Wednesday 20 November 2013

PUTIN CHINH PHỤC VIỆT NAM (Lyuba Lulko - Pravda.Ru)




Lyuba Lulko

Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
21/11/2013 / No Comments

Mục đích chính trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin trong những ngày vừa qua gần như đã được hoàn thành đúng với ý định nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia vào khu vực thương mại tự do với Liên minh Thuế quan. Ngoài ra, các khía cạnh quan trọng khác cũng được đề cập tới như sự tiến bộ trong công nghệ năng lượng hạt nhân của Nga ở Đông Nam Á và sự hiện diện quân sự của Nga ở Vịnh Cam Ranh.

Ý tương Liên minh Á – Âu là một dự án đã được Tổng thống Nga trình bày và công bố vào năm 2011 nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của CIS (Commonwealth of Independent States – Cộng đồng các Quốc gia Độc lập) ở khu vực Đại Tây Dương và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ở thời điểm hiện tại, các nước trong liên minh đang phát triển trên cơ sở Liên minhThuế quan nhưng trong tương lai thì mối quan hệ này có thể đẩy lên thành quan hệ quân sự, chính trị giữa các nước với nhau.

Đã có một vài lời phát biểu trước chuyến viêng thăm của ông Putin cho rằng, trong chuyến viếng thăm Liên minh Hải quan và nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có thể đi đến ký kết thỏa thuận thành lập một khu vực tự do thương mại (Free Trade Agreement – FTA). Vào tháng Bảy năm ngoái, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam mong đợi để được gia nhập khối Liên minh Thuế quan của Nga, Belarus và Kazahkhstan. Câu hỏi chính ở đây là lợi ích mà Liên minh Thuế quan sẽ đem tới cho Việt Nam là gì? Liệu đây có thật sự là lợi ích kinh tế hay chỉ liên quan tới vấn đề địa chính trị.

Aza Mihranyan – Vụ trưởng Vụ kinh tế CIS Institute nói với Pravda.ru rằng, “Việc tham gia khối tự do thương mại (FTA) tạo điều kiện ưu tiên cho Việt Nam tăng số lượng các hợp đồng thương mại. Điều này sẽ không tác động lớn lắm tới khối kinh tế của Liên minh Thuế quan bởi số lượng các thỏa thuận thương mại từ VIệt Nam hầu hết sẽ tập trung vào Nga, và Việt Nam có thể chuyển hướng nếu họ muốn. Ở trong thỏa thuận này, sự căng thẳng về cạnh tranh sẽ không diễn ra bởi hàng hóa của Việt Nam không giống những sản phẩm ở các nước trong Liên minh Thuế quan. Hơn nữa, những sản phẩm này có thể là những vật liệu chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng trong thị trường của chúng tôi, vấn đề này đã được thảo luận và thỏa thuận. Từ quan điểm chính trị, sự hợp tác kinh tế diễn ra càng nhiều thì ưu đãi và lợi thế chúng tôi dành cho Việt Nam càng cao”.

Việc gia nhập khối FTA sẽ cho phép Nga tăng giá trị trao đổi thương mại với Việt Nam lên gấp ba lần vào năm 2020, tức ở khoảng 10 tỉ USD.  Vitaly Tretyakov – Tổng Biên tập Tạp chí Class cho biết rằng, “Việt Nam là một quốc gia mới nổi, phát triển nhanh chóng với thị trường lao động và thương mại khá lớn. Họ là đối tác khá tốt để hợp tác lâu dài. Ngoài ra, các lãnh đạo của Việt Nam đều rất cởi mở với Nga. Họ luôn trân trọng những gì Nga đã làm cho họ trong thời gian chiến tranh trước đây. Họ coi đó còn quan trọng hơn các vấn đề kinh tế. Việt Nam là một trong những nước quan trọng nhất trong khu vực đối với Nga đồng thời cũng là một giải pháp, vì nếu Mát-xcơ-va định hướng vào Trung Quốc có thể dẫn tới việc Nga quá phụ thuộc vào Bắc Kinh”.

