Thursday 7 November 2013

VIỆT NAM PHẢI ĐẠT TIẾN BỘ VỀ NHÂN QUYỀN ĐỂ THẮT CHẶT QUAN HỆ VỚI HOA KỲ (VOA Tiếng Việt)








07.11.2013

Một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ nói Việt Nam phải có những tiến bộ có thể chứng minh được về nhân quyền trong những tháng sắp tới, nếu thực sự Hà Nội muốn thắt chặt quan hệ với nước cựu thù Hoa Kỳ.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng dành cho Đài VOA, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động Scott Busby nói rằng ông đã nhấn mạnh với các giới chức Việt Nam về tầm quan trọng của nhân quyền trong một chuyến đi thăm Việt Nam tuần trước.

Lưu lại Việt Nam trong thời gian từ ngày 29 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11, ông Busby đã ghé qua Hà Nội và thành phố HCM để gặp gỡ các đại diện chính quyền và giới hoạt động xã hội dân sự.

Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành riêng cho VOA do Thông tín viên Michael Lipin thực hiện, ông Scott Busby nói Hoa Kỳ cần thấy Việt Nam chứng minh là có những dấu hiệu tiến bộ về nhân quyền “trong tương lai gần.”

Ông Busby
phát biểu:

"Những dấu hiệu đó bao gồm việc trả tự do cho một số người đã bị giam giữ hoặc bỏ tù chỉ vì đã hành xử quyền tự do bày tỏ ý kiến, ký kết, phê chuẩn và thực thi công ước quốc tế chống tra tấn, tháo gỡ tất cả những hạn chế đối với internet, củng cố tình trạng tự do tôn giáo, và cho phép xã hội dân sự được hoạt động tự do.”

Đài VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, nhưng sứ quán Việt Nam không bình luận gì về các cuộc thảo luận với Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động Scott Busby.

Hồi tháng 7, trong một chuyến đi thăm Hoa Kỳ gây nhiều chú ý, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang nói rằng chính quyền của ông đã thực hiện “những nỗ lực lâu dài để bảo vệ và cổ võ cho nhân quyền.”

Ông Busby nói những vụ bắt bớ mới đây, và các hành động sách nhiễu giới hoạt động xã hội là một đề tài chủ yếu trong các cuộc gặp gỡ của ông với các giới chức chính phủ Việt Nam.

“Chúng tôi nhấn mạnh với chính phủ Việt Nam tầm quan trọng của các hoạt động của xã hội dân sự, dù cho đó là để bênh vực quyền tự do tôn giáo, hành xử quyền tự do ngôn luận, hoạt động về các vấn đề nhân quyền, hay tổ chức các hoạt động có tính cách nhân đạo. Hoa Kỳ đã nêu rõ với chính phủ Việt Nam về sự quý trọng mà Hoa Kỳ dành cho các hoạt động vừa kể, và cá nhân tôi cũng nêu lên quan điểm đó khi còn ở Việt Nam.”

Ông Busby cho biết là phái đoàn Mỹ đã cung cấp một số hỗ trợ cho các nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam, nhưng ông từ chối không cho biết chi tiết về những sự hỗ trợ đó.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động nói ông đã gặp đủ mọi thành phần  trong xã hội dân sự tại Việt Nam, và giới này đã gây nhiều ấn tượng cho ông về “lòng nhiệt tình và tính lạc quan” của họ, khi đối mặt với những hạn chế của chính quyền.

Một blogger Việt Nam đã gặp ông Busby tại thành phố HCM hôm thứ Sáu vừa qua là nhà báo Phạm Chí Dũng. Trong một cuộc phỏng vấn do Trà Mi của Ban Việt ngữ thực hiện, ông Dũng cho biết mục tiêu chính của xã hội dân sự Việt Nam.

Ông Phạm Chí Dũng nói những người muốn giúp giới hoạt động tích cực Việt Nam cần phải thận trọng về hình thức hỗ trợ mà họ cung cấp.

Ông Busby nói các chuyến đi thăm như thế này rất nhạy cảm, và do đó phải thận trọng. Ông tiết lộ rằng có một số cá nhân đã bị ngăn cản đến gặp ông vì những hạn chế của chính quyền. Tuy nhiên phái đoàn Mỹ không cho chính quyền Việt Nam biết trước là họ đến gặp những ai, mà tìm cách gặp những người sẵn sàng đến gặp phái đoàn.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động Mỹ cho hay ông hy vọng sẽ trở lại Việt Nam trong năm tới.

---------------------------

Cập nhật: 13:37 GMT - thứ năm, 7 tháng 11, 2013

Áp lực đấu tranh đòi tự do, nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam còn chưa đủ mạnh so với các áp lực quốc tế đối với nhà cầm quyền Việt Nam, theo quan điểm của một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền từ Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm 07/11/2013, bác sỹ Phạm Hồng Sơn cho rằng do các áp lực này chưa đủ mạnh, chính quyền đang có khuynh hướng tỏ ra coi thường, phớt lờ và không đối thoại với nhiều tiếng nói vì dân chủ, nhân quyền trong nước.

