Hùng
Tâm/Người Việt
Wednesday,
November 12, 2014 1:59:35 PM
Các nước Đông Âu có thể được giải phóng khỏi hai tai ách là Chủ Nghĩa Cộng Sản và sự thống trị của nước Nga, nhưng cái trục của tội ác trên đại lục Âu Á là đế quốc Nga và Trung Quốc thì vẫn nằm dưới sự cai trị của hai lãnh tụ tập quyền là Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Vì sao vậy?
“Hồ Sơ Người Việt” xin đi sâu hơn thời sự để tìm ra giải đáp đôi khi có lợi... cho Việt Nam.
Chủ Nghĩa Marx Tiêu Vong?
Trước hết, việc bức tường chia đôi thành phố Berlin bị dân chúng đập nát vào Ngày Chín Tháng 11 năm 1989 để nước Đức được thống nhất dưới chế độ dân chủ và thoát khỏi vòng Nga thuộc thực tế đánh dấu sự tiêu vong của Chủ Nghĩa Marx, hay Marxism. Một thế hệ sau, là ngày nay, nhiều người không còn nhớ, và giới trẻ thì chẳng thể ngờ, rằng đã có một thời mà chủ nghĩa này khống chế tư duy của một phần nhân loại - và đem lại niềm mơ ước cho nhiều dân tộc.
Karl Marx, ít ra vào thời trẻ, không chỉ mô tả sự vận hành của xã hội con người một cách có vẻ khoa học mà còn đưa ra những lời tiên báo đầy hấp dẫn về tương lai nhân loại. Trong lời tiên báo ngụy danh là khách quan và khoa học, Marx còn châm thêm yếu tố luân lý. Thực hiện những tiên tri của Marx trở thành một đòi hỏi đạo đức.
Tuổi trẻ ở nhiều nơi trên thế giới bị mê hoặc bởi lý luận vừa khoa học vừa đạo lý ấy. Trong số này, có một thanh niên lưu manh láu cá là Nguyễn Tất Thành.
Và ở ngoài vòng toàn trị của hệ thống Xô Viết, các nước Âu Châu và nhiều xứ khác đã từ Chủ Nghĩa Marx mà đề cao tính chất tiến bộ (nội dung của khoa học) và công bằng (nội dung của đạo đức) của phong trào tự xưng là “Tân Tả” mà thực chất là cực tả. Khuynh hướng này tự cho là cách mạng và tiến bộ hơn chủ trương thiên tả cổ điển (Cựu Tả) của phong trào Đệ Nhị Quốc Tế (Đảng Xã Hội hay Lao Động trong các nước dân chủ).
Áp dụng lý luận cách mạng của Lênin, Liên bang Xô Viết và cả Trung Cộng đã cổ võ và yểm trợ phong trào Tân Tả ấy. Họ khích động và còn góp phần huấn luyện tuổi trẻ trong các xứ dân chủ (gọi là tư bản) theo đuổi giấc mơ cách mạng bằng hành động quá khích, kể cả khủng bố, bắt cóc và phá hoại. Ngày nay, nhiều người không còn nhớ hiện tượng đó và quên các nhóm khủng bố như Lữ Đoàn Đỏ, Con Đường Sáng, Chủ Nghĩa “Mao-ít”.... Họa may thì còn nhớ Khờme Đỏ!
Tuổi Trẻ Là Giai Cấp Tiên Tiến
Ngoài tính chất ý thức hệ - phần đóng góp của Marx, Lênin và Stalin (và Mao Trạch Đông sau này) - người ta còn thấy một đặc tính khá Âu Châu của hiện tượng. Đó là sự tôn sùng tuổi trẻ.
Tinh thần duy lý Âu Châu khiến nhiều người cho rằng theo mới là tiến bộ, và họ chấp nhận một định đề không thể bàn cãi: trẻ là có giá trị hơn già. Trên ba chục tuổi thì chỉ là đồ bỏ! Giấc mơ thông tục của nhiều người trung niên, là có việc làm, mua nhà, tậu xe, để có gia đình con cái, bị tuổi trẻ cho là phản động, tiểu tư sản, trưởng giả và tầm thường.
Tuổi trẻ đương nhiên đồng nghĩa với cách mạng!
Trở thành một giai cấp mới, họ ôm giấc mơ cách mạng vượt xa khuôn khổ đấu tranh giai cấp của Marx. Họ tấn công sự già nua lạc hậu của xã hội người lớn. Nhận thức của nhiều người, kể cả trong các thành phố Việt Nam, về cuộc chiến tại Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi trào lưu đó từ Âu Châu. Và được Hà Nội tận tình khai thác. Những con rối của “Lực Lượng Thứ Ba” múa may tại Sài Gòn cũng xuất phát từ hiện tượng này.
