Tuesday 5 November 2013

SUY NGẪM GIỮA TUẦN - KINH TẾ & THỂ CHẾ (FB Hoàng Ngọc Diệp)




November 4, 2013 at 10:30pm

Bài này viết cho 'Hội Những Người Đam Mê và Yêu Thích Kinh Tế' vào ngày hôm nay.

-----

Trong các năm qua, tình trạng kinh tế chung của cả xã hội đã dẫn tới những cách nhìn, những quan điểm, những tiếng nói, nhất là từ những thành viên Quốc hội, về việc cần phải thay đổi thể chế. Song song, vẫn còn rất nhiều tiếng nói cho rằng thể chế rất ổn, chí có những con người yếu kém, chỉ có những “con sâu” tham nhũng, chỉ có thiếu “trách nhiệm” và khả năng “kiểm tra, kiểm soát”, v.v… bên cạnh, những câu như “vì chiến tranh nên cần có thời gian”, “mọi sự thay đổi lớn cần thời gian”, v.v…
Những cách nhìn khác nhau này làm khá nhiều anh em quan tâm đến kinh tế và kinh doanh rất hoang mang, không biết đâu là đúng, đâu là sai, những giá phải trả cho cách nhìn này hoặc cách nhìn kia là gì…
Từ góc độ kinh tế, tôi kể một câu chuyện nhỏ xảy ra gần đây giữa một anh bạn trẻ và cá nhân tôi tại Sydney để anh em cùng suy ngẫm nhé.

-----

Bạn: Anh ơi, trong môi trường làm việc của em, em tiếp xúc với nhiều sắc dân lắm, từ Trung Đông đến Á Đông, từ Phi Châu đến Nam Mỹ, phần lớn họ đều nghĩ rằng các nước phương Tây đã có một quá trình tinh hoa của khoa học đi trước phần còn lại của thế giới làm cho họ hùng mạnh hơn, rồi từ đó họ đã luôn cố tình bóc lột và luôn làm rối loạn các khu vực như Trung Đông, Đông Á và Đông Nam Á, Châu Phi, Nam Mỹ, v.v… để họ thu lợi về cho họ kéo dài bao nhiêu thế kỷ qua. Và điều này dẫn tới sự loạn lạc, nghèo đói của phần lớn các nước trong những khu vực này. Họ cho rằng chỉ cần phương Tây để yên cho những khu vực này tự quyết thì mọi chuyện sẽ tốt ra thôi.

Tôi: Khi họ nói như vậy thì mình phải đưa ra được cái điểm của lịch sử trước, vì rõ ràng trước khi phương Tây mạnh thì Trung Hoa đã đi trước khá xa, Ấn Độ cũng là cái nôi của triết học, rồi Thành Cát Tư Hãn đã chiếm lĩnh phần lớn Châu Á và phương Tây, v.v… Như vậy, ngay cả nếu chúng ta lấy cái mốc thời điểm là sự phát triển khoa học của phương Tây làm gốc thì chúng ta cũng phải nhìn xem điều gì để khoa học phát triển vào thời kỳ đó chứ, đúng không? Và nếu truy lại thì họ sẽ thấy những tư tưởng bắt nguồn từ Socrates, Aristotle… lại là nền tảng của cách tiếp cận khoa học của phương Tây mà từ đó “thể chế” xã hội là một yếu tố quan trọng như là cấu trúc cốt lõi cho sự phồn thịnh của xã hội đó em.

Bạn: Vâng, nhưng rõ ràng là phương Tây có một thời làm thực dân đi khắp thế giới mà anh?

Tôi: Đúng vậy. Cùng như trước đó cũng có những đợt thực dân khác đã càn quét phương Tây vậy. Hơn nữa, việc bọn thực dân đi càn quét thì cũng lại là một góc độ khác. Trong khi Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha chẳng hạn là những bọn thực dân vô cùng mạnh nếu so với Anh và Pháp, nhưng sau khi Thế chiến thứ 2 thì gần như những hoạt động thực dân này không còn nữa (vì tới giữa thập niên 1950s mới thực sự chấm dứt chủ nghĩa thực dân), thế mà cho tới nay thì Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha lại hoàn toàn khác với Anh và Pháp! Tại sao như vậy?

