Wednesday, 27 November 2019

CÓ MỘT THẾ GIỚI VI MÔ ĐÃ ĐƯA VIỆT NAM TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC UNG THƯ (Nguyễn Đức Thắng)




Nguyễn Đức Thắng
Thứ bảy, 16/02/2019

Không tồn tại một xã hội thuần túy, chỉ tồn tại một xã hội sinh thái. Mọi quan điểm phát triển (kinh tế, chính trị, văn hóa) sẽ đổ vỡ nếu như chúng không xuất phát từ quan điểm xã hội sinh thái.

Chợ hải sản ở Diêm Điền, Thái Thụy (Thái Bình), 2018. (Ảnh: Lekima Hùng)

Cả ‘núi’ các văn bản pháp lý về bảo vệ môi trường

Ngày 12/10/1992, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được thành lập.

Năm 1993, Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên, số 29-L/CTN được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 27/12/1993, có 7 chương và 55 điều.

Ngày 25/6/1998, Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị của số 36/CT-TW “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ngày 5/8/2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được thành lập theo Nghị quyết số 02/2002/QH11, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội.

Ngày 15/11/2004 Bộ chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ngày 22/2/2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 34/2005/QĐ-TTG ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngày 21/1/2009, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường thứ hai, Số: 52/2005/QH11 được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2005, có 15 chương và 136 điều.

Năm 2010, Luật Thuế bảo vệ môi trường, số 57/2010/QH12 được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 15/11/2010.

Năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường thứ ba, số 55/2014/QH13 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 23/6/2014, có 20 chương và 170 điều.

Và rất nhiều các văn bản dưới luật như Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quyết định của lãnh đạo các Bộ, ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thông tư hướng dẫn của Bộ, ngành.

Ung thư đang đến với mọi gia đình

Thời công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ban đầu tôi làm việc ở Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (KH-GD-TN-MT), sau đó bị điều động lên Tổ thư ký giúp việc cho Lãnh đạo Bộ. Do vậy, tôi được phép gần gũi một vài lãnh đạo. Nhưng rất đau buồn là họ đều mất sớm, khi còn rất trẻ. Sự kiện hai Thứ trưởng của Bộ còn rất trẻ chết vì ung thư trong vòng một năm đã dẫn đến việc lãnh đạo Bộ quyết định lấy phòng 501 của Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại tầng 5 (cao nhất) xây phòng thờ, mọi người có thể lên thờ cúng, thắp hương cầu khấn. Tuy nhiên, sau đó có dư luận và ý kiến của một Ban nào đó của Trung ương Đảng nên lãnh đạo Bộ đã “chỉnh sửa” […]

Tôi nhớ cách đây khoảng ba năm thôi; đó là dịp còn khoảng 3 tuần thì đến Tết. Một buổi chiều, tôi rủ vợ tranh thủ đi thăm một số người ốm, kẻo đến Tết lại bận, không đi được. Tôi đi rất “năng suất”, chiều đó đi thăm được tất cả 5 người, hóa ra 4 trong số đó đều bị ung thư.

Tôi nhìn trước, nhìn sau, nhìn sang phải, rồi nhìn sang trái, quanh mình đều là ung thư. Ung thư đang đến với mọi gia đình. Vậy bao giờ thì đến lượt mình?

Cách đây 10 năm, Báo An ninh thế giới đã đăng bài “Kinh hoàng bệnh ung thư” (28/8/2007) (vào sáng 31/8/2017, tôi đã vào lại trang này, bài vẫn còn lưu). Trong bài viết:

“Mới đây, Hội Ung thư Việt Nam đã công bố những con số về bệnh ung thư ở nước ta khiến không ít người có trách nhiệm phải giật mình: Mỗi năm nước ta có hơn 200 ngàn người mắc bệnh và 150 ngàn người chết vì ung thư. Giáo sư Phạm Thụy Liên, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, nếu các cơ quan chức năng cứ thờ ơ như hiện nay, đến năm 2015, số người mắc bệnh ung thư mỗi năm ở nước ta sẽ lên đến con số 400 ngàn người. Một con số thật khủng khiếp!.Rời Bệnh viện K, tôi cứ lan man với câu hỏi: vì sao bệnh ung thư lại nhiều đến thế? Mới chỉ có 10% số bệnh nhân ung thư được điều trị mà đã quá tải khủng khiếp như vậy. Vậy còn số phận của 90% bệnh nhân mắc ung thư sẽ như thế nào?”

Thời gian ấy, GS. Phạm Thụy Liên bức xúc về số liệu bệnh ung thư mà Bộ Y tế báo cáo lên Chính phủ toàn lấy số liệu từ thời xưa, thời của Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương.

Cách đây khoảng 20 năm, làng ung thư đầu tiên được các đài, báo nói đến là các làng thuộc xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tỉnh là biểu tượng nền đại công nghiệp thời kỳ kế hoạch hóa tập trung xây dựng XHCN với những điển hình như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ, nhà máy Giấy Bãi Bằng. Bộ trưởng TN&MT Mai Ai Trực nói: “Tôi đến 10 nhà thì 7 nhà có người chết vì ung thư”. Đúng là từ “đất” đến “trời” đều độc. Ngày nay, đất nước ta thực sự là một đại công trường của các công nghệ cũ, lạc hậu. Đại công trường này phát triển đến đâu thì ung thư lan rộng ra đến đó. Từ làng ung thư, rồi đến xã ung thư, tiến tới huyện ung thư, lan rộng ra tỉnh và hiện nay cả nước đang gồng mình gánh chịu bệnh ung thư.

GS.TS Lê Thế Trung, Trung tướng, nguyên giám đốc Học viện Quân y, Chủ tịch Hội ung thư Hà Nội cho biết: “80-90% các loại bệnh ung thư bắt nguồn từ ăn, uống, thở. Do đó, ăn sạch, uống sạch, sống ở môi trường trong sạch sẽ hạn chế được 80-90% nguy cơ mắc bệnh ung thư”.

Bệnh ung thư đến, phũ phàng mang theo người và của cải ra đi. Đó là sự sụp đổ về tinh thần, sụp đổ về kinh tế, sụp đổ tất cả.

Trên đất nước chúng ta, người giàu cũng như người nghèo: Nhịn ăn, nhin thở thì chết ngay; ăn vào, thở vào thì chết từ từ.


Có một thế giới vi mô

Thế giới vi mô ở đây còn nhỏ hơn rất nhiều lần các virus viêm gan, virus ebola, HIV v.v… mà chúng ta đang “chịu thua”, là thế giới của các độc tố hóa học do con người tạo ra và sử dụng hoặc tiếp xúc, phơi nhiễm với nó hàng ngày ở liều lượng rất thấp, nồng độ rất nhỏ, không hề gây ra cho chúng ta một mảy may cảm giác. Các giác quan của con người là “mù” đối với chúng. Vì nồng độ của chúng là rất nhỏ, cỡ phần triệu, đến phần tỷ (ppm, ppb), chỉ có các máy móc phân tích hiện đại trong các phòng thí nghiệm mới xác định được chúng (sắc ký – khối phổ – phổ hấp thụ nguyên tử v.v..).

Đó là các chất gây ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí) của một đại công trường với công nghệ cũ và lạc hậu tạo ra. Các chất này đi vào các cơ thể sống thông qua mạng lưới các chuỗi thức ăn, cuối cùng được khuyếch đại sinh học hàng triệu lần và tích tụ âm thầm trong cơ thể chúng ta. Đây là một quy luật của tự nhiên.

Đó là hàng vạn các hợp chất hóa học khác nhau từ hàng trăm nghìn ống khói công nghiệp phun phủ đầy trời; đặc biệt nghiêm trọng là các nhà máy nhiệt điện đốt than, luyện cốc, xi măng, sắt thép; từ nhiều triệu các ô tô, xe tải chạy loại dầu diesel (loại giá rẻ, hàm lượng lưu huỳnh lên đến 2500mg/kg).

Đó là hàng vạn các hợp chất hóa học khác nhau từ hàng trăm nghìn cống xả nước thải công nghiệp; đặc biệt nghiêm trọng là các nhà máy nhiệt điện đốt than, luyện cốc, gang thép, xi măng, bột giấy và giấy, hóa chất v.v..

Đó là hàng vạn các hợp chất hóa học khác nhau từ hàng tỷ tấn rác thải công nghiệp; đặc biệt nghiêm trọng là các nhà máy nhiệt điện đốt than, luyện cốc, xi măng, sắt thép, bột giấy và giấy, sơn, hóa chất v.v..