Ngoài hợp tác trong Liên minh Thuế quan, Việt Nam và Nga còn có kế hoạch đi đến hợp tác đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí. Theo báo chí Việt Nam, Rosneft của Nga đã ký một thỏa thuận cho phép Petrovietnam của Việt Nam thăm dò dầu khí ở Biển Pechora tại Bắc Cực phía tây bắc của nước Nga.

Những ký kết về hội nhập trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân hòa bình cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Việt Nam đặc biệt chú ý đến sự phát triển của ngành công nghiệp này. Vào năm 2030, Việt nam muốn sản xuất khoảng 6% điện năng tại 13 lò phản ứng điện hạt nhân trong tổng số tám nhà máy điện.
“Trong số các nước ở khối ASEAN, Việt Nam có vẻ như là quốc gia duy nhất có những kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân, đặc biệt là có sự hợp tác với Nga”, ông Kevin Punzalan, nhà nghiên cứu tại Đại học De La Salle ở Philippines cho biết trên tờ Vietweek.

Tổng thống Putin đã đề cập trong bài Hợp tác Nga–Việt Nam: Động lực mới để giải quyết những thách thức và các mối đe dọa toàn cầu rằng Rosatom sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận để có thể hoàn thành đúng hạn theo kế hoạch vào năm 2023 và 2024.

Sự hợp tác về lĩnh vực năng lượng hạt nhân là một bước đi khá đúng đắn giữa Nga và Việt Nam. Trong tháng qua, Việt Nam cũng đã ký một thỏa thuận phát triển năng lượng hạt nhân dân sự với các công ty Hoa Kỳ. Nhật Bản và Hàn Quốc luôn cố găng để vào thị trường Việt Nam nhưng ở lĩnh vực năng lượng hạt nhân, khó có quốc gia nào có thể qua nổi ngành công nghiệp hàng trăm tỉ đô-la của Nga. Tập đòan nhà nước “Rosatom” đã thắng thầu trước các nước Phương Tây bởi họ là tập đoàn duy nhất trên thế giới xuất khẩu năng lượng hạt nhân theo chu kỳ một cách hoàn hảo. Với việc thắng gói thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, Nga có thể sẽ tự động tích quan hệ kinh tế, chính trị với Việt Nam.

Hợp tác quân sự là điểm thứ ba trong quan hệ giữa hai nước. “Hợp tác quân sự và kỹ thuật giữa hai nước đã được đưa lên một hướng hoàn toàn mới. Lĩnh vực này không còn giới hạn trong việc xuất khẩu vật tư. Hiện Việt Nam đang tiến tới bước sản xuất các thiết bị quân sự tiên tiến với sự hỗ trợ từ các công ty Nga”, ông Putin nói.

Vào ngày 7 tháng Mười một, Nga đã bàn giao cho Việt Nam một trong sáu tàu ngầm Diesel – điện lớp 636 “Varshavyanka” (Kilo) với chi phí gần 2 tỉ USD theo thỏa thuận kí kết hồi năm 2009. Lớp tàu ngầm này sẽ được đặt tại Cảng Cam Ranh, nơi căn cứ quân sự – kỹ thuật được thiết lập để bảo trì cho các tàu ngầm. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã mua hai tàu tuần tra mới loại “Gepard 3-9”. Thỏa thuận này sẽ được chuyển giao theo kế hoạch vào năm 2016 và 2017. Những thỏa thuận mua bán, hợp tác quân sự giữa Nga và Việt Nam là những điều thiết yếu và rất cần thiết cho cả hai nước bởi nó mang lại sự cân bằng địa chính trị cho Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nga đang đa dạng hóa các mối quan hệ chính trị trong khu vực, và Việt Nam đã xác định được họ là một nước độc lập trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hai đối thủ Trung Quốc – Hoa Kỳ.

© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info




No comments:

Post a Comment

View My Stats