Người dân VN không hiểu hay hiểu một cách mù mờ về
luật pháp VN. Không kể những bộ luật khác thì việc hình sự có đến 2 bộ Luật:
(1) Luật Hình sự và (2) Luật Tố tụng Hình sự (LTTHS). Những người không can dự
đến hệ thống tư pháp thường hiểu nhầm 2 bộ luật này là 1.
Khi một công dân bị bắt giam thì cả 2 bộ luật này
được vận hành.
Luật Hình sự (LHS) là nhằm buộc tội một công dân vi
phạm pháp luật. Nói rõ hơn là luật nhằm xử những công dân vi phạm đạo đức và
chuẩn mực xã hội, làm tổn hại đến tài sản và tính mạng của người khác. Dựa vào
mức độ nghiêm trọng, tòa án sẽ xử tội nhẹ hay nặng.
Còn LTTHS là thủ tục tiến hành đưa một công dân vào
tù theo đúng quy định của pháp luật. Nếu không có bộ luật này thì bộ máy tư
pháp sẽ lạm quyền và xét xử một cách tùy tiện. Một câu hỏi bắt buộc để bắt đầu
một phiên tòa là: “Bị can có đồng ý với hội đồng xét xử không?” Nếu
không, thì cấp tòa án đó sẽ chỉ định một hội đồng xét xử khác. Bởi vì tòa án
không muốn tình cảm cá nhân của ông quan tòa tác động đến kết quả vụ xử?
LTTHS chủ yếu dành cho những người hoạt động trong
bộ máy tư pháp. Các nhân viên trong bộ máy tư pháp phải thực hiện đúng trình tự
tố tụng một cách công khai, minh bạch, xử đúng người đúng tội nhằm bảo vệ trật
tự trị an xã hội và ổn định về chính trị.
Nói như vậy để chứng tỏ rằng Luật pháp VN đã được
quy định khá chặt chẻ.
Trước hết là cơ quan CA sẽ ra quyết định đề nghị
viện kiểm sát (VKS) khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nếu VKS thấy không đủ yếu tố
kết thành tội phạm thì không ra quyết định khởi tố. Lúc đó CA phải thả can
phạm.
Sau khi VKS ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố
bị can thì CA sẽ tiến hành điều tra. LTTHS ngăn cấm CA không được thông cung,
mớn cung, ép cung, bức cung… trong quá trình hỏi cung (đi cung). Sau một thời
gian, ông CA thấy rằng không cần điều tra gì nữa thì hồ sơ vụ án được đóng lại
và gởi kết luận về VKS, lúc này gọi là khép cung. Đến đây thì CA đã hết trách
nhiệm.
Sau khi đọc kết luận hồ sơ của CA, VKS sẽ ra một cáo
trạng buộc tội bị can theo điều mấy, khoản mấy của bộ LHS. Họ gửi cáo trạng qua
Tòa án để chờ ngày xét xử, còn gửi cho CA là để báo cho biết vụ án đang được
tiến hành xét xử. Hiếm có trường hợp nào VKS gửi trả kết luận về cho CA để điều
tra lại (trừ trường hợp anh Ba, chú Bảy tác động đến VKS).
Luật pháp nào
cũng do nhà nước đó dựng nên theo quan điểm và mục đích của họ. Hệ thống tư
pháp từ CA, VKS, Tòa án đều đặt dưới sự lãnh đạo của đảng CS. Tính tranh tụng,
đối chất và phản biện trong các phiên tòa hoàn toàn không có.
Nếu nói như LS Bùi Quang Nghiêm: “Án dành cho ông
Nguyễn Thanh Chấn là cẩu thả, vô cảm” thì tôi không đồng ý, bởi vì sự cẩu
thả và vô cảm là tính cách và cảm xúc của cá nhân. Chuyện bắt oan ông Chấn là
vi phạm LTTHS của cả một hệ thống, chứ không phải của một cá nhân nào
hết.
Sự vi phạm này có thể xuất phát từ sự tham nhũng của
các viên chức trong bộ máy? Nếu ông Chấn có vài cây vàng đút lót cho cán bộ
điều tra thì liệu rằng ông ta có bị mớn cung, bức cung một cách mạnh mẽ như vậy
không?
Hầu hết công an điều tra đều không muốn tham gia các
vụ án chính trị hay giết người, mà chỉ muốn điều tra vụ buôn bán ma túy, án
kinh tế và tham nhũng… vì họ có cơ hội để “ăn”. Ai muốn nhẹ tội thì cứ việc
chạy án? Chỉ cần một cái phết phẩy của ông điều tra viên là án có thể tăng giảm
5-3 năm.
Vụ án oan của ông Chấn chỉ được sáng tỏ sau khi ông
Lý Nguyễn Chung ra đầu thú vì lương tâm dằn vặt. Một phần vì oan hồn người
chết, phần khác vì một người lương thiện phải đi ở tù chung thân thay mình.
Mỗi năm VKS đều đến các trại tạm giam và trại giam
để kiểm tra việc thụ án ra sao, chuyện ăn ở của tù nhân như thế nào? Nhưng họ
tỉnh bơ cho rằng những chuyện đang xảy ra trong nhà tù là một điều tất nhiên.
Mấy ông quan chức dù có phát biểu gì đi nữa, thì
cũng không thể biện hộ cho những bất công trong quá trình tố tụng của một nhà
nước độc tài lên những công dân đáng thương và nhỏ bé của mình.
Đà Nẵng ngày 08/11/2013
No comments:
Post a Comment