Hoàng Nhất Phương
Thứ Bảy, 16/11/2013
Mở đầu tác phẩm "Đêm
Giữa Ban Ngày," nhà văn Vũ Thư Hiên viết:
"Tôi tặng cuốn sách này
cho: Những người con của nước Việt đã cống hiến đời mình cho một nước Việt Nam
độc lập, tự do và dân chủ. Hương hồn cha tôi, và những người cộng sản đã chết
bởi tay các đồng chí của họ. Mẹ tôi,người dạy tôi sống không cúi đầu. Vợ tôi,
người cùng tôi chia sẻ vô vàn khốn khó, trong những năm tháng đen tối của đời
tôi. Các bạn tù của tôi, cộng sản cũng như không cộng sản. Các thế hệ sau tôi,
hy vọng họ sẽ không bao giờ phải sống như tôi đã sống, dưới bất cứ gông cùm
chuyên chế nào."
Tác giả đề tặng gia đình, đề
tặng những người con của nước Việt lời trái tim ông muốn nói về cuộc hành trình
đau đớn của riêng ông - một người thật tin vào lý tưởng cộng sản, để rồi bị
chính lý tưởng của mình bách hại truy sát. Khi tận mắt chứng kiến sự dối trá
điên đảo trong hàng ngũ của những người đồng chí, niềm tin thủy chung son sắt
của ông bỗng lụn tàn. Vũ Thư Hiên hoài nghi chủ nghĩa đại đồng, hoài nghi những
"giáo điều" mà chế độ đặt ra để bịt mắt người dân, buộc họ
phải "sống, chiến đấu, học tập" theo gương của một kẻ mà ông
đã cay đắng thốt lên: "Bây giờ tôi mới hiểu: Thì ra con người đối với
Hồ Chí Minh không là gì cả...Con người là vốn quý nhất, tôi từng nghe ông nói
với mọi người trong lần gặp anh hùng La Văn Cầu ở Thác Dẫng, mùa thu năm 1950.
Staline cũng nói thế. Mao Trạch Đông cũng nói thế. Mà đúng: Con người chỉ là
vốn thôi, để kinh doanh cái gì đó. Khi là vốn nó thôi là người. Trong hành xử
ông là một diễn viên kỳ tài, như sau này tôi được biết. Cha tôi có kể chuyện
khi đi thăm bức tường công xã Paris ở nghĩa trang Père La Chaise (1946), có các
quan chức Pháp tháp tùng, ông Hồ sụt sùi khóc, lấy khăn tay thấm nước mắt. Trở
về khách sạn, cha tôi hỏi làm sao ông khóc được, ông trả lời: 'Mình làm chính
trị, khi cần khóc phải khóc được, khi cần cười phải cười được, mới làm chính
trị được chứ.' Cha tôi có ghi lại việc này trong hồi ký 'Tháng Tám Cờ Bay
'." [trang 459]
Nhà văn Vũ Thư Hiên sinh ngày
18 tháng 10 năm 1933, là con trai của ông Vũ Đình Huỳnh, một bí thư thân cận
của ông Hồ Chí Minh. Thời thơ ấu ông từng gần gũi, từng yêu mến và ngưỡng mộ Hồ
chủ tịch, từng hân hoan nhìn màu cờ đỏ búa liềm của đảng cộng sản tung bay ở
miền Bắc. Xuyên suốt 768 trang hồi ký, người đọc rất khó tìm thấy một nhận xét
riêng nào của tác giả về ông Hồ, trong khi ông gần như ghi chép lại toàn bộ
những lời nhận xét của người khác - cả nhận xét của cha mẹ ông - về "bác
kính yêu." Khi cha ông bị bắt, ông Hồ làm ngơ không can thiệp, mẹ ông
đã bảo: "Lòng người khôn lường, con ạ! Mới biết không thiếu gì kẻ quên
đạo làm người khi ngồi vào ghế vương giả." [trang 28] Phải chăng vì
nguồn tình cảm đơn thuần trong sáng của tháng năm thơ bé còn đọng nguyên nếp
trong tâm hồn, nên nhà văn Vũ Thư Hiên buồn không thiết nói, chỉ tự cảm thán:
Có những điều dẫu nói ngàn câu cũng không đủ, nhưng chỉ cần thinh lặng nhìn
những bằng chứng hiển nhiên cũng đủ lắm rồi! Ông âm thầm dùng văn tài ghi lại
lời của song thân và lời của biết bao nạn nhân khác, để vạch mặt chỉ tên Hồ Chí
Minh - kẻ quên đạo làm người - và tập thể lãnh đạo độc tài của ông ta.
