Sunday 3 November 2013

KẾT THÚC "MÙA TỰ TỬ" CỦA VIỆT NAM (Liên Hoàng - The New York Times)




Tác giả: LIÊN HOÀNG
The New York Times    01-11-2013

Người dịch: BT
Posted by diendanxahoidansu on 03/11/2013

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – Hầu như cứ mỗi mùa hè, người Việt Nam lại đọc được những tin tức mới nhất về những học sinh đã quyết định tự sát sau khi không thi vào được đại học. Điều này không gây bất ngờ cho mọi người. Tự tử rất phổ biến đến mức mà một trang web tin tức đã đặt tiêu đề cho bài viết với câu hỏi : “Có phải là mùa thi hay mùa tự tử ?

Trong suốt hai ngày của tháng Bảy , các học sinh thi ba môn dựa trên các lĩnh vực mà sau này họ sẽ vào học đại học. Ví dụ như với môn lịch sử, sẽ có một tập hợp các chủ đề khá là nhiều so với môn vật lý. Nội dung thi chủ yếu căn cứ vào việc đánh giá khả năng của mỗi học sinh nhớ được nhiều các sự kiện.

Một tháng sau đó, họ nhận được kết quả thi.

Đây là cuộc sát hạch duy nhất để xác định nơi các học sinh Việt Nam sẽ đến là giảng đường của trường đại học nào. Theo quan niệm của hầu hết các gia đình có con em đi thi cử, thì kỳ thi này cũng có thể xác định phần còn lại của cuộc đời họ . Áp lực lớn, đặc biệt là ở một đất nước mà nhiều sinh viên nghèo cần có tấm bằng tốt nghiệp từ một trường đại học tốt để leo lên tầng lớp trung lưu .
Khi tôi còn là một học sinh trung học ở California, tôi và bạn bè cũng đã phải cùng nhau tham gia ganh đua thi cử một cách sòng phẳng. Nhưng chúng tôi không phải chịu đựng áp lực như ở người Việt Nam.

Áp lực vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất của việc thi cử này. Mà có một thực tế là hệ thống thi cử – và số phận của học sinh – phải phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng bất hợp lý và thiếu kiến thức thật đáng buồn. Việc đáng giá học sinh chỉ dựa vào duy nhất một kỳ thi sát hạch mà không đếm xỉa gì đến những năm tháng học tập ở phổ thông trung học. Kỳ thi kiểm tra không phải là cách tốt nhất để đánh giá xem học sinh đã sẵn sàng cho việc học tập ở bậc cao hơn hay chưa.

Lớn lên tại Hoa Kỳ, tôi đã có được cảm giác thoải mái khi biết rằng các cán bộ tuyển sinh tại các trường đại học hằng mơ ước của tôi có cái nhìn nhìn xa hơn đối với hệ thống chấm điểm SAT (*) và hiểu rằng các kỳ thi không phải là thứ thước đo hoàn hảo cho trí thông minh. Các trường đại học ở Mỹ đều có hệ thống đánh giá về những hoạt động, việc làm ngoại khóa, các bản thuyết trình về quan điểm cá nhân, thư giới thiệu và các điểm số có được trong thời gian học trung học. Họ thậm chí còn xem xét về thiên hướng nghệ thuật qua những bức tranh do học sinh vẽ.

Các trường đại học của Việt Nam cần có tiêu chí đánh giá trong phạm vi rộng lớn hơn khi xét đoán về các học sinh sẽ thi tuyển. Tuy nhiên, thật không dễ để giảm bớt mức độ căng thẳng cho các kỳ thi đầu vào đại học. Với một tập quán tuyển mộ công chức cũ kỹ đã trải qua hàng thế kỷ, Việt Nam từ lâu vẫn xem trọng những đánh giá con người đã được tiêu chuẩn hóa.

Một cán bộ của trường đại học nói với tôi rằng họ không thể thoát khỏi cách thi cử lâu nay cho đến khi có được sự kiểm soát chất lượng học tập ở cấp trung học. Năm 2010 đã có một kế hoạch để loại bỏ các kỳ thi tuyển đại học, thế nhưng rồi nó đã bị hủy bỏ, một phần vì mối lo về các vấn đề đại để như tình trạng thổi phồng thành tích học tập sẽ xảy ra tràn lan.