Ngày nay, nhiều người chẳng còn nhớ rằng đấy là một mớ hỗn độn và mâu thuẫn của Chủ Nghĩa Marx, của tuổi trẻ tiến bộ, của tinh thần chống Mỹ, của nghiệp vụ KGB. Và cũng quên rằng đã có thời người ta ý luận hòa bình chỉ thành hình qua bạo động trong các nước dân chủ. Trong các nước theo Chủ Nghĩa Marx thì không thể có nghịch lý đó.
Nói cho phũ phàng, tuổi trẻ đã được thổi phồng và bị kẻ gian lợi dụng.
Chủ Nghĩa Mác-Lê cấp cứu
Với nhiều người, việc bức tường Bá Linh sụp đổ đánh dấu sự cáo chung của Chủ Nghĩa Marx.
Nhưng người lạc quan về xu hướng dân chủ tất yếu - một quy luật khách quan cũng tất định như lý luận của Marx - lại chẳng thấy rằng phong trào Tân Tả năm xưa vẫn tồn tại. Những kẻ tự xưng là cách mạng đó cho rằng chế độ Xô Viết đi ngược với lý luận của Marx, đã phản bội Chủ Nghĩa Cộng Sản, chứ chủ nghĩa này vẫn có giá trị.
Nhiều người mới tinh vi hóa lý luận của Marx qua chủ nghĩa Mác-Lênin và cách tổ chức lại kinh tế và xã hội theo kiểu độc tài rất xứng tài Stalin.
Thí dụ như sau vụ khủng hoảng Thiên An Môn và sau khi bức tường Bá Linh tan rã, Bắc Kinh vuốt nhọn giải pháp cứu vãn Chủ Nghĩa Cộng Sản bằng kinh tế thị trường mà thực chất là cứu vãn quyền độc tài của một đảng tự xưng là Cộng Sản. Họ cho rằng vụ bức tường Bá Linh chỉ là tai nạn xuất phát từ sai lầm của Michael Gorbachev. Chứ hình như là Marx vẫn có lý!
Việt Nam học tấm gương đó của Trung Quốc mà rơi vào hố thẳm của một chủ nghĩa khác.
Sau biến cố Bá Linh 89, nhiều nhà tư tưởng cho rằng trào lưu dân chủ toàn cầu là quy luật chung của nhân loại. Họ quên một động lực tiềm ẩn vẫn còn chi phối chánh sách của nhiều quốc gia. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc được đề cao để bảo vệ chủ nghĩa đế quốc. Hai cái trục tội ác ở đại lục Âu-Á cũng là nơi phát huy chủ nghĩa đế quốc đó, tại liên bang Nga và Trung Quốc.
Chủ nghĩa đế quốc Nga hồi sinh
Khi nhớ lại bức tường đổ, chúng ta phải trở về nguyên thủy, từ Liên Xô đến Trung Cộng.
Không có Lênin thì Chủ Nghĩa Marx chỉ là một chuỗi lý luận hàm hồ và phản khoa học. Lênin khai triển lý luận về chuyên chính vô sản bằng những tư tưởng toàn trị và hoàn thành cách mạng vô sản ở nơi mà Mark không ngờ tới, tại nước Nga. Nhưng người tiêu diệt cái lý tưởng hay ảo tưởng của Marx chính là Stalin, một lãnh tụ mà Mao cho là duy nhất đáng kính trọng.
Stalin không tiến hành đấu tranh giai cấp như Marx dự báo mà khuynh đảo cả đảng cách mạng lẫn dân Nga và nhiều sắc tộc khác. Sau đó, Mao cũng chẳng làm khác tại Trung Quốc. Việc xây dựng “con người Xô Viết” là dự tưởng điên khùng cho nên về sau chữ gọi “Homo Sovieticus” mới trở thành lời châm biếm. “Con người mới xã hội chủ nghĩa” của Hồ Chí Minh là một sao bản của sự điên khùng này.
Sau khi Krushchev giải trừ ảnh hưởng của Stalin - với hậu quả dội vào Trung Quốc rồi miền Bắc Việt Nam - ông ta cũng muốn xây dựng lại “Chủ Nghĩa Cộng Sản đích thực” không có màu sắc Stalin, mà thất bại và Liên Xô tụt hậu. Các lãnh tụ đã lật đổ Krushchev như Leonid Brezhnev, Alexei Kosygin hay Nikolai Podgorny chẳng làm gì hơn là chứng tỏ khả năng tồn tại dưới chế độ Stalin. Lãnh đạo lâu nhất (18 năm) sau ba chục năm hắc ám của Stalin, Brezhnev chỉ lo củng cố quyền lực hơn là canh tân nước Nga và chế độ mới lụn bại vô phương cứu vãn.
Từ biến cố Bá Linh 89, sau khi Liên Xô tan rã, Boris Yeltsin không xây dựng được dân chủ mà cũng chẳng hiện đại hóa xứ sở cho tới khi trao quyền cho Vladimir Putin. Trong 15 năm cầm quyền, Putin ưu tiên củng cố quyền lực và tìm ra một động lực khác. Không phải Chủ Nghĩa Marx đã phá sản hoặc chưa bao giờ là “hiện thực,” mà là chủ nghĩa đại Nga, với đặc tính tôn giáo là chính thống giáo, đặc tình sắc tộc là dân Nga la tư da trắng và đặc tính chính trị là tập quyền.