Đó là nhiều triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải phun mù trời, phun xử lý diệt sâu, bọ; phun dư thừa cho “chắc ăn” và phun phòng ngừa. Hiện nay đã hết khái niệm người sống ở thành phố về quê để tận hưởng không khí trong lành. Thuốc trừ sâu “ngậm” trong đất, lan tỏa vào mọi nguồn nước mặt (kênh, mương, sông, ngòi, ao, hồ v.v..) để “nuôi” tôm, cá.

Đó là nhiều trăm các loại hóa chất ổn định và bảo quản được cho vào thực phẩm chế biến, giúp chống ôi thiu, chua, mốc;

Đó là nhiều trăm loại hóa chất, mà rẻ nhất, dễ mua nhất là thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, được hòa tan trong các bể nước rồi nhúng toàn bộ các xọt rau, củ, quả vào, sau nhấc lên; có thể bảo vệ, để lâu được cả tháng mà không hề bị thối, hỏng;

Đó là nhiều loại hóa chất giữ cho thịt, cá tươi sống, nếu bán chưa hết, còn tồn đọng cũng được xử lý bằng các chất hóa học để bảo quản được lâu hơn. Thậm chí mọi thứ thịt ôi, thiu, chua, thối đều có thể tẩy rửa sạch bằng hóa chất rẻ tiền, dễ mua sau đó ướp tẩm gia vị chế biến vẫn thơm nức.

Đó là các hóa chất kích thích tăng trường cho cây trồng và vật nuôi, “siêu dài, siêu lớn”, làm cho lợn “siêu nạc” v.v…

Đó là các hóa chất phẩm mầu xanh, đỏ, tím, vàng v.v… công nghiệp rẻ tiền, dễ mua, dễ sử dụng để cho một sản phẩm tươi mầu bắt mắt.

Đó là các hóa chất tinh dầu, hương liệu tổng hợp hóa học như “tinh dầu” chuối, tinh dầu cà cuống, hương chanh, hương sen v.v..

Đó là các hóa chất thuốc chống nấm, mốc, mối, mọt để bảo vệ các loại sản phẩm thảo dược như thuốc nam, thuốc bắc, chè các loại v.v..

Như vậy, trên đất nước chúng ta, người giàu cũng như người nghèo: Nhịn ăn, nhin thở thì chết ngay; ăn vào, thở vào thì chết từ từ.


Tại sao ô nhiễm môi trường và ô nhiễm thực phẩm đã trở thành thảm họa?

Vì xuyên suốt 30 năm qua chúng ta sống và hành động trong một xã hội không thân thiện môi trường và phi sinh thái. Chúng ta đã quá tự hào, say sưa với chiến thắng, hân hoan với quyền lực, đam mê những dự án hoành tráng và tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Vì quan điểm phát triển kinh tế là trụ cột, chủ lực phát triển của đất nước đã thực sự không xuất phát trên quan điểm xã hội sinh thái.

Vì chúng ta đã kiêu ngạo trong khoa học; chúng ta có 25.000 tiến sĩ và 25.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước (năm 2016) chi cho nghiên cứu KH&CN, nên chúng ta không thích nghe những ý kiến trái chiều. Do vậy chúng ta đã bảo thủ nặng nề và kéo dài.

Vì Đảng và Nhà nước cũng ban hành nhiều “núi” những văn bản pháp lý về phát triển kinh tế – xã hội, lấn át một “núi” văn bản pháp lý bảo vệ môi trường nêu ở trên.

Vì từ sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tất cả các kỳ Đại hội của Đảng đều là đại hội “đỏ”, chỉ bàn về những nội dung nhân sự, chỉnh đốn, xây dựng Đảng và phát triển kinh tế – xã hội; chưa bao giờ Đảng có một Đại hội “xanh”, về “Phát triển xanh, tăng trưởng sạch và tiêu dùng bền vững”.

Vì 30 năm qua, khoa học nông nghiệp của chúng ta đã phủ định nền nông nghiệp sinh thái 1.000 năm ông cha ta tích lũy để lại và thay bằng nền nông nghiệp vô cơ và đậm đặc thuốc trừ sâu. Các cụ ta ngày xưa không biết sản xuất ra thuốc trừ sâu và phân hóa học vô cơ (đạm hay urê, lân, kali, các nguyên tố vi lượng v.v..).

Thông tin đăng trên website của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, ngày 21/10/2008: “Năm 2007 có khoảng gần 1 triệu 800 ngàn tấn phân đạm, hơn 2 triệu tấn phân lân và hơn 344.000 tấn kali clorua được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng hấp thụ. Hiện tượng có quá nửa lượng phân bón hàng năm “gieo” vào đất, mà cây trồng chưa sử dụng được, đồng nghĩa với việc có quá nửa tổng số tiền mà nông dân bỏ ra mua phân bón bị lãng phí, khoảng 30.000 tỷ đồng/năm để đầu độc môi trường”. Theo website của Bộ Công Thương, năm 2009 nhập khẩu chính ngạch thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu để pha chế là 488,5 triệu USD (tăng 3,1% so với năm 2008). 

Vì chúng ta có vô vàn các nhà khoa học kinh tế nhiệt huyết, sôi sục với khai thác tài nguyên thiên nhiên, làm giàu, ngợi ca chủ  nghĩa tiêu dùng và xả thải, đã biến Việt Nam chật hẹp, đông dân trở thành một đại công trường đầy khói và bụi của Thế giới. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của ta đều chứa đựng rất nhiều yếu tố của tài nguyên thiên nhiên và sinh thái, vật hóa vào sản phẩm, chứa vô cùng ít những yếu tố của trí tuệ, chất xám. Chúng ta thu ngoại tệ chủ yếu bằng sức lao động cơ bắp và tài nguyên thiên nhiên, môi trường được vật hóa vào trong sản phẩm. Chúng ta phải bán nhiều tấn của một trong những sản phẩm như: gạo, cá đông lạnh, cà phê, chè, xi măng, sắt thép v.v.. để mua một phần mềm máy tính nặng gần như 0 gram.

Vì suốt bao nhiêu năm nay, cả đất nước ta tràn ngập tinh thần: Ăn với phát triển kinh tế, ngủ với tư duy làm giầu, vui chơi  giải trí với tinh thần kiếm tiền; làm kinh tế theo kiểu “bán máu mình đi để ăn”, hay kiểu “25 tuổi xả thân kiếm tiền để 55 tuổi xả tiền cứu thân”.

Vì chúng ta còn có rất nhiều lãnh đạo, cũng nhiệt tình như ông Võ Kim Cự, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, chân đi ủng, đầu đội mũ cối lăn xả xuống hiện trường, giải phóng mặt bằng, đẩy dân đi để trải thảm đỏ, dưới lót vàng, đón Formosa về.

Vì có không ít những Bộ, ngành trong hoạt động, thực hiện những chức năng nhiệm vụ của mình, không đứng trên lợi ích toàn cục, của cả một quốc gia, luôn đưa ra những chủ trương và chính sách có lợi cho nhóm ngành mình.

Vì Bộ Công thương, mặc cho những lo ngại về ô nhiễm môi trường, vẫn kiên định chủ trương triển khai đầu tư tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, một bản sao của Formosa Hà Tĩnh.

Vì Bộ Công thương, mặc cho rất nhiều ý kiến lo lắng về thảm họa môi trường và sức khỏe do nhiệt điện than, vẫn trình Thủ tướng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 và đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Tại quyết định này, nhiệt điện than sẽ tiếp tục có những bước phát triển nhảy vọt cả về sản lượng và tỷ trọng. Một nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard về “các tác động liên quan tới sức khỏe do gia tăng phát thải từ than” ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, đã họp báo tại Hà Nội và công bố: Thời gian vừa qua “số người chết trẻ liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là khoảng 4.300 người/năm, nếu các dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch được đưa vào vận hành thì có thể dẫn đến cái chết của 25.000 người/năm” (Báo Tuổi Trẻ, “Nhiệt điện than: Kẻ “giết người hàng loạt”, ngày 30/9/2015).

