Thursday 13 November 2014

Sóng Biển Đông Về Đâu? (Trần Khải)



Sóng Biển Đông Về Đâu?

13/11/2014

Bất kể Trung Quốc không ưa quốc tế hóa chuyện Biển Đông, vùng biển này vẫn được lặng lẽ đẩy ra trước nhiều bàn họp quốc tế.

Đặc biệt, VOA ghi nhận Việt Nam đang cho tàu chiến Ấn Độ vào thả neo ở bất kỳ bến cảng nào của VN.

Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận rằng trong hội nghị cấp cao ASEAN 25 đang diễn ra tại Myanmar, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ tình hình biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm… những việc làm này trái với quy định của tuyên bố ứng xử ở Biển Đông DOC.

RFA ghi lời ông Dũng rằng, các quốc gia trước hết cần thực hiện đầy đủ 5 điều của tuyên bố DOC, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có công ước LHQ về Luật biển 1982.”

Cũng hôm Thứ Tư 12-11-2014, bản tin VOA cho biết Việt Nam đang thắt chặt quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Australia.

VOA cho biết Ấn Độ đang tìm cách kiềm chế ý đồ bành trướng của Trung Quốc tại Châu Á bằng cách huấn luyện và trang bị cho quân đội Việt Nam.

Một bài viết đăng trong báo The Diplomat hôm 11 tháng 11 nói rằng Ấn Độ không che giấu chính sách ve vãn Việt Nam, và đơn cử sự kiện là trong chuyến đi thăm Ấn Độ mới đây của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, New Delhi không những trải thảm đỏ đón ông và phái đoàn doanh nhân tháp tùng ông, mà còn công khai thừa nhận là Ấn Độ đang hỗ trợ Việt Nam hiện đại hoá lực lượng quân đội, bất chấp thái độ bất bình của Trung Quốc.

Tác giả bài báo, Tiến sĩ PK Ghosh chuyên theo dõi các vấn đề liên quan tới tranh chấp Biển Đông, cho rằng do lịch sử phức tạp với Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành đối tượng chủ yếu của các chính sách hướng Đông của Ấn Độ, và do đó New Dehli đã chủ động ve vãn Hà nội với những thoả thuận về quốc phòng và xây dựng cơ cấu hạ tầng.

Đó là lý do vì sao trong thời gian gần đây, quan chức cấp cao của hai nước đã chính thức qua lại thăm viếng nhau, khởi sự với chuyến công du của Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 11 năm ngoái, 8 biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa hai nước trong dịp này, và Việt Nam đề nghị cho Ấn Độ khai thác bảy lô dầu trong Biển Đông.

Tiếp theo đó, Tổng Thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến thăm chính thức Hà nội vào tháng 9 năm nay, trước chuyến đi thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, để đánh đi một thông điệp mạnh mẽ đoàn kết với Việt Nam. Trong chuyến đi của Tổng Thống Ấn Độ, bảy thoả thuận đã được ký. Chuyến đi này được một số nhà quan sát cho là để trả đũa chuyến đi của giới lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Sri Lanka và quần đảo Maldives – một khu vực mà Ấn Độ cho là thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình.

Đặc biệt, VOA ghi rằng Ấn Độ cũng vận động để được phép đặt căn cứ tại các bến cảng quan trọng cho các tàu chiến của Ấn Độ, như Nha Trang chẳng hạn, và mặc dù chưa thực hiện được ý định này, Ấn Độ được Việt Nam cho phép các quyền lợi đặc biệt để thả neo ở bất cứ bến cảng nào của Việt Nam.

Việc Việt Nam mua một số tàu ngầm lớp Kilo của Nga cũng là một cơ hội để Ấn Độ và Việt Nam tăng cường hợp tác, bởi vì Ấn Độ đã có kinh nghiệm với loại tàu ngầm này từ giữa thập niên 1980.

Ngoài huấn luyện cho các thủy thủ Việt Nam sử dụng loại tàu ngầm của Nga, Ấn Độ còn dự tính mở các khoá huấn luyện cho phi công Việt Nam sử dụng phi cơ Sukhoi, và Việt Nam cũng đang điều đình để mua phi đạn chống hạm Brahmos do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất.

Trong khi đó, bản tin VietQ.vn tổng hợp tin từ Giáo Dục, Vnexpress cho biết tàu chiến robot của Trung Quốc đang quậy sóng Biển Đông.

Bản tin nói:

“...trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông, tại Triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 10 của Trung Quốc tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, phía Trung Quốc đã cho trưng bày một loại tàu mặt nước không người lái mang tên “Tinh Hải”, do Đại học Thượng Hải phát triển, nghiên cứu chế tạo, hiện đã trang bị cho tàu Hải tuần 166 hoạt động ở Biển Đông.

Được biết, tàu này có thể sử dụng điều khiển bằng tay hoặc tự động hoạt động, có thể kiểm soát ngoài tầm nhìn 20 dặm Anh, tự tránh chướng ngại vật, sử dụng Bắc Đẩu (vệ tinh dẫn đường Trung Quốc) hoặc GPS để dẫn đường, nó có tiềm năng ứng dụng to lớn.”

Sóng Biển Đông chập chùng, sẽ trôi về đâu? Có vẻ như không ai dám nói trước chuyện gì...






No comments:

Post a Comment

View My Stats