Saturday 29 November 2014

Chữ Tầm liền với chữ Tâm một vần (Đoàn Thanh Liêm)



06:58:am 29/11/14

Bertrand Russell là một trong những người trí thức nổi danh bậc nhất của nước Anh trong thế kỷ XX. Ông là một giáo sư dậy môn Tóan tại đại học danh tiếng Cambridge và là tác giả của cuốn sách đồ sộ về Tóan học được giới hàn lâm trí thức ca tụng, mà có nhan đề là Principia Mathematica. Nhưng ông lại có nhiều tư tưởng độc đáo táo bạo – đặc biệt là chủ trương chống chiến tranh nên đã gây ra nỗi bất mãn khó chịu cho nhiều người.

Riêng tôi, thì tôi rất tâm đắc với 2 câu thật ngắn gọn ông khuyên nhủ các bạn trẻ nguyên văn tiếng Anh như sau : “Let’s have the Right Thinking” và “Let’s have the Nice Feeling”. Chữ Right Thinking này có hàm ý như chữ Trí; và chữ Nice Feeling thì cũng tương tự như chữ Nhân – trong 3 chữ “Nhân, Trí, Dũng” mà cha ông chúng ta vẫn sử dụng để nói lên phẩm chất cao quý của người trượng phu quân tử vậy.

Khi còn bị giam giữ nơi trại tù Z30D ở Hàm Tân Phan Thiết vào những năm từ 1992 đến 1996, tôi đã khai triển ý nghĩa của hai câu đó trong bài thơ song ngữ Việt Anh mà bản tiếng Việt có nhan đề là “Nói với các bạn trẻ”- trong đó có mấy câu đầu như sau : “Hãy Suy nghĩ Chính xác” và “Hãy có Lòng Nhân hậu”.(Toàn văn bài thơ sẽ được ghi trong phần Phụ chú kèm theo bài này)

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài suy nghĩ liên quan đến họat động của người trí thức vốn được dân tộc và đất nước cung ứng cho bao nhiêu phương tiện vật chất tinh thần và cơ hội tốt đẹp để trau dồi kiến thức, cũng như nâng cao phẩm chất cuộc sống cho bản thân mỗi người. Xin lần lượt trình bày vấn đề qua mấy mục sau đây.

I – Trước hết là bàn về cái tầm nhìn trong thời đại văn minh tiến bộ hiện nay.

Thế giới quanh ta mỗi ngày một tiến bộ nhờ những phát minh đột phá về mặt khoa học kỹ thuật, nhờ sự phát triển kinh tế thương mại, nhờ sự giao lưu tiếp súc mở rộng khắp mọi quốc gia và nhờ cả về tinh thần bao dung hòa ái giữa các dân tộc – đặc biệt kể từ sau khi thế chiến II chấm dứt vào năm 1945.

Đó là xét về bối cảnh chung của thế giới ngày nay ở vào đầu thế kỷ XXI. Còn riêng đối với nước Việt nam chúng ta trong khu vực Đông Nam Á châu, thì ta có thể ghi ra một vài nhận xét đơn giản đại khái như sau.

1 – Chỉ cần nhìn qua mấy nước láng giềng với ta như Singapore, Đài Loan, Đại Hàn, thì vào năm 1960 họ cũng còn ở mức độ kém phát triển giống như ta thôi. Ấy thế mà bây giờ sau có 50 năm, mà họ đã bứt đi xa quá – vượt hơn Việt nam ta biết bao nhiêu lần về đủ mọi phương diện kinh tế vật chất, khoa học kỹ thuật và nhất là xã hội ổn định hài hòa, ngăn nắp đâu ra đấy v.v… Những nước này trước năm 1945, thì đều bị các nước khác xâm chiếm đô hộ – cụ thể như Đài Loan, Đại Hàn thì bị Nhật chiếm đóng, Singapore thì là  thuộc địa của đế quốc Anh. Vậy mà chỉ sau vài chục năm giành lại được chủ quyền độc lập, họ đã bắt tay xây dựng được thành một quốc gia cường thịnh được sự nể trọng của mọi người trên khắp thế giới.