10 năm là giai đoạn ngắn của cuộc đời, sẽ có 250.000 người chết trẻ, chưa tính đến những người sẽ chết do tác động dài hạn như bệnh ung thư, môi trường sống và các hệ sinh thái bị hủy hoại trực tiếp vì bụi và khí từ các ống khói của nhiệt điện than; chưa tính đến những tác hại của 46 tỷ m3/năm nước thải nóng 40oC “hâm nóng” thế giới thủy sinh; chưa tính đến những tác động ngắn hạn và dài hạn của khâu khai thác 126 triệu tấn than v.v..

Nếu đem so sánh Quy hoạch điện lực này của Việt Nam với Thế giới cho ta hình ảnh như sau: Thỏa thuận Paris 2015 là một thành quả có tính lịch sử của nhân loại cả thế giới, sát cánh cùng nhau đi về một hướng điện năng thân thiện môi trường, đổ xô làm năng lượng sạch, còn Việt Nam đơn độc “chạy” theo hướng ngược lại.


Vì ở Việt Nam, tất cả các ngân hàng được mặc định là ngành kinh tế sạch, không khói. Họ có sản xuất gì đâu mà bảo họ gây ô nhiễm môi trường? Mặc dù hàng ngày, hàng giờ họ cung cấp tiền tấn, tiền tỷ cho nhiều dự án sản xuất khổng lồ như nhiệt điện đốt than, xi măng, sắt thép, giấy và bột giấy, luyện kim, hóa chất, khai thác tài nguyên khoáng sản v.v… gây ô nhiễm môi trường.

Vì ở Việt Nam, ngành dịch vụ du lịch cũng được mặc nhiên công nhận là ngành kinh tế sạch, thân thiện môi trường. Đấy là ngành “tự phong, tự nhận” thôi. Thực ra khách sạn càng nhiều sao thì tác động vào môi trường và hệ sinh thái càng lớn. Tiêu dùng điện năng rất cao, tiêu dùng nước máy rất nhiều, xả thải (nước, khí, rác) rất nhiều. Riêng chỉ để giữ “vệ sinh sạch sẽ” cho 1 khách sạn 5 sao thì cả tạ hóa chất bột giặt, tẩy rửa, sát trùng cần cho 1 tuần lễ. Ít người biết là ở xa khách sạn, phía cuối của nguồn xả nước thải này là các hệ sinh thái chết và những người dân nghèo hứng chịu.

Vì tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu ma lực, đã vắt kiệt sức lực của chúng ta, vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, hủy hoại môi trường sống của chúng ta. GDP của chúng ta thực sự là một GDP “bẩn”. Nhiều ung thư, HIV, AIDS, nhiều viêm gan B, nhiều xơ vữa động mạnh, nhiều thoái hóa khớp, loãng xương, đau cột sống, nhiều huyết áp cao… góp phần làm tăng GDP. Càng nhiều trộm cắp thì song sắt, cửa sắt, lồng sắt, khóa cửa càng bán được nhiều góp phần gia tăng GDP. Tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá càng nhiều, GDP càng tăng. Càng nhiều tai nạn giao thông, càng nhiều thiên tai, bão, lũ ống lũ quét làm cho GDP càng tăng vì rất rất nhiều tiền phải chi ra cho việc khắc phục, giải quyết hậu quả. Ách tắc giao thông, thời gian đi lâu hơn, xăng dầu phải tốn nhiều hơn, chẳng có ích gì cho xã hội, nhưng GDP được lợi.

Vì các nhà lý luận kinh tế và chính trị của ta quá đam mê với sản xuất, lấy tăng trưởng kinh tế là giải pháp gốc rễ để xóa đói, giảm nghèo; do vậy đã xem nhẹ các giải pháp về chính sách phân phối trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tiến tới một xã hội hài hòa hơn như các nước Bắc Âu.

Vì thị trường chứng khoán đã được “thổi phồng” quá đáng. Đồng vốn huy động khi IPO để đi vào sản xuất lại thiếu chính sách quan tâm, khuyến khích. Trong khi hàng trăm nghìn tỷ đồng nguồn lực của xã hội đổ vào “sòng bạc quốc gia” cho các giao dịch “lướt sóng, lướt ván, ăn ngọn”, lại rất được quan tâm và hưởng những ưu tiên.

