KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN TRẦN VŨ HẢI
Posted by diendanxahoidansu on 26/11/2013
KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN TRẦN VŨ HẢI
(Đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 giải thích
hai vấn đề quan trọng liên quan đến Cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam và
Điều 4 trong Dự thảo trước khi Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp)
Ngày 25/11/2013
Kính gửi:
– Ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy
ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
– Ông Uông Chung Lưu – Tiến sĩ Luật, Phó Chủ tịch Quốc
hội
- Ông Nguyễn Văn Hiện – Tiến sĩ Luật, Chủ nhiệm Ủy ban tư
pháp của Quốc hội
- Ông Phan Trung Lý – Tiến sĩ Luật, Chủ nhiệm Ủy ban pháp
luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Tôi – Trần Vũ Hải, hành nghề luật sư tại 81 phố Chùa Láng, quận
Đống Đa, Hà Nội và 66 Huỳnh Khương Ninh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh xin gửi
tới Quý Vị lời chào trân trọng và xin đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
cần giải thích những vấn đề sau liên quan đến Dự thảo này:
1. Theo các nhà lãnh đạo Đảng
cộng sản Việt Nam (“ĐCSVN”) và theo nội dung của Lời nói đầu trong Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp 1992, bản Hiến pháp dự kiến “Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của ĐCSVN”. Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của ĐCSVN (được bổ
sung, phát triển năm 2011 tại Đại hội XI), phần III, điểm 1 có ghi: “phân
định rõ quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và
quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm mọi tư liệu sản xuất
đều có người làm chủ”. Trong Cương lĩnh này, chúng tôi không thấy nội dung
yêu cầu một tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất đai nhất
thiết thuộc tài sản Nhà nước (hoặc toàn dân), tức mở ra khả năng nông dân trở
thành chủ sở hữu trên mảnh đất đang canh tác của mình, theo đúng chủ trương “người
cày có ruộng” của ĐCSVN mà vì thế hàng chục triệu nông dân đã ủng hộ, hi
sinh cho ĐCSVN.
Tuy nhiên, khoản 1 điều 54 Dự
thảo 4 (dự kiến thông qua vào ngày 28/11/2013) quy định: “Đất đai là tài
nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được
quản lý theo quy hoạch và pháp luật.” Vậy phải chăng quy định này không thể
chế hóa nội dung trong Cương lĩnh của ĐCSVN nhằm đảm bảo tốt hơn cho quyền về
đất đai của người dân, đặc biệt là nông dân Việt Nam?
2. Khoản 2, Điều 4, Dự thảo
Hiến pháp có đoạn: “ĐCSVN gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân
dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân
về những quyết định của mình”.
A. Vậy nhân dân giám sát
ĐCSVN như thế nào? Theo chúng tôi, sự giám sát của nhân dân có
thể được thực hiện theo những cách thức dưới đây:
(i) Nhân dân thông qua những
người đại diện không phải là đảng viên ĐCSVN quan sát các cuộc họp quyết định
những vấn đề quan trọng của ĐCSVN như họp Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung
ương Đảng, Đại hội Đảng và các cấp ủy địa phương.
(ii) Những người không phải là
đảng viên ĐCSVN được tạo điều kiện để phê phán công khai (trong các cuộc họp và
trên phương tiện thông tin đại chúng) các lãnh đạo và/hoặc chính sách của Đảng
nếu cho rằng những vị này đã có hành động hoặc có những chính sách đã gây hại
hoặc kìm hãm sự phát triển của đất nước. Các lãnh đạo Đảng phải tiếp thu, trả
lời trực diện và công khai những phê phán của nhân dân.
(iii) Thành lập một hệ thống cơ
quan chuyên giám sát Đảng và đảng viên từ trung ương xuống địa phương, với
những thành viên là những người không phải đảng viên.
Chúng tôi đề nghị Quý Vị cho
biết hình thức giám sát nào của nhân dân đối với Đảng sẽ được dự kiến?
B. Đảng chịu trách nhiệm
trước nhân dân về quyết định của mình cần được hiểu như thế nào?
Theo chúng tôi, có hai loại
trách nhiệm chính có thể được hiểu trong nội dung này. Đó là trách nhiệm chính
trị và/hoặc trách nhiệm pháp lý.
Chịu trách nhiệm chính trị có
thể được hiểu một trong hai cách:
(i) Toàn đảng chịu trách nhiệm,
có nghĩa nếu đảng cầm quyền trong thời gian cầm quyền không hành động theo đúng
nguyện vọng của đa số nhân dân, có nhiều chính sách thất bại gây ảnh hưởng đến
nhân dân, đất nước, đảng đó sẽ không nhận được tín nhiệm, thất cử, hoặc chấp
nhận từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước.
(ii) Nếu chính sách và việc
thực hiện chính sách của đảng có những sai lầm nghiêm trọng, thất bại gây hại
đến nhân dân, đất nước, đảng phải xin lỗi nhân dân, phải thay thế những cán bộ
chủ chốt của đảng đã làm sai, sửa đổi chính sách. Hồ Chí Minh đã từng thay mặt
Đảng Lao động Việt Nam làm như vậy khi có sai lầm trong cải cách ruộng
đất.
Trách nhiệm pháp lý thường được
hiểu là trách nhiệm hình sự và/hoặc trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, pháp luật
Việt Nam chưa quy định về trách nhiệm hình sự của tổ chức (nhiều nước trên Thế
giới đã quy định). Vậy phải chăng nếu có quyết định nào của Đảng gây thiệt hại
đến nhân dân, đất nước, Đảng phải chịu trách nhiệm dân sự? Nếu có trách nhiệm
dân sự đó, sẽ được truy cứu như thế nào?
Vậy chúng tôi rất mong Quý Vị
sẽ giải thích công khai rõ cho các đại biểu Quốc hội, các đảng viên của ĐCSVN
và những cử tri khác không phải là đảng viên ĐCSVN những vấn đề trên, trước khi
Quốc hội thông qua Dự án sửa đổi Hiến pháp 1992.
Trân trọng,
Công dân Trần Vũ Hải
—
* Xem:
Bài 5 Ngày
Pháp luật Việt Nam, Hiến pháp, Công ước về nhân quyền và Nguyễn Thanh Chấn,
Nguyễn Công Nhựt;
Bài 7 Những bài viết của LS
Trần Vũ Hải nhân Kỳ họp 6 Quốc hội Khóa 13
: THƯ CỦA LUẬT SƯ TRẦN
VŨ HẢI (V/v Phản ánh về một nội dung trong báo cáo của Viện
trưởng Viện Kiểm sát nhân dân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa gửi đến Quốc hội)
Bài 9: Đồng
tình với Chánh án Trương Hòa Bình, luật sư nhận trách nhiệm về oan sai và quyết
sửa sai.
No comments:
Post a Comment