Hữu Quả
Posted by diendanxahoidansu on 22/11/2013
Ai đã từng sống, hoặc có dịp đi
qua các tỉnh khúc ruột Miền Trung này; từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, vào đến Bình
Định, Phú Yên, Khánh Hòa; đều có thể nghe và nhớ hai câu lục bát truyền miệng,
từ bao đời, có ý nhắc nhở nhau cảnh giác, phòng chống thiên tai, rằng: “Ông
tha nhưng bà không tha / Chấn cho trận lụt hăm ba tháng mười”. (Hăm ba
tháng mười mà bà con đồng bào Miền Trung nói ở đây là, tính theo lịch âm). Có
nghĩa là, dù quy luật đã có sự xê dịch nào đó, nhưng trọng điểm của mùa mưa lũ,
chủ yếu vẫn xảy ra vào thời điểm này. Năm nay cũng vậy, không có gì là bất ngờ,
về yếu tố khách quan, của thời gian cả. Nhân dân các tỉnh Miền Trung, không chỉ
kiên cường trong chiến đấu; mà còn kiên cường và giàu kinh nghiệm trong đấu
tranh với thiên tai để tồn tại, trên một địa bàn thiên nhiên khắc nghiệt.
Với đặc điểm của một địa hình
hiểm trở, phức tạp; sông ngắn, độ dốc cao, khi gặp mưa to, nước như từ trên mái
nhà đổ hắt xuống, tạo nên dòng chảy mạnh. Tuy vậy, trước đây, khi rừng còn dày,
có tác dụng cản ngăn dòng chảy hiệu quả, nên lũ về từ từ. Ngày nay, hệ thống
rừng các tỉnh Miền Trung bị tàn phá nặng nề, do nhiều nguyên nhân, qua hệ thống
truyền thông, ai cũng đã biết cả rồi. Có thể ví, mỗi lần có mưa lớn, nước lũ
như một đội quân xâm lược hung hãn tràn về, không gặp lực lượng (cây rừng) ngăn
chặn, hoặc chỉ cản trở yếu ớt, bởi rừng đã thưa thớt; nước lũ cứ thế tự do tung
hoành, điên cuồng tàn phá, gây bao tai họa lớn, là đường nhiên.
Mấy ngày nay, qua
hệ thống truyền thông, tôi được biết; đợt lũ quái ác này, đã tàn phá Miền
Trung, một vùng đất nghèo, nặng nề và khốc liệt đến như thế nào; làm ai cũng
phải nao lòng, đồng cảm với bà con “khúc ruột” này! Theo số liệu thống kê chưa
đầy đủ, về thiệt hại ban đầu; đã có 41 người chết, 6 người mất tích và một số
bị thương; về tài sản, đã có hàng chục vạn ngôi nhà bị ngập sâu, bị sập, bị
cuốn trôi; hàng chục nghìn tấn thóc giống và lương thực dự trữ, bị trôi, bị hư
hỏng; hàng chục vạn gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm tuyến đường giao thông
dọc ngang, bị ngập ngâm lâu trong nước, bị sạt lở nặng; hàng chục cầu bị cuốn
trôi; về mùa màng, cây cối, ngoài hàng nghìn hec-ta lúa và hoa màu, bị tàn phá
nặng nề; phần lớn số giống đã mất, do bị nước cuốn trôi, gây khó khăn cho việc
khôi phục lại sản xuất sau lũ; diện tích bị ngập quá rộng, sẽ ảnh hưởng khó
khăn đến môi trường và dịch bệnh, sau khi lũ rút, rất đáng lo ngại. Nếu tính
giá trị thiệt hại, chỉ tính riêng tỉnh Bình Định, cũng đã 1.800 tỉ đồng.
Đối với Miền Trung, đây thực sự
cũng là trận lũ lịch sử; không chỉ về qui mô, mức độ bị tàn phá, bị thiệt hại
to lớn trước mắt và lâu dài; mà tính lịch sử của nó lần này, làm dư luận quan tâm
mạnh mẽ là; cùng với thiên tai, đó còn là có yếu tố nhân tai, do con
người gây nên, chứ không chỉ tại Ông Trời; rước thêm họa vào cho hàng triệu
người dân Miền Trung phải gánh chịu; đẩy số phận của bao con người ở đây, vào
một hoàn cảnh sống thật quá ư khó khăn và mong manh. Vì sao nói đợt lũ này có yếu tố nhân tai?
Bởi so sánh lượng mưa đo được của đợt lũ năm nay, chỉ từ 200 đến 400 ly. Trong
khi đó, lượng mưa đo được của đợt lũ lịch sử năm 1999, là từ 600 đến 900 ly.
Như vậy rõ ràng sự vô lý là, mưa không lớn, lại bị lụt to, và thiệt hại nghiêm
trọng hơn. Đợt lũ này không phải ông trời làm hung, mà do chính con người ích
kỷ và vô trách nhiệm gây ra, nên gọi nhân tai là chính xác. Nói về nhân
tai, tức nói về yếu tố trực tiếp hay gián tiếp, do con người gây ra, đối
với đợt lũ lịch sử này ở Miền Trung, thì có nhiều, chưa có điều kiện phân tích
đầy đủ. Ví như nạn tàn phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn, nghiêm trọng; rồi công
tác quy hoạch phát triển thủy lợi, nhất là các công trình thủy điện, bừa bãi,
tùy tiện, thiếu kiểm soát; và mỗi sai phạm trên những lĩnh vực này, không chỉ
là thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết; mà còn có cả bóng dáng lợi ích cục bộ, lợi
ích nhóm, gây thiệt hại không chỉ trông thấy cụ thể trước mắt, mà còn cả tương
lai lâu dài của vùng này.
Sau đây, tôi chỉ xin đề cập riêng một loại nhân tai trực tiếp, là
việc xả lũ của các công trình hồ đập thủy điện, trong khu vực có lũ, mà dư luận đang bức xúc, là tác nhân, là thủ
phạm, là nhân tai , đã góp phần không nhỏ gây nên đợt lũ quái ác này;
làm cho hàng vạn gia đình, hàng chục vạn con người Miền Trung, phải chịu khổ
sở, điêu đứng; trong này có người đã sớm bị thiệt mạng một cách oan ức, bất
ngờ, ngay từ những giờ đầu, khi mới có mưa to, lũ về. Bởi vì, trong khi lũ
nguồn đang về, thì các hồ đập thủy điện trong khu vực này đồng loạt xả lũ, tạo
nên cơn lũ kép khủng khiếp; làm cho đông đảo người dân trong vùng không kịp trở
tay; buộc họ phải lựa chọn bỏ của chạy lấy người, chịu mất sạch tài sản mà cả
đời chắt chiu gầy dựng nên. Thật là đau xót! Có những người nhiều tuổi, từng
dày dạn trải nghiệm, mà cũng phải kinh ngạc, hoảng hốt, vì chưa bao giờ họ gặp
lũ về nhanh đến thế, trong cuộc đời. Nhưng khi nghe biết rõ việc xả lũ bất ngờ
của các công trình thủy điện, đã tạo nên lũ chồng lũ, thì họ vô cùng phẫn nộ.
Lãnh đạo các địa phương, cũng tỏ ra bất bình cách làm vô trách nhiệm của các
ông chủ quản lý vận hành các công trình thủy điện, vì lợi ích cục bộ, mà coi
nhẹ tính mạng và tài sản của hàng vạn người dân trong khu vực, mà mình vốn được
cưu mang. Theo báo Tuổi Trẻ Online, ra ngày 18/11, thì cụm từ “xả lũ”, đối với
nhân dân Miền Trung, từ nay, đã trở thành nỗi ám ảnh. Còn báo Đà Nẵng, cũng số
ra cùng ngày, thì cho rằng, đợt lũ lụt này, không hoàn toàn do thiên tai, mà
được “tiếp sức” của cả con người. Như vậy đã rõ ràng, đợt lũ Miền Trung, có yếu
tố nhân tai, đó chính là do việc xả lũ thiếu có sự tính toán, chỉ đạo
chặt chẽ; hay nói một cách khác là, vô trách nhiệm đối với sinh mạng và đời
sống của nhân dân trong khu vực.