Bạn: Nếu anh nhìn như vậy thì đâu là mốc thời gian tốt nhất để dựa vào mà nhận định cho tốt và hợp lý nhất?

Tôi: Theo anh là hai mốc thời gian cận đại là hợp lý nhất như sau:

A. Kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến. Khi đó, ngoại trừ châu Mỹ, nhất là Bắc Mỹ, thì mọi khu vực trên thế giới đều vô cũng tang thương. Mọi cường quốc ở Âu Châu và Nhật đều kiệt quệ, và trong vòng 10 năm sau đó một số nước bị chia hai (như Đức, Hàn Quốc, Việt Nam vì ý thức hệ chính trị), hoặc bị chuyển đổi, xâm chiếm bởi khối Liên Xô (như Hungary, Romany, Poland, Bulgaria, Tiệp Khắc, v.v…). Hầu hết mọi quốc gia này đều bắt đầu xây dựng lại từ sự đổ nát gần như trắng tay sau đợt thế chiến này.

B. Và gần đây nhất là sự sụp đổ của chủ nghĩa CS từ Liên Xô. Mốc thời gian chúng ta có thể lấy là năm 1992.

Nếu em nhìn cho thật kỹ thì em sẽ thấy những nước nào thiết lập được thể chế dân chủ với hệ thống tam quyền phân lập có thật (cho dù có một số nước vẫn cứ duy trì vua, hoàng hậu, như là sức mạnh và hình ảnh của “lương tâm”), thì họ trở thành phồn thịnh. Những nước nào không thực hiện thể chế dân chủ hoặc tạo dựng các loại dân chủ trá hình, thì họ cứ tiếp tục bị ngự trị bởi nghèo đói, tham nhũng, thối nát.

Ngay cả Hàn Quốc bị chia 2, nhưng sau khi Nam Hàn thoát ra khỏi sự độc tài của Pak Chung Hee thì chỉ trong vòng hơn 10 năm họ đã gượng dậy, và chỉ 10 năm nữa họ lại trở thành phồn thịnh.

Ở Trung Đông, phần lớn là vì sự ảnh hưởng quá sâu của tôn giáo, và tôn giáo trở thành sức mạnh của quyền lực tập trung, vì vậy cho đến nay vẫn cứ không thể có tình trạng dân chủ và điều này làm cho họ vẫn cứ loạn lạc và bất công. Ở Ấn Độ, cho dù họ áp dụng “dân chủ” nhưng chính người dân Ấn Độ vẫn còn bị ảnh hưởng quá nặng về tính giai cấp kéo dài từ ngàn xưa cho đến nay, và chính sự phân hoá của tính giai cấp đã biến cái thể chế “dân chủ” thành một loại nguỵ dân chủ.

Với các nước Đông Âu, thì nước nào đưa vào thể chế dân chủ, chẳng hạn như Poland, Tiệp Khắc, Hungary, thì họ đã thoát nghèo rồi. Nhưng bất kỳ nước nào là dân chủ trá hình, chẳng hạn như Nga, Bulgary, Romany, Ukrania, v.v... đều vẫn bị loạn lạc và tham nhũng hoành hành!

Bạn: Nhưng như vậy thì tại sao Singapore nằm giữa Đông Nam Á và độc tài thì lại rất phồn thịnh vậy?

