Tuesday 12 November 2013

LỊCH SỬ - ĐÓ LÀ CÔNG CỤ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG NHÀ NƯỚC (Non Sông Gấm Vóc)




Thứ ba, ngày 12 tháng mười một năm 2013

Đổi tên một cuộc Cách mạng?

Năm nay kỷ niệm 96 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Đọc báo Nga khoảng tuần nay, thấy ngay trên quê hương của cuộc cách mạng này, có một số người đang tìm mọi cách để quên lãng nó, thậm chí đang cố tình đánh tráo khái niệm về cuộc Cách mạng này - sự kiện từng được coi là quan trọng nhất thế kỷ XX.

Hôm 31/10 vừa qua, Dự án bộ sách giáo khoa lịch sử thống nhất Nga đã được đệ trình lên tổng thống V.V.Putin, trong đó, các viện sĩ trong Hội đồng biên soạn đã gộp 2 cuộc Cách mạng Dân chủ tư sản tháng Hai và cuộc Cách mạng XHCN tháng Mười của năm 1917 làm một, gọi chung là Cuộc Cách mạng Nga vĩ đại (Великая российская революция).

Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga A.Chubaryan, giám đốc Viện lịch sử đại cương VHLKH Nga, phụ trách chuyên môn của Dự án cho rằng, việc đổi tên Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại thành Cuộc cách mạng Nga vĩ đại là làm theo cách mà... nước Pháp đã làm (!), và tên gọi này hàm chứa cả sự kiện cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai cùng năm đó.

Cùng suy nghĩ này, phó giám đốc Viện lịch sử Nga của VHLKH Nga, tiến sĩ khoa học lịch sử Sergey Zhuravlev trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình "Mưa"-"Дождь" cũng tuyên bố ráo hoảnh là họ làm theo cái kiểu mà "người Pháp đã nói như thế về cuộc cách mạng của mình". Ông này còn đưa thêm khái niệm "các giai đoạn của cuộc cách mạng" khá buồn cười như sau:

"Có Cuộc cách mạng Pháp vĩ đại, còn chúng ta có Cuộc cách mạng Nga vĩ đại năm 1917, nó diễn ra trong nhiều giai đoạn: sự kiện vào tháng Hai (trước đây gọi là cuộc cách mạng tháng Hai), sự kiện vào tháng Mười (trước đây gọi là Cách mạng tháng Mười) và cuộc nội chiến sau đó nữa, như là sự tiếp diễn của cuộc cách mạng. Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải đưa khái niệm Cách mạng tháng Mười vào bộ sách. Kết quả như các vị thấy đấy, trong đó có nói về Cuộc cách mạng Nga vĩ đại, được diễn ra qua mấy thời kỳ. Chẳng có từ "vĩ đại", mà cũng chả có từ" Xã hội chủ nghĩa" nữa".

Mình thấy thật kỳ lạ, nước Nga là nước Nga, hơn nữa lịch sử không thể nào chối bỏ vì đó là số phận của một dân tộc. Tại sao khi muốn giũ bỏ quá khứ, muốn thay đổi khái niệm, người ta lại phải vin vào một lý do hết sức ngớ ngẩn là...người Pháp cũng làm thế (!).

Mình nhớ năm 2007, ở nhiệm kỳ tổng thống thời đó, ông V.V.Putin đã hoàn toàn ủng hộ cuốn sách giáo khoa lịch sử mới được viết lại, thay thế những cuốn sách viết ra vào thời Liên xô mới sụp đổ đầu thập niên 90. Cuốn sách có đề cập đến những sự kiện xảy ra trong khoảng 60 năm gần đây và rất phù hợp với luận thuyết yêu thích của Kremlin : Nước Nga là một cường quốc và không có lý do gì để phải xấu hổ về quá khứ của mình.

Một bài báo thời gian đó đã viết:"Chính Kremli cũng đã khẳng định rằng họ hoàn toàn không có ý viết lại lịch sử, mà chỉ là sự sửa lại giọng điệu của những cuốn sách giáo khoa đã được xuất bản trong những năm 1990 – giai đoạn suy yếu của nước Nga và việc phê bình chính quyền Xô Viết đang được xem như là mốt thời thượng của giới quý tộc cầm quyền."

