Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 28-11-2019
Ngày
càng có nhiều người Trung Quốc nắm vị trí đứng đầu các tổ chức quản lý lớn
trên toàn cầu, mà gần đây nhất là trường hợp ông Khuất Đông Ngọc (Qu
Dongyu) được cử lên lãnh đạo Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO vào
tháng 06/2019. Theo phân tích của chuyên gia Edouard Tetreau trên nhật báo
kinh tế Pháp Les Echos ngày 27/11/2019, sự kiện đó rõ ràng là kết
quả của một kế hoạch được vạch ra từ lâu, thế nhưng chỉ gần đây thôi
mới được Phương Tây chú ý. Đối với tác giả, phương Tây cần phản ứng
nhanh chóng, vì nếu chậm trễ, tất cả các định chế điều hành thế
giới sẽ bị Bắc Kinh thâu tóm.
Tân
tổng giám đốc FAO người Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) đã được bầu lên
ngày 23/06/2019 tại Roma (Ý). Vincenzo PINTO/AFP
Tác giả bài phân tích trước hết nêu
bật vai trò của 4 định chế quốc tế đang có lãnh đạo là người Trung
Quốc : từ FAO, ITU, cho đến ICAO và UNIDO. Đây là 4 trong tổng số 15 cơ
quan, tổ chức Liên Hiệp Quốc, trong đó còn có các định chế nổi
tiếng hơn như Ngân Hàng Thế Giới WB, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Tổ Chức Y Tế
Thế Giới WHO.
ITU, FAO, ICAO, UNIDO: Các định chế có giá trị
chiến lược
Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế ITU
là tổ chức lâu đời nhất trong số các tổ chức này. Thành lập từ năm 1865, trụ sở
tại Genève, Thụy Sĩ, định chế này đã được sát nhập vào Liên Hợp Quốc
vào năm 1947. Trong thế kỷ hai mươi mốt này, vai trò của ITU được cho là rất
quan trọng, vì tổ chức này có trách nhiệm điều tiết và quy hoạch màng viễn
thông trên thế giới. Thẩm quyền của Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế bao trùm
hành tinh, từ việc quy định các chuẩn mực, phân bổ các tần số vô tuyến
điện và các quỹ đạo vệ tinh trên không gian, cho đến những vấn đề liên
quan đến truy cập Internet và Internet băng thông rộng, liên lạc hàng hải
và hàng không…
Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO,
có trụ sở tại Roma (Ý), cũng có trách nhiệm quy định các tiêu chuẩn toàn cầu
và ban hành các quy định quốc tế trong một lĩnh vực thậm chí còn rộng lớn hơn
cả viễn thông: nông nghiệp và lương thực thực phẩm. Nguồn lực của định chế
này rất đáng kể, với hơn 10.500 nhân viên có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho
các nước đang phát triển, điều hòa các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực dinh dưỡng,
nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…
Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế
ICAO cũng rất quan trọng vì là cơ chế tạo
ra các chuẩn mực quốc tế thống nhất áp dụng cho mọi nước trong lĩnh vực
hàng không dân sự. Đặt trụ sở tại Montreal, ICAO đảm trách việc tiêu chuẩn
hóa ngành vận tải hàng không quốc tế, ấn định mã sân bay, mã công ty hàng
không, cấp bằng cho các nhân viên hàng không, chia sẻ tần số vô tuyến… Nói
tóm lại, ICAO có trách nhiệm giám sát trên khoảng 100.000 chuyến bay quốc tế
hàng ngày.
Riêng Tổ Chức Phát Triển Công Nghiệp Liên
Hiệp Quốc UNIDO, có trụ sở tại Vienna, là một định chế sinh sau đẻ
muộn, chỉ mới được thành lập vào năm 1966. Tổ chức này có mục tiêu
thúc đẩy nền công nghiệp của các nước đang phát triển.
Quan chức cao cấp của Bắc Kinh qua nắm các định
chế LHQ
Chuyên gia Edouard Tétreau nhấn mạnh: Đó là
bốn định chế quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, với phạm vi hoạt
động khác nhau, nhưng có một điểm chung: Lãnh đạo là người Trung Quốc,
xuất thân từ chính quyền Bắc Kinh.
Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) là thứ trưởng bộ nông nghiệp Trung Quốc
trước khi qua làm việc tại Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp Liên Hiệp Quốc
FAO vào năm 2015. Chỉ vài năm sau, nhân vật này đã được
bầu làm tổng giám đốc tổ chức này vào tháng 6 năm 2019, sau một trận
chiến tranh giành ảnh hưởng gay gắt, chống lại các ứng cử viên từ châu Âu và
Hoa Kỳ.
