Wednesday, 6 November 2013

TRIỂN LÃM XÁC "BODIES EXHIBITION" ĐẾN ORANGE COUNTY (Thiên An - Người Việt)




Thiên An/Người Việt
Saturday, November 02, 2013 4:07:51 PM

BUENA PARK (NV) - Từ khi mở cửa vào Tháng Tám, tòa nhà triễn lãm cơ thể học Bodies Exhibition tại Buena Park, cách Little Saison chừng 15 phút xe, luôn đông nghẹt khách vào mỗi cuối tuần. Với những bộ xác người được các chuyên gia nổi tiếng nhất thế giới giải phẫu và bảo quản, nơi đây có thể cung cấp cho sinh viên và học sinh những bài học “mắt thấy tai nghe” quý giá. Tuy nhiên, đằng sau những bộ xác này là những nghi vấn về xuất xứ khiến người ta có thể lưỡng lự khi quyết định bỏ tiền mua vé.

Biển hiệu quảng cáo triễn lãm cơ thể học Bodies Exhibition tại trạm xe bus dọc đường Beach. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Tôi đến xem triễn lãm vào một Thứ Sáu như một khách hàng bình thường, như các bạn sinh viên khác trong lớp Giải Phẫu Học của mình. Xung quanh chỗ lớp tôi đứng, các đoàn học sinh và sinh viên khác cũng đợi đến phiên vào xem. Chúng tôi đứng dọc hai bên cửa để các khách hàng khác đi riêng, không theo đoàn, có thể tiến vào bên trong trước. Không phải chỉ thu hút sinh viên theo ngành y tế, Bodies Exhibition đón tiếp những người có óc hiếu kỳ đủ mọi lứa tuổi, thành phần.

Giá vé tại đây là $16.75 cho người lớn, $12.75 cho trẻ em, và $14.75 cho người cao niên. Chúng tôi, đi theo đoàn của trường nên chỉ trả $11.75. Giá vé, theo tôi, là khá rẻ cho một ngày học bổ ích. Tuy nhiên, người vào xem không được mang máy quay phim, chụp hình và thức ăn.

Vào bên trong, chúng tôi lần lượt đi qua những gian phòng lớn, đèn sáng vừa đủ để tập trung vào các mô hình cơ thể người. Ngoại trừ gian triễn lãm các bộ xương, những gì chúng tôi cũng đã có trong phòng lab, thì các gian triễn lãm các cơ quan nội tạng khác làm tôi liên tục thán phục, trầm trồ trước các cơ quan con người được trình bày quá… hoàn hảo.

Theo thông tin tại cửa ra vào, các xác được bảo quản và “hóa nhựa” qua bảy bước chính. Một, xác được tiêm chất để bảo quản tạm thời. Hai, xác được bác sĩ giải phẩu theo các hệ bộ phận riêng biệt. Ba, từng cơ quan được ngâm vào acetone để đẩy hết chất nước ra ngoài. Bốn, các cơ quan “khô” này được cho vào bồn silicone. Năm, việc hút chân không hút hết các chất acetone ra ngoài, chất silicone thế chỗ. Sáu, chất silicone được làm cứng “thành nhựa.” Cuối cùng, các cơ quan đã qua bảo quản này được khéo léo ráp lại vào vị trí ban đầu trong cơ thể.

Tôi tìm hiểu thêm và được biết phương pháp “biến thịt thành nhựa” này được phát minh bởi một bác sĩ người Đức, có tên Gunther von Hagens.

Những thớ cơ bắp vẫn còn hồng tươi, căng tròn. Dọc xuyên các cơ là những đường dây thần kinh hầu như vẫn nguyên trạng. Các bộ phận nội tạng cũng không bị tím tái, nồng mùi như các bộ xác thường được bảo quản bằng phormone. Từng gian phòng này sang gian phòng khác, các hệ cơ quan được trình bày lúc riêng rẽ, lúc song song nhau. Thông tin rõ ràng và đầy đủ để khách xem thuộc bất kỳ trình độ nào cũng có thể hiểu được.

Bên cạnh đó, phòng triễn lãm cũng khéo léo khuyến khích người tham dự chăm sóc sức khỏe bản thân. Ví dụ, họ đặt những lá phổi đầy chấm đen lấy từ một bệnh nhân ung thư bên cạnh một thùng kiếng viết “Hãy để gói thuốc lá của bạn tại đây và bỏ thuốc.” Có chừng vài chục hộp thuốc đã được bỏ lại bên trong chiếc thùng trong suốt này.

Nhân viên thân thiện, cách trình bày đầy tính nghệ thuật, hay địa điểm thuận tiện lại là một vài lý do khác để mọi người nên đến đây xem.

Tóm lại, tôi đã đinh ninh sẽ rủ bạn bè đến đây thêm nhiều lần nữa, nếu tôi không bắt đầu hỏi chuyện một nhân viên tại đây. Những e dè về nơi này bắt đầu từ đó.

