Nguyễn
Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com
- 13/11/2014)
Không
câu chuyện cuối đời nào vui cả, nhất là chuyện cuối
đời của quý vị tổng thống Hoa Kỳ. Xin nói rõ hơn chữ
“đời” dùng trong bài báo này là để nói về cuộc
đời làm việc của mỗi vị tổng thống Hoa Kỳ -cuộc
đời chỉ dài 4 hoặc 8 năm.
Sau thời gian ấn định đó, tổng thống trở thành "nguyên" tổng thống, và vị nguyên tổng thống sáng giá nhất cũng chỉ là tác giả quyển hồi ký bán chạy nhất. Vị đương kim tổng thống sắp lãnh chức “nguyên tổng thống” Hoa Kỳ, đương nhiên chỉ có thể là ông Barack Obama.
Bài báo này viết về ông ta; ông không nói ông sẽ làm gì sau ngày thứ 731 (2 lần 365 +1), mà chỉ tăng hăng, tó hó lo 730 ngày còn lại quá ngắn, không đủ cho ông làm hết việc.
Nhân kỷ niệm 60 năm chương trình “Face the Nation” của đài CBS, Obama nhận trả lời cuộc phỏng vấn trong chương trình này hôm Chúa Nhật mùng 9 tháng 11/2014.
Thời điểm phỏng vấn là ngay sau ngày đảng Dân Chủ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa kỳ 11/4/2014, khiến đảng Cộng Hòa nắm toàn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội. Ông Obama nhận lỗi là ông và bộ tham mưu Bạch Cung đã thất bại trong việc không nói lên được với cử tri những quyền lợi mà chính sách Dân Chủ đem lại cho quần chúng.
Ông “xưng tội”: “Chúng tôi không có quyền ngồi chờ quần chúng tìm hiểu chính sách của chúng tôi, rồi tự tìm đến với chúng tôi,” Obama nói. "Chúng tôi phải đến với cử tri, phải thuyết phục họ là chúng tôi phục vụ quyền lợi cho họ."
Nói như vậy, nhưng ông không tranh chức "tôi tớ của nhân dân", Việt Cộng đang độc quyền nắm giữ.
Sáng sớm hôm sau ông lên đường đi công du 3 nước Trung Quốc, Miến Điện và Úc, với quyết tâm làm cho xong nhiều việc còn cần phải làm trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ; làm trong mọi bất lợi, mọi khó khăn của kẻ “cu ky” làm một mình, trước sức chống đối quyết liệt của Quốc Hội đang trọn vẹn thù nghịch.
Một trong những việc Obama muốn hoàn thành là giải quyết dứt khoát chiến tranh Trung Đông; trong cuộc phỏng vấn Obama xác định ông đưa thêm 1,500 quân nhân Hoa Kỳ sang chiến trường Iraq để thực hiện nỗ lực yểm trợ quân đội Iraq phản công tái chiếm phần lãnh thổ vừa mất vào tay quân IS nửa năm trước.
Đưa quân vào chiến trường, nhưng Obama vẫn nhấn mạnh quan điểm chiến lược của mình, là quân nhân Mỹ sẽ không trực tiếp tham dự tác chiến; công tác quan trọng nhất của họ là hướng dẫn không lực Hoa Kỳ oanh tạc yểm trợ bộ binh Iraq.
Một thay đổi chiến thuật, “Không quân Hoa Kỳ sẽ yểm trợ chiến thuật cho bộ binh Iraq,” Obama xác nhận.
Không yểm chiến thuật là yểm trợ sát cận và trực tiếp, ngay trong lúc giao tranh xẩy ra; hình thức không yểm này nguy hiểm, thường do khu trục cơ thực hiện; khác với yểm trợ chiến lược là oanh tạc hậu cần, đánh đường giao thông, tiếp vận của địch, ít nguy hiểm hơn, và thường do oanh tạc cơ đảm trách bằng cách đánh bom trong lúc đang bay trên một cao độ tương đối an toàn.
Obama nhấn mạnh là mặc dù Hoa Kỳ đến gần chiến trường hơn với công tác không yểm chiến thuật, nhưng bộ binh Mỹ vẫn không cầm súng tham chiến bên cạnh quân đội Iraq như trước kia họ đã làm.
Ngoài việc trợ chiến Iraq, Obama còn đặt ưu tiên cho sứ mạng tạo thăng bằng chính trị quốc nội bằng cách bành trướng khối cử tri da mầu. Từ trên một năm nay, Hạ Viện Cộng Hòa thành công trong việc "ngâm tôm" đạo luật Di Dân.
