Wednesday 13 November 2013

VÀO HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN KHÔNG PHẢI LÀ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ SỰ TIẾN BỘ VỀ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆT NAM (Nguyễn Tường Thụy)




13/11/2013

 1. Báo chí hôm nay rộ lên tin: VN đã trúng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ cùng với 13 thành viên khác và trở thành thành viên của tổ chức này trong một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ sáng ngày 12/11/2013 (giờ New York).

Các báo đánh giá sự kiện này là “thành công to lớn”, “thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế”, “thể hiện sự tín nhiệm mà đông đảo các quốc gia thành viên LHQ dành cho Việt Nam”, “là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực” v.v…

Có trang blog lộng ngôn, cho đây là “cái tát trời giáng cho các thế lực thù địch“. Còn nhớ, hồi VTV dựng đoạn clip đầy mờ ám về việc Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, mấy tay dư luận viên cũng hét lên, đây là “cái tát trời giáng cho đám dân chủ” (tại sao chúng sợ dân chủ đến vậy)

Đã có thời kỳ báo chí ầm ỹ, thổi phồng lên các sự kiện mà thực chất chẳng có gì để nói. Ví dụ “Phạm Tuân là người đầu tiên của Châu Á, của thế giới thứ ba bay vào vũ trụ“, “Việt Nam phóng thành công vệ tinh (địa tĩnh) lên quỹ đạo (trái đất)”… Thời lạc quan tếu, trống kèn inh ỏi ngỡ đã qua rồi.

Tuy vậy, cũng có tờ báo đưa tin chừng mực, nhưng sự kiện VN vào HĐNQ có đáng để mấy tay bồi bút quá khích hò hét tới mức như thế không, trước hết cần phải xem VN vào Hội đồng nhân quyền LHQ trong bối cảnh như thế nào.

2. Không thấy báo chí VN đưa tin 13 thành viên mới kia là quốc gia nào và các thành viên mới của khối Châu Á- Thái Bình Dương là ai.

Chạy đua với ai, cạnh tranh với ai hay chiến thắng ai, thiết nghĩ chúng ta cũng nên biết.

- Ứng cử cho 4 ghế cần bầu cho khối châu Á – Thái Bình Dương gồm 5 nước Jordan, Trung Quốc, Việt Nam, Maldives, Ả rập Xê-út. Tuy nhiên cuối cùng, Jordan đã rút khỏi cuộc đua nên chỉ còn 4 nước ứng cử cho 4 ghế cần bầu.

Các khu vực khác cũng trong tình trạng tương tự:
- Nhóm châu Phi có 5 ứng viên cho 4 ghế: Algeria, Morocco, Namibia, Nam Phi, và Nam Sudan.
- Nhóm Đông Âu, có 2 ứng viên cho 2 ghế là Nga và Macedonia
- Nhóm Tây Âu và các nhóm khác, có 2 ứng viên cho 2 ghế là Pháp và Nga.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch chỉ ra rằng 5 ứng viên, gồm Trung Quốc, Nga, Ả rập Saudi, Việt Nam và Algeria, đã khước từ việc để các giám sát viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc tới thăm và điều tra về các vụ bị cho là có tình trạng lạm dụng.

Hãy liên tưởng tới việc, một lớp tuyển 14 học sinh, đưa ra một điểm sàn lẹt đẹt, và có 15 thí sinh dự tuyển.

Ngoài ra cũng phải kể đến mọi cố gắng của nhà cầm quyền. Trước cuộc bỏ phiếu vào HĐNQ, VN cũng có một số động thái có thể xem như là sự vớt vát thành tích nhân quyền. Có thể kể ra đây việc VN ký vào công ước chống tra tấn của LHQ chỉ 5 ngày trước khi Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu; hoặc trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, báo chí đồng loạt ra quân đánh vào ngành tư pháp một cách rất quyết liệt, mặc dù trước đó có rất nhiều vụ án oan bị chìm trong im lặng hoặc nói qua rồi bỏ đấy…

3. 14 thành viên mới của Hội đồng nhân quyền lần này là:
1. Việt Nam
2. Algeria
3. Anh
4. Ả rập Saudi
5. Cuba
6. Maldives
7. Macedonia
8. Mexico
9. Morocco
10. Namibia
11. Nam Phi
12. Nga
13. Pháp
14. Trung Quốc.

