Phạm Chí
Dũng
14/11/2013
Nhân quả
Thiên An Môn năm 2013 đã trở thành nhân quả cho
Thiên An Môn năm 1989.
Xích xe tăng tưới máu sinh viên mùa hè năm 1989 đã
trở thành tác nhân di chứng chế độ ngay dưới di ảnh Mao Trạch Đông và cuộc cách
mạng văn hóa cùng ba chục triệu sinh mạng bị diệt vong của ông ta.
Bây giờ thì chuyện gì có thể xảy ra và sẽ xảy đến
với thể chế chính trị Bắc Kinh?
Sau cuộc tấn công bằng xe jeep gây ra nhiều cái chết
ở quảng trường Thiên An Môn vào tháng 11/2013 mà giới tuyên giáo Trung Quốc
đồng loạt lên án là “khủng bố”, chính thể cầm quyền chuyên chế và độc đoán ở
quốc gia bị xem chỉ còn vỏ cộng sản này đã không còn có thể nói đến chuyện an
toàn trong bất kỳ căn phòng trú ẩn nào.
Tiếng nổ lan dần và lan nhanh trong lòng Nội Hán.
Tiếng nổ đó khởi nguồn từ tiếng lòng bị xé nát của người dân và kết thúc bằng
tia xé rách khối không gian u thẫm giữa bốn bức tường tăm tối.
Tiếng nổ đó được kích phát bởi tiếng kêu của quá
khứ. Chỉ vài tháng sau khi đại hội lần thứ 18 đảng Cộng sản Trung Quốc kết
thúc, đầu năm 2013 đã chứng kiến hành động đánh bom tự sát vào đám đông công
quyền gây chấn động quốc gia này. “Thành công rực rỡ của đại hội 18” cũng hầu
như gắn liền với tấm màn đen tang tóc ở thành phố Quảng Châu - thủ phủ tỉnh
Quảng Đông.
Cách đây không lâu, một vụ đánh bom tự sát khác lại
xảy ra, nhưng ngay tại sân bay Bắc Kinh. Dù bị báo đảng định hướng là tâm thần
hay bức bối cá nhân, người tự sát cũng đã kịp để lại dấu ấn hằn học trên gương
mặt loang lổ của chính thể.
Gần đây nhất vào tháng 11/2013, vụ đánh bom ở thành
phố Thái Nguyên của Trung Quốc lại rất trùng hợp về thời điểm với vụ cài mìn
xảy ra tại tỉnh Nghệ An ở Việt Nam. Nhưng tính hiệp thông sâu sắc nhất là cả
bom và mìn đều nhắm vào trụ sở những cơ quan công quyền mang trên mình sứ mạng
chăn dắt dân chúng.
Vụ đánh mìn Nghệ An lại xảy ra không bao lâu sau vụ
người nông dân Đặng Ngọc Viết xả đạn vào dàn lãnh đạo của trung tâm quản lý quỹ
đất tỉnh Thái Bình.
Chưa kể tiếng nổ của súng hoa cải - một loại vũ khí
sát thương được tuồn qua cửa khẩu từ Trung Quốc…
Hàng loạt và hàng loạt tiếng nổ không ngớt ở nông
thôn miền Bắc.
Dù không có cơ sở nào cho thấy có mối liên hệ giữa
những hoàn cảnh tạo nên tiếng nổ ở Thái Bình và Nghệ An, nhưng khó có thể loại
trừ mối liên hệ tâm lý giữa hai vụ địa chấn xã hội này. Tác động về não trạng
trong tâm trạng bức xúc và phẫn nộ vượt quá giới hạn vẫn thường là nguồn cơn
thúc đẩy người dân hành xử một cách tự phát và phần nào vô thức.
Nhưng vượt trên não trạng tự phát và vô thức trong
phản ứng của xã hội Việt Nam, chủ đề này lại đang được cộng hưởng một cách có
tổ chức và quy mô bởi những hành động bài bản và có kỷ luật ở Trung Quốc. Với
vụ nổ bom ở thủ phủ Thiên An Môn, hẳn nhiên đó là một sự thách thức trực tiếp
với lãnh tụ Mao Trạch Đông và bề dày gần bảy chục năm “chủ nghĩa xã hội mang
màu sắc Trung quốc”.
Sâu xa hơn, cho dù bị xem là “khủng bố Tân Cương”
thì cũng không thể phủ nhận rằng mối mâu thuẫn sắc tộc giữa dân tộc Duy Ngô Nhĩ
với người Hán, và trên hết là với chế độ cầm quyền độc đoán, đã công nhiên vọt
thành mối xung đột đối kháng đến mức sẵn lòng lấy mạng đổi mạng.
Đó cũng là nguồn gốc mà có thể sản sinh ra vô số
cuộc bạo động, bạo loạn của hoàng hôn lịch sử chưa bao giờ ngưng máu đổ trong
lòng dân tộc Trung Hoa.
“Minsky
chính thể”
“Minsky chính thể” nên được xem là một khái niệm mới
đối với sự vận động không thể coi là toàn vẹn của chế độ chính trị đương nhiệm
Trung Quốc và những chính thể phụ thuộc quá sâu đậm vào nó.
Tại thời điểm Minsky, con nợ không còn khả năng thanh
toán cho chủ nợ, khiến cho khối u bùng vỡ và màng dịch hôi thối tràn ra.