Bác sỹ Sơn nói: "Áp lực ở trong nước vẫn chưa đạt đến mức cần thiết, ví dụ so với áp lực phía quốc tế, gần như họ (chính quyền) không coi trọng áp lực trong nước bằng phía quốc tế;
Trong khi sẵn sàng ngồi lại đối thoại, bàn bạc, tranh cãi với các đối tác quốc tế về vấn đề nhân quyền, chính quyền Việt Nam theo ông Sơn, lại chưa từng có một động thái nào cho thấy 'họ cần nói chuyện một cách sòng phẳng', hay 'cần có một tín hiệu đáp ứng một cách ngang bằng' với những tiếng nói phản đối ở trong nước.

Nhà bất đồng chính kiến liệt kê một số đối tác quốc tế mà Việt Nam đang đối thoại:
"Hiện nay, họ gần như phớt lờ những tiếng nói ở trong nước, trong khi họ đã chấp nhận ngồi vào bàn làm việc đối với rất nhiều đối tác quốc tế, ví dụ như phía Hoa Kỳ, phía Liên hiệp châu Âu, phía Úc và nhiều nước khác."

Bác sỹ Sơn nói thêm "Chính quyền không chỉ 'phớt lờ' mà còn bất chấp và bắt giữ, trấn áp, dùng truyền thông để bôi xấu, mạ lị, phản bác với những lập luận rất vô lý."
Tuy nhiên, theo ông Sơn về lâu dài, người dân Việt Nam sẽ 'không thể trông cậy mãi' vào áp lực quốc tế được trong quá trình đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền.

'Tiến bộ trông thấy'

Phát biểu của nhà bất đồng chính kiến được đưa ra nhân sự kiện một quan chức Bộ ngoai giao Hoa Kỳ, quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách quyền lao động, dân chủ, nhân quyền vừa hoàn tất chuyến thăm Việt Nam, nơi mà ông đã nêu một số nội dung yêu cầu chính quyền Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Phát biểu với truyền thông Mỹ hôm 06/11, ông Scotty Busby nói Việt Nam phải đạt được "tiến bộ trông thấy" về nhân quyền trong những tháng tới.
Nhà ngoại giao cao cấp nói Hoa Kỳ cần Việt Nam 'chỉ ra những dấu hiệu tiến bộ nhân quyền' trong ngắn hạn.

Ông nói với đài VOA hôm thứ Tư:
"Những dấu hiệu này phải bao gồm việc thả những người đã đang bị bắt giữ, bỏ tù vì thực thi một cách hòa bình các quyền tự do biểu đạt của họ, thông qua và thực thi công ước chống tra tấn, gỡ bỏ bất kỳ và tất cả các hạn chế về Internet, cải thiện tự do tôn giáo và cho phép xã hội dân chủ vận hành tự do."

Ông Busby được trích thuật nói đã "khuyến khích mạnh mẽ" Việt Nam làm việc với các nhà điều tra quốc tế về nhâ quyền do Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ở Geneva chỉ định.

Việt Nam đang tìm kiếm một ghế thứ 47 trong Hội đồng này ở Đại hội đồng bảo an mà cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra hôm 12/11.

'Toan tính đối phó'

Bác sỹ Phạm Hồng Sơn nói với BBC chuyến thăm của ông Busby không tập trung gây áp lực vào thời hạn này mà mở rộng hơn tới những vấn đề nguyên tắc trong hợp tác giữa hai nước, mà trong đó đòi hỏi cải thiện hồ sơ và thành tích nhân quyền là một nội dung.

Tuần này, một số tổ chức, trong đó có đảng Việt Tân có trụ sở ở Mỹ, đã gửi thư phản đối Hà Nội ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền.

Bình luận về việc 'Việt Tân' được cho là muốn ngăn cản Việt Nam gia nhập Hội đồng này, ông Sơn nói:
"Theo quan điểm của tôi, ngay Hội đồng nhân quyền của LHQ hiện nay cũng cần có những cải tổ nhiều hơn, còn Việt Nam vào hay không vào Hội đồng nhân quyền ấy là vấn đề không quan trọng lắm cho tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, vì trong lịch sử chúng ta đã biết Hội đồng ấy cũng đã có nhiều thành viên vi phạm nhân quyền."

Bình luận những yêu cầu mà Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa ra với Việt Nam, bác sỹ Sơn lưu ý rằng chính quyền có thể sẽ có những toan tính mang tính đối phó mà không có thay đổi gì một cách thực sự và cơ bản.

"Đương nhiên chính quyền Việt Nam sẽ có những toan tính của họ để làm sao quyền lực, hình ảnh, vị thế chính trị của họ được thuận lợi hơn trong bối cảnh quan hệ quốc tế, cũng như trong quan hệ đối nội của chính quyền," ông nói với BBC.

Được biết trong chuyến thăm bốn ngày từ ngày 29/10 - 02/11/2013, ông Scott Busby đã gặp giới chức chính quyền Việt Nam và đại diện một số "nhóm xã hội công dân".

-------------------------------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats