Luật sư Vũ Đức Khanh
Viết từ Canada
Cập nhật: 06:40 GMT -
chủ nhật, 17 tháng 11, 2013
Người ta vẫn còn chờ xem liệu các nhà lãnh đạo cộng sản
Việt Nam có hay không có một kế hoạch dài hạn cho đất nước. Tuy nhiên, nếu năm
2013 sắp qua này gợi lên điều gì thì đấy chính là con đường phía trước xem ra
vẫn còn đầy bất trắc.
“… Xây
dựng Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã
có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” – đó là tâm trạng đầy “trăn trở” của ông Nguyễn
Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, trong một phiên họp tổ
tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII mới đây.
Câu nói đó phơi bày một sự thật
là các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam chẳng có lấy một kế hoạch nào cho đất
nước này cả. Thay vì thế, người ta hy vọng là đến một lúc nào đó, rốt cuộc,
Việt Nam cũng có thể đạt được mục tiêu mà họ mong muốn.
Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là
lớp trẻ, không bàng quan trước những thất bại của chính phủ. Tuy nhiên, những
tiếng nói phản đối đảng cộng sản và/hoặc nỗ lực tập hợp lực lượng chính trị đa
nguyên đối lập với Đảng Cộng sản đều nhanh chóng bị bóp nghẹt, mầm mống của bất
đồng chính kiến nhanh chóng bị vùi dập trước khi kịp nên hình hài.
Hệ quả là người dân tiếp tục
mòn mỏi chịu đựng những bất cập của hệ thống chính trị, khi tình thế chưa đạt
tới điểm đỉnh để người dân bị dồn đến chỗ phải ra tay hành động.
Dĩ nhiên, điều này không phải
là muốn nói rằng chính phủ Việt Nam đã hoàn toàn không may mắn. Những cải cách
kinh tế cuối thập niên 1980 đã cứu Việt Nam khỏi đói kém và sụp đổ.
Cuộc cải cách này không chỉ là
một biện pháp cần thiết trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với một thảm hoạ
quốc gia tiềm tàng, mà còn có thể được ghi nhận một cách chính đáng như là
nguồn gốc của tăng trưởng và thịnh vượng ở Việt Nam cho đến cuộc suy thoái kinh
tế toàn cầu gần đây – một diễn biến giúp phơi bày năng lực quản lý kinh tế rất
yếu kém của chính phủ.
Thay đổi dường như là phương
sách duy nhất mà Việt Nam lựa chọn mỗi khi quốc gia này rơi vào khủng hoảng.
Khi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc vạch ra một đường hướng mới, ĐCSVN
đã hành xử như vậy, nếu muốn duy trì ảo tưởng về tính chính danh của họ với
người dân.
Còn nếu không thì thông thường
nhà cầm quyền bằng lòng với hiện trạng, khi mà quyền lực nằm trong tay Đảng và
người dân thì cần mãi mãi biết ơn.
Sự cần thiết phải cải cách là
điều hiển nhiên, nhưng ngay cả một sự quá độ hợp lý từ chủ nghĩa cộng sản (hay
bất kỳ phương diện nào của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn tồn tại) sang chủ nghĩa
xã hội cũng sẽ không đủ – không đủ một khi cấu trúc chính trị vẫn y nguyên.
Thay đổi phải diễn ra ở gốc chứ không phải ở ngọn.
Ở Hoa Kỳ, “rào cản vô hình”
(glass ceiling) là khái niệm được mô tả như một rào cản không nhìn thấy và
không thể phá vỡ đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số khi họ muốn leo lên những
nấc thang cao hơn trong các tập đoàn công ty. Ở Việt Nam, rào cản vô hình này
đã ngăn cản người dân khỏi nỗ lực thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trên đất nước
của mình.
Tuy nhiên, vấn đề với việc phá
vỡ rào cản là người ta phải đối phó với những mảnh vỡ bắn vào mình. Thách thức
chính quyền đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro bị tù đày và/hoặc bị phạt
tiền.