Ở Việt Nam, thời điểm Minsky dành cho nền kinh tế
thực ra đã xuất hiện từ năm 2011, khi có ít nhất 15% số doanh nghiệp phải giải
thể và phá sản, tồn kho nhà đất dâng cao như núi kéo theo món nợ truyền kiếp
với các ngân hàng. Năm 2013 càng bùng nổ làn sóng siết nợ của các ngân hàng đối
với con nợ, trong đó có đến 70% chúa chổm thuộc về thị trường đầu cơ bất động
sản.
Nếu không thể thanh toán nợ, hiệu ứng Minsky sẽ lập
tức hiện hình và mọi thứ sẽ có thể tung hê. Một sự sụp đổ dữ dội và kéo theo
cuộc tháo chạy tán loạn sẽ diễn ra không kém thua gì hình ảnh vụ trường thác
loạn và hỗn loạn khi bị cảnh sát đột phá.
Với những gì đã và đang xảy ra, có cơ sở để cho rằng
nhà cầm quyền Trung Quốc đang phải trả một cái giá không hề rẻ cho những gì mà
họ đã siết bức đối với tộc người Duy Ngô Nhĩ và vùng Tây Tạng.
Nhưng vẫn hầu như chưa có gì được ngộ ra từ giá cả.
Dàn đồng ca tuyên giáo mới đây của Bắc Kinh vẫn không bớt hung hăng đe dọa sẽ
“dập tắt tiếng nói của Đạt Lai Lạt Ma”.
Sau hơn 120 vụ tự thiêu của tu sĩ Tây Tạng để phản
kháng chính sách đàn áp của Bắc Kinh, mọi chuyện vẫn đang tự cháy bỏng. Ngọn
lửa phản kháng vẫn rừng rực và còn lâu mới bị dập tắt.
Còn lâu mới tái lập được sự ổn định chính trị trong
lòng Đại Hán. Thậm chí ngược lại, Tập Cận Bình và thế hệ lãnh đạo mới của ông
đang phải đối diện với định đề số phận của lịch sử: nhà nước độc đảng Trung Hoa
đã tồn tại gần bảy chục năm, và chừng đó là quá đủ để thu xếp cho một sự thay
thế khác.
Câu hỏi còn lại chỉ là sự thay thế mới mẻ sẽ diễn ra
trong bình an hay được tiếp sức bởi một cuộc tắm máu - di chứng không quá hiếm
hoi trong lịch sử nối đuôi toàn trị của các triều đại Trung Quốc.
Hồi tố!
Những tiếng nổ trong lòng Nội Hán đang làm thành
chuỗi tần suất ngày càng dày hơn, kiên định hơn và cũng chết chóc hơn. Sau
chuỗi thời gian đằng đẵng cam chịu trong vô vàn uất ức, người dân bắt đầu phản
ứng theo chủ thuyết “hồi tố”.
“Hồi tố” cũng là hành động đã xảy ra không biết bao
nhiêu lần trong lịch sử đầy can qua của Trung Quốc, hay tại một đất nước có
truyền thống “ngàn năm Bắc thuộc” như Việt Nam.
Sự phản kháng của người dân với chính quyền không
thường được nâng lên tầm tư tưởng vĩ mô về trận chiến nhằm thay đổi một thể
chế, mà trước mắt và cận kề nhất là trực chỉ các nhân viên công quyền đang nhởn
nhơ ăn tiệc khỏa thân ngay trên nỗi đau ngất trời của dân chúng.
Không thiếu bài học và kinh nghiệm lịch sử cho thấy
những cuộc hồi tố tự phát, với quy mô và phạm vi rất nhỏ, vẫn có thể dẫn đến những
chiến dịch hồi tố lớn hơn rất nhiều về tầm vóc và lực lượng tham gia.
Bắc Kinh đang và sẽ không còn là nơi yên tĩnh cho
giới quan chức chức chính trị cao cấp nghỉ dưỡng và quyết định về tương lai của
thế giới. Khái niệm bất an có lẽ sẽ trở thành từ ngữ cửa miệng của chính giới
tương lai ngay tại thủ đô Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hay tại bất cứ một địa
điểm nào có trưng diện ảnh Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và phơi bày bức tranh
nhân viên thành quản đánh hội đồng đến chết người dân bán dạo.
Thuốc nổ không thiếu trên phần lớn diện tích Trung
Quốc, kể cả một phần chất kích nổ đã được bày bán công khai ở các chợ đầu mối
Lạng Sơn ở phía Bắc Việt Nam, nơi được chính thức coi là cửa khẩu chính ngạch
tuồn các loại hàng nhạy cảm từ Trung Quốc sang.
Hà Nội lại chẳng xa cách Lạng sơn bao nhiêu…
Không khác mấy Tây Tạng ở Trung Quốc, một số sắc tộc
thiểu số ở vùng Tây Bắc Việt Nam như người H’ Mông, hoặc những tín đồ Phật giáo
hòa hảo thuần túy ở An Giang luôn có thể là mối đe dọa với thói kiêu ngạo của
an ninh Thủ đô.
Nông thôn miền Bắc cũng đang đầy rẫy cảnh loạn ly bị
gây ra bởi cách hành xử ngày càng vô lối và dã man của một số chính quyền địa
phương và các tập đoàn lợi ích, cùng thái độ tắc trách đến mức vô đạo của những
quan chức trung ương.
Hà Nội, cũng vì thế, sẽ khó có thể yên tĩnh trong
một tương lai “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ
nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa…” - như ưu tư mới nhất của Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng.
P.C.D.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 02:32
No comments:
Post a Comment