Obama tâm sự với khán giả chương trình “Face the Nation”, “Tôi bảo John (Boehner) 'nếu anh không cho thông qua đạo luật Di Dân, tôi vẫn có thẩm quyền hiến định để cải thiện công cuộc quan trọng này.' Tôi thúc giục, tôi khuyến khích họ cộng tác giải quyết vấn đề di dân bằng luật pháp căn bản.”
Nhưng luật di dân vẫn bị ngâm tôm, và đang trở thành một chuyện dĩ vãng với tình trạng toàn thắng của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử vừa rồi.
Thắng lợi chính trị của đảng Cộng Hòa sẽ còn được cụ thể hóa bằng nhiều nỗ lực chính trị nhằm bóp nhỏ lại luật ACA (Affordable Care Act-Luật Trị Bệnh Giá Rẻ, thường được gọi là ObamaCare).
Hiện đang có 7.3 triệu người được hưởng bảo hiểm y tế qua luật ObamaCare, và viên chức y tế tìm mọi cách làm gia tăng con số này. Ông Kevin J. Counihan, giám đốc “Thị Trường Y Tế” Liên Bang, nói, “Chúng tôi nhiệt liệt khuyến khích quý vị thân chủ đang có bảo hiểm ACA trở lại để cập nhật hóa những chi tiết về lợi tức thay đổi để tiếp nối tình trạng được bảo hiểm. Đa số thân chủ của ObamaCare đều được hưởng quyền lợi nhiều hơn.”
Nhưng chưa ngả bệnh chưa lo, một số lớn khối người khỏe mạnh vẫn thờ ơ với việc bảo hiểm y tế, đến nỗi hành pháp phải nhấn mạnh vào kế hoạch “passive re-enrollment” (thụ động tái tục bảo hiểm) để không cần xin, thân chủ ObamaCare vẫn được tái bảo hiểm.
Trong lúc người được bảo hiểm lừng khừng không sốt sắng đáp ứng lời mời gọi của thị trường ObamaCare, thì nỗ lực đánh phá đạo luật ACA này mỗi lúc một quyết liệt hơn.
Phe chống ObamaCare đang vận động Tối Cao Pháp Viện xét xử việc chính phủ tài trợ người nghèo mua bảo hiểm y tế. Nếu phe chống đối thắng, việc tài trợ sẽ bị hủy bỏ, để luật ACA trở thành một mớ giấy lộn, không còn giúp người nghèo quyền đi khám bác sĩ tư nữa.
Trên 4 triệu người đang hưởng trợ cấp mua bảo hiểm y tế; họ chỉ phải trả $82 mỗi tháng, thay vì trả $346 -chính phủ trợ cấp 75%.
Việc thứ tư mà Obama đang gấp rút thực hiện trong thời gian giới hạn (2 năm cuối của 2 nhiệm kỳ 8 năm làm tổng thống) là tạo dựng một chỗ đứng mạnh hơn cho Hoa Kỳ trên chính trường Á Châu. Hai chữ "chính trường" bao gồm một thị trường phồn thịnh, trong đó Trung Cộng -đối thủ chính trị và quân sự của Hoa Kỳ- cũng đóng một vai thân hữu hơn, và một đấu trường, trong đó mọi quốc gia Á Châu mong đợi sự trở lại của Hoa Kỳ, để cân bằng sức mạnh với anh láng giềng Trung Cộng hung hãn.
Thiện chí của Obama có thể vướng vào cái trở ngại mang tên Vladimir Putin -tổng thống Nga; Putin không gặp Obama trên một Ukraine Á Châu, với hỏa tiễn phòng không bắn phi cơ dân sự, và thiết giáp yểm trợ cuộc nổi dậy bằng thùng phiếu; nhưng khí đốt và dầu hỏa Nga đang giúp năng lượng khiến nhân công Trung Cộng chạy máy, sản xuất sản phẩm của nhiều hãng Mỹ, để xuất cảng trở về Mỹ.
Điểm giống nhau của một người bình thường và một vị tổng thống Hoa Kỳ là cả 2 cùng chỉ có một cuộc đời làm việc; cuộc đời làm việc của bàn dân thiên hạ dài 30 năm; cuộc đời làm việc của tổng thống Mỹ dài tối đa 8 năm.
Sau năm 2016, không mấy ai còn quan tâm đến những việc Obama làm, và cũng không mấy ai còn muốn nghe những điều ông nói. Ông có một sứ mạng, và có một thời gian ấn định để hoàn thành; giờ này ông bồn chồn, lo lắng vì không làm hết việc.
Đành chịu thôi; gian lận ngồi lì đó như Putin không phải là điều nên bắt chước; hoặc cam phận như Vô Kỵ Việt Nam, về vẽ chân mày cho Triệu Minh cũng không dễ đâu.
Nguyễn Đạt Thịnh
No comments:
Post a Comment