Monday, 4 November 2013

NHỮNG CẬU BÉ H' MONG BÊN ĐƯỜNG QUỐC LỘ 4B (FB Trần Minh Khôi)




November 3, 2013 at 1:59am

Tôi viết cái note này để tặng Xuân Bình, người có những ưu tư như tôi. Cám ơn Xuân Bình đã đưa tôi lên Hà Giang.

*

Xuân Bình cho xe dừng lại bên một cây cầu nhỏ trên quốc lộ 4B, đâu đó trên địa phận Mèo Vạc. Mọi người xuống xe. Tôi để ý thấy có mấy cậu bé đang chơi ở đầu cầu. Tôi bước lại gần và lặng lẽ ngồi trên thành cầu nhìn chúng. Ba cậu bé lớn hơn đang chơi bắn bi. Một cậu nhỏ hơn, khoảng hai, ba tuổi, chắc là em của một trong ba cậu bé kia, ngồi nhìn ra đường, bất động. Gương mặt của chúng cũng lem luốc như gương mặt những đứa bé khác mà tôi đã thấy trên suốt chặng đường. Chúng gần như không để ý gì đến những chiếc xe thỉnh thoảng chạy ngang qua ngay sát bên chúng.

Bắn bi là một trò chơi mà đám trẻ con chúng tôi ở quê vẫn chơi từ lúc còn nhỏ. Trẻ con ở quê hồi đó chỉ có vài trò chơi: chơi đánh cù, đánh đáo, chơi trốn tìm, chơi bắn bi. Những trò chơi này cần một không gian đủ rộng, chí ít là trong một cái sân chơi, trên đường làng, hay trên một bãi cát rộng. Điều làm tôi chú ý ngay lập tức là cái không gian rất hẹp mà các em đang chơi: bên lề đường và ở đầu một cây cầu nhỏ, bề ngang khoảng nửa mét, bề dài khoảng mét rưỡi.

Các em xoay xở rất khéo léo trong cái không gian chật hẹp đó. Đường bi bắn ra từ ngón tay cái vừa đủ để trúng đích mà không bao giờ đi ra khỏi giới hạn các em tự vạch ra cho mình. Các em tự động, tự giác di chuyển qua lại để tránh đường bi của bạn, thỉnh thoảng qua lại vài câu mà tôi nhận ra có các chữ “nhất”, “nhì”, “ba”. Trong gần nửa giờ đồng hồ quan sát các em chơi, tôi không thấy các em dịch chuyển ra khỏi cái không gian của mình.

Tôi chợt nhận ra: ở tuổi của các em, các em đã biết tự thu mình lại trong một không gian đủ để tồn tại mà không bị tác động của cái thế giới đang xiết chặt xung quanh các em.
Từ lúc nào đó, những người thiểu số đã học được cách tồn tại trước sự xâm thực vũ bão của cái thế giới được xem là văn minh chung quanh họ; họ thu nhỏ lại trong một không gian vừa đủ để giữ lấy mình.
Một trong những vấn đề lớn của nhân loại trong thời hiện đại là sự huỷ diệt với tốc độ khốc liệt ngày càng gia tăng của văn hoá thiểu số mà hậu quả của nó là sự tuyệt chủng của những truyền thống văn hoá đã kết tinh qua hàng ngàn năm của các cộng đồng thiểu số. Việt Nam đi sau thế giới, và chứng kiến sự huỷ diệt này muộn hơn. Thường những quốc gia đi sau có cơ hội học hỏi những quốc gia đi trước về những giải pháp giảm thiểu những đổ vỡ chính trị, văn hoá, xã hội, và con người. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta cũng không có nhiều kinh nghiệm tốt để học hỏi: gần như không có ngoại lệ, sự đối xử tàn khốc đưa đến huỷ diệt các cộng đồng thiểu số bản địa xảy ra với tất cả các nhà nước ở các quốc gia đa văn hoá và đến khi người ta nhận ra những tội ác đó thì đã quá muộn.

