Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Global Policy
Institute, London
Cập nhật: 09:04 GMT -
thứ bảy, 2 tháng 11, 2013
Ngày 02/11/2013 là ngày tròn 50 năm ngày ông Ngô Đình
Diệm, vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, và bào đệ của
ông là Cố vấn Ngô Đình Nhu, bị sát hại trong cuộc đảo chính năm 1963.
Và trong những ngày này tại Mỹ,
Pháp và một số nước khác, cộng đồng người Việt Nam – trong đó có không ít người
Công giáo – đã và sẽ tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện cho họ.
Riêng ở Việt Nam vào trưa ngày
hôm nay (01/11), các Cha Dòng Cứu Thế cũng đã dâng lễ tại nghĩa trang Mạc Đĩnh
Chi, ở Lái Thiêu, để cầu nguyện cho hai ông. Và có thể, trong các Thánh lễ ngày
mai ở Việt Nam và như nhiều nơi khác, cũng có nhiều người nhắc tên và cầu
nguyện họ.
Trong 50 năm qua đã có vô số
tài liệu, bài viết bằng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp (của người Việt cũng
như người nước ngoài, thuộc nhiều chính kiến khác nhau) về ông Ngô Đình Diệm,
về cuộc đời, sự nghiệp hay về gia đình của ông. Trong số đó, có không ít ý kiến
cho rằng ông là một vị tổng thống độc tài, bất lực và chế độ tổng thống của ông
là chế độ gia đình trị.
Dư luận chung cũng không có ấn
tượng tốt về ông, sự nghiệp của ông và gia đình ông, đặc biệt kể từ khi hòa
thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa thành phố Sài gòn vào tháng 6 năm 1963.
Biến cố ấy làm cho dư luận thế giới và người Miền Nam lúc ấy nói riêng có thêm
ác cảm với ông và nó cũng là một lý do quan trọng dẫn đến sự thất bại của Đệ
nhất Cộng hòa do ông thiết lập.
Việc ông bị ám sát hụt hai lần
trước đó và bị đảo chính rồi bị ám sát năm tháng sau vụ tự thiêu ấy cũng chứng
tỏ rằng ông có không ít kẻ thù, trong đó có những người từng là thuộc hạ, gần
gũi với ông.
Hơn nữa, ông và gia đình ông bị
nhiều người – trong đó có những ‘người thắng cuộc’, những người không cùng
chung chuyến tiến với ông – ghét và bôi nhọ một phần vì ông và gia đình là
những người chống Cộng, là những người ‘bại trận’.
Nhưng điều đó không có nghĩa là
ông bị tất cả mọi người ghét bỏ hay không ai nhìn nhận, tôn trọng ông và những
đóng góp của ông. Việc hàng năm và đặc biệt năm nay có nhiều người, nhiều nơi
tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện cho ông chứng minh điều đó.
Câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn
có người yêu mến và tôn trọng ông?
Một người liêm khiết
"Dù có thể có nhiều học
giả, các nhà nghiên cứu không đánh giá cao về ông, nhưng đa số đều nhận định
rằng ông là một người trung thực, đạo đức, liêm khiết."
Dù có thể có nhiều học giả, các
nhà nghiên cứu không đánh giá cao về ông, nhưng đa số đều nhận định rằng ông là
một người trung thực, đạo đức, liêm khiết.
Trong cuốn ‘Cold War Mandarin:
Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam: 1950-1963’, xuất bản
năm 2006, Seth Jacobs – một trong những học giả nước ngoài viết khá nhiều về
ông Ngô Đình Diệm và cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm về ông – vẫn thừa
nhận rằng ông là một người trong sạch, vô vị lợi. Vì theo tác giả này, thậm chí
sau khi trở thành tổng thống, ông vẫn sống một cuộc sống khổ hạnh.
Một bài viết của James
MCAllister và Ian Schulte có tựa đề ‘The Limits of Influence in Vietnam:
Britain, the United States and the Diem Regime, 1959–63’, được đăng trong tạp
chí Small Wars and Insurgencies, năm 2006, cũng cho rằng ông Diệm là một người
liêm khiết, đức hạnh.
Theo cựu Ðại tá Lý Trọng Song –
nay là Phó tế vĩnh viễn (thường được gọi là Thấy Sáu Song), hiện đang giúp tại
Cộng đoàn Công giáo London và người đã từng làm cận vệ cho ông Ngô Đình Diệm
trong Phủ Thủ tướng và Phủ Tổng thống từ năm 1954 đến 1956 – ông là một người
có lối sống rất đơn sơ, nghèo khó. Chẳng hạn, giường ngủ của ông chỉ là một cái
divan (một tấm ván) trải bằng chiếu, không có nệm.
