Andrei
Shleifer và Daniel Traisman (Foreign Affairs)
Trần
Ngọc Cư dịch
Tháng
11 30, 2014
Hai
mươi lăm năm sau khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, một
cảm thức nuối tiếc về cơ hội đã bỏ lỡ đang trùm
lên các nước một thời nằm ở phía Đông đường ranh
này. Trở lại thời điểm đó, hi vọng của dân chúng
tại đây đã dâng cao trong không khí hồ hởi đón mừng
sự sụp đổ đột ngột của chủ nghĩa cộng sản. Từ
Bratislava đến Ulaanbaatar, cơ hồ thể chế dân chủ và sự
thịnh vượng kinh tế đã đến đợi ở góc đường.
Ngày
nay, tâm trạng người dân tại những nước này trở nên
u ám hơn. Với một vài trường hợp ngoại lệ, như
Estonia và Ba Lan, những nước hậu cộng sản còn lại bị
coi là những trường hợp thất bại – kinh tế bị oằn
xuống dưới sức nặng của tầng lớp hưởng hưu bổng
đang sống chật vật và giới đầu sỏ chính trị đang
sống xa hoa, còn chính trị thì bị hoen ố bởi các trò
gian lận ở thùng phiếu và sự xuất hiện những lãnh
đạo độc tài. Từ Yugoslavia cũ đến Chechnya và bây giờ
đến miền Đông Ukraine, các cuộc chiến đã làm gián
đoạn sự liên tục của thời gian hơn 40 năm hòa bình
lạnh [cold peace] trên lục địa châu Âu, để lại nhiều
vùng lõm âm ỉ bạo động. Đối với nhiều quan sát viên
thời sự, chế độ kìm kẹp độc tài và tham vọng địa
chính trị hiếu chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin
tiêu biểu cho một tình trạng suy thoái dân chủ tổng
quát hơn lan ra từ phía Đông. “Điều tồi tệ nhất của
chủ nghĩa cộng sản là những gì diễn ra sau nó,” Tổng
Biên tập của một nhật báo Ba Lan và trước đây là một
nhà bất đồng chính kiến chống cộng, ông Adam Michnik,
mỉa mai.
Ngày
kỷ niệm là một dịp tốt để chiêm nghiệm lịch sử
và chẩn đoán tương lại. Nhiều thay đổi đã diễn ra
từ khi các nước hậu cộng sản – gồm 15 quốc gia kế
thừa Liên Xô, 14 nước cộng sản cũ của Đông Âu , và
cựu chư hầu Xô-viết Mông Cổ – đã thoát khỏi các
chế độ Mác-xít tàn bạo cách đây một thế hệ. Không
phải mọi thay đổi đều phải trở thành một cái gì
tốt đẹp hơn. Nhưng nếu coi những cải tổ hậu cộng
sản là thất bại, thì đó lại là một sai lầm, và sai
lầm này có nhiều ý nghĩa vượt ra ngoài khu vực. Một
số nhà nghiên cứu, choáng ngợp trước sự trỗi dậy
của Trung Quốc và bị sốc do cuộc khủng hoảng tài
chính toàn cầu, gần đây đã coi chủ nghĩa tư bản nhà
nước độc tài là một phương án sinh động thay thế
cho sự rối loạn chức năng của thể chế dân chủ tự
do. Quan niệm sai lầm cho rằng nỗ lực cải tổ thị
trường đã thất bại tại Đông Âu đã tăng cường cái
ảo giác này.
Sự
thật là lối tường thuật u ám đang thịnh hành về thế
giới hậu cộng sản phần lớn là sai lầm. Gạt qua một
bên các hình ảnh thời sự hiện nay, chúng ta sẽ thấy
cuộc sống đã được cải thiện ngoạn mục khắp khối
Đông cũ. Từ thời kỳ quá độ đến nay, các nước hậu
cộng sản đã phát triển kinh tế nhanh chóng; ngày nay,
người dân trở nên giàu có hơn, có tuổi thọ cao hơn,
và sống hạnh phúc hơn. Gần như trên mọi phương diện,
những quốc gia này hiện nay hoàn toàn giống như bất cứ
quốc gia nào khác trên thế giới có cùng một mức độ
phát triển kinh tế. Chúng đã trở thành những nước
bình thường – và, trong nhiều cung cách, tốt đẹp hơn
cả bình thường.
Mặc
dù tính trung bình, chúng giống như các quốc gia đồng
đẳng kinh tế, nhưng trên thực tế các quốc gia chuyển
đổi thể chế này đã trở nên đa dạng hơn nhiều. Sau
khi thoát ra khỏi mô hình do Moscow áp đặt, chúng chịu
sức thu hút của những quốc gia láng giềng phi cộng sản
gần nhất: các nước ở Trung Âu nghiêng về châu Âu hơn;
các nước ở Trung Á nghiêng về châu Á hơn. Trong những
năm sắp tới, con đường phát triển của chúng có khả
năng cùng phản ánh sự ganh đua giữa hai lực tác động
chính: tính năng động toàn cầu của hiện đại hóa và
sức níu kéo của địa lý [khu vực].
CÁC
QUỐC GIA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Để
hiểu rõ các nước hậu cộng sản nói trên đã thay đổi
ra sao ta hãy nhớ lại chúng đã xuất phát như thế nào.
Về chính trị, chúng đều là những quốc gia độc tài
được cai trị bởi một đảng cầm quyền. Mỗi nước
đều có cán bộ tuyên giáo để dạy bảo người dân
phải nghĩ gì, có mật vụ để phát hiện bất đồng
chính kiến, và có trại tù để giam giữ những người
chỉ trích chế độ. Tất cả đều bày ra các cuộc tuyển
cử khôi hài trong đó đảng chiếm hơn 95 phần trăm phiếu
bầu. Trừ Yugoslavia và Albania sau năm1960, các nước khác
đều nhận lệnh từ Moscow, một trung tâm quyền lực đã
đưa xe tăng vào Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968 để
đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng.