Nghĩa là sau Chủ Nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa dân tộc cũng biện minh cho độc tài.
Chủ nghĩa đại Hán tái xuất hiện
Ở cực bên kia, Đặng Tiểu Bình có viễn kiến và bản lãnh hơn Brezhnev của Nga.
Ông ta không chỉ hài lòng với việc ba lần “thăm chuồng bò” - là bị cải tạo - mà vẫn tồn tại dưới chế độ Mao. Đặng làm cách mạng thật - nhưng ngược với lý luận của Marx - và xây dựng chế độ với phương pháp của Lênin và Stalin. Hậu duệ của ông, các thế hệ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình ngày nay đã tiếp tục việc đó, ngày một tinh vi hơn, với nhiều phương tiện hơn trước.
Nhưng trên đỉnh của sự phục hưng sau 150 năm lụn bại, các lãnh tụ của Bắc Kinh tìm lại truyền thống cũ, là ưu thế “bất khả tư nghị,” không thể cãi bàn, của chủ nghĩa Đại Hán. Cách mạng kiểu Marx là sự lỗi thời, nhưng phương pháp Cộng Sản là khí cụ hiện đại để phát huy sức mạnh của Hán tộc. Còn khẩu hiệu “bốn phương vô sản là nhà” chỉ là sản phẩm xuất cảng, mà chỉ xuất cảng cho Việt Nam. Nói cho đúng hơn là chỉ bán cho Ba Đình, cho Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Khi điểm lại biến cố Bá Linh 89, người Việt chúng ta không nên quên vài sự kiện.
Sau khi Gorbachev tiến hành cải cách glasnost và perestroika để cứu chế độ, có bốn lãnh tụ Đông Âu chống lại nỗ lực này. Họ bị Gorbachev gọi là “Bè Lũ Bốn Tên.” Cũng tứ nhân bang! Trong số đó, Erick Honecker của Đông Đức là nhân vật bảo thủ nhất. Ba người kia là Nicolae Ceaucescu của Romania, Gustav Husak của Tiệp Khắc và Todor Zhikov của Bulgaria.
Khi dân Đông Đức bắt đầu biểu tình vào mùa Thu 1989, cũng lại là một “Cách Mạng Mùa Thu, và thậm chí rượt đuổi Honecker, thì cũng là lúc Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đang thăm nước Đức tiên tiến của xã hội chủ nghĩa. Ông ta giật mình về biến cố cực kỳ bất ngờ này.
Sự hốt hoảng rồi tuyệt vọng của một lãnh tụ Đảng Cộng Sản Việt Nam mới dẫn tới Hội nghị Thành Đô vào năm 1990. Nghĩa là lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tìm chỗ tựa là Trung Cộng để rồi rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa Đại Hán. Và mở ra thời Bắc thuộc mới, với màu sắc Cộng Sản.
Kết
luận ở đây là gì
Sau khi mê hoặc thế giới không Cộng Sản, Chủ Nghĩa Marx là sự hàm hồ đã tiêu vong cùng gạch vụn của bức tường Bá Linh. Nhưng nhiều phương pháp gian ác của các nước Cộng Sản thì vẫn tồn tại. Phương pháp đó mới độc địa hơn những lý luận của Marx.
Việt Nam chẳng đóng góp gì cho sự nghiệp quốc tế đó. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự cóp nhặt nhảm nhí. Khi lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tiếp tục con đường sai lầm của Marx thì xứ sở tất nhiên tụt hậu.
Một hậu quả của việc bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989 là Việt Nam càng thêm lệ thuộc Trung Quốc. Chỉ vì lãnh đạo Hà Nội muốn bảo vệ một ý thức hệ lỗi thời.... Còn gì bất ngờ hơn sự phi lý này?
Sau khi mê hoặc thế giới không Cộng Sản, Chủ Nghĩa Marx là sự hàm hồ đã tiêu vong cùng gạch vụn của bức tường Bá Linh. Nhưng nhiều phương pháp gian ác của các nước Cộng Sản thì vẫn tồn tại. Phương pháp đó mới độc địa hơn những lý luận của Marx.
Việt Nam chẳng đóng góp gì cho sự nghiệp quốc tế đó. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự cóp nhặt nhảm nhí. Khi lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tiếp tục con đường sai lầm của Marx thì xứ sở tất nhiên tụt hậu.
Một hậu quả của việc bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989 là Việt Nam càng thêm lệ thuộc Trung Quốc. Chỉ vì lãnh đạo Hà Nội muốn bảo vệ một ý thức hệ lỗi thời.... Còn gì bất ngờ hơn sự phi lý này?
No comments:
Post a Comment