Bây giờ, tôi xin dẫn chứng thêm vài số liệu cụ thể, của cơ quan đáng tin
cậy, là Ban chống bão lụt Trung Ương; đến sáng ngày 17/11, có 13 hồ đập thủy điện cỡ lớn và vừa; ở khu vực, đã
xả lũ, với lưu lượng như sau: Công trình Sông Tranh 2 xả: 2046m3/s;
Đắk My 4A: 491m3/s; Sông Ba Hạ: 3400m3/s; Yaly: 740m3/s;
Sê San3: 680m3/s; Sê San4: 912m3/s; Sê San4A xả: 1724m3/s…Trong
khi trời đang có mưa rất to, thì hàng loạt hồ đập thủy điện lớn và vừa, đồng
loạt xả lũ, làm cho tình hình ngập úng thêm nghiêm trọng, là đã rõ ràng. Điều
đáng chê trách là, trong khi tính toán việc xả lũ không đúng, đang đe dọa
nghiêm trọng vùng lũ nặng; tiếng kêu thét của các nạn nhân từ trong vùng lũ;
đến các ý kiến phát biểu gay gắt, làm nóng lên ngay tại diễn đàn Quốc hội đang
họp; thế mà Bộ Công thương và các ông chủ giám đốc các công trình thủy điện,
vẫn cãi bay cãi biến, cho rằng, việc vận hành xả lũ làm đúng quy trình?! Tuy
nhiên, cần phải làm rõ thêm về chọn thời điểm xả lũ từng hồ đập; về sự phối hợp
với địa phương, thông báo cho nhân dân kịp chuẩn bị; không thể để việc xả lũ
kiểu “đánh úp” như vừa qua; và quy trách nhiệm, có hình thức sử lý sai phạm; kể
cả việc truy tố nếu xét thấy có cơ sở pháp lý, theo như ý kiến của các đại biểu
Quốc hội đề nghị.
Qua đợt lũ lụt tàn phá nặng nề,
gây tổn thất nghiêm trọng ở Miền Trung lần này; đã bộc lộ nhiều sai lầm, khuyết
điểm, không chỉ ở cấp chỉ đạo điều hành cụ thể; mà có thể khẳng định rằng, nó còn liên quan đến cả cấp
hoạch định chủ trương chính sách và lãnh đạo ở tầm nấc vĩ mô. Chúng ta
có thể dễ dàng tìm thấy, nghe thấy trong các văn kiện, đường lối, nghị quyết;
trong các chủ trương chính sách, trong các hội nghị hội thảo, cụm từ “phát
triển bền vững”. Cụm từ này thật hay, thật đẹp, bởi nó là yêu cầu số một
cho xu hướng phát triển của thời đại; dân tộc nào, đất nước nào không tôn
trọng, không tuân thủ, chỉ coi ký các cam kết quốc tế là xong; có khi còn sính
đem cụm từ này đi diễn thuyết, như là “mốt”; nhưng tư duy lại trống rỗng; nói
mà không làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo; chỉ quen với lối tư duy cũ kỹ ăn
sổi ở thì, “sống khóa”; chỉ biết lợi ích trước mắt, cục bộ, ích kỷ; mà không nghĩ
đến hậu quả lâu dài, do không lấy việc “phát triển bền vững”, làm trọng;
thì đất nước ấy, dân tộc ấy, sẽ luôn gặp khó khăn trong sự phát triển; bị tụt
hậu, và sẽ không có tương lai tốt đẹp; là điều chắc chắn, không còn phải nghi
ngờ gì nữa. /.
HỮU QUẢ (Nhà báo – đã nghỉ hưu)
No comments:
Post a Comment