Tôi: Có hai lý do: (a) Lý Quang Diệu chỉ độc tài trong một thời gian rất ngắn nhằm diệt bỏ những thế lực tham nhũng đối nghịch và ngay sau đó ông ta thiết lập được một hệ thống quản lý rất minh bạch và tạo lập một môi trường dân chủ đủ bình đẳng để mọi người dân có thể cùng đóng góp và phát triển; (b) quan trọng hơn, Singapore quá nhỏ bé, còn nhỏ hơn thành phố Sài Gòn, cho nên việc tập trung điều phối Singapore vô cùng đơn giản không như những đất nước rộng lớn và đông vài chục triệu dân trở lên.
-----
Vậy đó, trong giai đoạn lịch sử cận và hiện đại của cả thế giới, nhất là vào sau thế chiến thứ hai, mọi xã hội phát triển và phồn thịnh đều có các điểm chung như sau:
1. Quản lý minh bạch. Luật pháp rõ ràng, nghiêm chỉnh.
2. Mọi con người đều được cơ hội như nhau, tài giỏi là được trọng dụng.
3. Không có tình trạng quyền lực tập trung vào một đảng phái, một triều đại một cách lâu dài, mà luôn có sự phản biện, chỉ trích bởi những sức mạnh đối lập và xã hội. Và khi cần thiết thì đảng phái cầm quyền hoặc triều đại đó sẽ phải bị truất quyền ngay.

Để tạo dựng được môi trường đạt được những điểm trên thì cho tới nay chỉ có một thể chế duy nhất: dân chủ với tam quyền phân lập.
-----

Còn bất kỳ các loại lý luận nào khác để biện giải cho những thể chế nào khác nhằm duy trì quyền lực tập trung độc tài thì nhất định xã hội đó phải xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, người tài đức bị mai một, bọn xu nịnh lường đảo được trọng dụng... dẫn tới sự đói nghèo, lạc hậu và loạn lạc mà thôi.

Vì vậy, chúng ta có thể đơn giản hoá bằng cách so sánh “thể chế” của một xã hội như là một “hệ điều hành” của một chiếc máy tính. Khi “hệ điều hành” của một xã hội hỗ trợ đắc lực cho mọi “ứng dụng” và “hoạt động” đa chiều đa cấp (“ứng dụng” như là những cá thể, những nhóm người của xã hội đó), thì những “ứng dụng” này sẽ giúp xã hội một cách hiệu quả, những “hoạt động” từ những ứng dụng này trở thành những lợi ích, còn nếu “hệ điều hành” của xã hội mà bị lỗi, thì cho dù các “ứng dụng” và “hoạt động” có tốt đến cách nào đi nữa cũng sẽ bị giới hạn hay ngay cả bị... crash cả.

Từ đó, đừng bao giờ quên là “thể chế” quyết định mọi vấn đề trọng yếu nhất, quan trọng nhất của cả xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

--------------------------

Comments :

Chú Hoang Ngoc Diep ơi cháu có 1 số thắc mắc thế này, chú có thể giải đáp thêm đc ko ạ :
1- Cháu nghĩ rằng thể chế Tam quyền phân lập sẽ ko thể áp dụng ( hay nói chính xác là ko cho phép áp dụng ) ở đất nước này đc vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm lợi ích cá nhân nắm quyền kia. Bản chất con người là tham lam, ích kỷ. Và bản chất này được duy trì và phát triển thông qua mối quan hệ thừa kế quyền lực, bè đảng và song song đó là chính sách "mị dân". Như vậy khi 1 cá nhân được trao quyền lực và được bảo kê bởi những người trong bè đảng của mình thì bản chất tham lam đó sẽ lấn át đi lợi ích chung. Vậy thì theo chú việc áp dụng phương pháp này thì đến lúc nào thì 1 đất nước mới có thể thoát ra và vượt lên được ? ( thời điểm bùng phát )
2- Hiện nay, tuy rằng 1 đất nước đang có vấn đề về niềm tin cùa nhân dân vào chính phủ nhưng nó vẫn duy trì được hệ thông an ninh, chế tài rất tốt ( người ta chỉ bất mãn trong lòng nhưng ko thể tập hợp và bộc phát ra đc ) đây là điểm mạnh của chính sách hiện tại so với quyền tự do ngôn luận của các nước dân chủ khác. Như vậy nếu sự liên kết các cá nhân bị áp bức ko đủ mạnh thì sẽ ko tạo ra được nguồn lực để thay đổi thể chế của đất nước. Vậy có phải sẽ phải chờ đến 1 lúc nào đó đến thời điểm bong bóng vỡ để tạo ra civil war hay là thông qua hình thức khác ( kinh tế chẳng hạn ) ?