Kiến tạo một mô hình nhà nước để đảm bảo quyền bảo tồn văn hoá thiểu số trong một quốc gia đa văn hoá là một vấn đề cực kỳ khó khăn, cả trên phương diện lý thuyết và thực tiễn. Ngay ở các quốc gia dân chủ tự do và phát triển, mà ở đó quyền con người và quyền người thiểu số đã được pháp luật bảo vệ, ý thức bảo tồn văn hoá của công dân rất cao, ngân sách nhà nước dành cho cộng đồng thiểu số rất lớn, thì vấn đề thiểu số vẫn chưa được giải quyết một cách thoả đáng. Mới hai tuần trước thôi, James Anaya, đặc sứ của Uỷ ban về Quyền của các Cộng đồng dân Bản địa của Liên Hợp Quốc, sau chuyến khảo sát các vấn đề nhân quyền ở những cộng đồng dân bản địa ở Canada, đã có lời khiển trách chính quyền của quốc gia này về hậu quả của các chính sách của họ; người bản địa ở Canada đang sống trong những điều kiện không hơn gì những cộng đồng bản địa ở các quốc gia đang phát triển.

Ông Anaya đã nói quá để chuyển cái thông điệp của mình thôi. Đương nhiên, ở các quốc gia đang phát triển, vấn đề tồi tệ hơn. Ở các quốc gia có một nhà nước toàn trị thì vấn đề càng tồi tệ hơn nữa: các chính sách bảo tồn văn hoá thiểu số là chỉ để nhằm mục đích duy trì quyền lực chính trị. Ở đây, chúng ta chứng kiến sự giao hôn thuận tiện của quyền lực chính trị và tâm lý khinh miệt văn hoá thiểu số còn rơi rớt lại của thời thuộc địa. Ở Việt Nam còn có một quái vật khác nữa: não trạng Đại Kinh, một sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Sự tàn phá của não trạng Đại Kinh đối với văn hoá thiểu số đã đẩy tốc độ huỷ diệt đến mức khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Tấm biển ghi tên Đường Nguyễn Trãi ở Thị trấn Đồng Văn và tấm bằng công nhận gia đình văn hoá treo trên tường nhà một người H’mong mà chúng tôi đã trú lại một đêm ở Sủng Là là bằng chứng của sự giao hôn và não trạng đó.

Nói chuyện tấm bằng công nhận gia đình văn hoá trước. Tấm bằng ghi: Ủy ban Nhân dân Tỉnh Hà Giang Công nhận gia đình ông <họ và tên> đạt danh hiệu Gia đình văn hoá năm .

Ở một quốc gia mà quyền lực nhà nước là tuyệt đối và quyền lực chính trị bao trùm lên tất cả mọi khía cạnh của đời sống văn hoá xã hội, một bằng công nhận như thế có vẻ bình thường. Nhưng chúng ta không thể hình dung điều đó có thể xảy ra trong một quốc gia trưởng thành về tư duy văn hoá: quyền lực chính trị đang can thiệp thô bạo vào đời sống văn hoá; tự nó cho phép nó phán xét thế nào là văn hoá và gia đình văn hoá. Không cần phải tưởng tượng gì nhiều, chúng ta có thể hình dung ra được cái nội dung “văn hoá” ở trong tấm bằng công nhận này là gì; nó nhằm mục đích vinh danh và duy trì quyền lực chính trị. Có ai đặt câu hỏi ý niệm gia đình văn hoá của cộng đồng văn hoá, mà cá nhân được tặng bằng thuộc về, là gì không? Có ai cố gắng dung hoà ý niệm gia đình văn hoá của họ không? Quyền lực chính trị, ở mọi nơi, không bao giờ làm điều này.

Ở Thành phố Hà Giang có một con đường đặt tên Nguyễn Văn Linh. Điều này có thể hiểu được vì Nguyễn Văn Linh là một gương mặt lớn của vương quyền hiện tại. Sự áp đặt chính trị này, dù thô bạo, nhưng hiểu được. Nhưng không có lý do gì ở Thị trấn Đồng Văn lại có một con đường mang tên Nguyễn Trãi. Đây là thói quen thực dân, được bao bọc và nuôi dưỡng bởi não trạng Đại Kinh.

Nguyễn Trãi nếu là một “anh hùng dân tộc” thì cũng chỉ là anh hùng của “dân tộc Kinh”. Nguyễn Trãi chưa bao giờ là anh hùng của người H’mong, người Tày, người Dao, Ede, Bana, Chăm cả. Những cộng đồng văn hoá-lịch sử này có những người anh hùng của họ. Nếu phải đặt tên đường trên mảnh đất văn hoá-lịch sử của họ thì trước hết phải lấy tên của những người anh hùng, những vị thần của họ.

Nhưng não trạng Đại Kinh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam không cho phép nhận ra điều đó. Nó không cho phép người ta hành xử văn minh trong sự tôn trọng quyền bảo tồn văn hoá của người bản địa. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam đã tạo nên một số gương mặt “anh hùng dân tộc” (trong đó có Nguyễn Trãi), một số ý niệm về “nguồn gốc dân tộc” (con Lạc cháu Hồng), về một định mệnh nào đó của “dân tộc Việt” (ngàn năm chống ngoại xâm). Thế rồi, những người bị chủ nghĩa này khuynh loát đi gieo rắc những thứ mới sáng tạo ra đó trên những vùng đất văn hoá-lịch sử lâu đời của người thiểu số, nhân danh những điều rất vĩ đại nhưng hung hãn và ngu muội như những tên thực dân. Quyền lực chính trị tìm thấy ở họ những đồng minh trung thành.

Bên quốc lộ 4B, thé kỷ XXI. Nguồn: TMK

Như đã nói, sự hủy diệt văn hoá thiểu số này không mới. Việt Nam đi sau thế giới và chúng ta chứng kiến sự hung hãn và ngu muội này muộn hơn thôi. Có một lập luận nguy hiểm và phản động xem tiến trình này là tất yếu. Họ cho rằng nếu tiến trình đã xảy ra ở các quốc gia khác, ngay cả các quốc gia phát triển, thì nó xảy ra ở Việt Nam là điều chấp nhận được. Cùng với tâm lý khinh miệt văn hoá và con người thiểu số, vấn đề bảo tồn văn hoá thiểu số chưa phải là vấn đề thường trực trong tư duy chính trị xã hội của chúng ta. Sự áp đặt và khuynh loát thô bạo của quyền lực chính trị là một thử thách lớn khác. Trong một quốc gia mà nhân quyền phổ quát vẫn chưa được tôn trọng thì quyền bảo tồn văn hoá, cũng là một thứ nhân quyền, có vẻ như một thứ xa xỉ.

Nhưng thời gian không đợi. Các quyền dân sự và chính trị có thể đến muộn một hai thập niên; tự do và quyền con người cũng sẽ đến. Nhưng nếu không bảo tồn thì trong một hai thập niên đó chúng ta sẽ mất, và mất đi vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được, những tài sản văn hoá đã kết tinh qua hàng ngàn năm của các cộng đồng thiểu số. Tài nguyên nhiên thiên ở Việt Nam, trên căn bản, đã cạn kiệt chỉ trong vòng vài thập niên. Với tốc độ huỷ diệt đang diễn ra hiện nay, tài sản văn hoá thiểu số cũng đang có nguy cơ cạn kiệt trong vài thập niên tới. Chúng ta đã thừa hưởng gì và để lại gì cho các thế hệ sau?

Đó là một câu hỏi lớn, rất lớn. Tài nguyên thiên nhiên có thể bù đắp được bằng sự phát triển của công nghệ. Nhưng tài sản văn hoá, một khi đã mất, thì sẽ để lại một khoảng trống vong thân không thể nào bù đắp được cho các thế hệ sau.

Bắt đầu từ đâu, một khi mà quyền lực chính trị độc đoán vẫn còn rất hung hãn và thô bạo trong các vấn đề bảo tồn văn hoá thiểu số? Đây là một câu hỏi lớn khác.

Còn một vấn đề quan trọng nữa ảnh hưởng đến sinh mệnh quốc gia trong vài thập niên tới, một khi tiến trình dân chủ hoá xảy ra: nguy cơ bất ổn xã hội ở những vùng đất thiểu số.

Những dồn nén uất ức của những bất công, của sự khinh miệt, của thái độ kẻ cả dân tộc lớn đối với người thiểu số, tích tụ trong vài thập niên qua (và với người Chăm là trong mấy thể kỷ qua) không tự nhiên biến mất. Những dồn nén này lắng vào sâu trong những cơ từng tâm thức cộng đồng và nằm yên đó. Chúng chờ một cơ hội trỗi lên để đòi lại công lý. Sự can thiệp của các thế lực chính trị sẽ làm tình huống trở nên bi đát. Kinh nghiệm thế giới về chuyện này có nhiều. Câu hỏi kế tiếp: làm thế nào, trong một thời gian ngắn tới đây, hoá giải những dồn nén bất công đó để nó không làm bùng nổ bất ổn xã hội?

Vấn đề bảo tồn văn hoá thiểu số, do đó, không đi ra ngoài các vấn đề chung của hoà giải quốc gia. Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rằng mỗi cộng đồng văn hoá-lịch sử đã giúp tạo nên quốc gia Việt Nam hiện đại phải có chỗ đứng trong đời sống chính trị xã hội. Chúng phải được dành cho một không gian sống truyền thống để bảo tồn văn hoá. Và trên hết, không ai khác hơn là chính các thành viên của các cộng đồng văn hoá-lịch sử này sẽ quyết định cái gì là văn hoá, cái gì cần phải bảo tồn. Chúng ta đang nói đến quyền tự do.

Việc thiết kế một nhà nước đảm bảo quyền bảo tồn văn hoá của các cộng đồng này vẫn là một thử thách vượt trên lên các định chế dân chủ và tự do mà chúng ta đang nhắm đến. Tuy nhiên, nếu điểm xuất phát là niềm tin vào công lý dựa trên quyền con người thì chúng ta sẽ giảm thiểu những bất công trong tiến trình đó.

Người H’mong ở Hà Giang. Nguồn: TMK

Những cậu bé H’mong chơi bắn bi bên đường quốc lộ gợi ý trong tôi cái tiến trình Kinh hoá, và qua đó sự huỷ diệt văn hoá thiểu số xảy ra, mà các cộng đồng thiểu số này đang trải qua. Trò chơi bắn bi, dùng những viên bi thuỷ tinh hay nhựa, và ngôn ngữ xếp hạng “nhất”, “nhì”, “ba” là của người miền xuôi. Từ Thành phố Hà Giang lên Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, thỉnh thoảng bạn lại thấy những bàn bi-da, những quán bán nước và bia treo tấm biển theo kiểu của người miền xuôi, nghĩa là cùng một kiểu chữ và màu sắc như các tấm biển ở bất cứ đô thị nào. Người H’mong đã dùng xe máy thay cho ngựa thồ, đã có điện và điện thoại. Đó là những dấu chỉ của cuộc sống hiện đại. Cùng với sự phát triển của kinh tế, đời sống của người thiểu số sẽ thay đổi. Tóm ngắn gọn: họ sẽ trở thành Kinh. Tiến trình Kinh hoá này đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Chưa tính đến sự áp đặt của quyền lực chính trị nhằm mục đích “đồng phục hoá” gương mặt quốc gia, tiến trình này đã và đang huỷ diệt những gì mà các cộng đồng thiểu số đã tích tụ được hàng ngàn năm qua.

Ánh mắt của những cậu bé chơi bắn bi bên đường quốc lộ, ánh mắt của hàng trăm đứa trẻ khác mà tôi đã gặp trong chuyến đi này ám ảnh tôi. Có lúc tôi phải quay mặt đi để không phải nhìn vào mắt chúng. Ở đó có cái gì đó vừa thân thương vừa xa lạ, vừa căm giận vừa tha thứ. Nó bàng bạc nỗi cô đơn và sự bí ẩn. Nó thách thức và độ lượng. Nó ẩn chứa uất ức. Đám trẻ con còn quá trẻ để có sự uất ức tự thân. Chắc hẳn đó phải sự uất ức của sự dồn nén bất công qua mấy thế hệ bị ngược đãi, bị khinh miệt, bị chà đạp.

Tôi vẫn nghĩ, hoà giải quốc gia và bảo tồn văn hoá thiểu số là sứ mệnh của thế hệ này. Nhưng chính tôi cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Tự dưng ý tưởng này đi qua đầu tôi: tôi sẽ trở lại Hà Giang, trở lại để nhìn thẳng vào những ánh mắt trẻ thơ đó.

Tôi tin là mình sẽ biết phải làm gì.

(Tôi viết cái note này để tặng Xuân Bình, người có những ưu tư như tôi. Cám ơn Xuân Bình đã đưa tôi lên Hà Giang.)



No comments:

Post a Comment

View My Stats