Tất
cả các nước trong khối cộng sản vào thời đó có nền
kinh tế do trung ương kiểm soát. Hầu hết hoặc tất cả
tài sản đều thuộc về nhà nước, và giá cả được
các nhà làm kế hoạch kinh tế đặt ra, chứ không do thị
trường định đoạt. Công nghiệp nặng chiếm ưu thế
trong khi khu vực dịch vụ thì èo uột. Tại Liên Xô, chi
phí quốc phòng đã ngốn tới 25 phần trăm GDP vào cuối
những năm 1980, so với dưới 6 phần trăm tại Mỹ.
Vào năm 1986, các nhà máy của Liên Xô đã sản xuất một
kho vũ khí gồm 45.000 đầu đạn hạt nhân.
Làm
thoả mãn người tiêu thụ không phải là một ưu tiên.
Để mua được một căn hộ vào những năm 1980, người
nạp đơn ở Bulgaria phải đợi đến 20 năm, và tại Ba
Lan phải đợi đến 30 năm; một phần tư số người
trong danh sách chờ tại Liên Xô là người đã nghỉ hưu.
Người mua xe hơi tại Đông Đức phải đặt hàng trước
15 năm. Tại Romania, nhà độc tài Nicolae Ceausescu buộc mọi
người phải theo một chế độ ăn uống thiếu calorie vào
đầu những năm 1980 để dành tiền trả nợ nước ngoài.
Ông qui định mỗi phòng chỉ được thắp sáng bằng một
bóng đèn 40 watt, sưởi ấm các công sở chỉ đến 14 độ
C là tối đa, và thời gian phát sóng truyền hình mỗi
ngày là hai giờ với các chương trình tẻ nhạt.
Các
nước cộng sản có thể rêu rao một số thành tích. Với
chỉ 8 phần trăm dân số thế giới, Liên Xô và các nước
Đông Âu đã giành được 48 phần trăm huy chương tại
Thế vận hội Seoul năm 1988 và có đến 53 trong số 100
tay cờ tướng hàng đầu năm đó. Tỉ lệ người có học
và biết chữ là cao.
Tuy
nhiên, vào những năm suy tàn của chủ nghĩa cộng sản,
ít ai chịu đứng ra bênh vực nó. Theo Vaclav Havel, nhà bất
đồng chính kiến về sau trở thành Tổng thống Cộng hòa
Séc, hệ thống đó là một “cỗ máy đồ sộ quái đản,
inh ỏi và tanh hôi.” Nhiều năm sau khi rời bỏ quyền
hành, Mikhail Gorbachev, chủ tịch cuối cùng của Liên Xô
đã mô tả đặc tính của nền kinh tế mà có thời ông
giám sát là “ngốn ngấu” và “phung phí tài nguyên.”
Cuối
cùng, toàn bộ hệ thống Xô-viết thình lình sụp đổ.
Các lãnh đạo mới được dân bầu ra khắp khối cộng
sản cũ phải đối diện với nền kinh tế nước mình
trong cơn khủng hoảng. Năm 1989, lạm phát tăng vọt 640
phần trăm tại Ba Lan và 2.700 phần trăm tại Nam Tư.
Khoảng thời gian trước 1991, thời điểm Liên Xô tan rã,
sản lượng của nước này giảm 15 phần trăm một năm.
Các
chính phủ hậu cộng sản đồng loạt thực thi các chương
trình cải tổ – được thiết kế để giảm bớt việc
kiểm soát giá cả, thúc đẩy mậu dịch, quân bình ngân
sách, tư hữu hóa các xí nghiệp nhà nước, và thiết lập
các chương trình phúc lợi xã hội – mặc dù một số
nước có thể theo đuổi các chương trình này nhanh hơn
và mạnh hơn các nước khác. Những cải tổ này đã thay
hình đổi dạng nền kinh tế của họ. Nói chung, nhờ từ
bỏ đường lối hoạch định kinh tế trung ương, các
nước hậu cộng sản có điều kiện phát triển kinh tế
thị trường hơn phần còn lại của thế giới. Khoảng
năm 2011, các nước này đạt một chỉ số tự do kinh tế
trung bình là 7,0, một chỉ số do Viện Fraser, một nhóm
nghiên cứu tại Canada đúc kết, so với chỉ số trung
bình toàn cầu là 6,8. Nước được cải tổ nhiều nhất
trong khối,Estonia, có chỉ số tự do kinh tế nằm giữa
Đan Mạch và Hoa Kỳ.
Hầu
như khắp mọi nơi, các con khủng long công nghiệp nhà
nước phải nhường bước cho các công ty tư nhân là
những công ty bắt đầu sản xuất phần lớn tổng sản
phẩm nội địa (GDP). Sản lượng trung bình của khu vực
tư tại các nước hậu cộng sản hiện nay chiếm khoảng
70 phần trăm. Công nghiệp nặng được giảm thiểu, và
trung bình, khu vực dịch vụ tăng từ 36 phần trăm đến
58 phần trăm sản lượng quốc gia trong thời gian từ 1990
đến 2012. Không có một khu vực nào trên thế giới mà
mậu dịch quốc tế phát triển nhanh như thế, với kim
ngạch nhập khẩu và xuất khẩu cùng tăng vọt từ 75
phần trăm đến 114 phần trăm GDP. Sau nhiều thập niên
chủ yếu trao đổi mậu dịch với nhau trong cùng một
khối, các quốc gia hậu cộng sản đã nhanh chóng tái
định hướng kinh tế để nhắm tới các thị trường
nước ngoài tại châu Âu và những khu vực khác. Tính đến
năm 2012, giá trị hàng xuất khẩu từ các nước Đông Âu
cũ sang EU tăng trung bình 69 phần trăm và từ các nước
cộng hòa Xô-viết cũ 47 phần trăm.
Tóm
lại, những nước này đã chuyển đổi hệ thống kinh tế
do nhà nước quản lý, được quân sự hóa và công nghiệp
hóa cao độ thành một nền kinh tế thị trường hướng
về dịch vụ, đặt cơ sở trên sở hữu tư nhân và hội
nhập vào mạng lưới thương mại toàn cầu. Không còn bị
bóp méo theo đường lối Mác-xít, các định chế kinh tế,
chính sách mậu dịch, và các môi trường điều tiết tại
những nước này ngày nay giống hệt các nước khác có
cùng một mức lợi tức quốc gia.
Bất
chấp những thay đổi này, các quan sát viên thường qui
trách nhiệm cho các cải tổ thời hậu cộng sản về
thành tích kinh tế tồi tệ tại các quốc gia đang trải
qua thời kỳ quá độ. Hai cáo buộc thông thường cho rằng
trên cơ bản các cải tổ này đã được quan niệm một
cách sai lầm và rằng chúng đã được thi hành một cách
quá triệt để [too radical]. Việc chỉ trích này nêu lên
hai câu hỏi: một là, liệu thành tích kinh tế của các
quốc gia này có thực sự tồi tệ hay không, và hai là,
liệu các chiến lược triệt để hơn có mang lại kết
quả tồi tệ hơn so với các đường lối cải tổ tuần
tự hơn hay không. Câu trả lời vắn tắt cho cả hai câu
hỏi là không.
HƯỚNG
PHÁT TRIỂN ĐI LÊN
Một
khởi điểm hợp lý trong việc đánh giá thành tích kinh
tế của một nước là lợi tức quốc gia của nó, nhưng
bất cứ một sự so sánh nào dùng số liệu của thời
Xô-viết cũng cần phải được xét đến bằng một thái
độ hoài nghi. Vì nhiều lý do khác nhau, phần lớn sản
lượng mà các kế toán viên của thời cộng sản ghi lại
trong sổ sách thường không có giá trị như con số mà họ
rêu rao. Các nhà máy báo cáo láo sản lượng của mình để
lãnh tiền thưởng, do đó thổi phồng các số liệu GDP
lên đến 5 phần trăm. Nhiều hàng hóa do các nhà máy này
sản xuất có phẩm chất tồi tệ đến nỗi người tiêu
thụ không chịu mua. Chính phủ phát động nhiều dự án
đồ sộ nhưng không bao giờ được hoàn thành (mà vẫn
được tính vào chi phí đầu tư, làm gia tăng các giá trị
GDP) và duy trì các chi phí quốc phòng to lớn với trị
giá rất đáng hoài nghi. Rốt cuộc, chỉ một phần rất
nhỏ trong lợi tức chính thức của quốc gia lọt vào túi
của người dân mà thôi. Vào năm 1990, chẳng hạn, lượng
tiền dùng để tiêu thụ trong các hộ gia đình tại hầu
hết những nước phi cộng sản [noncommunist countries] chiếm
đến 60 phần trăm GDP. Nhưng tại Nga, con số này chiếm
chưa được một phần ba GDP, và tại Azerbaijan, con số
này rơi xuống dưới một phần tư.
Phần
lớn sự suy thoái kinh tế được ghi nhận trong những năm
đầu của thời kỳ quá độ hậu cộng sản – theo một
vài ước tính, có thể giảm đến một nửa – đã phản
ánh việc cắt bỏ sản lượng hư cấu hay các đầu tư
vô bổ của thời cộng sản. Nhưng thậm chí nếu những
con số chính thức này được thừa nhận theo giá trị bề
mặt của chúng, bức tranh mà chúng cho thấy vẫn sáng sủa
hơn người ta thường lầm tưởng. Bất chấp nền kinh tế
bị suy giảm lúc đầu, trong thời gian từ năm 1990 đến
năm 2011, một nước hậu cộng sản có mức tăng trưởng
trung bình (Uzbekistan) cũng tăng trưởng nhanh hơn một chút
so với một nước có mức tăng trưởng trung bình ở một
nơi khác trên thế giới (Norway). Trong khi GDP đầu người
của Norway tăng lên 45 phần trăm trong thời gian nói trên,
Uzbekistan tăng được 47 phần trăm. Bosnia, nơi lợi tức
quốc gia tăng hơn 450 phần trăm, đã đạt tỉ lệ tăng
trưởng ở vị trí thứ ba trên thế giới trong giai đoạn
vừa nói. Albania đứng ở vị thứ 16, tăng trưởng 134
phần trăm, và Ba Lan vị thứ 20, tăng trưởng 119 phần
trăm. Ba nước hậu cộng sản này còn qua mặt cả những
cỗ máy có truyền thống tăng trưởng như Hồng Kông và
Singapore.
Sự
gia tăng về mức tiêu thụ cũng ngoạn mục không kém. Từ
năm 1990 đến năm 2011, mức tiêu thụ trong các hộ gia
đình tính theo đầu người tại các nước hậu cộng sản
đã tăng trung bình 88 phần trăm, so với mức tăng trung
bình 56 phần trăm tại các nơi khác trên thế giới. Tại
Ba Lan, mức tiêu thụ hộ gia đình đã tăng 146 phần trăm,
ngang với tỉ lệ của Hàn Quốc. Tại Nga, mức tiêu thụ
đã tăng 100 phần trăm.
