Đăng ngày 29-11-2019
Các
báo cáo lên án chiến dịch thanh trừng sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, đang diễn ra tại
Trung Quốc ngày một nhiều. Thế nhưng, nhà báo Sarah Leduc, kênh truyền hình quốc
tế Pháp - France 24 lấy làm tiếc rằng các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác
Hồi giáo lại không lên tiếng bênh vực cộng đồng tôn giáo thiểu số đang bị trấn
áp như những gì họ đã làm đối với người Rohingya tại Miến Điện.
Cộng
đồng Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở
Istanbul, ngày 01/10/2019.REUTERS/Huseyin Aldemir/File Photo
Một triệu người Duy Ngô Nhĩ dường như đang bị
giam giữ trong các nhà tù của Trung Quốc ở Tân Cương. Bất chấp nhiều tiết lộ mới
trong những ngày gần đây cho thấy rõ một chính sách trấn áp có hệ thống của cường
quốc kinh tế thứ hai nhắm vào cộng đồng sắc tộc chiếm đa số ở Tân Cương, nhưng
tình liên đới vẫn chưa thấy xuất hiện, các quốc gia bị chia rẽ và « im
hơi lặng tiếng ».
Duy Ngô
Nhĩ – Rohingya : « Nhất bên trọng, nhất bên khinh »
Sự chia rẽ này được thấy rõ tại Liên Hiệp Quốc,
giữa một bên là những nước bảo vệ nhân quyền và bên kia là các quốc gia ủng hộ
các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương. Đài France 24 thuật lại, cuối
tháng 10/2019, tại phiên họp lần thứ ba của Ủy ban phụ trách Xã hội, Nhân đạo
và Văn hóa, 23 nước – trong đó có Pháp, Anh và Mỹ – đã lên án chính sách đàn áp
nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Thế nhưng, Trung Quốc lại nhận được sự ủng
hộ của 54 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Phi. Những nước này đã lần lượt hết
lời ca ngợi cách quản lý của Trung Quốc tại vùng tự trị.
Những lời lẽ qua lại này giữa hai phe đã bắt
đầu từ tháng 07/2019. Cũng tại cùng một diễn đàn, các quốc gia vẫn chia rẽ : 22
nước yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc giam giữ tùy tiện tại Tân Cương. Và 37 quốc
gia khác ủng hộ, tán thưởng Trung Quốc là đã đạt được những « thành tựu
đáng chú ý trên phương diện nhân quyền ». Trong số này, có đến 14 nước
thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi Giáo (OCI) như Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Pakistan,
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar hay Algeri…
Trong trường hợp người Duy Ngô Nhĩ lần này,
các nước thuộc khối OCI, tổ chức liên chính phủ gồm 57 nước đã không có cùng một
tiếng nói chung mà họ từng thể hiện như trong cuộc khủng hoảng người Rohingya.
Năm 2017, việc bảo vệ cộng đồng sắc tộc thiểu số này, bị quân đội Miến Điện
truy sát, đã tạo được sự liên kết của rất nhiều nước Hồi Giáo trong đó có Ả Rập
Xê Út, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ. Và OCI đã hoạt động tích cực tại Geneve để lên án
Miến Điện tại Hội Đồng Nhân Quyền.
Thân phận « hẩm hiu », người Duy Ngô Nhĩ
không có được cơ may này. Lần cuối cùng mà OCI thể hiện tình đoàn kết với các sắc
tộc Hồi Giáo thiểu số là năm 2015 : Trong thông cáo chung, OCI đã bày tỏ mong
muốn là cộng đồng này có thể thực hiện mùa chay ramadan.
Bà Sophie Richardson, giám đốc nghiên cứu về
Trung Quốc cho tổ chức Human Rights Watch xác nhận với France 24 rằng trong trường
hợp người Duy Ngô Nhĩ, « đúng là có ít tình liên đới hơn như là đối với
các hồ sơ Palestin hay Rohingya. Trung Quốc đã thành công có được sự ủng hộ của
những nước đó vì các quốc gia này rất cần đến các khoản đầu tư của Trung Quốc ».
Thực tế
chính trị
Ả Rập Xê Út là một minh họa rõ nét cho điều
này khi bày tỏ sự « tôn trọng » với Tập Cận Bình, vào tháng
02/2019, trước khi ký kết nhiều hợp đồng thương mại quan trọng. Về phần Ai Cập,
chính quyền nước này, do cần các nguồn tài trợ của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở
hạ tầng, đã cho phép công an Trung Quốc, vào năm 2017, đến thẩm vấn những người
Duy Ngô Nhĩ tỵ nạn trên lãnh thổ của mình. Pakistan, vốn nhanh nhẩu trong việc
bảo vệ người Rohingya, thì lần này gây chú ý khi lựa chọn sự im lặng.