*Top of Form 1
-----------------
Manh Nguyen Hoang ơi,

1. Khi mình khẳng định "Bản chất con người là tham lam, ích kỷ" thì cũng quá cực đoan, nhưng rõ ràng trong bất kỳ xã hội nào cũng có những loại người này. Vì vậy, các xã hội tiến bộ luôn có những thể chế và những hệ thống pháp lý chặt chẽ hơn nhằm giảm thiểu những hậu quả cho xã hội từ các loại người này khi họ nắm quyền đó. SỰ quyết liệt đòi hỏi từ người dân là sức ép duy nhất có thể giúp xây dựng một thể chế dân chủ đúng mức, còn không, với những cách sợ hãi, nhút nhát của đa số người dân, nhất là sau một thời gian dài dưới chế dộ độc tài, chẳng hạn như nước Nga, thì rõ ràng bọn mafia lên nắm quyền và lộng hành thôi! Nên nhớ: Không có một quốc gia nào khác đi làm dùm cho mình đâu, có thể họ chỉ giúp, chỉ hỗ trợ khi mình đứng lên đòi hỏi quyền làm người bình đẳng mà thôi.

2. Với câu: "Hiện nay, tuy rằng 1 đất nước đang có vấn đề về niềm tin cùa nhân dân vào chính phủ nhưng nó vẫn duy trì được hệ thông an ninh, chế tài rất tốt" là có vấn đề!

- Thứ nhất, đây không là chuyện của chính phủ! Mà đây là đảng CSVN, còn cả một hệ thống nhà nước đều nằm dưới tay của đảng CSVN làm theo mọi quyết định của đảng. Vấn đề là chúng láo khoét đứng sau để tránh đương đầu trực tiếp với người dân, nhưng thực chất thì người dân ai cũng biết điều này! Vì vậy khi bảo rằng người dân tin hoặc không tin vào chính phủ thì khi đó mình đã tự lừa mình hoặc bị đảng CSVN lừa rồi đó.

- Thứ hai, tuy là đảng CSVN vẫn duy trì toàn bộ lực lượng vũ trang và đây là sức mạnh duy nhất hiện nay để chúng còn nắm quyền lực. Tuy nhiên, với những sai lầm lớn và tội ác lớn của đảng CSVN trực tiếp tạo ra cũng như gián tiếp xuyên qua hệ thống nhà nước, từ đàn áp cưỡng chế cướp đất của người dân để phục vụ những doanh nghiệp của tư bản đỏ, cho đến hành xử oan ức đối với người dân gần như trong mọi lĩnh vực xảy ra càng ngày càng nhiều càng nguy hiểm đến sinh mạng và sự sống còn của người dân ở mọi nơi trên cả đất nước, thì nhất định đất nước mình sẽ đi đến tình trạng như những nước độc tài khác, đó là lực lượng vũ trang sẽ quay lại cùng với nhân dân, vì tận cùng thì họ cũng chỉ là người dân, cha mẹ, anh chi em, vợ chồng con cái, bà con quyến thuộc, bạn bè thân hữu... phần lớn xung quanh họ đều là những người dân thường thôi.

Nên nhớ, mọi thể chế độc tài khi tham nhũng đã ăn sâu vào hệ thống, khi những quyết định của bọn nắm quyền không còn tuân thủ luật pháp mà chính chúng quy định ra trước đó, thì chúng không còn có thể dừng tham lam và tàn ác được nữa. Và mọi thể chế độc tài thối nát đó luôn có cùng một kết thúc: Sẽ bị chính người dân và lực lượng vũ trang mà chúng kiềm chế quay ngược lại để tiêu diệt chúng!

Đó là sự thật đã chứng minh quá nhiều lần trong lịch sử rồi!


No comments:

Post a Comment

View My Stats