“Các trường trung học chấm điểm một cách hào phóng cho học sinh của mình cốt để giúp chúng vào được các trường đại học hàng đầu”, bà Ngô Thị Phương Lan , phó hiệu trưởng của một trong những trường danh tiếng nhất nước, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Tình trạng dối trá trong chấm điểm tạo cơ sở cho một loạt các vấn đề tiêu cực nảy sinh. Các giáo viên thường xuyên bị mua chuộc. Họ tổ chức các lớp “tự nguyện” sau giờ làm việc, nơi họ tính lệ phí và ban phát các tài liệu tiết lộ cách làm bài cho các kỳ thi kiểm tra. Tình trạng gian lận xảy ra tràn lan, đôi khi với sự giúp đỡ của các nhà giáo dục.

Kỳ thi tuyển sinh đại học cũng cho thấy sự bất bình đẳng đến ngao ngán trên đất nước này. Các vụ tự tử thường là rơi vào hoàn cảnh của các học sinh tỉnh lẻ, nghèo hơn so với các bạn ở đô thị. Các học sinh bị điểm thi thấp nhưng khá giả hơn thì có điều kiện để có thể chờ đợi thêm một năm và tiếp tục một cuộc thử thách thi cử khác. Họ cũng có thể đủ khả năng để theo học các lớp bổ sung để chuẩn bị, tựa như các khóa học dự bị SAT tại Hoa Kỳ, chẳng khác gì việc góp phần tạo nên những điểm số chênh lệch có lợi cho những người giàu.

Hiện chính phủ đang hướng tới mục tiêu để đến năm 2020, thì có thể cho phép một số trường đại học giảm bớt sức ép của các kỳ thi tuyển và nhận học sinh dựa trên kết quả học tập ở bậc phổ thông trung học. Có kế hoạch vào năm 2016 sẽ đơn giản hóa việc thi tuyển bằng cách giảm bớt môn thi và tiến hành chỉ trong một ngày, chứ không phải là hai (góp phần giảm bớt mức độ căng thẳng). Thế nhưng những cải cách đó vẫn sẽ không thể buộc các trường đại học đánh giá một cách toàn diện các ứng viên của mình được.

Nhiều người Việt Nam tỏ ra khó chịu trước việc phải thừa nhận hiện tượng đó, họ có nhiều điểm chung với Trung Quốc – những kẻ đã cai trị họ trong suốt 1.000 năm – ít nhất là khi bàn đến giáo dục. Các kỳ thi vào đại học, thứ thúc đẩy lối học thuộc lòng làm cạn kiệt đi tư duy phê phán chính là một nỗi ám ảnh tầm cỡ quốc gia cho cả hai nước này. Nhờ chính sách một con của Trung Quốc và các cuộc vận động tương tự tại Việt Nam, các hộ gia đình ít con giảm được bớt gánh nặng để có thể làm tốt hơn cho việc nuôi dạy con trẻ.

Ở Trung Quốc, có một cuộc trao đổi chính thức về cải cách toàn bộ hệ thống thi cử trên toàn quốc, được gọi là “gaokao”, với mục đích giúp các trường đại học cũng có thể đưa vào bảng tiêu chuẩn của mình các phẩm chất khác của ứng viên. Nếu Việt Nam cũng bắt chước cách làm này, thì các trường đại học ở đây có thể có sự linh hoạt hơn trong việc tuyển sinh. Kế đó, họ có thể cho phép học sinh được tự do hơn để trở thành con người học tập giỏi toàn diện – thay vì chỉ là một thí sinh xuất sắc.

Lien Hoang là một cây viết chuyên về Đông Nam Á

Bản tiếng Việt © Diễn đàn Xã hội Dân sự 2013

* SAT: là một trong những kỳ thi chuẩn hóa (nghĩa là mỗi đợt thi đều có dạng thức đề thi giống nhau) cho việc đăng ký vào một số đại học tại Hoa Kỳ. Kỳ thi SAT được quản lý bởi tổ chức phi lợi nhuận College Board của Hoa Kỳ, và được phát triển bởi tổ chức ETS - Educational Testing Service (tổ chức giáo dục chuyên về dịch vụ thi cử) … (Xem chi tiết – Wikipedia).





No comments:

Post a Comment

View My Stats