Triệu Hậu Lân (Houlin Zhao) đứng đầu Cục Tiêu Chuẩn Viễn Thông
Trung Quốc trước khi gia nhập Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế ITU vào năm 2015,
và đến năm 2018 là được lên làm lãnh đạo.
Tương tự như vậy, bà Liễu
Phương (Fang Liu) nguyên là người đứng đầu ngành hàng không dân dụng Trung
Quốc, đã được cử qua làm việc tại Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế
ICAO vào năm 2007. Bà đã lên làm lãnh đạo tổ chức này vào năm
2015.
Còn ông Lí Dũng (Li Yong) là thứ trưởng tài
chính của Trung Quốc trước khi qua lãnh đạo UNIDO từ năm 2013.
Kế hoạch
tỉ mỉ, được chuẩn bị từ lâu
Theo ghi nhận của Edouard Tétreau, đà
thăng tiến của các nhân vật Trung Quốc nói trên hoàn toàn không có gì
là ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một kế hoach được vạch ra một
cách tỉ mỉ.
Chiến lược của Trung Quốc là gửi các cán bộ
chính trị và hành chính xứng đáng và năng nổ nhất của họ qua “nằm vùng” trong
các cơ quan quản lý toàn cầu mà Bắc Kinh đánh giá là có giá trị chiến lược nhất
cho họ, rồi chờ dịp là lên giành chức lãnh đạo. .
Ở New York, nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc,
giới ngoại giao và chuyên gia ngày càng có thái độ quan ngại trước cách làm của
Trung Quốc, vì lẽ Bắc Kinh hầu như đã dùng mọi phương cách để đạt được mục
tiêu.
Thủ đoạn
gây sức ép và hù dọa
Một chuyên gia phân tích thừa nhận: “Chúng
tôi không đánh lại được Trung Quốc. Họ gửi hàng chục cộng tác viên qua làm việc
miễn phí cho các tổ chức vốn bị ràng buộc chặt chẽ về ngân sách”.
Một số quan sát viên khác thì đề cập đến những
thủ đoạn “gây áp lực”, “dọa nạt” nhắm vào các quốc gia được Trung Quốc trợ giúp
tài chính, nhưng lại muốn thúc đẩy các ứng cử viên khác.
Những cách làm bị cho là “bất minh” này rất mới
đối với một quốc gia được cho là luôn chú ý đến các quy tắc và thông lệ của ngoại
giao thế giới, đã tạo nên những mối lo ngại chính đáng.
Loạt đơn kiện về tội vu khống được tập đoàn
Trung Quốc Hoa Vi tung ra gần đây nhắm vào các nhà nghiên cứu nổi tiếng của
Pháp là một phần trong số thủ đoạn dọa nạt đó.
Các hành động đó cho thấy rõ là Trung Quốc đặt
lên hàng ưu tiên chiến lược việc kiểm soát của các tổ chức quản lý toàn cầu
cũng như việc triển khai khắp thế giới đại tập đoàn viễn thông của họ vốn do một
cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, một đảng viên Cộng Sản thành lập.
Phương
Tây nên thức tỉnh
Đối với tác giả bài phân tích, Trung Quốc
đang cố sức giành quyền kiểm soát những lãnh vực sẽ nhào nặn tương lai của thế
giới : từ các chuẩn mực, hệ thống phân phối, cho đến các hạ tầng cơ sở nông sản
thực phẩm, công nghiêp kỹ thuật số, hàng không, vũ trụ và viễn thông. Trong khi
đó thì phương Tây dường như chỉ chú ý đến vấn đề tiền bạc hay những thứ phù phiếm.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hiện do một người Bulgari
lãnh đạo, Ngân Hàng Thế Giới thì trong tay một người Mỹ. Ngoài ra còn có một
người Phần Lan nắm Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới, một người Gruzia phụ trách Tổ Chức
Du Lịch Thế Giới, và một người Pháp nắm cơ quan văn hóa UNESCO.
Tác
giả kết luận: Tình hình không bao giờ là quá muộn, và kết
cục không phải lúc nào cũng tồi tệ. Thế nhưng, nếu phương Tây vẫn còn mất đoàn
kết, vẫn tiếp tục đấu tranh vì quá khứ, mà từ bỏ các chủ đề của tương lai để
chúng lọt vào tay Trung Quốc, thì quả đúng là tương lai của thế giới sẽ được viết
bằng tiếng Hoa.
No comments:
Post a Comment