Vì các nhà khoa học kinh tế đã coi đầu tư cho bảo vệ môi trường, làm sống lại các sông ngòi, hồ ao, rừng xanh, sống lại các hệ sinh thái, thu gom, xử lý rác thải, nước thải… không phải là đầu tư cho phát triển. Quan điểm “Sản xuất/kinh tế trước, môi trường để sau” đã ngự trị đất nước ta nhiều chục năm, hiện nay như một chiếc phanh vào con tàu kinh tế. Chính sự muộn màng trong đầu tư bảo vệ môi trường và quan điểm dự án phải hoành tráng đã đẩy Hà Nội và Bộ Xây dựng vào việc bỏ ra hơn tỷ USD đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải lớn nhất của Hà Nội, nhưng không thể cứu được 5 con sông Kim Ngưu, Lừ, Sét, Tô Lịch và sông Nhuệ dù chỉ lấy có 1 ngày. Đặc biệt đau xót là con sông Tô Lịch uốn lượn mượt mà giữa trái tim của Thủ Đô Thăng Long 1000 năm văn hiến đã không thể biến thành một con sông sinh thái với nhiều chức năng kinh tế, văn hóa, du lịch, vui chơi, giải trí nên thơ và xinh đẹp. Nhà máy XLNT Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày đêm) còn làm gia tăng nguy cơ ngập lụt, phủ định những kết quả của 10 năm dự án chống ngập lụt trước đó (xem bài: “Hai nhà máy XLNT lớn nhất Hà Nội sẽ làm các con sông chết hẳn và gia tăng ngập lụt ở Thủ đô”).

Vì luật pháp, các chế tài xử lý  bảo vệ môi trường ở ta chỉ nằm trên giấy. Việc thực thi pháp lý bảo vệ môi trường hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức của người cảnh sát môi trường và thanh tra môi trường. Phần lớn các doanh nghiệp đều muốn cắt giảm chi phí xử lý môi trường, muốn “ăn” vào môi trường nên thường “hấp dẫn” các cán bộ chức năng quản lý môi trường, sao cho họ “làm ngơ, tảng lờ, không nhìn thấy, không biết”.

Vì quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam đã chuyển đổi từ thỏa mãn về tinh thần, tâm linh, văn hóa sang chủ nghĩa hưởng thụ, tiêu dùng vật chất, là nhà lầu, biệt thự, xe hơi, tiện nghi, đồ vật sành điệu hơn người. Do “ăn quỵt”, không phải trả phí cho các dịch vụ sinh thái nên chúng ta có rất nhiều tiền, tiêu xài thoải mái. Ngược lại, người Châu Âu ngày nay đang chuyển sang học tập lối sống phương Đông ngày xưa, trọng tinh thần, tâm linh và văn hóa.

Vì các nhà kinh tế học “không thân thiện môi trường” ra sức khuyến khích Chính phủ thực hiện chủ trương chính sách “đẩy mạnh tiêu dùng để kích thích sản xuất”, “kích cầu tiêu dùng để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế”. Họ khuyến khích tiêu dùng, tiêu dùng và  tiêu dùng để rồi nhiều tỷ tỷ tấn rác thải không biết chôn lấp ở đâu. Hiện trên cả nước mới thu gom được 50% rác thải, 50% còn lại sống cùng với người dân.

Vì các nhà kinh tế học cho rằng nếu sản xuất những sản phẩm tiêu dùng bền lâu sẽ không khuyến khích sản xuất phát triển; Nhà cứ phải sau 10 – 20 năm có thể đập đi xây mới, ô tô là cứ phải 5 – 10 năm thay mới vì cũ, không an toàn. Phải sản xuất ra sản phẩm sao cho chóng hỏng, vất đi, để người ta phải mua mới; điều này rất dễ làm, chỉ cần 1, 2 chi tiết chất lượng tồi là xong. Nhiều tỷ tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên được chúng ta đào bới lên đưa vào sản phẩm để sớm thành rác sau sử dụng ít ngày, rồi đổ nhiều tỷ tỷ tấn rác này trả lại vào thiên nhiên.

