Monday, 25 November 2013

XIN HÃY NHÂN ĐẠO MÀ THẢ TỰ DO CHO BỐ TÔI & TẤT CẢ CÁC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM TRÊN ĐẤT NƯỚC ĐAU KHỔ NÀY (Đinh Phương Thảo - Dân Luận)




Đinh Phương Thảo
Thứ Ba, 26/11/2013


Lại thêm một người Tù Nhân Lương Tâm nữa đã ra đi trong ngục tối! Nhận được hung tin mà trong lòng thấy nghẹn, không thể cất lên thành lời. Cầu mong linh hồn người quá cố được siêu thoát, cầu cho vong linh của người quá cố bảo vệ che chở cho sinh mạng của bố con và những người Tù Nhân Lương Tâm khác đang chịu cảnh đọa đày.

Cái chết của những Bùi Đăng Thủy, những Trương Văn Sương, những Nguyễn Văn Trại, thực sự đã làm cho tất cả những ai yêu chuộng công lý hòa bình phải bật khóc. Vâng, không khóc sao được, khi đã 38 năm kể từ ngày “nước nhà thống nhất” mà vẫn còn cảnh ai oán bi thương trên khắp đất nước này. Họ gầy gò, họ nhỏ bé, họ đau đớn, bệnh tật và họ chêt trong cô đơn, không người thân thích. Những con người này, liệu họ còn có khả năng gây nguy hại gì cho đất nước, mà tại sao các vị lãnh đạo nhà nước còn cầm tù họ? Nhưng các vị có biết không? Bạo quyền của các vị chỉ có thể giam cầm thân xác con người ta thôi, không thể nào giam cầm được ý chí và tâm hồn của họ. Mãi mãi không bao giờ!

Bố cũng thế. Chỉ đơn giản là một con NGƯỜI đúng nghĩa, không thể không lên tiếng trước những bất công xã hội, không thể im lặng trước vi phạm, chà đạp nhân quyền, cho nên bố đã cất lên tiếng nói. Bố góp ý phê bình công tác giáo dục của tỉnh Đắk Nông nơi mà bố đang công tác thì bị người ta đe dọa cho nghỉ việc. Bố kêu gọi nhà nước chính quyền ngừng khai thác boxit Nhân Cơ - Đăk Nông, thì bị công an mời đi làm việc. Bố không tham gia bất kỳ một tổ chức, đảng phái chính trị nào cả. Ấy vậy nhưng người ta vẫn bất công, vẫn ngồi lên luật pháp và giáng cho bố bản án 6 năm đầy nghiệt ngã. Có nơi nào trên thế giới này như đất nước tôi không?

Còn nhớ, vào tháng 10/2010, trong ngày lễ tốt nghiệp đại học của con, đã không có bố mẹ đến dự. Ngày đó, con đã vô tình khi không biết thời gian con ở Sài Gòn học hành, là cũng bằng ấy thời gian bố bị chính quyền địa phương gây khó dễ, cản trở. Con không biết ngày con tốt nghiệp cũng là ngày mà chế độ này huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây nhà ta, đến đánh cướp cái máy tính là tài sản bố mua cho con để phục vụ con học tập. Để rồi một năm sau, cũng vào một ngày tháng 10, sau cái ngày nghe tin nhà độc tài Gaddafi bị tiêu diệt, thì họ lại dùng đội quân hùng hậu ấy đến để bắt bố. Ngày ấy, con cũng đã không có mặt ở nhà để chứng kiến. Mẹ và em đã tan nát cõi lòng khi nhìn thấy cảnh người ta bắt bố đi khi bữa cơm chiều mẹ còn chưa kịp chuẩn bị cho bố…

