Tuesday, 26 November 2013

NẠN BẠO HÀNH ĐỐI VỚI PHỤ NỮ Ở VIỆT NAM (Thanh Phương - RFI)




Thanh Phương   -  RFI 
Thứ hai 25 Tháng Mười Một 2013

Như mọi năm, hôm nay, 25/11/2013 là Ngày quốc tế diệt trừ bạo lực đối với phụ nữ. Nhân đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thực trạng bạo hành đối với phụ nữ ở Việt Nam và những giải pháp cần phải thực hiện để diệt trừ tệ nạn này, qua phần phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Phụ nữ và Trẻ vị thành niên ( CSAGA ), Hà Nội.

Ngày quốc tế diệt trừ bạo lực đối với phụ nữ đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức thiết lập trong nghị quyết được thông qua ngày 17/12/1999. Thật ra từ năm 1981, những nhà hoạt động về nữ quyền đã chọn ngày 25/11 là ngày chống bạo lực đối với phụ nữ để tưởng niệm ba chị em nhà Mirabal, những nhà hoạt động nữ quyền ở Cộng hòa Dominicana đã bị ám sát theo lệnh của Tổng thống nước này Rafael Trujillo.

Ngày 20/12/1993, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua Tuyên bố về diệt trừ bạo lực đối với phụ nữ. Thế nhưng, cho tới nay, tệ nạn này vẫn còn phổ biến ở nhiều nước, kể cả những nước dân chủ phương Tây như Pháp. Riêng tại Việt Nam, quốc gia vẫn mang nặng tâm lý “trọng nam khinh nữ”, nhiều phụ nữ vẫn là nạn nhân của bạo lực, mà chủ yếu là do bị chồng bạo hành.

Theo báo cáo nhân quyền Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố tháng 4 vừa qua, tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam là khá phổ biến. Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng : “Bản báo cáo năm 2010 của Liên Hợp Quốc cho thấy 58% phụ nữ đã kết hôn là nạn nhân của các hành vi bạo hành cơ thể, bạo lực tình dục hoặc bạo lực cảm xúc trong gia đình. Các cơ quan chức năng coi hành vi bạo lực gia đình là các vụ việc dân sự, trừ trường hợp nạn nhân bị thương tích lên tới hơn 11% (...) Nhiều phụ nữ vẫn chấp nhận cuộc sống hôn nhân bị bạo hành hơn là phải đối đầu với sự kỳ thị xã hội và gia đình cũng như e ngại về sự bất ổn về kinh tế ”.

Cũng theo báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, luật pháp Việt Nam quy định cụ thể các hành vi cấu thành bạo lực gia đình, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chính phủ và các bộ ngành khác nhau. Bên cạnh đó, luật cũng quy định các mức hình phạt từ cảnh cáo, quản chế đến ba năm, hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và các luật sư cho rằng nhiều quy định còn tỏ ra yếu kém và chính phủ không chịu công bố chính thức các số liệu về việc bắt giữ, truy tố, kết án và trừng phạt loại tội phạm này.

Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. Ở các thành phố lớn, có đường dây nóng được điều hành bởi các tổ chức phi chính phủ trong nước dành cho các nạn nhân, trong số này có Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Trẻ vị thành niên ( CSAGA ). Nhân ngày quốc tế diệt trừ bạo lực đối với phụ nữ, mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc của trung tâm CSAGA.

Nghe (10:24)  :  Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh  20/11/2013

---------------------------------------------



Đăng lúc 26 November 2013, 14:08 AEST

Một báo cáo về bạo hành đối với nữ giới đã cho thấy những thiệt hại về kinh tế do vấn nạn này tại Châu Á.
Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới cho biết hơn một phần ba nữ giới toàn cầu phải đối mặt với bạo lực ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống.
Tại một số nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, như Solomon Islands, con số này lên đến hai phần ba.
Ngày Nơ Trắng được tổ chức vào ngày 25 Tháng Mười Một hàng năm ở nhiều nơi trên thế giới nhằm kêu gọi quốc tế giảm thiểu bạo hành đối với phụ nữ.
Báo cáo mới của World Bank Group (WGB) chỉ ra rằng bạo lực đối với nữ giới còn tạo thêm gánh nặng kinh tế đối với quốc gia.
Giám đốc giới của WGB, cô Klugman cho ABC biết bạo hành xảy ra nhiều đối với phụ nữ dẫn đến làm việc kém hiệu quả, phụ nữ phải nghỉ làm việc và tạo sức ép lên hệ thống y tế, dịch vụ cộng đồng cũng như tòa án.


“Rõ ràng nó xâm phạm đến nhân quyền và là một vấn đề sức khỏe và xã hội lớn nhưng tôi còn nghĩ rằng rất quan trọng khi nhận ra rằng nó còn gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế,” cô nói.
Báo cáo của WGB cho thấy Việt Nam, Bangladesh và Uganda là những nước có tình trạng xấu nhất và cô Klugman nói hậu quả của nó lên GPD của những nước này rất đáng kể.
“Mức độ ảnh hưởng vào khoảng 1 đến 0,5% GPD… con số này gần bằng số mà hầu hết các chính phủ chi cho giáo dục tiểu học,” cô nói.
Cô Klugman cho biết những số liệu về ảnh hưởng của bạo hành giới đối với nền kinh tế sẽ giúp thuyết phục các nước trong khu vực có những hành động mạnh mẽ hơn để chống lại nó.
“Nhấn mạnh những tác hại và những thiệt hại về kinh tế, gánh nặng của nó đối với xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp, tôi nghĩ sẽ giúp thay đổi quan niệm này.”



No comments:

Post a Comment

View My Stats