Vì các nhà kinh tế học Việt Nam không cần biết đến một thực tế là vào năm 1990 khả năng chịu tải (carrying capacity) của Trái đất đã cân bằng với các nhu cầu của con người (cân bằng cung – cầu). Năm 2003 con người đã khai thác Trái đất quá 25% khả năng chịu tải của nó, chúng ta duy nhất chỉ có 1 Trái đất để sống. Việt Nam “đất chật, người đông”, về mật độ đứng 13 trên thế giới. Các hệ sinh thái trên 331.000 km2, nhiều nơi đã chết, khả năng chịu tải của chúng đã cạn kiệt; chúng ta cũng không thể “bành trướng, xâm lược” mở rộng đất đai, bờ cõi; do vậy mọi tiêu dùng, nhu cầu cần được đặt trong một khuôn khổ, giới hạn của khả năng chịu đựng của hệ sinh thái của mỗi quốc gia.

Vì chúng ta đang hiểu sai về nguồn gốc của nhà lầu, biệt thự cao cấp, xe hơi sang trọng, những tiện nghi mà chúng ta đang có. Cái gọi là “lãi” mà chúng ta đang hân hoan tận hưởng, chính là chúng ta đã “trấn lột” của môi trường. Khi chúng ta làm tổn hại đến môi trường, các hệ sinh thái phải chết, tức là chúng ta đã làm tổn hại đến những điều kiện sống của chính chúng ta ngày nay và thế hệ tương lai, của con cháu chúng ta.

Vì chính Bộ Tài Nguyên và Môi trường là Bộ “bán rẻ” tài nguyên và môi trường. Cụ thể, gần 10 năm qua Bộ đã giảm, hạ thấp các tiêu chuẩn xả thải, gây hại cho môi trường; ban hành một loạt các QCVN đặc thù, ưu tiên một số ngành sản xuất khác nhau. Ở đây, chỉ cần nêu 1 ví dụ thôi: QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp nói chung, có tất cả 33 chỉ tiêu. Nhưng để ưu tiên cho ngành sản xuất thép, Bộ đã ban hành QCVN 52: 2013/BTNMT đối với nước thải ngành sản xuất thép rút từ QCVN 40 xuống chỉ còn 12 chỉ tiêu/thông số, loại bỏ đi 21 chỉ tiêu/thông số, ngoài ra còn “nới lỏng” nồng độ một vài thông số.

Vì rất nhiều các công trình xử lý khí thải, nước thải, rác thải trên đất nước ta, chỉ vận hành hình thức, vận hành khi có cán bộ thanh tra đến, có đoàn khách tham quan và dừng vận hành (stop) khi cán bộ thanh tra ra về. Việc xử lý khí thải, nước thải, rác thải là rất tốn điện, xăng xe, hóa chất và nhân công, không doanh nghiệp nào muốn cả. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tập đoàn hay công ty lớn, các doanh nghiệp đầu tư  nước ngoài đều muốn “tận hưởng” thiên nhiên, môi trường, các hệ sinh thái của một đất nước nhỏ bé hình chữ S, nhưng đông đúc dân cư này. Về mật độ dân số, Việt Nam là cường quốc với 280 người/km2, gần gấp đôi Trung Quốc (144 người/km2).

Vì toàn bộ nền kinh tế của chúng ta không được đặt trên một mặt bằng giá phản ánh sự thật sinh thái.

Vì trong phát triển có ba trụ cột là sản xuất – phân phối – tiêu dùng, thì sản xuất và tiêu dùng đều gia tăng đào bới tối đa tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường sinh thái; phân phối theo hướng gia tăng khoảng các giàu nghèo.

Giải pháp nào chống “đại dịch” ung thư?

Còn mỗi cách duy nhất, từ nhận thức, tình yêu đến hành động hàng ngày đều nghĩ đến một nền kinh tế sinh thái, chính trị sinh thái, xã hội sinh thái và văn hóa sinh thái trên con đường tiến tới phồn vinh và thịnh vượng.

Không tồn tại một xã hội thuần túy, chỉ tồn tại một xã hội sinh thái. Mọi quan điểm phát triển (kinh tế, chính trị, văn hóa) sẽ đổ vỡ nếu như chúng không xuất phát từ quan điểm xã hội sinh thái.

Vì ngay lúc này, có một thế giới vi mô đang đưa chúng ta sang thế giới bên kia.

Hà Nội, ngày 2/9/2017
Nguyễn Đức Thắng (ndthangndt@yahoo.com) (cán bộ từng công tác tại Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư)


(*) Bản đăng có chỉnh sửa chi tiết so với nguyên bản.

------------------------
Xem thêm:






No comments:

Post a Comment

View My Stats