4. Việc Việt Nam trở thành thành viên HĐNQ không có nghĩa là nhân quyền ở VN đã được tôn trọng. Hiện tại vẫn còn phổ biến việc nhà cầm quyền chà đạp lên các điều khoản cơ bản về quyền con người như:

- Bắt người vô cớ, không tuân thủ theo qui định của pháp luật. Có vụ phá cửa nhà riêng, bắt đi 10 người cùng một lúc không có lý do gì, hỏi vớ vẩn nhưng đánh đập là chính, rồi lại thả ra như một trò chơi lúc ngứa tay hay rảnh việc của công an.

- Dân oan bị thu hồi đất, đi kiện nhiều năm ròng không được giải quyết. Họ phải bỏ nhà cửa (hoặc mất nhà) ra trung ương kêu cứu nhưng thường bị đàn áp, hốt đi nơi khác cho “đẹp” thủ đô. Gần đây nhất là bà con Dương Nội bị hốt về Ngô Thì Nhậm, chỉ sau khi VN ký vào công ước chống tra tấn 1 ngày. Hôm đó, có 2 người già bị ngất phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, đó là bà Nguyễn Thị Chức 71 tuổi và bà Nguyễn Thị Hào 80 tuổi.

- Gây khó khăn, làm tổn hại đến kinh tế, đưa vào trại cải tạo thậm chí nại ra một tội danh khác để bỏ tù những người biểu tình chống TQ, những người bất đồng chính kiến, điển hình là vụ Bùi Thị Minh Hằng, Lê Quốc Quân.

- Tra tấn, đánh đập, dùng nhục hình đối với công dân lỡ sa vào tay công an dẫn đến thương tích, tàn phế thậm chí gây chết nhiều người. Gần đây nhất là vụ Lê Quốc Quyết, Nguyễn Phương Uyên… bị đánh tơi tả ngày 25/8/2013, Phương Uyên hiện nay vẫn mắc chứng đau đầu và vụ Trương Văn Dũng, Lê Thiện Nhân bị cùm chân ở đồn công an Thụy Khuê, riêng Trương Dũng bị đánh gãy 3 xương sườn.

- Đe dọa, đánh đập, ép cung, khủng bố tinh thần để tạo ra hồ sơ giả nhằm đạt được ý đồ riêng của cơ quan điều tra dẫn đến rất nhiều án oan. Gần đây nhất là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị án tù chung thân vì bị bức cung mà phải nhận tội, ngồi tù 10 năm, giờ mới có hy vọng được giải oan do thủ phạm thật ra đầu thú.

- Bắt người, truy tố theo điều 258 những người sử dụng internet, viết blog. Gần đây nhất là trường hợp Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy.
- Bỏ tù nhiều người không có căn cứ pháp luật như vụ 14 thanh niên công giáo và nhiều vụ khác.
- v.v…

5. Vào HĐNQ thì dễ nhưng để xứng đáng với một thành viên của tổ chức này không hề đơn giản. Hy vọng qua sự kiện này, nhà cầm quyền VN sẽ phải tự xem xét lại mình, từ đó chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền, có những động thái đảm bảo quyền con người cho người VN (chứ không chỉ là cho người TQ trên đất VN). Còn nếu không làm được điều đó thì chỉ còn nước xin… ra cho đỡ xấu hổ và đỡ sức ép của cộng đồng quốc tế.

13/11/2013
Bài đã đăng ở Diễn đàn XHDS



No comments:

Post a Comment

View My Stats