Có thể ngày hôm nay có không ít
người cảm phục ông Diệm vì họ tìm ở nơi ông những đức tính đó – đặc biệt khi họ
đọc và biết được tham nhũng đang trở thành quốc nạn tại Việt Nam.
Cũng theo cựu Đại tá Song, ông
Diệm là một người có đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín vì ông xuất thân từ một
gia đình hiếu học, làm quan và chịu nhiều ảnh hưởng của cả Công giáo và Nho
giáo.
Ông có đời sống khổ hạnh một
phần cũng vì trong những năm 1940 và 1950, ông đã từng sống trong các đan viện
tại Bỉ và Pháp. Một chi tiết được Thầy Sáu Song nêu ra để giải thích tại sao
ông Diệm không lập gia đình – một điều nhiều người đặt câu hỏi về ông – là vì
ông Diệm đã đi tu trong dòng Ba của dòng Benedicto, một dòng khổ tu ở Bỉ. Và vì
đã khấn trong dòng này, ông không nghĩ tới chuyện lập gia đình và chỉ biết ‘thờ
phượng, kính mến Thiên Chúa và lo cho quốc gia, dân tộc’.
Các tài liệu viết về ông, đặc
biệt sách vở, báo chí nước ngoài, đều nhấn mạnh rằng ông là một người Công giáo
đạo hạnh, thánh thiện. Đây cũng là một lý do tại sao trong những ngày này người
Công giáo tưởng nhớ và cầu nguyện cho linh hồn ông – người có Tên Thánh là
Gioan Baotixita (hay John Baptist theo tiếng Anh).
Hơn nữa, ông và ông Nhu bị ám
sát vào ngày 02/11 – đúng ngày Giáo hội Công giáo tưởng nhớ và cầu nguyện cho
những người đã qua đời. Vì vậy, đâu đó có những Thánh lễ cho ông cũng là chuyện
bình thường và là việc nên làm.
Một người yêu nước
Hàng năm vẫn có người đến viếng
mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm trong nước
Một điểm khác về ông đều được
nhiều người công nhận đó là ông là một người yêu nước, yêu dân tộc. Chẳng hạn,
trong cuốn ‘Patriots and Tyrants: Ten Asian Leaders’ xuất bản năm 1999, Ross
Marlay và Clark Neher, nhận định rằng cả ông và Hồ Chí Minh đều là những người
yêu nước nồng nàn. Có điều định mệnh, thời cuộc và chính kiến đã biến họ thành
kẻ thù của nhau.
Một chi tiết được các tài liệu
đề cập đến khi viết về ông đó là việc ông từ chức Thượng thư Bộ lại (gần tương
đương với chức Thủ tướng) trong chính phủ Bảo Đại năm 1933 để phản đối việc
Pháp không tiến hành những cải cách cần thiết để trao thêm quyền tự trị cho
Việt Nam.
Trong bài ‘Vision, Power and
Agency: The Ascent of Ngô Ðình Diệm, 1945-54’ – được coi là một trong những
nghiên cứu quan trọng, trung thực về ông Ngô Đình Diệm – được đăng trên Journal
of Southeast Asian Studies, Edward Miller nêu rằng trong thời gian ông Diệm nắm
quyền (1954-63), có nhiều người ở Việt Nam và những nơi khác mô tả ông như là
một con rối của Mỹ được Washington đưa lên nắm quyền và giúp đỡ nhằm thực hiện
những mục đích của Mỹ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Nhưng theo tác giả này, các tài
liệu được viết từ những năm 1960 trở về sau đều nhấn mạnh việc ông nhất quyết
từ chối những lời khuyên của Mỹ và không muốn chịu sự chỉ đạo của Mỹ. Việc ông
và chính quyền Mỹ cuối cùng chia tay nhau là một ví dụ.
Cựu Đại tá Lý Trọng Song cũng
nhấn mạnh rằng Tổng thống Diệm chỉ muốn nhận viện trợ của Mỹ chứ không chịu sự
áp đặt, can thiệp của Mỹ và nhất quyết từ chối cho lính Mỹ vào Miền Nam Việt
Nam vì ông cho rằng cho quân đội nước ngoài chiếm đóng trên lãnh thổ Việt Nam
làm cho chính phủ của ông mất chính nghĩa.