Một đất nước trẻ trung hơn
Cấu trúc chính trị ở Việt Nam
phải thay đổi nếu đất nước này muốn tiến về phía trước. Đây không phải là lời
kêu gọi cho một cuộc cách mạng vũ trang mà là một cuộc cách mạng chính trị.
Trên 60% trong số hơn 90 triệu dân Việt Nam ra đời sau ngày kết thúc chiến
tranh Việt Nam.
Nói cách khác, hơn 60% người
dân Việt Nam (ít nhất là hai thế hệ) đã phải nếm trải những gian truân của cuộc
thử nghiệm thất bại về chủ nghĩa cộng sản, chứng kiến nền thịnh vượng mới le
lói vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, rồi lại phải gánh chịu hậu quả của
một chính phủ quản lý kinh tế yếu kém.
Đa phần người dân Việt Nam
không sống qua hay vẫn còn hoài niệm về chiến tranh. Đây là một thế hệ người
Việt Nam mới, và họ muốn thứ gì đó khác, thứ gì đó mà họ bị khước từ bởi một
đảng vốn ra đời trong một không gian và thời gian khác.
Các nhà hoạt động dân chủ ở
Việt Nam chắc chắn đều ý thức được những nguy hiểm của một cuộc chuyển giao
quyền lực không êm ả (như ở Lybia hay Ai Cập chẳng hạn). Sự chuyển tiếp từ nhà
nước độc đảng sang một chính thể đa đảng phải diễn ra một cách ôn hoà và minh
bạch.
Vì thế, người ta chỉ có thể hy
vọng rằng các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ thuận theo công luận và thực
thi những bước cải cách dân chủ vốn đã trở nên rất cần thiết, bắt đầu với bản
Hiến pháp của đất nước.
Thật không may, ngay cả một sự
sửa đổi Hiến pháp khiêm tốn nhất thể hiện mong muốn của nhân dân cũng đã là quá
nhiều để cho người ta hy vọng. Bất chấp việc cho phép công chúng tham gia vào
quá trình sửa đổi, nhà cầm quyền cho thấy là họ ít quan tâm đến chuyện lắng
nghe những quan ngại của người dân.
Thay vì để Việt Nam tiếp nhận
chủ nghĩa đa nguyên chính trị, Quốc hội lại củng cố Điều 4 Hiến pháp, vốn khẳng
định đảng cộng sản nắm độc quyền chính trị ở Việt Nam.
Với việc chủ nghĩa đa nguyên
chính trị không tìm thấy chỗ đứng và đòi hỏi của công chúng về những cải cách
cơ bản bị bóp nghẹt, cũng như tình trạng thiếu một tầm nhìn dài hạn cho Việt
Nam, tương lai của đất nước này vẫn bất định.
Rõ ràng là người dân Việt Nam
phải tiếp tục gây áp lực lên nhà cầm quyền để có thay đổi. Tuy nhiên, gánh nặng
cải cách không phải chỉ dồn lên vai họ.
Cộng đồng quốc tế không thể
tiếp tục phản ứng trước những vi phạm của Việt Nam với một cái nhún vai bàng
quan, bởi như thế là họ đã làm xói mòn bất kỳ nỗ lực cải cách nào diễn ra trên
đất nước này.
Bài phản ánh quan điểm và cách hành văn của tác
giả, một luật sư sống tại Canada.
Thế nào gọi là bất định trong khi chúng ta đang đi lên chủ nghĩa đúng đắn thế này mang lại sự ổn định cho xã hội, nhân dân ấm no hạnh phúc, có khúng bố như ơ mĩ đâu, hay như ở các nước tư bản chủ nghĩa, thế thử hỏi xem cái nào hơn cái nào, cái thì toàn chết chốc, cạnh tranh, tranh giành
ReplyDelete