Phạm
Hồng Sơn
Tháng 11 9, 2013
Dư luận vẫn đang xôn xao về sự kiện ông
Nguyễn Thanh Chấn mới được tạm thời trả tự do và hủy án sau 10 năm ngồi tù
với án chung thân vì bị kết tội giết người. Hầu hết các báo chí của chính quyền
đều bày tỏ vui mừng, xúc động với “niềm
vui vỡ òa” của đương sự và thân quyến. Nhưng xin hãy bình tĩnh, dù khả năng
ông Nguyễn Thanh Chấn bị tống giam trở lại có thể coi như không còn, nhưng toàn bộ cái cơ chế đã nhục
hình và bắt ông Chấn ngồi tù 10 năm, bất chấp các tiếng kêu oan liên tục ngay
từ khi ông bị đưa ra tòa, vẫn còn y nguyên đó.
Chúng ta hãy xem lại hành trình tố tụng hiện hành rút
gọn dưới đây của Việt Nam:
1. Bắt giam (khởi tố bị can đồng thời hoặc sau đó) do cơ quan công an hoặc
viện kiểm sát tiến hành và đều cần phải có phê duyệt của viện kiểm sát.
2. Điều tra: đề nghị truy tố hoặc chấm dứt vụ án (đương sự được tự do).
3. Truy tố: do viện kiểm sát quyết định.
4. Xét xử: sơ thẩm (bắt buộc), kháng án phúc thẩm (chỉ bắt buộc nếu đương sự
yêu cầu và buộc phải đi thi hành án nếu vẫn bị kết án), giám đốc thẩm hay tái
thẩm (hoàn toàn tùy thuộc cơ quan tố tụng).
5. Thi hành án: mọi tù nhân đều bị ép phải thừa nhận tội lỗi (tiêu chuẩn thi
đua số 1 trong các nhà tù) nếu không muốn bị xếp loại kém. Loại kém đồng nghĩa
với việc loại khỏi danh sách ân giảm án và bị phân biệt đối xử về thụ hưởng
điều kiện giam giữ.
Tất
cả năm (05) thủ tục (rút gọn) trên đây và cách thực hiện chúng có hai đặc điểm
bao trùm:
1. Đều do con
người dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thực hiện.
2. Những yếu tố tác động có tính khách quan ngoài cơ
quan tố tụng như luật sư, báo chí truyền thông, dư luận xã hội đều đang bị
ĐCSVN chỉ đạo, bảo trợ hoặc khống chế nghiêm ngặt.
Tình
trạng trên đưa đến một số giả thuyết sau:
- Vì một lý do nào đó ĐCSVN muốn lật ngược vụ trả tự
do đang ầm ĩ này, thì có gì bảo đảm điều này không thể xảy ra?
- Nếu bị bắt trở lại thì có gì bảo đảm ông Nguyễn
Thanh Chấn không bị tra tấn lại và lại nhận tội trở lại?
- Giới chức và báo chí chính quyền sẽ phản ứng ra
sao trước đòi hỏi phải giải quyết các trường hợp “ông Chấn” khác đang còn đầy
trong các nhà tù? Vân, vân.
Đó là về lý thuyết. Trên phương diện thực tế, thứ
nhất, những gì mà giới truyền thông chính quyền vừa tiết lộ về tình tiết mới
(xuất hiện người đầu thú- tự nhận là hung thủ) của vụ án thì đó mới chỉ là
thông tin do các cơ quan của ĐCSVN cho phép, không có gì đảm bảo khách quan hơn
những thông tin trước đây về vụ án. Thứ hai, ĐCSVN vẫn liên tục dựng ra các
“phiên tòa công khai” để đưa vào tù những người họ muốn tống tù thì việc cần
thêm một “phiên tòa công khai” như thế với bất kỳ ai cũng sẽ không phải là điều
khó. Chưa kể, sự hợp lý cần thiết phải đặt những nghi vấn cho phiên tái thẩm
vừa được thực hiện kín (trong một hệ thống luôn bất chấp pháp luật) dành
cho ông Nguyễn Thanh Chấn hôm 06/11/2013.
Quan trọng hơn, người dân hiện nay vẫn chưa có một
phương tiện gì trong tay để đảm bảo quá trình tố tụng không bị tùy tiện hoặc để
giúp những nghi can đang bị giam cầm sẽ không bị đe dọa, tra tấn khi các viên
chức tố tụng muốn hợp pháp hóa việc bắt giữ, giống như họ đã từng làm với ông
Nguyễn Thanh Chấn (và nhiều người khác).
Với vài câu hỏi hoàn toàn bỏ ngỏ và các điểm cơ bản
vừa nêu của thực trạng tố tụng hiện nay tại Việt Nam, chúng ta có thể kết luận:
Việc xác định công lý một cách chính thống tại Việt Nam vẫn bị phụ thuộc hoàn
toàn vào ý chí của ĐCSVN, chứ không phải vào sự thật khách quan. Nói một cách
dân dã: đúng hay sai đều vẫn ở tay thằng Đảng.
Đó cũng là lý do khiến tôi không quá chú ý tới vụ
“niềm vui vỡ òa” này. Nhưng tôi có nghe tường
thuật rằng ông Nguyễn Thanh Chấn khi được thả đã cất lời:
“Ơn Đảng, Chính phủ, tôi đã được trở về với gia
đình. Ơn bố, mẹ sinh ra chỉ có một lần nhưng lần này, Đảng và Chính phủ đã sinh
ra tôi lần thứ hai.”
Lời cảm ơn này làm tôi bật nhớ nhà văn Nam Cao khi
ông lột tâm lý của nhân vật Bá Kiến:
“Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy
ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn.”
Viết như thế hẳn Nam Cao phải rất trăn trở trong
nhận diện cái Ác và xót xa cho những xảo quyệt, ngây thơ, nhầm lẫn của con
người.
Nhưng trích như thế tôi không có ý trách những người
như ông Chấn, vì tôi hiểu sức chịu đựng, sự hiểu biết lẫn việc xác định thiên
chức của con người không giống nhau và đều có giới hạn. Hơn nữa, sự tiếc
thương, kính cẩn mới đây của nhiều trí thức khoa bảng dành cho Tướng Giáp đã
cho thấy: cảnh báo trên của Nam Cao, đã hơn 70 năm, vẫn chưa cũ.
Đặc biệt hơn, sự liên tưởng giữa những sự kiện vừa
nói còn đưa tôi nhận ra sự tương hợp kỳ lạ giữa nhận định trên của Nam Cao với
Tướng Giáp: “Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng” và việc Tướng
Giáp chỉ phê Đảng nửa chừng, sau khi Đảng đã thanh trừng Tướng Giáp cũng nửa
chừng. Rồi cuối cùng, Tướng Giáp được ra đi trong một quốc tang hoành tráng vào
hạng nhất nhì Việt Nam, do chính Đảng tổ chức, để tôn vinh tấm gương lẫm liệt
đã suốt đời tận trung với Đảng.
Thật là những “khôn ngoan” y như cái nghĩa trong
nhận xét của Nam Cao. Những khôn ngoan đớn đau cho nhân quần.
© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra
No comments:
Post a Comment