Người
dân bình thường đã trông thấy mức sống của mình được
cải thiện đáng kể. Số người sở hữu xe hơi, một
thước đo đáng tin cậy về lợi tức có thể đem ra tiêu
xài, đã gia tăng sau khi chế độ cộng sản sụp đổ mặc
dù GDP có sa sút trong những năm đầu của thời kỳ quá
độ. Trong thời gian từ 1993 đến 2011, con số trung bình
của xe hơi chở người [passenger cars] đã tăng từ một
chiếc cho 10 đầu người đến một chiếc cho 4 đầu
người. Hiện nay số xe hơi tính theo đầu người tại
Lithunia, Ba Lan, và Lithuania còn cao hơn cả Anh.
Trong
công nghệ thông tin, Đông Âu cũng vươn lên phía trước,
đi từ lạc hậu đến tiến bộ vượt bậc. Vào năm
2013, tỉ lệ số điện thoại di động được sử dụng
cho mỗi đầu người là 1,24 [cứ 100 người thì có đến
124 chiếc điện thoại], một con số vượt cả phương
Tây. Thế giới hậu cộng sản ngày nay có một tỉ lệ
cư dân mạng là 54 phần trăm dân số trong một nước
trung bình – cao hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới
ngoại trừ Bắc Mỹ và Tây Âu.
Công
dân của các quốc gia hậu cộng sản cũng đi du lịch
nhiều hơn bao giờ; họ thực hiện 170 triệu chuyến du
lịch nước ngoài năm 2012. Và ở trong nước, họ sống
trong những hộ chung cư rộng rãi hơn: từ năm 1991, không
gian sống tính theo đầu người đã tăng lên 99 phần trăm
tại Cộng hòa Séc, 85 phần trăm tại Armenia, và 39 phần
trăm tại Nga. Nhờ các chương trình tư hữu hóa nhà ở
cho đại chúng, tỉ lệ sở hữu nhà ở tại một vài nơi
đã vượt đến mức cao nhất thế giới. Dân chúng cũng
ăn ngon hơn trước. Tại bảy trong số chín cộng hòa
Xô-viết cũ có công bố các số liệu thống kê liên
quan, việc tiêu thụ trái cây và rau đã tăng vọt. Vào
năm 2011, chẳng hạn, dân Ukraine ăn 58 phần trăm nhiều
rau hơn và 47 phần trăm nhiều trái cây hơn so với 20 năm
về trước. Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, và
Slovenia trải qua một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu
y khoa đã mô tả vào năm 2008 trong Tạp
chí Dịch tễ học châu Âu
[the European Journal of Epidemiology] “gần như chắc chắn là
một đợt giảm thiểu bệnh tim mạch nhanh nhất chưa từng
thấy” sau khi người tiêu thụ bắt đầu thay thế dầu
thực vật cho các loại mỡ động vật.
Về
sự thăng tiến trong xã hội, các số liệu thống kê phủ
nhận thành kiến cho rằng xã hội hậu cộng sản đang bị
phân hóa giữa giới đại gia đầu sỏ và tầng lớp ăn
mày. Tỷ số sinh viên ghi danh đại học, vốn đã cao, sau
năm 1989 thậm chí còn gia tăng hơn nữa, ở mức trung bình
33 phần trăm trước năm 2012. Cũng trước năm 2012, tại
những nước hậu cộng sản, tỉ lệ trung bình học sinh
vừa xong trung học quyết định tiếp tục học thêm là
cao hơn tỉ lệ tương ứng tại Thụy Sĩ. Mặc dầu tỉ
lệ nghèo khổ và bất bình đẳng lợi tức thường tăng
lên vào lúc đầu của thời kỳ quá độ, nhưng những tỉ
lệ này tại các quốc gia hậu cộng sản hiện nay là
thấp hơn các nền kinh tế khác có cùng mức lợi tức
tương đương.
Các
chính phủ cũng đang có thêm nhiều nỗ lực để đảm
bảo cho người dân có thể hít thở không khí trong lành
hơn. Chế độ cộng sản đã để lại một rừng ống
khói nhà máy, nhưng từ 1990, cả 11 nước hậu cộng sản
thành viên của EU đã cắt giảm hơn một nửa các lượng
khí thải carbon monoxide, ốc-xít ni-tơ, ốc-xít lưu huỳnh.
Thậm chí trong khi kinh tế đang tăng trưởng, 12 hai nước
cộng hòa Xô-viết cũ đã cắt giảm các khí thải ô
nhiễm thoát ra từ các nguồn cố định vào không khí, ở
tỉ lệ trung bình 66 phần trăm trong thời gian từ 1991 đến
2012.
Và
mặc dù thường có những bài báo nêu lên tỉ suất tử
vong tăng vọt [soaring mortality] do căng thẳng của thời kỳ
quá độ, các xu thế phát triển liên quan đến dân số
của khu vực này là không đen tối. Tính trung bình, tuổi
thọ tại các quốc gia hậu cộng sản đã tăng từ 69
tuổi vào năm 1990 đến 73 tuổi vào năm 2012. Thậm chí
tại Nga, từ lâu đã bị mô tả là một vùng thảm họa
dân số [demographic disaster zone], tuổi thọ trung bình cũng
đứng ở mức ngoài 70 một chút – nghĩa là cao hơn bao
giờ hết trong lịch sử Nga. Tỉ suất tử vong ở trẻ sơ
sinh, vốn đã thấp, lại giảm nhanh hơn tại các các nước
hậu cộng sản tính theo tỉ lệ phần trăm so với bất
cứ khu vực nào trên thế giới trong thời gian từ 1990
đến 2010. Lượng rượu cồn tiêu thụ [của mỗi người]
tính trung bình cũng nhích xuống từ 2,1 gallon [hay 7,95 lít]
cồn tinh chất vào năm 1990 xuống 2,0 gallon [hay 7,57 lít]
vào năm 2010. Có vài ngoại lệ: lượng rượu tiêu thụ
đã tăng lên tại Nga và các quốc gia Baltic. Nhưng thậm
chí lượng rưọu trung bình cho mỗi đầu người tại Nga
vào năm 2010 là 2,9 gallon [hay gần 11 lit] vẫn còn thấp
hơn ở Áo, Pháp, Đức, hay Ái Nhĩ Lan.