Đáng ngạc nhiên nhất là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia
có một bộ phận lớn người Duy Ngô Nhĩ sinh sống - từ lâu vốn hay tỏ tình liên đới,
nay dường như đang xuống giọng dần dần. Đầu năm 2019, Ankara từng lớn tiếng
chỉ trích « chính sách đồng hóa có hệ thống của chính quyền Trung Quốc
nhắm vào Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ là một nỗi xấu hổ cho nhân loại ».
Nhưng kể từ đó, chính quyền tổng thống Recep
Tayyip Erdogan cũng dần « im hơi lặng tiếng ». Ông đánh tiếng cho biết là
Ankara rất chú tâm vào việc thương thảo mậu dịch với Bắc Kinh, và không đi theo
22 nước khác ký thư chỉ trích chính sách trấn áp tại Tân Cương.
Về điểm này, Rémi Castets, nhà chính trị học
chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học Bordeaux Montaigne giải thích như
sau : « Công luận Thổ Nhĩ Kỳ rất có cảm tình với người Duy Ngô Nhĩ
nhưng trên thực thế, ông Erdogan lại cần đến đồng minh Trung Quốc vì những lý
do kinh tế hay để đối trọng với phương Tây hiện đang gây áp lực với nước này
trong nhiều hồ sơ khác như Syria chẳng hạn. »
Vẫn theo ông Rémi Castets, đây là sự thắng thế
của « chính trị thực dụng », không hơn không kém. « Rất
nhiều người biết rõ những gì đang xảy ra ở đó. Nhưng vấn đề nhân quyền thường bị
lu mờ trước những lợi ích kinh tế và quốc gia, hay lợi ích của tầng lớp lãnh đạo
khi mà họ nhìn thấy ở đó có nhiều lợi thế »
Bắc
Kinh : Duy Ngô Nhĩ đồng nghĩa với « khủng bố »
Một yếu tố khác không có lợi cho người Duy
Ngô Nhĩ : Đó là chính sách tuyên truyền của Bắc Kinh bằng cách tung ra những
thông tin xấu. Sau vụ tấn công khủng bố nhà ga Côn Minh năm 2014, Trung Quốc tiến
hành một chiến dịch mới mang tên « Strike Hard Campaign against Violent
Terrorisme » (tạm dịch là Đánh mạnh chống khủng bố bạo lực), biện minh
cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn tại Tân Cương bằng cuộc chiến chống khủng bố. Bắc
Kinh bảo đảm chống được tình trạng những kẻ khủng bố trở nên « cực đoan
hóa » trong các « trại đào tạo nghề ».
Chuyên gia Rémi Castets giải thích tiếp với
France 24 : « Thực ra đó làluận điệu quy luật tam lực, theo đó, Bắc
Kinh cần phải tăng cường kiểm soát xã hội để chống lại ba hiểm họa : khủng bố,
ly khai và cực đoan ».
Hồi tháng 07/2019, luận điệu này của Trung Quốc
tại Ủy ban Liên Hiệp Quốc lại mang hiệu quả : Thư ngỏ do các thành viên của Tổ
chức Hợp tác Hồi giáo ký ủng hộ Bắc Kinh ca ngợi rằng « các biện pháp
chống khủng bố và phi cực đoan hóa tại Tân Cương » đã mang lại cho người
dân một « cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển và an toàn hơn »
Việc bắt được những người Duy Ngô Nhĩ trong mạng
lưới Taliban trong cuộc chiến tại Aghanistan, và họ bị giam giữ tại nhà tù
Guantanamo của Mỹ, rồi sự hiện diện của nhiều người Duy Ngô Nhĩ trong các nhóm
thánh chiến có liên kết với Al-Qaida tại Syria chỉ làm gia tăng chính sách trấn
áp. Nhưng các nhà bảo vệ nhân quyền tố cáo đó chỉ là một kiểu « lập luận
lấy cớ »
Bénédicte Jeannerod, giám đốc chi nhánh Human
Right Watch tại Pháp nhận định : « Lấy cớ chống khủng bố để biện
minh cho chính sách trấn áp, đó là một thủ thuật cổ điển của các chế độ chuyên
chế. Sự hiện diện của người Duy Ngô Nhĩ trong các nhóm thánh chiến cực đoan
không thể biện minh được gì cho chính sách đàn áp tùy tiện và có hệ thống nhắm
vào hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, tất cả đều bị nghi ngờ chỉ vì sắc tộc và
tôn giáo của họ mà thôi ! »
No comments:
Post a Comment