Cái kinh nghiệm thành công của các nước bạn láng giềng này cần được phân tích tìm hiểu cặn kẽ để giúp cho người Việt chúng ta rút ra được một bài học thực tiễn và hữu ích có thể đem ứng dụng vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đất nước mình vậy.

2 – Có thể nói cả ba nước này đều có những đặc tính tương tự nhau, đó là : Chính quyền Nhà nước (the State) luôn nghiêm túc bảo đảm sự tự do kinh doanh của Thị trường Kinh doanh (the Marketplace) và cũng thực tâm tôn trọng tính cách độc lập của Xã hội Dân sự (the Civil Society). Nhờ vậy, mà mọi thành phần dân tộc có đủ mọi điều kiện để mà phát huy tính sáng tạo của mình hầu tạo được một Không gian Xã hội (the Social Space) thật là thông thóang, cởi mở và nhân ái hài hòa.

Mặt khác, cả ba quốc gia này đều tích cực cố gắng mở rộng việc bang giao chính trị văn hóa xã hội – cũng như phát triển mạnh mẽ việc trao đổi buôn bán làm ăn với thế giới bên ngòai. Nhờ có sự hội nhập mật thiết và êm thắm như thế đối với cộng đồng thế giới mà họ đã gặt hái được bao nhiêu thành công thắng lợi về nhiều phương diện cho đất nước – trong khi vẫn giữ được chủ quyền độc lập và uy tín cho riêng dân tộc của mình.

3 – Trong khi đó, nếu mà nhìn cho kỹ lại nước Việt nam của mình trong 40 năm qua kể từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, thì chúng ta thấy tình hình thực tế ra sao?

Phải nói thẳng thắn rằng chế độ độc tài chuyên chế toàn trị do đảng cộng sản áp đặt trên cả nước là nguyên nhân chính yếu đã gây ra sự trì trệ lạc hậu cực kỳ tệ hại cho dân tộc chúng ta hiện nay. Chính quyền cộng sản không những nắm giữ độc quyền về chính trị, mà còn cả về kinh tế, xã hội và văn hóa nữa. Đảng cộng sản còn khống chế cả đến toàn bộ khu vực Xã hội Dân sự và nặng tay đàn áp đối với các tổ chức tôn giáo nữa. Rõ ràng là họ đã gây chia rẽ, rối lọan bất an trong mọi tầng lớp dân tộc với chủ trương phân biệt giữa Ta và Địch – tức là giữa những người thuộc phe nhóm bè lũ của riêng họ với những người không chịu ngoan ngõan rắp mắt quỵ lụy tuân theo họ. Đối với những người bất đồng chính kiến này, thì họ gán cho cái nhãn hiệu là “Thế lực thù địch”, “Phần tử lạc hậu phản cách mạng”, “Âm mưu Diễn biến Hòa bình” để mà thẳng tay trấn áp, diệt trừ – mà không hề còn một chút xót thương thông cảm nào đối với đông đảo số đồng bào cùng chung máu đỏ da vàng như chính họ.

Nói cho gọn hơn, thì với chủ trương cực đoan quá khích giáo điều Marxist – Leninist, người cộng sản ở nước ta đã gây chia rẽ trầm trọng giữa các tầng lớp trong đại khối dân tộc. Họ chính là lọai người “gây phân chia” mà trong tiếng Anh gọi là “the dividers” – khiến làm khuấy động rối lọan tòan thể cái không gian xã hội của dân tộc chúng ta. Dù có sự “Đổi mới” với sự nới rộng quyền tự do kinh doanh từ gần 30 năm nay – thì về phương diện chính trị, xã hội văn hóa – chính quyền cộng sản vẫn còn gồng mình xiết chặt hạn chế không cho người dân được tự do phát huy óc sáng tạo của mình để góp phần vào việc nâng cao vị thế của đất nước ta lên cho xứng với tầm văn minh tiến bộ đích thực của thời đại ngày nay vậy.

II – Bàn về cái Tâm của lớp người trí thức hàn lâm ở nước ta.