Cũng cần nói thêm, năm năm sau khi cơ quan lập pháp Nga quyết định áp dụng Ngày Hòa giải và Hòa hợp (4/11) thay cho Ngày Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười (7/11), ngày 11/4/2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký đạo luật Liên bang khôi phục Ngày kỷ niệm này từ năm 2010.

Cùng với 7 ngày tháng khác trong Luật mới được ký (như Ngày sinh viên, Ngày vũ trụ, Ngày đoàn kết chống khủng bố...), Ngày Cách Mạng Tháng Mười Nga là NGÀY KỶ NIỆM (день памяти) chứ không phải là NGÀY LỄ (Праздник). Ngày đó, theo đạo luật Liên bang, ghi chính xác là Ngày Cách mạng tháng Mười năm 1917 (День Октябрьской революции 1917 года).

Vậy đó, năm nay mới là năm thứ tư nước Nga có Ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười năm 1917 theo Đạo luật Liên bang, vậy mà đã có những người muốn đổi tên Cuộc cách mạng tháng Mười, đưa ra một tên gọi xa lạ trong cuốn sách giáo khoa dành cho học sinh ở đất nước này.

Không biết ý kiến của tổng thống Putin về việc này sẽ ra sao ?
Tác giả: hungmgmi@nuocnga.net

Lịch sử – đó là công cụ

Vào tháng 6/2007 tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với các thành viên tham dự Hội nghị các giảng viên các môn khoa học xã hội toàn Nga diễn ra ở Matxcơva đã thảo luận về sách giáo khoa lịch sử thế hệ mới sẽ ra sao. Điều gì có thể thay đổi trong việc giảng dạy môn lịch sử? Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, ông Andrei Fursenko chia sẻ với tạp chí Ogoniok.

- Thưa ông Andrei Aleksandrovich, chúng ta tập hợp các thầy giáo từ khắp nước Nga tới một cuộc hội thảo to lớn như thế để làm gì?

- Tôi cho rằng những cuộc gặp gỡ như thế là rất bổ ích, vì những cuộc gặp gỡ này cho chúng tôi khả năng giao lưu với các đồng nghiệp, chia sẻ tự do những ý kiến về các vấn đề nóng hổi trong cải cách giáo dục. Hiện nay trong các trường học Nga là một thời điểm quan trọng bậc nhất – chúng ta chuẩn bị thông qua các chuẩn mực đào tạo thế hệ thứ hai. Nói một cách đơn giản, giáo dục đang chuyển biến từ "một thứ đóng kín" thành một mô hình mở nhằm hướng tới nhu cầu xã hội bên ngoài. Thế thì các thầy giáo giảng dạy các môn khoa học xã hội có liên quan gì ở đây ư? Tôi tin tưởng rằng thế kỷ XXI của chúng ta sẽ là thế kỷ phát triển rực rỡ của các công nghệ nhân văn, điều này khác với thế kỷ XX – thế kỷ của vật lý và các khoa học chính xác. Ngày nay các nhà nhân văn đang đóng vai trò nổi bật xác định gương mặt của nước Nga mới. Mà nếu nói một cách hình ảnh thì lịch sử chính là hòn đá nền móng để xây dựng nhà nước trên đó. Lịch sử - đó là công cụ phát triển hệ thống nhà nước

- Chính vì thế mà người ta hay viết lại lịch sử của chúng ta quá …

- Vâng, lịch sử nước Nga – đó là một môn học rất phức tạp. Một thời gian dài môn học này giống như là con tin của nền chính trị nước Nga. Nhưng mặt khác, quốc gia phải chăm lo đến lịch sử của mình. Có thể nhại theo một câu ngạn ngữ để nói rằng, nếu như một quốc gia mà không chăm lo đến lịch sử của mình thì các nước khác sẽ chăm lo đến lịch sử ấy. Và đã có những cố gắng làm điều đó trong thời gian gần đây nhất. Nhưng nước Nga – đó là một đất nước tự nó đã đầy đủ, và nước Nga hoàn toàn có thể và phải tự mình giải quyết với lịch sử phức tạp của mình.