Một xác được bảo quản theo phương pháp của BS Hagens. (Hình: AFP/Gettyimages)

Tôi thắc mắc về xuất xứ của những cái xác, một cô nhân viên mặc áo trắng bác sĩ trả lời: “Họ là người Trung Quốc, xác vô thừa nhận. Chính phủ trao lại cho trung tâm nghiên cứu y khoa.”

Không phải là tôi cứ thấy “Made in China” là tẩy chay. Tôi chỉ đánh dấu hỏi việc một triển lãm tên tuổi tại Mỹ và Âu Châu lại chỉ lấy xác tại một trung tâm cách nửa vòng trái đất.

Về nhà, những thông tin tôi tìm thấy khiến bản thân lưỡng lự không biết có nên khuyến khích bạn bè đến xem triễn lãm hay không.

Bác Sĩ Gunther von Hagens, cha đẻ của phương pháp “biến thịt thành nhựa” đến Đại Liên (Dalian), Trung Quốc, vào năm 1993. Tại Đại Học Y Dược Đại Liên, Bác Sĩ Hagens gặp Phó Giáo Sư-Bác Sĩ Sui Hong Jin. Năm 1996, ông chấp nhận lời mời trở lại Trung Quốc, đến làm việc tại đại học trên.

Vài năm sau đó, trong khoảng 1999-2001, Bác Sĩ Hagens thành lập công ty Von Hagens Dalian Plasticnation Ltd., chuyên bảo quản xác bằng kỹ thuật hóa nhựa nổi tiếng của mình, với số tiền đầu tư hàng triệu đôla. Ông mướn Bác Sĩ Hong Jin làm quản lý. Sản phẩm của công ty được giới thiệu khắp thế giới trong các triễn lãm có tên “Body Worlds.”

Năm 1999, ông Bạc Hy Lai, lúc đó là thị trưởng Đại Liên, trao tặng chức hiệu “cư dân danh dự” cho Bác Sĩ Hagens.

Năm 2002, Bác Sĩ Sui Hong Jin ra riêng, mở công ty bảo quản xác tương tự. Tờ New York Times từng có bài viết rằng Bác Sĩ Hong Jin bí mật lên kế hoạch này khi còn làm việc với Bác Sĩ Hagens, và bị đuổi việc rồi mới ra công ty riêng.

Nay hai công ty của Bác Sĩ Hagens và Bác Sĩ Hong Jin là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực “hóa nhựa” xác người. Một xác có thể mất nhiều tháng để chuẩn bị sẵn sàng trước khi xuất khẩu với giá khoảng $25,000. Công ty Premier Exhibitions chủ nhân của triễn lãm Bodies Exhibition là một trong các khách hàng của họ.

Hai bác sĩ Hagens và Hong Jin đều nói xác được mang đến là xác được hiến tặng, hoặc vô thừa nhận, không phải xác tử tù (vì thế giới từng lên án Trung Quốc cho hành quyết người chống đối chính phủ, tử tù có thể không là tội phạm).

Tuy nhiên, phóng viên địa phương và nước ngoài đặt nghi vấn về nguồn gốc thực sự của những xác người này.

Truyền thống văn hóa ít chịu hiến tạng của người Trung Quốc và sự hiện hữu của “chợ đen bán nội tạng” tại quốc gia này là nguyên do cho sự hoài nghi của báo giới.

Khi phóng viên của tạp chí Oriental Outlook đến xưởng bảo quản của Bác Sĩ Hagens vào 2003, họ không được phép chụp hình gương mặt của xác.

Riêng xưởng của Bác Sĩ Hong Jin, tuy nói là chỉ nhận xác vô thừa nhận từ bệnh viện đại học y khoa, một nhân viên thu nhận xác có tên Sun Deqiang tại đây nói với phóng viên đài ABC là ông có lần lấy và chở xác của tử tù về công ty.

Sau những tai tiếng của việc thu nhận xác cho các công ty bảo quản tại Trung Quốc, dù không có bằng chứng cụ thể xác minh, triễn lãm Bodies Exhibition đã cho đăng “disclaimer,” với nội dung chính: “Công an Trung Quốc có thể lấy xác từ các trại tù. Công ty Premier không thể tự xác nhận được các bộ xác quý vị đang xem không phải là những người bị giam trong tù của Trung Quốc.”

Những xác chết đầy sức sống tôi nhìn thấy hôm đó bỗng trở thành nỗi ám ảnh nhiều ngày sau, có lẽ do bản thân “yếu bóng vía.”

Dù đến với cuộc triễn lãm chỉ nhằm mục đích giải thích các thắc mắc về Giải Phẫu Học, những thông tin tôi nghe được đằng sau những bộ xác hoàn hảo kia khiến bản thân tự hỏi không biết mình còn muốn quay lại Bodies Exhibition hay không.

Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com



No comments:

Post a Comment

View My Stats