Người
Việt
Thursday,
November 13, 2014 2:25:28 PM
Ông Ðặng Ngọc Dũng, bí thư huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, thay mặt chính quyền và 71 ngàn dân huyện Sơn Hà, nài nỉ chính quyền tỉnh Quảng Ngãi dẹp bỏ ba dự án thủy điện vừa kể nhưng chính quyền tỉnh này không thèm trả lời.
Theo
ông Dũng, toàn bộ huyện Sơn Hà (diện tích 75 cây số
vuông) nằm trong lưu vực sông Trà Khúc - con sông được
hợp thành bởi 4 nhánh: Ðakđrinh, Xà Lò, Tang và Re.
Tại huyện Sơn
Hà hiện đã có hai công trình lớn ở thượng nguồn là
thủy điện Ðakđrinh, với hồ chứa có dung tích 230 triệu
khối nước và thủy điện Nước Trong với hồ chứa có
dung tích 210 triệu khối nước.Nếu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Công Thương Việt Nam đồng thuận trong việc thực hiện ba dự án thủy điện: Sơn Trà 1, Ðakđrinh 2 và Sơn Tây, toàn bộ huyện Sơn Hà sẽ bị vây kín bởi các hồ chứa nước và đập thủy điện.
Ông Dũng cho biết, vào các năm 1964, 1986, 1999, 2009, huyện Sơn Hà đã từng bị lụt nặng vì mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày nhưng lúc đó bên trên không có hồ chứa nước, bên dưới không có đập thủy điện chặn nước thoát đi, thành ra thảm họa tuy nghiêm trọng vẫn không đáng sợ.
Bây giờ, nếu các dự án thủy điện được chấp thuận, toàn bộ huyện Sơn Hà sẽ bị vây bọc bởi các trái bom nước, khi trời đổ mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày, hậu quả chắc chắn rất kinh khủng.
Ông Dũng tiết lộ thêm rằng, ông đã nghe một “người trong cuộc” kể về việc mua bán giấy phép thực hiện dự án thủy điện Sơn Trà 1. Theo ông Dũng, dự án còn đang khảo sát tác động mà đã bàn bạc mua bán như thế thì rõ ràng họ đâu có quan tâm đến lợi ích chung.
Trả lời báo giới, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi bảo rằng, các cơ quan hữu trách đang “kiểm tra thực tế” trước khi có quyết định cuối cùng về việc có thực hiện ba dự án thủy điện: Sơn Trà 1, Ðakđrinh 2 và Sơn Tây hay không (?).
Tuy nhiên, một vài tờ báo đã tìm được một quyết định ký hồi tháng 9, theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã “cho phép triển khai thực hiện đối với ba dự án thủy điện đã được cấp chứng nhận đầu tư: Sơn Trà 1, Ðakđrinh 2 và Sơn Tây.”
Có vẻ như những cảnh báo về tác hại của các dự án thủy điện tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam không nặng bằng tiền. Dẫu cho thực tế chỉ ra rằng, việc cho phép thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện đã tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh.
Các dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26 ngàn gia đình, phần lớn là người thiểu số.
Những dự án thủy điện được cấp giấy phép để thực hiện tại Tây Nguyên và miền Trung được xem là nguyên nhân tăng thêm đói nghèo, đẩy dân chúng tới tột đỉnh của sự bần cùng, vì gây ra hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô, lũ lụt thường xuyên vào mùa mưa.
*Thủy điện tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường
Năm ngoái, sau khi thẩm tra các dự án thủy điện, Ủy Ban Khoa Học-Công Nghệ-Môi Trường của Quốc Hội Việt Nam, cho biết, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khoảng 30% đập chắn nước của các công trình thủy điện chưa được kiểm định. Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.
Sau khi Quốc Hội Việt Nam yêu cầu chính phủ Việt Nam báo cáo về “Quy hoạch tổng thể cho thủy điện,” đại diện chính phủ Việt Nam loan báo đã loại bỏ 424 dự án thủy điện. Trừ đi các dự án bị loại bỏ, tại Việt Nam vẫn còn 815 dự án, công trình thủy điện, trong đó có 205 dự án đang thi công hoặc dự kiến sẽ khai thác cho đến 2017.
Nói cách khác, những thảm họa đi kèm các dự án thủy điện vẫn lơ lửng trên đầu hàng chục triệu người cư trú ở Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam.
Trong bối cảnh như thế, việc chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Công Thương Việt Nam vẫn muốn thực hiện thêm ba dự án thủy điện ở huyện Sơn Hà rõ ràng là hết sức bất thường. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment