Sunday, 10 November 2013

NGA MUỐN TÁI LẬP VỊ THẾ SIÊU CƯỜNG THẾ GIỚI (RFI Điểm Báo)




Lê Phước  -   RFI
Chủ nhật 10 Tháng Mười Một 2013

Từ sau khi Liên Xô sụp đổ hồi năm 1991, thế giới lưỡng cực đã chấm dứt sự tồn tại để tiến về phía đơn cực dưới sự độc tôn của Mỹ. Thế nhưng, thời gian qua, Nga đã dần phục hồi sức mạnh và muốn tái lập vị thế siêu cường thế giới. Người có vai trò quan trọng trong quá trình này là ông Vladimir Putin, cầm cương nước Nga từ 13 năm nay. Đó là nhận định của bài viết đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 11 này với dòng tựa : « Nga trở lại trên trường quốc tế ».

Tờ báo nhắc lại, từ năm 1996, mục tiêu trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga là cổ vũ cho một thế giới đa cực thoát khỏi giai đoạn đơn cực của Mỹ. Tổng thống Putin là người « thực tế », hiểu rõ khả năng hiện tại và tương lai của đất nước, đã tiếp nối chính sách này, và cũng hiểu rõ là phải cần có đồng minh để đa cực hóa thế giới. Và « đối tác chiến lược » số một của Nga chính là Trung Quốc.
Sự hợp sức của hai cường quốc này đã được thể hiện rõ ràng tại Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Trong rất nhiều hồ sơ : Syria, Iran, Libya hay Irak… Nga và Trung Quốc, với tư cách là thành viên thường trực có quyền phủ quyết, đã thường xuyên phản đối lập trường của Mỹ và hai đồng minh của Mỹ là Pháp và Anh.

Từ lâu, đã có nhiều nhà phân tích phương Tây dự đoán mối quan hệ Nga-Trung sẽ nhanh chóng sụp đổ do các nhà lãnh đạo Nga không lấy gì làm vui mừng trước sức nặng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới. Thế mà, Le Monde Diplomatique cho hay, hợp tác Nga-Trung ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực quan trọng : Kinh tế (Nga bán dầu hỏa và vũ khí cho Trung Quốc), chính trị (hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải), và quân sự (các cuộc tập trận chung thường niên).

Trong quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, Nga muốn tạo ra thế « tái cân bằng ». Tình hình có vẻ ngày càng thuận lợi cho Tổng thống Putin khi mà chỉ trong một thời gian ngắn như vừa qua, ông đã giành được chiến thắng trên hai hồ sơ Syria và NSA.

Đối với vụ nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA, không nước nào dám cho người mà Mỹ đang truy tìm là Edward Snowden tị nạn. Le Monde Diplomatique cho rằng, Mỹ gây sức ép nhiều chừng nào thì lại càng làm tăng oai phong của ông Putin chừng ấy. Bởi khi Nga chấp nhận chứa chấp Snowden, thì có nghĩa là trên thế giới này, Nga là nước hầu như duy nhất đủ khả năng và dám chống lại sức mạnh của Mỹ.

Còn trong hồ sơ Syria, theo Le Monde Diplomatique, đây mới là « thắng lợi thật sự » của Tổng thống Putin. Với đề nghị đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, Nga đã ngăn được Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự vào Syria, và đã cứu đồng minh Assad một bàn thua trông thấy.
Chiến thắng này của ông Putin còn được nâng cao giá trị hơn nữa khi mà nó dường như đã cứu chính ông Obama bởi những tính toán chưa chuẩn xác của Nhà Trắng : Đồng minh thân cận của Mỹ là Anh đã rút lui trước giờ nổ súng do sự phản đối của Quốc hội; sau đó Tổng thống Obama lại có nguy cơ hứng lấy một thất bại khác, đó là nguy cơ lưỡng viện Quốc hội Mỹ bác ý định tấn công Syria của Tổng thống Obama. Chưa hết, tại Thượng đỉnh G20 ở Saint-Petersbourg vừa qua, Nga lại một lần nữa chiến thắng Mỹ khi mà đa số các nước tham gia đều phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria.

Le Monde Diplomatique đặt câu hỏi : Có phải thời khắc đã điểm cho mục tiêu tái cân bằng mà Điện Kremlin đã tìm kiếm bấy lâu nay ? Có phải tham vọng tìm lại vị trí đáng kể trên trường quốc tế của Nga đang thành hiện thực ? Tờ báo cho rằng, chiến thắng của ông Putin, đặc biệt trên hồ sơ Syria, đang nuôi dưỡng cảm nghĩ rằng một thế giới đa cực có thể đang được « áp đặt » cho Washington.

Mỹ : NSA sẽ tiếp tục nghe lén
Đến với nước Mỹ, tuần san L’Express đăng bài xã luận nhận định rằng : « Mỹ sẽ tiếp tục nghe lén », cho biết, việc thu thập thông tin của NSA sẽ còn diễn ra.
Theo bài viết, tại Mỹ, nghị sỹ hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ở lưỡng viện Quốc hội hầu như đều ủng hộ việc bí mật thu thập thông tin của NSA. Bài viết nhắc lại, sau sự kiện 11/9/2001, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật chống khủng bố mang tên Patriot Act, trong đó có điều khoản cho phép chính phủ được bí mật thu thập mọi nguồn tin để phục vụ cho công tác chống khủng bố. Rồi năm 2007, quyền theo dõi lén nói trên được mở rộng cho các cuộc điện thoại và các thư từ trên Internet. Năm 2008, quyền này tiếp tục được mở rộng cho phép tình báo Mỹ được thu thập thông tin đối với các nước khác, bất kể là có hợp tác của nước sở tại hay không. Năm 2012, điều khoảng này được chính quyền Obama kéo dài thêm thời hạn 5 năm.
Châu Âu có thể buộc NSA ngừng theo dõi hay không ? L’Express cho là không. Tờ báo nhấn mạnh đến ba nguyên nhân để giải thích cho điều đó. Thứ nhất, đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký một cách tự do giữa Mỹ và các nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (như giữa NSA và Cơ quan tình báo Pháp-DGSE chẳng hạn). Thứ hai, chính các nước Châu Âu cũng theo dõi Mỹ. Thứ ba, ngay trong nội bộ Châu Âu cũng đã có sự chia rẽ, như trường hợp Cơ quan tình báo Anh đã hợp tác với tình báo Mỹ thu thập thông tin của các nước Châu Âu.
Tất cả cho thấy, NSA sẽ không chấm dứt hoạt động theo dõi, bởi vì, theo tờ báo, rõ ràng NSA « là một công cụ phục vụ cho sự độc tôn của Mỹ » trên thế giới. Thế nhưng, L’Express cũng cho rằng, vụ NSA cũng là một dấu hiệu cho thấy hiện tượng siêu cường Mỹ đang yếu đi và đang lo sợ mọi thứ.

Trung Quốc : Nguy cơ bất ổn xã hội luôn âm ỉ
Ngày 28/10 vừa qua, tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ba người Duy Ngô Nhĩ lái xe lao vào đám đông và cho phát nổ. Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích báo chí phương Tây cổ vũ cho ý định, theo đó, vụ việc xuất phát từ bất ổn xã hội hoặc do mâu thuẫn sắc tộc tại Tân Cương. Như để góp thêm tiếng nói, tuần san Le Courrier International số ra tuần này trích dịch bài viết của tờ Minh Báo (Ming Bao) tại Hồng Kong. Bài viết chạy dòng tựa đáng chú ý : « Thiên An Môn, địa điểm quan trọng để biểu thị sự phẫn nộ ».
Thiên An Môn là một địa điểm mang giá trị biểu trưng chính trị cao của Trung Quốc. Nơi đây đã chứng kiến sự thịnh suy của hai vương triều Minh và Thanh. Cũng tại nơi đây, vào năm 1949, Mao Trạch Đông đã tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đây cũng là nơi mà vào năm 1989 đã diễn ra cuộc thảm sát Thiên An Môn…
Và vụ tấn công tự sát nói trên tại Thiên An Môn cho thấy ý muốn của những người thực hiện : Muốn thu hút được sự chú ý không chỉ của Trung Quốc mà còn cả của quốc tế. Nguyên nhân của vụ việc, hiện có hai giả thuyết : Các phần tử li khai Duy Ngô Nhĩ chống chính quyền Trung Quốc, hoặc là hành động của những người dân bị chính quyền dồn vào đường cùng.
Minh Báo cho biết, theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng, thì một trong ba người Duy Ngô Nhĩ trên chiếc xe tấn công vào đám đông có cầm một lá cờ đen. Nếu đó là sự thật, thì đây là một vụ việc mang động cơ chính trị. Và đây cũng là một biểu hiện cho thấy sự leo thang trong hồ sơ xung đột sắc tộc và tôn giáo tại Tân Cương, và những người Duy Ngô Nhĩ li khai đẩy « chiến trường » đến tận Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tờ báo cũng nhấn mạnh đến nguyên nhân thứ hai, tức người dân tỉnh lẻ quá bức xúc về những bất công mà chính quyền địa phương đã gây cho họ, vì thế mới tìm đến tận Bắc Kinh mà hành động. Để minh chứng, tờ báo nhắc lại vụ việc một người đàn ông tàn tật gần đây đã cho nổ bom tại sân bay quốc tế Bắc Kinh. Từ khi Trung Quốc chuyển giao quyền lực hồi năm ngoái, dù ban lãnh đạo mới đã cam kết trừng trị tham quan, nhưng theo Minh Báo, tình hình dân oan không có gì cải thiện, và ở các địa phương, sự bất mãn của người dân tiếp tục dâng cao.
Vụ tấn công tự sát nói trên được thực hiện gần kề ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 3 của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tờ báo Hồng Kông nhân đó cảnh báo : Nếu những vụ việc tương tự lập đi lập lại như thời gian qua, thì điều đó cho thấy sự bất mãn của người dân đã lên cao đến mức nào, đòi hỏi nhà cầm quyền phải đặc biệt chú ý. Tờ báo nhấn mạnh : Nếu Hội nghị 3 này mang ra xem xét thấu đáo vấn đề nói trên, thì điều đó mới cho thấy chính quyền « không hoàn toàn lệch pha » với người dân.

Hai nhà báo Pháp bị sát hại tại Mali : Chính phủ bị chỉ trích?
Liên quan đến Pháp, tuần san Le Nouvel Observateur nhìn về vụ hai nhà báo của Đài phát thanh Quốc tế Pháp-RFI bị bắt cóc và bắn chết hồi tuần rồi tại Kidal-miền bắc Mali. Bài viết chạy tựa : « Những bí ẩn của một vụ thảm sát kép ».
Tờ báo nêu ra một sự trùng hợp đáng chú ý, đó là chỉ vài ngày trước khi hai nhà báo RFI bị bắn chết, thì 4 nhân viên của tập đoàn Areva của Pháp đã được các nhóm Hồi giáo bắt cóc tại miền bắc Mali trả tự do. Cả hai sự việc đều diễn ra ở khu vực Kidal.
Tờ báo đặt câu hỏi : Liệu có mối quan hệ nào giữa việc phóng thích nhân viên Areva và cái chết của hai nhà báo RFI ? Câu hỏi được đặt ra là bởi vì có tin đồn cho rằng, để chuộc tự do cho 4 nhân viên Areva, phía Pháp đã trả cho bọn bắt cóc tại Mali số tiền lên đến 20 triệu euro. Tờ báo có ý trách móc khi cho rằng, Tổng thống Hollande đã từng tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận trả tiền chuộc cho bọn bắt cóc, thế mà giờ đây lại có sự thay đổi bất ngờ này.
Tờ báo nhận định, việc trả tiền chuộc theo kiểu trên sẽ kích thích bọn bắt cóc tăng cường hoạt động bắt cóc để kiếm tiền, và sẽ làm tăng căng thẳng giữa rất nhiều nhóm Hồi Giáo cực đoan khác nhau ở miền bắc Mali trong việc tranh giành tiền kiếm được, khiến tình hình thêm phức tạp.
Bên cạnh bài viết, Le Nouvel Observateur còn đăng bài phỏng vấn chuyên gia nêu lên « những sai lầm của nước Pháp » trong hồ sơ Mali.

Xì căn đan cựu Bộ trưởng Nội vụ Pháp lan đến Malaysia
Cũng liên quan đến nước Pháp, tuần san L’Express đăng một phóng sự điều tra về cựu Tổng thư ký Phủ Tổng thống, cựu Bộ trưởng Nội vụ Claude Guéant với dòng tựa đáng chú ý : « Mịt mờ tại Kuala Lumpur ».
Mịt mờ là bởi vì trong hồ sơ Claude Guéant, các nhà điều tra Pháp đã tìm đến Kuala Lumpur, nhưng dấu vết người cần tìm vẫn còn mờ mịt. Số là các nhà điều đa muốn tìm ra nguồn gốc số tiền 500 000 euro của ông Claude Guéant. Số tiền này đã được ông Claude Guéant dùng vào việc mua một căn hộ tại trung tâm Paris khi còn đương chức.
Ông Claude Guéant khai nhận rằng số tiền có được là do ông bán hai bức tranh thế kỷ 17 mà vợ ông đã tậu được vào những năm 1990. Ông cho biết người mua là một luật sư Malaysia sống tại Kuala Lumpur. Thế nhưng, khi các nhà điều tra Pháp tìm đến đó, thì phải vất vả lắm mới tìm được văn phòng của đương sự. Nhưng văn phòng này rất nhỏ, lại nằm ở ngoại ô, lại được dùng chung bởi 5, 6 luật sư. Điều cho đã tạo nên nghi nghờ là vị luật sư này làm sao có đủ số tiền lớn như vậy để mua hai bức tranh của ông Claude Guéant.
L’Express cho biết, hiện các nhà điều tra đã có dấu vết của một cuộc chuyển tiền khoảng 500 000 euro từ Djbouti (Châu Mỹ) vào Kuala Lumpur. Rất có thể số tiền này được chuyển vào tài khoảng của vị luật sư Malaysia kia chăng ?

Malaysia : Chiêu bài sắc tộc giảm công hiệu
Nguyệt san Le Monde Diplomatique quan tâm đến đời sống chính trị của Malaysia với một bài phân tích khá dài chạy tựa : « Chính quyền chao đảo tại Malaysia ».
Tờ báo bàn về đảng Tổ Chức Dân tộc Mã Lai Thống Nhất cầm quyền từ năm 1957. Cách đây sáu tháng, đảng này lại thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội. Tờ báo nhắc lại, bấy lâu nay đảng này kiếm phiếu bầu bằng chiêu bài sắc tộc, tức làm dấy lên mâu thuẫn sắc tộc giữa cộng đồng người Mã Lai chiếm đa số (60%) với các cộng đồng thiểu số khác như người Hoa (25%) hay người Ấn (10%)…Tuy nhiên, chiêu bài này đã dần mất tác dụng. Mà trong hiện tại, theo tờ báo, nhiều người dân thuộc mọi thành phần sắc tộc đều có chung một mục tiêu là yêu cầu nhà cầm quyền tiến hành cải cách dân chủ.

Đức : Cho phép hay cấm mại dâm ?
Trong hồ sơ xã hội, tuần san Courrier International dẫn lại bài của tạp chí Emma tại Đức với dòng tựa : « Xóa bỏ tình trạng nô lệ mại dâm ».
Emma là một tạp chí đấu tranh cho nữ quyền tại Đức. Trong số ra tháng 11 và 12 vừa được phát hành, tờ báo đã chọn đăng dòng tít lớn trên trang nhất : « Chúng tôi đề nghị bỏ mại dâm ». Và lời kêu gọi của tờ báo đã nhận được gần 100 chữ ký trực tiếp của các chính trị gia và giới trí thức, cùng với hơn 3000 chữ ký qua mạng.
Lời kêu gọi được gửi đến Thủ tướng Đức Angela Merkel và Quốc hội đề nghị sửa đổi luật mại dâm mà nước này đã thông qua từ năm 2002. Theo luật, mại dâm được xem là nghề kiếm tiền bình thường như những nghề khác. Emma cho rằng, chính luật này đã khiến cho gái mại dâm tứ xứ đổ về Đức. Bởi theo thống kê, có đến từ 65% đến 80% gái mại dâm tại Đức là dân nhập cư. Họ đến Đức hành nghề hoặc vì nghèo khổ, hoặc vì bị bắt buộc bởi những kẻ kinh doanh thân xác phụ nữ. Từ đó, Đức đã trở thành « trung tâm của nạn buôn bán phụ nữ tại Châu Âu ».


No comments:

Post a Comment

View My Stats