Không riêng gì nhà văn Vũ Thư
Hiên, bất cứ ai vì cả tin chế độ cộng sản, phải trở thành nạn nhân sống không
bằng chết bởi gông cùm chuyên chế của nhà nước đảng trị, chắc chắn sẽ vô cùng
đau đớn.
Từng bị tù tội, từng chứng kiến
cảnh bắt giữ, giết hại dân lành trong chính sách cải cách ruộng đất năm 1953.
Những điều tác giả viết ra khiến người đọc vừa hoảng sợ, vừa cảm thương số phận
bi thảm của dân oan bị đấu tố: "Tôi kinh hoàng nhìn cảnh tượng không
hiểu nổi: nườm nượp lướt qua mắt tôi từng bầy đàn người bị kích thích bởi mùi máu, hăm
hở đi dưới lá cờ đỏ sao vàng không phải để chiến đấu với quân xâm lược, mà với
chính đồng bào mình...Người ta lấy gai cắm vào đầu ngón tay một cô gái, có trời
biết cô ta bị tội gì, có thể cô ta chỉ có tội là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi
lại cắm cái gai sâu thêm một chút, làm cho cô ta rú lên vì đau, quằn quại trong
dây trói. Một cụ già tóc bạc phơ bị tròng dây vào cổ, bị lôi xềnh xệch trên
đường như một con chó. Lũ trẻ làng rùng rùng chạy theo sau. Chúng vỗ tay, chúng
reo hò, chúng cười ngặt nghẽo. Tôi nhìn chúng rùng mình - những đứa trẻ này
chắc chắn sẽ lớn lên với trái tim không phải của giống người. Rồi đây với tâm
hồn chai sạn, làm sao chúng có thể sống chung với những anh em khác màu da và
tiếng nói, trong một thế giới đại đồng mà chủ nghĩa Cộng Sản hứa hẹn?" [trang 32-33]
Ngoài hai phần "Tự
Bạch" và "Thay Lời Nói Cuối," toàn bộ quyển "hồi
ký chính trị của một người không làm chính trị" từ Chương 1 đến Chương
41 viết về những điều xảy ra giữa tác giả và người cai ngục trong nhà tù cộng
sản; các cuộc tra hỏi bức cung liên quan đến những ai bị khép vào tội chống
đảng; thủ đoạn tàn nhẫn mà những người đồng chí dùng để đối phó với nhau; những
chính khách bù nhìn và những nhân vật thật sự khuynh đảo chế độ đảng trị tại
miền Bắc. Có thể nói "Đêm Giữa Ban Ngày" là bản tấu chương
không chỉ ghi lại từng bước vong thân của nhà văn Vũ Thư Hiên, mà còn là biên
niên sử viết về một xã hội “không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ," như lời của nhà thơ Trần Dần. Xã hội ấy đến bây giờ
vẫn bầy đàn, vẫn thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến, vẫn khiến
người dân Việt phải ca thán: "Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa.
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi," như từng câu chữ trung thực khẳng
khái của Bùi Minh Quốc.
Hoàng Nhất Phương
4:14am Chủ Nhật ngày 3 tháng 11
năm 2013
No comments:
Post a Comment