Dân gian ta vẫn thường nói đến chữ Tâm kèm theo với vài ba chữ khác nữa, cụ thể như chữ Tâm an”, “Tâm hoà”, “Tâm bình”, “Tâm ngay thẳng”, Tâm trong sáng”, “Trực tâm” – ngược lại là những chữ “Ác tâm”, “Hắc tâm”, “Tà tâm”, “Tâm đen tối” v.v… Cụ Nguyễn Du cũng phát biểu đanh thép trong Truyện Kiều rằng : “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” – đó là chủ ý đề cao cái giá trị căn bản trong cuộc sống con người giữa nhân quần xã hội. Cụ Tiên Điền muốn nhắc nhủ con cháu cần phải chú trọng trau dồi cái phần đạo đức, cái tấm lòng ngay thẳng để mà sống cho có nhân, có nghĩa – đó là điều quan trọng cần thiết hơn nhiều so với chuyện bồi dưỡng tài năng trí tuệ ở học đường. Điều này rõ ràng là theo sát với lời dậy bảo của cha ông ta từ xưa được gói ghém trong một câu ca dao tục ngữ  rất quen thuộc, đó là câu nói : “Tiên học Lễ, Hậu học Văn”. Chữ Lễ ở đây có hàm ý là Lễ nghĩa, Đạo đức. Còn chữ Văn bao gồm Văn hóa, Kiến thức v.v…

Nhìn vào xã hội ngày nay tại nước ta sau 70 năm dưới chế độ độc tài chuyên chế cộng sản, thì hệ thống giá trị đạo đức đã bị băng họai, xuống cấp trầm trọng – con người bị lây nhiễm rất nặng cái tật dối trá, lươn lẹo, lừa bịp phản bội lẫn nhau ở mọi nơi, mọi lúc. Cán bộ chính quyền nhà nước chuyên môn lừa dối người dân, bưng bít tin tức, dùng ngôn ngữ xảo trá qua báo chí, phát thanh, truyền hình mỗi ngày – mãi rồi người dân cũng khám phá ra tỏ tường cái mặt thật sai trái lem luốc của đảng cộng sản, của chính quyền nhà nước. Và đối lại, người dân cũng phải tìm cách đối phó lại với nhà nước bằng lối dối trá, đóng kịch giả vờ, “nghĩ một đàng, nói một nẻo”. Vì nhà nước dùng công an mật vụ, nhà tù để đe dọa trấn áp những người bất mãn chống đối – thì người dân cũng phải tìm mọi cách len lỏi, giấu giếm mà đưa ra những câu phê bình chỉ trích những sai trái, bất công áp bức do cán bộ gây ra đối với họ. Rõ ràng đó là cái thứ “Bia Miệng” xuất phát từ phía số đông quần chúng là nạn nhân của giới thống trị cộng sản vậy.

Những người đã từng sinh sống và làm việc lâu năm trong chế độ cộng sản, thì đã lần lượt tiết lộ cho công chúng biết được những dối trá, đểu cáng, thâm hiểm của giới cán bộ cao cấp chủ chốt – điển hình như Lê Đức Thọ, Lê Duẫn, Tố Hữu v.v… Cụ thể là trong những cuốn Hồi ký của Vũ Thư Hiên, cuốn “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức, cuốn “Những Lời Trăng Trối” của Trần Đức Thảo và cuốn mới nhất nhan đề là “Đèn Cù” của Trần Đĩnh – thì các tác giả đều đưa ra những chứng từ thật là trung thực, khả tín về sự xuống cấp băng họai về mặt luân lý đạo đức trong xã hội do giới lãnh đạo cộng sản gây ra. Người cộng sản chuyên môn chủ trương xúi giục lòng hận thù ân óan tàn bạo giữa các tầng lớp quần chúng – điển hình nhất là các vụ “tố điêu, tố gian” trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất hồi giữa thập niên 1950, theo đúng sự dàn dựng cố vấn của Mao Trạch Đông và bè lũ Trung cộng.

Kết cục là sự “gian dối, đểu cáng đã lên ngôi”, làm ung thối tận gốc rễ cái truyền thống nhân bản nhân ái – mà cha ông chúng ta đã khổ công vun đắp xây dựng từ bao nhiêu thế hệ trước đây hàng ngàn năm mới tạo ra được.