Mặc
dù những tiến bộ như về mức sống, chẳng hạn, là
quan trọng; nhưng chuyển đổi cơ bản nhất đã diễn ra
tại các nước trong khối Đông cũ là chính trị. Người
dân của hầu hết các quốc gia chuyển đổi chế độ
hiện sống dưới những chính phủ tự do và cởi mở hơn
bất cứ thời điểm nào trong lịch sử của họ. Thậm
chí khi đối chiếu với bối cảnh trong đó thể chế dân
chủ đã trỗi dậy trên toàn cầu vào những thập niên
gần đây, mức độ chuyển đổi chính trị trong khối
Đông cũ vẫn là rất ngoạn mục.
Một
vài số liệu có thể chứng minh điều này. Sử dụng
thước đo phổ biến nhất về các chế độ chính trị,
gọi là Chỉ số Chính thể [Polity index], do Trung tâm
Nghiên cứu Hoà bình của các Thể chế [the Center for
Systemic Peace], chúng tôi đặt các nước trên một thang
điểm từ số không (thuần túy độc tài) đến 100 (thể
chế dân chủ vững mạnh nhất). Vào năm 1988, các quốc
gia khối Đông được xếp từ vị thứ 5 (Albania) đến
40 (Hungary), tính trung bình các nước trong khối này có
điểm số 20, gần với điểm số của Ai Cập và Iran.
Dựa vào trình độ phát triển kinh tế lúc bấy giờ, các
nước cộng sản nổi bật lên như là những chế độ
độc tài khác thường trên thế giới. Sau các cuộc cách
mạng 1989-91, Chỉ số Chính thể trung bình của chúng đã
tăng vọt, vươn tới điểm số 76 vào năm 2013. Ngày nay,
một nước hậu cộng sản trung bình được hưởng tự
do của một nước bình thường như người ta kỳ vọng,
dựa vào mức lợi tức quốc gia của nó. Có đến 6 nước
hậu cộng sản có Chỉ số Chính thể cao nhất, ngang hàng
với Đức và Mỹ.
VƯƠN
CAO HƠN NỮA
Các
nước hậu cộng sản ngày nay còn lâu mới trở nên hoàn
hảo. Nhưng hầu hết các khuyết điểm của chúng cũng là
thuộc tính tiêu biểu cho các quốc gia có cùng một trình
độ phát triển kinh tế. Trên nhiều mặt, các nước này
còn đạt được những thành tích tốt đẹp hơn, vượt
ra ngoài các dự đoán dựa vào lợi tức quốc gia. Và
trong một số ít trường hợp tụt hậu, các nước này
gần như luôn luôn đi đúng hướng.
Xin
lấy nạn tham nhũng làm ví dụ. Khu vực này thường xuyên
bị đánh giá rất thấp trên các chỉ số đo lường nạn
tham nhũng mà người ta tin là có thật [perceived
corruption]. Thành tích yếu kém này là không đáng ngạc
nhiên vì những chỉ số đo lường nạn tham nhũng phần
nào đã dựa vào các cuộc thăm dò các nhà doanh nghiệp
quốc tế, là những người có khả năng bị lung lạc do
cái hình ảnh bẩn thỉu của khu vực này được nêu lên
trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Nhưng các
chỉ số của nạn hối lộ được chính người dân của
những nước hậu cộng sản này tường thuật trong các
cuộc thăm dò không tiết lộ danh tánh lại vẽ ra một
bức tranh khác hẳn. Những chỉ số này, mặc dù cao, vẫn
là tiêu biểu cho các nước có một mức lợi tức tương
đương. Các cuộc thăm dò do tổ chức giám sát Minh bạch
Quốc tế [Transparency Internatonal] tiến hành từ năm 2010
đến năm 2013 cho thấy rằng số người thú nhận đã hối
lộ quan chức tại một quốc gia hậu cộng sản trung bình
(23 phần trăm) là ít hơn con số trung bình tại những
nước khác (28 phần trăm).
Về
xung đột vũ trang cũng thế, khu vực này không khác với
những vùng có cùng mức độ phát triển tương đương.
Mặc dù chiến tranh đã xảy ra tại Nam Tư cũ, Chechnya, và
hiện nay tại Ukraine, các nước hậu cộng sản không khác
với các quốc gia có cùng một mức độ phát triển,
trong khả năng trải qua xung đột vũ trang hay nội
chiến trong 25 năm qua. Các quốc gia này cũng không cho thấy
tỉ lệ tử vong cao hơn, cả trong chiến tranh hay bạo động
lẫn qua số liệu tuyệt đối hoặc tính theo đầu người.
Và mặc dù cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine là quá mới
để được tính vào những con số này, nhưng nó không có
khả năng thay đổi kết quả thống kê, trừ phi chiến sự
ở đó leo thang ra ngoài vòng kiểm soát.
Đằng
sau những dữ liệu này, người ta còn chứng kiến tiến
trình phi quân sự hóa nhanh chóng của toàn khu vực: so với
chi phí quốc phòng của Liên Xô cũ có khi lên đến 25
phần trăm GDP, ngày nay không một quốc gia kế tục nào
của nó, kể cả Nga, có ngân sách quốc phòng vượt quá
5 phần trăm GDP. Thậm chí khi liên minh của chúng tan rã,
các quốc gia trong khốiWarsawcũ đã cho giải ngũ một
triệu binh lính.
Nạn
lạm phát và thất nghiệp cũng là hai vấn đề khác cần
được bàn đến. Vào những năm 1990, hầu hết các nước
hậu cộng sản đều kinh qua những gian khổ do vật giá
leo thang và nạn thất nghiệp tăng vọt. Tuy nhiên, trước
năm 2012, tình trạng lạm phát gần như đã được ổn
định tại hầu hết những nước này; tỉ lệ lạm phát
trung bình của các nền kinh tế hậu cộng sản trên thực
tế đã rơi xuống dưới tỉ lệ lạm phát trung bình toàn
cầu. Và mặc dù nạn thất nghiệp tại các nước chuyển
đổi chế độ này vẫn còn cao hơn vài phần trăm so với
các quốc gia có cùng trình độ kinh tế, nhưng tỉ lệ
này vẫn tiếp tục đi xuống kể từ khi chạm đỉnh
khoảng năm 2000.
Những
năm gần đây còn chứng kiến những cải thiện trong một
lãnh vực khác mà các nước hậu cộng sản đã từng tụt
hậu so với phần còn lại của thế giới: đấy là hạnh
phúc của người dân. Theo đợt thăm dò mới nhất của
tổ chức Nghiên cứu các Giá trị Thế giới [the World
Values Survey], được tiến hành trong những năm 2010-14, các
nước trong khối Đông cũ cũng sắp bắt kịp thế giới
về phương diện hạnh phúc. Tính trung bình, 81 phần trăm
dân chúng được hỏi ý kiến tại các nước hậu cộng
sản cho biết rằng họ hoặc là “rất” hoặc là “hoàn
toàn” hạnh phúc, so với 84 phần trăm toàn thế giới.
Với mức lợi tức hiện có, người dân tại những nước
này không còn đặc biệt trầm cảm [particularly depressed]
như trước – mặc dù họ vẫn bày tỏ nỗi bất bình
khác thường [unusual dissatisfaction] với công việc, với
chính phủ, cũng như với hệ thống giáo dục và y tế.
Tỉ lệ tự sát, mặc dù vẫn còn tương đối cao, đã
giảm bớt đáng kể từ khi chế độ cộng sản cáo
chung.
CÁC
QUY LUẬT VỀ SỰ THU HÚT GIỮA CÁC QUỐC GIA
Bài
nghiên cứu các giá trị trung bình này làm lu mờ sự khác
biệt to lớn diễn ra từ khi tính đồng phục [uniformity]
do Moscow áp đặt lên chư hầu của mình cáo chung. Ngày
nay, sự tương phản giữa các quốc gia hậu cộng sản đa
dạng này là rất rõ nét. Ba Lan đã trở thành một nước
dân chủ thị trường tự do có lợi tức quốc gia tăng
lên hơn hai lần kể từ năm 1990; Tajikistan vẫn là một
nước độc tài, trên mình còn mang thương tích chiến
tranh và cực kỳ nghèo khổ, do một nhà lãnh đạo duy
nhất đứng đầu suốt hơn 20 năm.
Một
lý giải được lặp đi lặp lại nhiều lần về sự
cách biệt giữa các thành quả kinh tế là, tại một số
nước các quan chức chính phủ đã phá hoại hiệu quả
bằng cách theo đuổi các cải tổ quá táo bạo. Theo luận
cứ này, một đường lối chậm rãi hơn, có bài bản hơn
đã giúp một số nước khác thực hiện các cuộc chuyển
đổi thành công hơn. “Các chính sách theo đường lối
tuần tự [gradualist policies] sẽ ít gây thiệt hại trong
ngắn hạn, nhưng sẽ dẫn đến ổn định kinh tế và xã
hội rộng lớn hơn, và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng
nhanh hơn trong dài hạn,” nhà kinh tế Joseph Stiglitz đã
lập luận trong cuốn sách ông xuất bản năm 2002,
Globalization
and Its Discontents
[Toàn cầu hóa và những nỗi bất bình]. “Trong cuộc
chạy đua giữa con rùa và con thỏ, hình như con rùa lại
thắng cuộc một lần nữa.” Lý giải này đã thu hút
những người trong khối Xô-viết cũ khi họ nhận thấy
các đặc quyền của mình bị tiến trình tự do hoá đe
dọa và những người ở phương Tây mất lòng tin vào các
thế lực kinh tế thị trường. Nhưng lý luận như vậy
là sai lầm: khoảng giữa thập niên 1990, các nước theo
đuổi cải tổ một cách nhiệt tình đã thành công vượt
bậc so với những nước trì hoãn cải tổ.
Chỉ
nhìn sơ vào các dữ liệu cũng đủ cho ta hậu thuẫn kết
luận này. Để đo lường tiến độ của sự cải tổ,
chúng tôi dựa vào các chỉ số được Ngân hàng Tái
thiết và Phát triển châu Âu đưa ra, điều chỉnh chúng
để định cho mỗi nước một số điểm hàng năm từ 0
đến 100, tùy theo mức độ mà nước đó tiến gần đến
kinh tế thị trường tự do. Chúng tôi gọi những nước
vượt lên trên 40 điểm trong ba năm đầu của thời kỳ
quá độ là “những nước cải tổ triệt để [radical
reformers].” Chín quốc gia hội đủ tiêu chuẩn này: Cộng
hòa Séc, Estonia, Hungary, Estonia, Ba Lan, Nga, và Slovakia.