Bố bị tạm giam, bố bị người ta đánh đập trong nhà tù, bố tuyệt thực trong tù, bố đã phải mấy lần đi cấp cứu ở trạm y tế trại giam; mẹ và các con ở bên ngoài thì bị khủng bố tinh thần, không hay biết tình cảnh bố trong trại tạm giam như thế nào; thậm chí người ta còn đưa bố đi bệnh viện tâm thần Biên Hòa nhằm thực hiện một âm mưu bẩn thỉu. Cái lần người ta đưa bố đi bệnh viện tâm thần Biên Hòa, con may mắn được một bác tốt bụng liên lạc báo tin, con và mẹ tức tốc đến. Phải khó khăn lắm mới xin được gặp bố. Người trong song sắt bệnh viện, người ngoài song, được gặp bố mà sao lòng đau quá đỗi. Bố con đây - người thầy giáo mẫu mực mà chúng con hằng kính yêu - một người tâm trí sáng suốt tỉnh táo mà sao lại ở chung với các bệnh nhân tâm thần thế này. Một buổi sáng thứ 7, con và em lóc cóc đến bệnh viện tâm thần mong sao gặp bố, thì được thông báo người ta đã đưa bố về trại rồi. Con và em chỉ còn biết ôm nhau mà khóc, vô phương quá, quẫn bách quá. Họ đưa bố đi đâu, làm gì đều trong âm thầm lặng lẽ.

Những tưởng hết 4 tháng tạm giam, họ sẽ đưa bố về. Con, mẹ và các em đã hí hửng lên kế hoạch đón bố để về nhà ăn tết. Nhưng không, họ lại đưa thêm quyết định tạm giam bố thêm 4 tháng nữa và không những thế, họ còn ra quyết định khởi tố bố. Phiên tòa sơ thẩm của bố, không luật sư bào chữa, không bạn bè, không anh em họ hàng, chỉ có mẹ và em - 2 con người nhỏ bé đến tội nghiệp trước đám đông bạo quyền. Một phiên tòa bỏ túi với bản án định sẵn: 6 năm tù cho một nhà giáo yêu nước!

Trước tòa bố khẳng khái tuyên bố mình vô tội và yêu cầu được trả tự do, bồi thường tài sản đã bị mất. Nhưng tiếng nói của một mình bố không thể ngăn nổi sức mạnh của đội quân hùng hậu ngoài kia.

Phiên phúc thẩm, bố đã có luật sư Thanh Lương, ngoài mẹ và em còn có con và cô Bé đến dự phiên tòa. Phiên tòa vẻn vẹn chưa đầy 2 tiếng. Vẫn công an sắc phục cũng như thường phục, an ninh, dân phòng đông đúc, bố vẫn tuyên bố mình vô tội, yêu nước không có độc quyền. Nhưng, vẫn ko thể thay đổi được gì. Bản án đã được các thế lực mà bố-con-chúng ta không bao giờ thấy mặt- định sẵn rồi. Con đã gào thét lên khi thấy họ đánh dùi cui vào đầu bố để đưa bố vào xe bít bùng; trong khi mẹ thì bị 4 người lính cơ động to khỏe bẻ quặp tay, khóa chặt mẹ lại.

Sau phiên phúc thẩm của bố, con lại vội vã thu xếp cho một chuyến công tác 6 tháng xa nhà. Trong thời gian ấy thì mẹ báo cho con biết rằng bố đã bị chuyển đến trại giam An Phước, thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Bố thường xuyên bị đau phải cấp cứu. Sau 6 tháng con trở về, đi thăm gặp bố được 2 lần, chuẩn bị đi thăm bố lần thứ 3 thì nhận được hung tin bố lâm trọng bệnh: Bác sỹ bảo bố có khối u rất to trong dạ dày, 80% là ung thư ác tính!

Trước ngày bố lên bàn phẫu thuật, mẹ như người mất hồn. Mẹ gầy mòn héo hon. Nhưng mọi người đều tin rằng bản năng của bố sẽ giúp bố vượt qua cuộc đại phẫu. 5h chiều hôm ấy, nhìn thấy bố yếu ớt thều thào trong phòng hồi sức cấp cứu, con vừa mừng vì bố đã hồi tỉnh sau cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ để cắt bỏ đi 3/4 dạ dày, vừa lo lắng liệu với sức khỏe sau cuộc đại phẫu thì bố làm sao có thể chống chọi khi không có người thân ở bên chăm nom. Nỗi lo lắng ấy càng tăng lên khi mẹ hỏi bác sỹ kết quả xét nghiệm khối u của bố. Phải năm lần bảy lượt mẹ đi hỏi, vị bác sỹ mới dám hé lộ một chút thông tin: Bố bị ung thư, khối u đã di căn đến các hạch trong cơ thể! Một lần nữa mẹ như người mất hồn, mẹ lắp bắp bối rối khi báo hung tin cho bố. Những tưởng bố sẽ ngã, nhưng không. Bố lại bình tĩnh đón nhận đến không ngờ. Chính bố còn khuyên mẹ, động viên con và các em cố gắng vì “còn nước còn tát”. Bố bảo ”còn rừng thì không sợ thiếu củi”. Chính bố lại là người tiếp thêm động lực cho mẹ và các con. Mặc dù xung quanh bố, lúc nào cũng có 5 vị cán bộ đại diện cho công quyền canh giữ chặt chẽ; mặc dù mỗi lần con đến thăm gặp bố, họ đều mang máy quay phim ra thu âm, ghi hình con- đến mức con phải cảm thấy khó chịu.