Cũng theo người cựu cận vệ này,
ông Diệm là một người yêu dân, yêu nước, yêu dân tộc vì nếu không ông có thể
chọn ra nước ngoài và tránh bị ám sát. Ông nhắc lại rằng trước những ngày diễn
ra cuộc đảo chính, Đại sứ Mỹ ở Sài gòn lúc đó là Henry Cabot Lodge gọi điện
thoại cho ông Diệm và ‘nói rằng nếu ngài muốn an toàn thì tới Tòa đại sứ’ và
ông Diệm đã trả lời ‘đây là đất nước của tôi, tôi không đi đâu hết’.
Hơn nữa, cũng như Edward Miller
nêu lên trong bài báo của mình, trong những giai đoạn 1945-54 ông bôn ba ở
ngoại cũng chỉ vì muốn tìm con đường giúp đất nước thoát khỏi ách đô hộ của
Pháp và giành tự do, độc lập. Trong cuốn sách của mình, Seth Jacobs cũng nêu
lên rằng có thể người dân Miền Nam không thích ông như họ tôn trọng ông và khâm
phục tinh thần dân tộc mạnh mẽ nơi ông.
Giai đoạn khó khăn
"Đâu đó có nhiều ý kiến
cho rằng ông là một người độc tài. Nhưng nếu so sánh ông, chính phủ ông với
những chế độ cầm quyền ở Đông Á, Đông Nam Á hay ở Miền Bắc Việt Nam trong giai
đoạn ấy, chưa chắc ông đã độc tài hơn những chế độ đó."
Ngoài ra, dù muốn hay không
cũng phải thừa nhận rằng ông là một người có tầm nhìn, có tài. Nếu không ông
chẳng bao giờ có thể trở thành Thủ tướng, Tổng thống và lập nên nền Đệ nhất
Cộng hòa.
Nhưng trong thời năm nắm quyền
của ông, miền Nam Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng như bất cứ
quốc gia nào trong thời đầu hậu thuộc địa, phải đối diện nhiều khó khăn.
Những khó khăn đó một phần do
tích cách, quan điểm hay chính con người ông tạo nên. Chẳng hạn Ross Marlay và
Clark Neher nêu rằng ông ‘là người không thực cho một hoàn cảnh không thể’.
Theo hai tác giả này là một người Công giáo nhiệt thành ông lại lãnh đạo một
đất nước đa phần Phật giáo và những đức tính của ông lại trở thành những nhược điểm
hủy hoại ông.
Cựu Đại tá Lý Trọng Song cũng
cho rằng vì ông quá thánh thiện, nhân từ ông bị nhiều người khác lợi dụng, ám
hại.
Rồi bối cảnh miền Nam Việt Nam,
Việt Nam và thế giới nói chung lúc ấy cũng không dễ dàng gì để có thể xây dựng
một thể chế vững mạnh, hiệu quả, một xã hội dân chủ, tự do và một đất nước hòa
bình, phát triển trong một thời gian ngắn.
Nhưng chỉ trong một thời ngắn
ít hay nhiều ông đã làm được một số việc quan trọng. Chẳng hạn, như Đại tá Lý
Trọng Song nêu lên, ông đã giúp dẹp được các phe nhóm, đảng phái gây bất ổn cho
Miền Nam lúc đó. Theo Seth Jacobs đây cũng là một thành công của ông được người
Miền Nam ghi nhận.
Và trên hết, như Edward Miller
nhận định, việc anh em ông bị lật đổ không thể chứng minh được rằng những ý
tưởng, dự định của họ là luôn xấu, vô hiệu. Sau biến cố 1963, Miền Nam Việt Nam
thay đổi tổng thống, chính phủ liên miên và mọi chuyện càng tệ hơn.
Đâu đó có nhiều ý kiến cho rằng
ông là một người độc tài. Nhưng nếu so sánh ông, chính phủ ông với những chế độ
cầm quyền ở Đông Á, Đông Nam Á hay ở Miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn ấy, chưa
chắc ông đã độc tài hơn những chế độ đó.
Đặt ông trong bối cảnh như vậy,
ít hay nhiều để thấy rằng cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm và Đệ nhất Cộng hòa ông
thiết lập không tệ như mọi người nhận định, mô tả hay được nghe.
Đó cũng là một lý do đâu đó có
nhiều người Việt hải ngoại tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện và công nhận đóng góp
của ông trong những ngày này.
Bài viết thể hiện quan
điểm và văn phong của tác giả, một trí thức Công giáo hiện làm
nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.
No comments:
Post a Comment