Chúng tôi gọi những nước có điểm từ 25 đến 40 là
những nước “cải tổ tuần tự [gradual reformers],” và
những nước chưa vươn tới 25 điểm là “những nước
cải tổ chậm [slow reformers].”
Việc
so sánh thành tích kinh tế của ba nhóm nước này cho thấy
rằng những cải tổ nhanh chóng hơn và triệt để hơn sẽ
giảm thiểu, chứ không tăng thêm khó khăn kinh tế. Công
bằng mà nói, khi bắt đầu quá trình chuyển đổi, các
nước thuộc nhóm cải tổ triệt để đã chứng kiến sự
suy giảm sản lượng trầm trọng hơn một chút so với
các nước thuộc nhóm cải tổ tuần tự. Nhưng sau ba năm,
những nước cải tổ triệt để đã xốc tới phía
trước, vượt xa các nước cải tổ tuần tự. Trong khi
đó, những nước cải tổ chậm gặp nhiều khó khăn nhất
và ngày nay tiếp tục tụt hậu so với hai nhóm kia.
Cuối
cùng những nước cải tổ tuần tự đã bắt kịp những
nước cải tổ triệt để, nhưng việc này chỉ xảy ra
sau nhiều năm chịu thiệt thòi vì phải trả giá đắt
cho hiệu quả thấp [underperformance]. So với những nước
hăng hái đi theo thị trường tự do, những nước cải tổ
tuần tự mất nhiều thời gian hơn để lấy lại mức
tiêu thụ hộ gia đình đã có trước đó và để ổn
định giá cả lạm phát. Và trong mức độ người ta có
thể phán đoán, dựa vào các dữ liệu thống kê hiện
có, nạn thất nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến
những nước chậm cải tổ như Armenia và Madedonia, nghiêm
trọng hơn các nước khác cùng kinh qua thời kỳ quá độ.
Nhìn chung, không có bằng chứng nào cho thấy đường lối
cải tổ tuần tự có thể giảm bớt sự nhức nhối của
quá trình chuyển đổi. Tất cả mọi dấu hiệu đều chỉ
theo chiều ngược lại: chính những con thỏ, chứ không
phải những con rùa, đã thắng cuộc đua. Nhiều con
rùa cuối cùng cũng theo kịp, nhưng chỉ sau khi lặn lội
một hành trình gian khổ hơn.
Ngoài
sự khác biệt vì cải tổ nhanh hay chậm, một mô hình
nổi bật khác phát sinh từ vị trí địa lý của một
quốc gia ở trong khu vực. Những tiên đoán trước đây,
rằng tất cả các nước đang chuyển đổi rồi sẽ giống
các quốc gia phương Tây, đã không trở thành hiện thực.
Quá trình hội tụ quả thật đã diễn ra, nhưng ở hướng
khác: giữa các nước hậu cộng sản và các lân bang phi
cộng sản. Trên nhiều phương diện, các quốc gia hậu
cộng sản đã trở nên tương tự với những nước phi
cộng sản gần biên giới của chúng nhất.
Những
quốc gia Baltic xích gần với Phần Lan hơn, những nước
trong vùng Caucasus xích gần với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hơn.
Những quốc gia Trung Á trở nên gần giống với
Afghanistan và Iran hơn. Những nước Trung Âu thì xích gần
với Áo và Đức hơn, nhưng thỉnh thoảng vẫn được các
nước láng giềng ở phía Đông níu kéo. Có vài ngoại lệ
đối với mô hình này – đáng lưu ý nhất là Belarus,
một nước đã trở nên độc tài hơn so với những nước
hậu cộng sản láng giềng. Nhưng trong hầu hết mọi
trường hợp, sau khi thoát khỏi gọng kềm của Moscow, các
chư hầu Xô-viết cũ đã nhanh chóng bung ra, hội nhập vào
môi trường khu vực của mình.
Các
đặc tính của những nước láng giềng không cộng sản
gần gũi nhất của mỗi quốc gia vào thời điểm 1990 có
thể gợi ý mạnh mẽ về đường hướng phát triển sau
này của quốc gia đó. Nếu xét đến khởi điểm của
từng nước, chúng ta sẽ thấy rằng hễ các nước láng
giềng phi cộng sản càng giàu có, càng dân chủ và càng
tự do về mặt kinh tế, thì cuối cùng nước hậu cộng
sản đó sẽ trở nên giàu có, dân chủ và tự do về mặt
kinh tế hơn trước. Sự hội tụ này còn biểu hiện
trong nhiều cung cách tế nhị hơn nữa – chẳng hạn,
trong tỉ lệ sinh viên đăng ký vào đại học, trong mức
tiêu thụ rượu cồn, và thậm chí trong tuổi thọ trung
bình. Đôi khi, các nước láng giềng còn ảnh hưởng trực
tiếp lên viễn ảnh phát triển của những nước hậu
cộng sản này, như trường hợp quân chiến đấu Hồi
giáo từ bên kia biên giới Afghanistan tấn công vào
Tajikistan hay khi các công ty Đức thành lập các nhà máy
sản xuất tại Cộng hòa Séc. Nhưng một động lực quan
trọng hơn thúc đẩy tính đồng qui này chắc hẳn là
những đặc tính văn hóa cơ bản đã có trước chế độ
cộng sản và các biên giới quốc gia hiện nay.
