lớn
như Thượng Hải, Quảng Châu v.v.. ủng hộ. Kết quả, Đặng thắng.
Thời Tập?
Những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ đảng
CSTQ chưa hiện ra cho bên ngoài thấy nhưng chắc chắn đang có và ngày càng trầm
trọng.
Những kẻ độc tài dù Hitler trước đây hay Tập
Cận Bình hiện nay đều có một điểm giống nhau, đó là bịnh hoang tưởng về sức mạnh
của mình và xem thế giới chung quanh trong một trạng thái tĩnh, chậm chạp nếu
không muốn nói không thay đổi.
Hitler mở chiến dịch Barbarossa tấn công Liên
Xô là một sai lầm chiến lược. Các tướng lãnh Đức cố gắng thuyết phục y đổi ý
nhưng Hitler nhất định không nghe vì Hitler hoang tưởng về sức mạnh vô địch của
Đức và mộng bá chủ Châu Âu của cá nhân y. Kết quả ra sao như thế giới đều biết.
Mở ngoặc ở đây, tại Việt Nam vẫn còn không ít
người mang “bịnh hoài Nga” nên nghĩ Nga là một trong những đồng minh chống Đức.
Thật ra cho đến ngày 21 tháng 6, 1941, Stalin vẫn còn là một đồng minh tin tưởng
của Hitler và chịu trách nhiệm liên đới cho cái chết của nhiều triệu dân hai
vùng Đông Âu và Baltics.
Tập và đám lãnh tụ CS ở Trung Nam Hải cũng biết
không có “cách mạng nhung”, “cách mạng hoa lài” nào dành cho số phận của Trung
Cộng. Tại Trung Cộng chỉ có cách mạng máu mà thôi.
Trong hoàn cảnh của Tập, y biết, nhường nhịn
Mỹ là cơ hội cho các thành phần chống đối trong đảng đứng lên lật đổ y nhưng chống
Mỹ quyết liệt chỉ đẩy Trung Cộng đi sâu vào cô lập, suy thoái và khủng hoảng
kinh tế . Đừng quên, khác với các nước dân chủ với nền kinh tế thị trường, tại
Trung Cộng sự ổn định chính trị gắn liền với sự ổn định kinh tế.
Trong diễn văn chứa đầy ngôn ngữ tuyên truyền
nhân dịp đánh dấu 70 năm thành lập nhà nước CS Trung Quốc, Tập Cận Bình tuyên bố
“Không sức mạnh nào có thể ngăn cản bước tiến về phía trước của nhân dân Trung
Quốc và nước Trung Quốc”, và họ Tập chấm dứt bằng hô khẩu hiệu “Đảng CS Trung
Quốc muôn năm”, “Trung Quốc muôn năm”. Nhưng đồng thời trong diễn văn ngắn hơn
10 phút đó, họ Tập kêu gọi nhân dân Trung Quốc đoàn kết sau lưng đảng CS để vượt
qua mọi thử thách. Y biết đám mây đen đang kéo tới, cơn bão sắp thổi qua lục địa
Trung Hoa.
Vừa rồi, trả lời câu hỏi “Chính phủ Trung Quốc
sẽ có biện pháp nào cụ thể để trả đũa các đạo luật về Hong Kong mà TT Donald
Trump vừa ký?” Cảnh Sảng (Geng Shuang), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng,
chỉ biết đáp vỏn vẹn “Việc gì tới sẽ tới”.
Điều đó chứng tỏ Tập chưa có hay không có một
chủ ý cụ thể nào. Phản ứng này cũng tương tự như những câu tuyên bố hùng hổ đầy
đe dọa nhưng rỗng tuếch khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Nhưng những điều đó chưa hẳn là ác mộng. Ác mộng
của Tập là với quyết tâm của Mỹ, Hong Kong có thể trở thành một Đài Loan.
Tại sao?
Tập Cận Bình nếu đọc sử Mỹ sẽ nhận ra việc TT
Trump ký hai đạo luật được thông qua gần như tuyệt đối của lưỡng viện quốc hội
Mỹ liên quan đến Hong Kong thể hiện chính sách đối ngoại lâu dài của Mỹ như một
quốc gia, không chỉ giới hạn trong một hay hai nhiệm kỳ tổng thống.
Tập Cận Bình nếu đọc sử Mỹ sẽ nhận ra tác dụng
của hai đạo luật TT Trump vừa ký cũng không khác gì hiệp ước Liên Minh Phòng Thủ
Đài Loan-Hoa Kỳ (The Sino-American Mutual Defense Treaty) ký tại Washington DC
ngày 2 tháng 12, 1954, được quốc hội Mỹ thông qua và trở thành hiệu lực ngày 3
tháng 3, 1955.
Nếu không có sự cam kết bảo vệ Đài Loan bằng
các biện pháp cứng rắn của Mỹ, khó có thể tiên đoán được vận mệnh Đài Loan trước
tham vọng của Mao Trạch Đông.
Hong Kong cũng thế.
Hong Kong là phần trong Chiến lược “ngăn chặn
mới” của Mỹ và bao trùm tất cả các lãnh vực kinh tế, tài chánh và quân sự.
Trong lúc cuộc cách mạng tin học và toàn cầu
hóa kinh tế thúc đẩy sự hợp tác trong mọi lãnh vực, mang con người đến gần
nhau, thu hẹp không gian và rút ngắn thời gian cũng làm cho chiến lược “ngăn chặn
mới” khó khăn và phức tạp hơn nhiều.
Hai lý thuyết, “ngăn chặn cũ” chống CS Châu
Âu và “ngăn chặn mới”chống Trung Cộng ở Á Châu đều cùng một mục tiêu đem lại
quyền dân chủ tự do về kinh tế, chính trị, xã hội cho con người trong cộng đồng
nhân loại đang chịu đựng bất công áp bức.
Nền tảng của xã hội Mỹ, hay nói rõ hơn, các
giá trị tạo thành và cũng là chỗ dựa của quốc gia Mỹ là tự do, dân chủ và bình
đẳng như đã vạch ra trong hiến pháp và các tu chính án.
Kinh nghiệm Chiến Tranh Mỹ-Tây Ban Nha
(1898), Thế chiến I, Thế chiến II, Chiến Tranh Triều Tiên cho thấy khi nào quyền
lợi của nước Mỹ và các giá trị tạo thành nước Mỹ đồng thuận, đó là thời kỳ nước
Mỹ đóng góp hữu hiệu nhất vào việc bảo vệ nền hòa bình và tự do thế giới. Nhật,
Singapore, Nam Hàn, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ v.v.. nắm được chiều gió của thời đại và
đã thành công.
Cuộc Chiến Tranh Lạnh lần này phức tạp và đa
diện hơn nhiều nhưng nguyên tắc, cơ hội và chọn lựa của các quốc gia trong vùng
ảnh hưởng cũng không thay đổi: Theo tự do dân chủ, dân tộc sẽ được sống còn và
theo Trung Cộng, dân tộc có thể sẽ bị diệt vong.
Trần
Trung Đạo
No comments:
Post a Comment