Ở đây hoàn toàn không có nghĩa là lại một lần nữa viết lại lịch sử, im lặng bỏ qua những sự kiện không phù hợp, hay là viết một cuốn sách duy nhất đúng với cách giải thích duy nhất đúng cho các sự kiện lịch sử. Tôi tin tưởng rằng ngày nay không thể áp đặt quan điểm đánh giá lịch sử hiện đại cho bất kỳ ai, trong đó có cả những quan điểm mà chính quyền hiện nay cho là đúng đắn. Không, trước hết chúng ta cần những sự kiện khách quan tối đa. Chúng ta cần phải nhận thức được chính mình, nhận thức được đất nước mà chúng ta đang sống trong đó. Chúng ta có mọi cơ sở để tự hào bởi đất nước của mình, và tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng để cho sách giáo khoa phải cung cấp những tri thức khách quan cho cả học sinh lẫn thầy giáo. Và cũng rất quan trọng – để cho những tri thức ấy phải giáo dục công dân của đất nước, mặc dù vẫn để cho họ tự do tư tưởng.

- Bộ trưởng nói rằng, Bộ Giáo dục không quan tâm đến việc xuất bản một cuốn sách giáo khoa duy nhất với phương án đúng của lịch sử. Vậy thì làm sao đạt được mục đích để cho bao nhiêu tác giả của các cuốn sách giáo khoa và giáo trình dùng trong trường phổ thông hành động theo hướng cần thiết (hay là hướng nhà nước thì cũng thế)?

Bộ Giáo dục Nga hiện tại đã xiết chặt hơn nữa các yêu cầu đối với sách giáo khoa. Tôi tin tưởng rằng số lượng sách giáo khoa có thể và phải là vài cuốn khác nhau, nhưng chúng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ, mà trước hết là tiêu chuẩn khách quan. Hiện nay chúng tôi đang mời các đại diện tốt nhất của nền khoa học lịch sử nước nhà làm công tác thẩm định sách giáo khoa. Những học giả này cần phải cắt bỏ khỏi các tài liệu giảng dạy những sai sót thực tế khủng khiếp, và phải làm cho sách giáo khoa không bị chính trị hóa. Hãy để cho các học sinh tự đánh giá quá khứ của đất nước mình.

Ý kiến độc giả

"Đối với trẻ em bây giờ lịch sử Tổ quốc Nga – đó toàn là những bi kịch và sự sợ hãi, dường như suốt 100 năm qua chẳng có điều gì tốt lành cả. Điều đó là không đúng, bởi vì tất cả trẻ em đều muốn tự hào bởi đất nước của mình".
Vladislav Golovanov, giáo viên, Yakutia
                                                      
"Người ta nói với chúng ta: các vị đã chối từ chủ nghĩa cộng sản và đang xây dựng nền dân chủ. Và chúng tôi sẽ phán xử các vị, về việc các vị sẽ xây dựng cái nền dân chủ ấy khi nào xong, và xây dựng như thế nào. Nhưng mỗi một quốc gia có nền văn hóa chính trị riêng của mình, điều này đúng cả ở nước Nga nữa, và không để ý đến nó thì chả làm được gì cả đâu!”
Leonid Polyakov, trưởng bộ môn chính trị học đại cương, Trường Đại học Kinh tế (ВШЭ).

"Ai kiểm soát được quá khứ thì người đó kiểm soát được hiện tại và tương lai".
Oksana Gaman-Golutvina, giáo sư Học viện Hành chính nhà nước Nga.
                                                                               
"Mặc dù có những trang ảm đạm trong giai đoạn đầu của Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, thì tất cả chúng ta vẫn có thể có một sự nhất trí, để viết về sự kiện này trong tư tưởng lòng yêu nước, và trách nhiệm công dân".
Aleksandr Chuburian, Viện trưởng Viện Lịch sử Thế giới, Viện Hàn lâm khoa học Nga.

"Cứ y như là thực hiện đơn đặt hàng về việc thủ tiêu cảm giác có lỗi, ngày nay từ lịch sử người ta vứt bỏ hết những gì không liên quan đến chuỗi chiến thắng vĩ đại".
Irina Shcherbakova, Giám đốc Trung tâm lịch sử truyền miệng và tiểu sử xã hội "Memorial"

Bản dịch của Nina (http://diendan.nuocnga.net/
Nội dung: Vladimir Tikhomirov (Ogoniok)
Được đăng bởi Viet Minh vào lúc 09:00


No comments:

Post a Comment

View My Stats