Một lần khi mẹ vào thăm gặp bố, bố đùa bảo, nếu ông trời không thương, mà bố phải chết, thì hãy hỏa táng bố và mang tro rải xuống sông Sài Gòn, để hồn bố được chu du khắp đất nước. Nghe mẹ nói lại như thế mà con nấc nghẹn. Nhất định bố không thể chết được, bố ơi. Trời không phụ người hiền, nhất định bố sẽ khỏi bệnh, bố ạ.

Bố vừa truyền hóa chất được một lần, bị tác dụng phụ của thuốc, bố ói mửa liên miên, nửa đêm lên cơn đau bụng, đổ mồ hôi như tắm, phải gọi bác sỹ trực đến cấp cứu. Ấy vậy nhưng trại giam lại đột ngột cho xe đến đưa bố về trại. Đột ngột đến mức cả mẹ, cả con, và ngay cả bố còn không thể tin được. Chẳng kịp chuẩn bị gì cho chuyến trở về trại giam của bố cả. Con được mẹ báo tin, từ nơi làm việc vội thuê xe ôm đến bệnh viện. Khi đến nơi, chỉ kịp thấy xe cứu thương lao ra từ cổng bệnh viện. Con chạy theo, gào thét và bất lực.

Cái cách mà trại giam phối hợp với bệnh viện đón bố về, còn hơn quân ăn cướp, vội vã, bí mật. Thậm chí vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho bố cũng không đến căn dặn, động viên bố lấy một lời. Có một nỗi sợ hãi vô hình nào đó đã khiến bác sỹ ấy không dám đến gặp và căn dặn bố nên con cũng không trách vị ấy được. Họ đều làm theo chỉ đạo cả. Nhưng con trách chế độ này sao vô nhân đạo quá đỗi. Bố bệnh tình đến mức này rồi mà họ còn không buông tha. Mẹ đã viết đủ các lá đơn, gửi đến tất cả các cơ quan hữu quan, từ đơn đề nghị miễn chấp hành án họ trả lời bố chưa đủ điều kiện để miễn; mẹ viết đơn xin hồ sơ bệnh án của bố, trại giam bảo họ không có thẩm quyền giải quyết. Mẹ viết tiếp đơn đề nghị tạm hoãn chấp hành án phạt tù để xin cho bố về nhà chữa bệnh; trong khi chứng bệnh ung thư di căn của bố vẫn đang phát triển trong người thì câu trả lời của các cấp thẩm quyền đến nay vẫn bặt vô âm tín. Không biết nơi đâu, cấp có thẩm quyền nào, thế lực vô hình nào chịu trách nhiệm cho sinh mạng của bố đây?

Có một lần, một bác sỹ bạn của bố đến bệnh viện thăm, tuy không được gặp bố, chỉ được đứng từ rất xa quan sát bố; nhưng bằng kinh nghiệm bác sỹ lâu năm, người bạn ấy nói với mẹ là bố bị ung thư giai đoạn 4 rồi. Về nhà, con mở lọ thuốc mà bệnh viện dùng để hóa trị cho bố ra đọc, thì thấy thuốc ấy để dùng cho người ung thư di căn giai đoạn 3… Dù bệnh tình của bố bị bưng bít, bị giấu nhẹm nhưng qua những lần thăm gặp bố, bằng trực giác, mẹ và con cảm nhận được bệnh tình bố đang nặng lắm rồi, nếu không muốn nói là ung thư giai đoạn cuối!

Họ đưa bố về trại giam, khi đến gặp ông phó giám thị trại giam, con được ông ấy bảo rằng đến ngày bố hóa trị, họ sẽ lại đưa bố đi bệnh viện để hóa trị. Nhưng con biết người bị ung thư di căn cần phác đồ điều trị khoa học kèm theo chế độ chăm sóc chu đáo thì mới mong kéo dài được mạng sống; chưa kể đến việc hồi phục sau ca đại phẫu cần thời gian cả năm trời. Nhưng với điều kiện nhà tù đọa đày thân xác; rồi những lần di chuyển từ trại giam đến bệnh viện và ngược lại; những đợt hóa trị với tác dụng phụ của thuốc thì làm sao bố có thể… Con lo lắng, con bất an lắm. Dù rất muốn nhưng con không thể đặt niềm tin trọn vẹn vào trại giam và bệnh viện được. Sinh mạng của bố là do bác sỹ nắm giữ và quyết định. Nhưng điều trị cho bố như thế nào lại là do sự chỉ đạo từ trên cao. Họ chạy chữa thuốc men cho bố thì cầm chừng, gia đình không thể quyết định được bệnh viện điều trị hay thậm chí muốn xin cho bố được nằm điều trị ở một cái phòng thoáng đãng trong bệnh viện cũng không thể! Tại sao chế độ này lại mất nhân tính tới mức đày đọa bố con đến như thế. Còn chần chừ gì mà họ chưa chịu phóng thích bố con nữa?

Nhìn bố bơ vơ trên giường bệnh, mà lòng con xót xa. Nếu bảo con làm gì đó để đánh đổi lấy tự do cho bố, con cũng sẵn lòng làm. Chỉ mong sao bố được chữa bệnh đến nơi đến chốn, được mẹ và các con chăm sóc hàng ngày. Cuộc sống của con là do bố mẹ tạo ra, vậy mà ngày con trưởng thành, bố không kịp nhìn thấy - mới chỉ nghĩ đến đó thôi là ruột con như có ai đó xát muối vào rồi. Xin hãy đừng để có thêm một người Tù Nhân Lương Tâm nào phải chịu cảnh như người tù Bùi Đăng Thủy, Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trại nữa. Xin hãy nhân đạo mà thả tự do cho bố tôi và tất cả các Tù Nhân Lương Tâm trên đất nước đau khổ này.

Đinh Phương Thảo

* * *

Dân Luận: Ngày hôm nay 25/11 trại giam lại chuyển thầy giáo Đinh Đăng Định đi cả trăm km lên bệnh viện ở Sài Gòn để thực hiện hóa trị đợt hai. Thầy Định sẽ phải trải qua tám đợt hóa trị, mỗi đợt gồm một ngày hóa trị, 14 ngày uống thuốc và 7 ngày nghỉ ngơi trước khi bước vào đợt hóa trị sau. Trong lúc này cơ thể rất mệt mỏi và đề kháng yếu, dễ bị nhiễm trùng - nhưng chính quyền vẫn tiếp tục chọn con đường đầy đọa tù nhân lương tâm này bằng những chuyến đi dài như thế, mà không cho thầy được nghỉ ngơi và điều dưỡng tại bệnh viện.
Trại giam và bệnh viện cũng từ chối cung cấp bệnh án của thầy Định cho thân nhân, đồng thời trại giam "lý luận" rằng bệnh viện đã xác nhận thầy Định đủ khỏe để tiếp tục thi hành án! Tất cả những gì mà gia đình thầy Định mong đợi lúc này là thầy được nghỉ ngơi và được khám chữa bệnh bởi những bác sĩ có chuyên môn và tại bệnh viện tiên tiến bởi bệnh viện 30/4 của Bộ Công An không phải là một nơi có uy tín trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư.



--------------------------------


Hình chụp thầy Đinh Đăng Định năm 2003

Bà Đặng Thị Dinh, vợ tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định, đang ngồi đợi được vào thăm chồng ngày 20/11/2013 tại cổng trại giam An Phước, tỉnh Bình Phước

Hình bà Dinh cho đàn mèo ăn cơm (Giờ đàn mèo ấy đã mất hết rồi, vì bà Dinh đi Sài Gòn chăm sóc thầy Định, ở nhà không ai chăm sóc đàn mèo, chúng đã bị người ta bắt hết).





No comments:

Post a Comment

View My Stats