NHỮNG
KỲ VỌNG TO LỚN
Mười
năm về trước, chúng tôi đã lập luận trong tạp chí
này rằng Nga đã trở thành “một quốc gia bình thường,”
với các khuyết tật chính trị và kinh tế tương tự
khuyết tật của những quốc gia cùng trình độ phát
triển. Chúng tôi dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của
Nga sẽ tiếp diễn, đồng thời hiện đại hóa xã hội
theo bước phát triển đó. Tiên đoán này đã trở thành
hiện thực: GDP tính theo đầu người của Nga đã tăng
thêm 39 phần trăm kể từ năm 2004, và sự thâm nhập
Internet tại Nga đã tăng lên 4 lần, qua mặt Hy Lạp.
Quay
sang chính trị, chúng tôi phác họa hai kịch bản có thể
xảy ra. Kịch bản thứ nhất nêu lên “sự cạnh tranh
ngày một gia tăng giữa các đảng phái dân chủ và sự
xuất hiện của một xã hội dân sự ngày một vững mạnh
hơn.” Kịch bản thứ hai tiên đoán một “sự tuột dốc
hướng tới một chế độ độc tài được quản lý bởi
các cán bộ nhà nghề trong ngành công an dưới chiêu bài
của các thủ tục dân chủ hình thức.” Tiên đoán của
chúng tôi cho rằng Nga sẽ vạch ra một con đường nằm
giữa hai thái cực này – một tiên đoán hóa ra là quá
lạc quan, xa vời thực tế. Cuối cùng, Tổng thống Nga đã
chọn phương án thứ hai.
Việc
Putin chọn con đường độc tài rõ ràng làm cho Nga trở
thành nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, việc này vẫn
chưa làm cho Nga trở nên bất bình thường về mặt chính
trị. Thật vậy, trên một biểu đồ đối chiếu chỉ số
Chính thể [Polity scores] của nhiều quốc gia khác nhau với
chính lợi tức của chúng, Nga vẫn chỉ chệch hướng một
chút so với mô hình tổng quát. Đối với một nước có
lợi tức quốc gia như Nga, chỉ số Chính thể dự kiến
vào năm 2013 là 76 trên thang điểm 100. Chỉ số thực của
Nga là 70, ngang hàng với Sri Lanka và Venezuela.
Nếu
Nga thậm chí trở nên giàu có hơn nữa mà không chịu tự
do hóa chính trị, nó mới thực sự trở thành bất bình
thường. Chỉ có ba nhóm nước giàu hơn Nga hiện nay là
các nước dân chủ phát triển, các nước độc tài dầu
lửa (hầu hết nằm trong vùng Vịnh Ba Tư), và các quốc
gia đô thị (city-states) như Singapore và Macao. Rõ ràng là
Nga không thể trở thành một quốc gia đô thị, và nó
không có đủ tài nguyên thiên nhiên để trở thành một
nước độc tài kiểu Ả-rập. (Lợi tức từ dầu khí
hàng năm của Nga là 3.000 USD mỗi đầu người, so với
34.000 USD đối với Kuwait.) Vì thế Nga hiển nhiên phải
chọn giữa trải qua bế tắc kinh tế và theo đuổi phát
triển kinh tế song song với dân chủ hóa mạnh mẽ hơn
trước. Hiện nay, Điện Kremlin có vẻ quyết tâm đi theo
lựa chọn thứ nhất, nhưng những lựa chọn của nó có
thể thay đổi theo thời gian.
Tuy
vậy, chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng của Nga chắc
chắn không làm cho thế giới sao lãng những tiến bộ
ngoạn mục của khu vực hậu cộng sản này nói chung. Hai
mươi lăm năm về trước, những nước thuộc về khối
Đông tiêu biểu cho một trong hai nền văn minh loại trừ
lẫn nhau trên thế giới [an alternative civilization]. Vào lúc
đó mà tưởng tượng chúng nhanh chóng hòa nhập vào dòng
chính toàn cầu [the global mainstream], phải cần đến một
sự bạo gan nào đó. Thời kỳ quá độ đã gây ra không
ít thất vọng. Nhưng nhìn chung, những thay đổi từ năm
1989 đến nay là một thành công nổi bật.
Đã
đến lúc phải xét lại cái cảm thức sai lầm về giai
đoạn này. Những cải tổ thị trường, những nỗ lực
xây dựng dân chủ, những cuộc tranh đấu chống tham
nhũng đã không thất bại, mặc dù chúng vẫn chưa hoàn
tất. Luận điệu cho rằng một đường lối cải tổ
kinh tế tuần tự sẽ có hiệu quả hơn và ít gây đau
đớn hơn đã bị các bằng chứng dữ liệu bác bỏ. Thời
kỳ quá độ hậu cộng sản không hề cho thấy sự bất
cập của chủ nghĩa tư bản tự do hay sự rối loạn chức
năng của thể chế dân chủ. Nói đúng hơn, nó chứng
minh tính ưu việt và lời hứa hẹn trường tồn của cả
hai.
.
-----------------
.
ANDREI
SHLEIFER là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard. DANIEL
TREISMAN là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học
Calfornia, Los Angeles, và là tác giả cuốn The
Return: Russia’s Journey From Gorbachev to Medvedev
[Trở về thế giới bình thường: Hành trình của Nga từ
Gorbachev đến Medvedev.]
Hình:
Baku, thủ đô Azerbaijan ngày nay
.
Nguồn:
Dịch từ bản tiếng Anh: “Normal
Countries. The East 25 Years After Communism”. Foreign Affairs
số tháng Mười Một/Mười Hai 2014.
.
Bản
tiếng Việt @ 2014 Trần Ngọc Cư & pro&contra
No comments:
Post a Comment