Đứng trước sự tàn phá đổ vỡ kinh hoàng về văn hóa đạo đức như thế, nhiệm vụ của giới sĩ phu quân tử là phải cố gắng hết mình để hợp lực sát cánh chặt chẽ với nhau – nhằm khởi động được một tiến trình phục hồi lại cái căn bản nhân đạo và nhân ái ngàn xưa của dân tộc. Đồng thời cũng phải có tinh thần hướng thượng, cầu tiến và phục thiện để mà tiếp nhận được cái hay, cái thiện hảo của thế giới hiện đại – hầu đem về bồi bổ thêm vào cho cái kho tàng vốn liếng tinh thần đã sẫn có của nước nhà.

Nói vắn tắt lại, là người sĩ phu trí thức vừa phải có tầm nhìn xa rộng để hiểu biết thấu đáo về tình hình tổng quát của đất nước trong thời đại tòan cầu hóa hiện nay (global vision) – mà cũng vừa phải có cái tâm thật trong sáng và nồng ấm với một tình yêu trọn vẹn để hy sinh hết mình cho đại nghĩa của dân tộc (total love). Có như vậy, thì đất nước chúng ta mới có cơ may vượt thóat khỏi sự thách đố bế tắc lớn lao hiện nay vào đầu thế kỷ XXI vậy./

Costa Mesa, California Tháng 11 Năm 2014.
© Đàn Chim Việt


COTODA says:
Đây là bài chính luận hay, vạch ra những dối trá, đểu cáng, thâm hiểm và tàn ác của chế độ VC hiện nay. với lời kêu gọi “người sĩ phu trí thức” góp phần làm cho đất nước thoát khỏi nhưng bế tắc hiện nay.

Xin chỉ góp ý đôi điều về Bertrand Russel:

Bertrand Russel và Jean-Paul Sartre là hai nhận vật nổi tiếng thế giới, thuộc cánh tả ủng hộ VC trong chiến tranh VN. Sau khi VC chiếm Miền Nam vào năm 1975, các đợt thuyền nhân liều chết vượt biển, chạy thoát VC trên những con thuyền mong manh, đã làm chấn động lương tâm thế giới. Jean-paul Sartre đã “sáng mắt”. Ông xin lỗi và rút lại những lời ủng hộ CS Hà Nội trước đây. Bertran Russel thì đã chết năm 1970. Về tư cách, tôi nghĩ Sartre “bảnh” hơn Russel. Sartre từ chối nhận giải Nobel vì không muốn bị ảnh hưởng đến công việc hoạt động chính trị cấp tiến của mình, trong khi đó, Russel nhận giải Nobel với số tiền thưởng lớn mà còn yêu cầu Hà Nội gửi tiền tài trợ để hoạt động thì làm sao vô tư được. Lên tiếng “Let’s have the Right Thinking” và “Let’s have the Nice Feeling”, Bertran Russel đã nói một đàng làm một nẻo. Phải biết lý luận và nhìn vào thực tế để thấy đâu là sự thật. Không nên quá tin vào người gọi là trí thức hay có tiếng tăm bởi vì “your doing right is not my doing wrong.”

Việc Jean-paul Sartre và một số nhận vật nổi tiếng xin lỗi và rút lại những lời ủng hộ CS Hà Nội trước đây cho thấy họ chỉ là những nhà lý thuyết,” chính khách salon”, không biết rõ thực tế CS. Chỉ những người sống dưới chế độ CS mới thấy và phải chịu đựng cái dã man, tàn bạo của CS. Bởi vậy, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã nói Bertrand Russel “đần” về chính trị:

Gửi Bertrand Rút-Xen

Ông là một bậc triết nhân
Nhưng về chính trị ông đần làm sao
Ông bênh Việt cộng ồn ào
Nhưng ông hiểu chúng tí nào cho cam
Mời ông tới Bắc Việt Nam
Xem nô lệ đói phải làm ra sao
Mời ông tới các nhà lao
Xem bò lợn được đề cao hơn người
Không ai kêu nổi một lời
Mồm dân Đảng khóa đã mười mấy năm
Xem rồi ông mới hờn căm
Muốn đem bọn chúng ra băm ra vằm
Tuổi ông ngót nghét một trăm
Nhưng thua cậu bé mười lăm đói gầy
Về môn “cộng sản học” này

NCT, 1968




No comments:

Post a Comment

View My Stats